Phong Trào đấu Tranh Cách Mạng Của Quân Và Dân Xã Đa Chais ...

I. TÌNH HÌNH CHUNG SAU KHI HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ ĐƯỢC KÝ KẾT

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết. Hoà bình được lập lại trên cơ sở Chính phủ Pháp và các nước tham dự Hội nghị công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền: miền Bắc (từ vĩ tuyến 17 trở ra) hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ khôi phục phát triển kinh tế và thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, để trở thành cơ sở vững chắc cho sự nghiệp hoà bình, thống nhất đất nước. Miền Nam tạm thời đặt dưới quyền quản lý của chính quyền ngụy Sài gòn và quân đội Pháp.

Mỹ chống lại việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, nhưng khi Hiệp định được ký kết thì Mỹ coi Hiệp định là một cơ sở mở đường cho chúng hất cẳng Pháp nhảy vào thực hiện chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Từ tháng 6 năm 1954, Mỹ ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm được Mỹ nuôi dưỡng về làm Thủ tướng thay Bửu Lộc, lập bộ máy tay sai của Mỹ ở miền Nam, chuẩn bị cho Mỹ thay Pháp, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới hòng chia cắt và thống trị lâu dài đất nước ta.

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng lần thứ 6, từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 5 năm 1954 và nhận định: sau 9 năm kháng chiến, quân và dân ta đã thu được nhiều thắng lợi lớn; phong trào hoà bình thế giới lên cao; đế quốc Pháp ngày càng suy yếu và lệ thuộc vào Mỹ; Mỹ càng can thiệp sâu vào Đông Dương, âm mưu biến Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng ở Đông Nam Á. Đế quốc Mỹ đã trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương.

Ngày 5 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp ra Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng. Đối với công tác miền Nam, Bộ Chính trị xác định: “Nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam trong giai đoạn hiện tại là: “Lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hoà bình, thực hiện tự do dân chủ (tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do đi lại v.v…)”. Các nghị quyết của Đảng cũng chỉ rõ cuộc đấu tranh của nhân dân ta để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc còn gay go, gian khổ.

Một thời kỳ cách mạng mới với những nhiệm vụ vô vùng nặng nề, khó khăn và phức tạp, từ năm 1957 chính quyền Ngô Đình Diệm phát động chiến dịch “thượng du vận” nhưng thực chất là chúng tiến hành “tố cộng” ở miền núi và Tây Nguyên. Mục tiêu của chúng là “đánh mạnh, nhổ sạch cơ sở cách mạng”, “lấy người dân tộc trị người dân tộc” nhằm xoá bỏ mọi ảnh hưởng của Đảng, của cách mạng trong đồng bào dân tộc và đánh phá các căn cứ của ta. Mặt khác, chúng ban hành chính sách “tiến bộ, bình đẳng” nhằm mua chuộc lừa mỵ đồng bào và thực hiện âm mưu chia rẽ Kinh - Thượng.

Sau khi tổ chức tổng tuyển cử riêng rẽ, bầu “Quốc hội lập hiến” và ban hành hiến pháp mới, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành tổ chức lại các đơn vị hành chính. Ngày 19 tháng 5 năm 1958 ban hành Sắc lệnh số 261/NV thành lập tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận: Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương; Thị xã Đà Lạt là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Từ tháng 5 năm 1958 đến tháng 7 năm 1961, tỉnh Tuyên Đức đặt dưới sự điều hành của tỉnh trưởng Tuyên Đức kiêm thị trưởng Đà Lạt.

Về bộ máy hành chính, quận Lạc Dương gồm có 3 tổng: Tổng Phước Thọ, Tổng Đa Tân và Tổng Nhân Lạc, Tổng Nhân Lạc có 2 xã là Killplagnol hạ và xã Lát, các buôn thuộc xã căn cứ Đạ Chais thuộc xã Killplagnol hạ.

Từ năm 1954 đến năm 1959, trong vùng đồng bào dân tộc Lạc Dương, địch tập trung củng cố bộ máy chính quyền ở xã, ấp; xây dựng lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu, đồng thời phát triển mạnh tôn giáo, nhất là đạo Tin lành ở vùng Tây Bắc và đạo Cơ đốc Phục Lâm ở vùng Đông Bắc.

Về phía ta, sau khi thực hiện xong việc chuyển quân tập kết, từ năm 1955 đến năm 1959, Liên tỉnh ủy 3[1] đã cử nhiều cán bộ, đảng viên lên hoạt động hợp pháp ở Đà Lạt và một số vùng dọc theo đường 20, 21 với nhiệm vụ liên lạc, móc nối với những cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và từng bước phát triển thêm cơ sở mới, tạo điều kiện để đưa lực lượng vũ trang từ đồng bằng lên hoạt động.

II. THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG MỞ VÙNG VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ CÁCH MẠNG

Giữa lúc cách mạng miền Nam đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, trải qua thời kỳ đen tối (1955-1959). Tháng 01 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II tiến hành hội nghị lần thứ 15 đã đề ra Nghị quyết quan trọng về đường lối cách mạng miền Nam “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.

Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, mở đường cho cách mạng miền Nam chuyển lên thế tiến công mới, chính trị vũ trang kết hợp, bằng cả chính trị, quân sự và binh vận, vừa khẩn trương mở rộng địa bàn, xây dựng căn cứ chiến lược ở miền núi, xây dựng lực lượng vũ trang, vừa duy trì phát triển đấu tranh chính trị.

Để xây dựng Tây Nguyên thành căn cứ vững chắc của cách mạng miền Nam, tạo bàn đạp nối thông đường hành lang chiến lược từ miền Bắc vào Nam Bộ. Tháng 3 năm 1959, Bộ Chính trị ra Chỉ thị “về nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng Tây Nguyên”. Bộ Chính trị xác định: Tây Nguyên là căn cứ chính của miền Nam, trong đó vùng Nam Tây Nguyên có vị trí quan trọng nhất đối với địch, cũng là nơi giữ vị trí cơ động của ta giữa Nam và Trung bộ, giữa Tây Nguyên với Sài Gòn và Chợ Lớn, vì vậy hướng chính phải nỗ lực xây dựng là phía Nam.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ giữa năm 1959, Trung ương đã tăng cường nhiều đoàn cán bộ quân sự, chính trị vào Tây Nguyên làm nhiệm vụ mở đường hành lang nối Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và các tỉnh Cực Nam, các đội vũ trang tuyên truyền hoạt động trên 3 hướng, trong đó có hướng của Liên tỉnh ủy 3 từ bàn đạp Bác Ái ( Ninh Thuận ) phát triển lên Lạc Dương (Tuyên Đức) nhằm thực hiện chủ trương bắt liên lạc với lực lượng của Liên tỉnh 4[2] từ Đắc Lắc phát triển xuống.

Cuối năm 1959, Liên tỉnh ủy 3 tổ chức hai đội công tác gồm các đồng chí cán bộ tập kết từ miền Bắc nay trở lại chiến trường cũ hoạt động và được bố trí hoạt động trên hai hướng:

Hướng thứ nhất do đồng chí Đinh Sĩ Uẩn phụ trách gồm 7 đồng chí: Đinh Sĩ Uẩn, Lê Văn Tĩnh, Hoàng Quốc Bích và Nguyễn Lưới là cán bộ từ miền Bắc vào, cùng với 3 đồng chí cán bộ người dân tộc Rắc Lây (Rag Lai) thuộc đại đội 112 bổ sung. Nhiệm vụ của đội là xây dựng vùng Bố Lang (Khánh Hoà) thành bàn đạp để phát triển lên hướng Đông Bắc thị xã Đà Lạt, tạo điều kiện mở phong trào lên hướng Tây Bắc giáp tỉnh Đắc Lắc.

Hướng thứ hai do đồng chí Nguyễn Lâm phụ trách gồm có 6 đồng chí: Nguyễn Lâm, Lê Trọng Kỳ, Nguyễn Mai và các đồng chí Thi, Thủy, Danh. Lấy bàn đạp Anh Dũng, Tương Phúc (Ninh Thuận), đội có nhiệm vụ mở phong trào lên phía Nam huyện Đơn Dương, từ đó phát triển sang Đức Trọng.

Cùng phối hợp với đội công tác huyện Bác Ái, do đồng chí Lê Viết Hằng (tức Ama Pui) phụ trách, đội công tác của đồng chí Đinh Sĩ Uẩn đã thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở, mở phong trào vùng Bố Lang, thành lập các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ, hình thành lực lượng du kích làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn buôn làng bằng mang cung, cạm bẫy, hầm chông, từng bước đi vào thế bất hợp pháp chống địch gom dân lập ấp chiến lược.

Khi mọi hoạt động ở buôn Bố Lang đang từng bước đi vào nề nếp thì địch phát hiện, chúng cho lực lượng tập kích đội công tác, đồng chí Lê Văn Tĩnh đã anh dũng hy sinh.

Chuẩn bị cho phương án công tác mới, lực lượng đội công tác được Liên tỉnh ủy 3 bổ sung thêm 3 đồng chí, vận động được 6 chiến sĩ người dân tộc, trong đó có 3 đồng chí người dân tộc Rắc Lây và 3 thanh niên ở Bố Lang.

Từ cơ sở mối quan hệ của đồng bào buôn Bố Lang, đội công tác đã tìm cách tiếp xúc với đồng bào ở các buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si, qua tuyên truyền, vận động giáo dục từng bước gây dựng cơ sở cách mạng. Rút kinh nghiệm từ việc xây dựng phong trào ở buôn Bố Lang, đội công tác của đồng chí Đinh Sĩ Uẩn tiếp tục phát triển lên Tuyên Đức theo hai hướng.

Hướng thứ nhất, do ông Hà Giang và anh Mang Lai là cơ sở cách mạng ở buôn Bố Lang dẫn đường bắt liên lạc với ông già Tư ở buôn Đưng K’Si, sau khi được tuyên truyền giác ngộ cách mạng ông già Tư đã vận động người thân trong gia đình và một số bà con họ hàng đi theo cách mạng.

Hướng thứ hai, do ông Hà Tang (tức cha Ka Mai) dẫn tổ công tác gồm các đồng chí Hoàng Quốc Bích, Cao Minh Tự và Hà Xê lên vùng Đồng Mang, Đạ Tro. Sau hai đêm bám rẫy, anh em đội công tác mới gặp được anh Hà Nhan và cha Ka Ba, được tiếp xúc với cán bộ cách mạng, qua giáo dục, thuyết phục Hà Nhan và cha Ka Ba trở thành cơ sở cách mạng làm nhiệm vụ tuyên truyền gây dựng thêm nhiều cơ sở mới.

Sau một thời gian hoạt động ở các buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si, những kết quả ban đầu đạt được đã chứng tỏ địa bàn này có thể bám trụ để xây dựng phong trào và làm bàn đạp phát triển ra các buôn khác.

Tháng 6 năm 1961, Liên Tỉnh uỷ 3 quyết định chuyển đội công tác đồng chí Nguyễn Lâm lên tăng cường cho đội công tác của đồng chí Đinh Sĩ Uẩn. Nhiệm vụ của đội là tiếp tục xây dựng phong trào ở các buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si làm bàn đạp tiến lên hướng Đầm Ròn (Dam Ròng). Sau khi được bổ sung lực lượng đội công tác chia thành hai bộ phận đảm nhiệm hai chức năng xây dựng và củng cố cơ sở.

Bộ phận đi trước làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng tham gia cách mạng, khống chế bộ máy tề, thuyết phục giáo dục các mục sư, thầy giảng và thành lập ban tự quản ở các buôn.

Bộ phận đi sau làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố chính quyền tự quản.

Kể từ giữa năm 1961, phong trào mở mảng, xây dựng cơ sở cách mạng từ các buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si đã phát triển lên Rơ Hàng Ja, Tân Tây Ló, KLong, Liêng Trang, Yơn Glê Tô, Yơn Glê Dìh, Lơ Hir. Đến tháng 01 năm 1961, bộ phận công tác của đồng chí Đinh Sĩ Uẩn bắt liên lạc được với đội công tác của Liên tỉnh 4 tại buôn KLong bên bờ sông Krông Nô (Krong Kơ Nô). Cũng trong khoảng thời gian đó, bộ phận công tác của đồng chí Nguyễn Lâm tiếp tục mở phong trào qua vùng Đầm Ròn lên phía Pang Tang và nối liên lạc được với đội công tác của đồng chí Nguyễn Xuân Khanh vào tháng 2 năm 1961. Việc gặp gỡ nối thông liên lạc giữa các đội công tác của hai Liên Tỉnh uỷ là một trong những yếu tố quan trọng cho kế hoạch thành lập Khu ủy Khu 6 và Tỉnh uỷ Tuyên Đức sau này.

Như vậy, đến giữa năm 1961 hàng trăm cơ sở cách mạng đã được xây dựng trong nhiều buôn đồng bào dân tộc huyện Lạc Dương từ Đồng Mang, Đạ Tro lên Đầm Ròn, Rô Men (Roh Mèn), hình thành một vùng giải phóng rộng lớn với trên 6.000 dân, thành lập các tổ chức tự quản để củng cố phong trào và phát triển đời sống nhân dân, nối liền vùng giải phóng của tỉnh Đắc Lắc, nối thông đường hành lang chiến lược Bắc - Nam từ Đắc Lắc qua Tuyên Đức vào Lâm Đồng (cũ); nối liền đường hành lang giữa Liên Tỉnh uỷ 4 và Liên Tỉnh uỷ 3. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, một mục tiêu chiến lược mà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ta chưa làm được, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng của các tỉnh Tây Nguyên, góp phần bảo vệ và củng cố đường hành lang chiến lược Nam Bắc.

III. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG ÂM MƯU DỒN DÂN LẬP ẤP CHIẾN LƯỢC

Phong trào “Đồng khởi” của nhân dân miền Nam đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công mạnh mẽ, liên tiếp giành nhiều thắng lợi to lớn, giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, dồn ngụy quân, ngụy quyền vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Đế quốc Mỹ phải thừa nhận “tình hình Nam Việt Nam hết sức nghiêm trọng, hoạt động quân sự của Việt cộng dưới các hình thức đột kích, tập kích, công đồn liên tiếp xẩy ra, đấu tranh chính trị phát triển đến mức đáng lo ngại; vấn đề Việt Nam sau đồng khởi không còn đơn thuần là vấn đề chính trị và tình báo cảnh sát nữa mà đã trở thành vấn đề chứa nhiều nhân tố quân sự. Cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thực chất là cuộc nổi dậy nên hướng chiến lược của Mỹ là phải chống nổi dậy”.

Không can tâm chịu thất bại, tháng 01 năm 1961, Kennơdi thay Aixenhao làm Tổng thống Mỹ đã quyết định chuyển hướng chiến tranh Việt Nam sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, ngoan cố dấn thân vào con đường xâm lược với quy mô lớn. Thực hiện chiến lược ấy, Mỹ nhắm bốn mục tiêu cơ bản là: cô lập cách mạng miền Nam với miền Bắc; giành lại vùng nông thôn đã mất, đánh bật lực lượng vũ trang và cơ sở cách mạng ra khỏi nhân dân; nhanh chóng tiêu diệt lực lượng vũ trang và vùng căn cứ địa của cộng sản ở miền Nam; quấy rối, phá hoại miền Bắc bằng các hoạt động biệt kích, gián điệp, không cho miền Bắc yên ổn xây dựng để chi viện cho miền Nam.

Tại chiến trường Tuyên Đức, sau khi lực lượng vũ trang Liên tỉnh 3 tập kích quận lỵ D’Ran, địch tung lực lượng biệt kích, thám báo vào các buôn Dơng Iar Jiang, KLong, Lơ Hir để nắm tình hình hoạt động của ta. Mặt khác, chúng tăng cường củng cố bộ máy ngụy quyền các cấp, xây dựng lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu ở xã, ấp.

Trong vùng giải phóng của Lạc Dương, những tháng cuối năm 1961 hoạt động của địch càng ráo riết hơn nhằm chuẩn bị thực hiện âm mưu dồn dân vào khu tập trung, ấp chiến lược.

Về phía ta, để kịp thời chỉ đạo phong trào các tỉnh Cực Nam, tháng 7 năm 1961 Khu ủy Khu 6 được thành lập[3] và tháng 8 năm 1961 thành lập Tỉnh uỷ Tuyên Đức[4].

Do đặc điểm địa hình và phong trào mở mảng, xây dựng cơ sở, Tỉnh uỷ Tuyên Đức quyết định chia vùng giải phóng Lạc Dương thành hai vùng A và B, ở mỗi vùng thành lập Ban cán sự Đảng để chỉ đạo phong trào. Các buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si cùng với Lơ Hir, Xiat Meh thuộc vùng A do đồng chí Phạm Diêu (tức Nam Bạc) phụ trách.

Vùng B từ KLong lên Đầm Ròn, Pang Tiêng Ít, Dà Xê do đồng chí Hiến phụ trách. Cùng với quyết định chia 2 vùng, Tỉnh uỷ Tuyên Đức tăng cường xuống vùng A đơn vị 332 để hoạt động vũ trang tuyên truyền, diệt ác phá kèm, chống dồn dân lập ấp chiến lược ở Dơng Iar Jiang, Dơng Briang, hỗ trợ tích cực các buôn Đồng Mang, Đưng K’Si, Đạ Tro chuyển sang thế bất hợp pháp, lập căn cứ chống địch.

Tỉnh uỷ Tuyên Đức xác định mục tiêu xây dựng vùng A, vùng B cùng với vùng Tây Bắc - Đức Trọng từng bước trở thành căn cứ, địa bàn đứng chân của Khu 6, của Tỉnh uỷ Tuyên Đức, nơi tập kết lực lượng bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc Nam và các trục hành lang đến các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà; là bàn đạp để mở phong trào Thị xã Đà Lạt, nơi sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm, rút thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang và đội công tác.

Ngày 20 tháng 11 năm 1961, lực lượng vũ trang tỉnh gồm trung đội 270 và đội đặc công K1 phục kích chặn đánh tiêu diệt trung đội thám báo tại địa điểm gần buôn Đưng K'Nớ (Dơng Kơ Nơh). Đây là trận đánh địch đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Đức, góp phần bảo vệ vùng giải phóng và hỗ trợ cho nhiệm vụ củng cố, mở rộng phong trào vùng dân tộc.

Phối hợp với các hoạt động vũ trang, cuối năm 1961 thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Tuyên Đức, đồng bào dân tộc ở hai vùng A và B đã đồng loạt tập hợp lực lượng đấu tranh chống âm mưu dồn dân, xây dựng khu tập trung, ấp chiến lược, kêu gọi người thân trở về buôn làng cũ làm ăn; giáo dục và tranh thủ tầng lớp trên, già làng, thầy giảng để cảnh cáo răn đe, tạo áp lực để giải tán bộ máy kèm tại buôn ấp; khẩn trương xây dựng thực lực cách mạng, lực lượng bán vũ trang, từng bước tổ chức bố phòng đánh địch. Qua đợt phát động đã có 12 thanh niên tự nguyện tham gia lực lượng vũ trang và đội công tác.

Từ tháng 11 năm 1961, Ban cán sự Đảng vùng A được củng cố, đồng chí A Ma Đinh (tức Ngô Đức Đề) làm bí thư, các đồng chí Bình, Phương và đồng chí Vũ Ngọc Sơn (tức Lâm) phụ trách quân sự làm ủy viên[5]. Sau khi được củng cố, Ban cán sự vùng đã bố trí cán bộ, lực lượng vũ trang, đội công tác bám sát các địa bàn để xây dựng phong trào, ở vùng A thành lập 3 đội vũ trang công tác và một đội vũ trang tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ bám vào các buôn để xây dựng cơ sở cốt cán, phần lớn quần chúng có cảm tình với cách mạng, bộ máy tề bị tan rã hay đã bỏ chạy, nhưng ở đó quần chúng vẫn đang bị kèm thông qua hệ thống đạo giáo, già làng xấu, bọn tề điệp, thám báo v.v…

Nhiệm vụ cụ thể là đẩy mạnh tuyên truyền thuyết phục, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch gom dân vào khu tập trung, ấp chiến lược, đồng thời thành lập các đoàn thể, xây dựng lực lượng vũ trang, phân hoá và cô lập bọn phản động, tranh thủ, lôi kéo lớp trên và già làng tiến bộ; lãnh đạo phong trào sản xuất, xoá bỏ hủ tục mê tín dị đoan, cứu chữa người bệnh để từng bước gây cảm tình và lòng tin vào cách mạng, vào cán bộ của quần chúng.

Đối với các đội vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ đột nhập vũ trang vào các buôn làng, khu tập trung, ấp chiến lược để tuyên truyền vận động đồng bào đấu tranh chống âm mưu dồn dân hoặc nổi dậy phá khu tập trung, ấp chiến lược trở về buôn làng cũ làm ăn, hình thức hoạt động là tán phát truyền đơn, cảnh cáo bọn tề điệp lưu vong, hỗ trợ quần chúng phá thế kèm của địch.

Căn cứ vào tình hình tư tưởng của quần chúng và tương quan lực lượng ta, địch, Ban cán sự Đảng vùng A bố trí 3 đội vũ trang công tác và đội vũ trang tuyên truyền hoạt động trên 4 địa bàn. Riêng vùng Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si là nơi phong trào phát triển mạnh, có cơ sở cốt cán nhiều và vững vàng, địa hình ở đây hiểm trở và là nơi tiếp giáp với vùng căn cứ của tỉnh Khánh Hoà. Điều đặc biệt là đồng bào tuyệt đối không theo đạo, những điều kiện trên đây là yếu tố thuận lợi để xây dựng thành khu căn cứ cách mạng, là chỗ dựa, là nơi đứng chân của Ban cán sự, các đội công tác chỉ đạo phong trào vùng ven Thị xã Đà Lạt, xây dựng, củng cố đường hành lang của Khu 6 và tỉnh Tuyên Đức. Ban cán sự Đảng vùng A phân công đồng chí Nguyễn Xuyên (tức Thanh Bình) là ủy viên Ban cán sự và hai đồng chí người dân tộc phụ trách.

Thực hiện chủ trương tập hợp lực lượng đấu tranh bất hợp pháp, xây dựng làng chiến đấu có đơn vị 332 làm nòng cốt. Sau một thời gian vượt qua khó khăn gian khổ, thiếu thốn, vừa vận động quần chúng, xây dựng tổ chức đoàn thể, vừa tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, vùng căn cứ Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si được hình thành, đến tháng 2 năm 1962 đã phát triển được 3 đảng viên thành lập một chi bộ do đồng chí Bình làm Bí thư, đây là chi bộ đầu tiên của xã căn cứ. Đến cuối năm 1962 kết nạp thêm 5 đảng viên và hình thành hai chi bộ (một chi bộ ở Đồng Mang và một chi bộ ở Đưng K’Si).

Nằm trong kế hoạch chiến lược chung, từ đầu năm 1962 địch tăng cường lực lượng quân sự kết hợp với bọn tề điệp, mục sư, thầy giảng tại chỗ hù dọa, cưỡng ép đồng bào vào khu tập trung. Do lực lượng ta có hạn không đủ sức ngăn chặn âm mưu địch nên đầu năm 1962 địch dồn dân vào các ấp chiến lược, ở khu vực Dơng Iar Jiang có 32 buôn địch dồn hơn 3.000 dân; khu vực 2 tại Dơng Briang dồn hơn 2.000 dân trong đó có buôn Đưng K’Si của xã căn cứ; khu vực 3 gồm Đồng Mang, Đạ Tro gồm 500 dân, khoảng giữa năm 1963 thì địch hình thành xong khu tập trung ở Đạ Đum (Dà Dum) mới và Tiêng Liêng, Yồ Pơ Nàng, Dà Dal.

Hoạt động trên một địa bàn rộng lớn, lực lượng quá mỏng, điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là lương thực, thực phẩm nhưng các đội vũ trang tuyên truyền và đội công tác vẫn kiên trì bám các khu tập trung xây dựng cơ sở nắm tình hình địch, vận động đồng bào trở về buôn làng cũ làm ăn. Tại xã căn cứ phong trào phát triển mạnh, quần chúng tin theo cách mạng nên từng bước tạo được thế ăn, ở bất hợp pháp. Ở buôn Đồng Mang có 10/11 hộ theo cách mạng thoát ly ra lập căn cứ dọc theo núi Bi Doup (khu vực giữa hai con sông Đạ Mưng và Đạ Nhim); buôn Đạ Tro có 10/20 hộ lập căn cứ ở hướng núi Liang Bông; một nửa số dân còn lại của buôn Đưng K’Si lập căn cứ ở núi Gia Rít (đầu nguồn sông Trương), được sự giúp đỡ của các đội công tác các vùng căn cứ đã xây dựng được các tuyến bố phòng, xây dựng lực lượng du kích làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra bảo vệ nơi ăn ở và sản xuất, khi phát hiện có địch đi càn thì báo cho bà con tránh lánh.

Sau khi đã dồn dân một số buôn vào khu tập trung, địch phát hiện cán bộ các đội công tác vẫn còn tiếp xúc được với dân nên chúng tăng cường thêm lực lượng lùng sục, phục kích ở một số nơi gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất, điển hình là vụ chúng mai phục bắt sống hai đồng chí Ha Hiến và Ha Đôn ở buôn Rơ Hàng Ja; tổ công tác đồng chí Bích bị địch phục kích tại buôn Da Nát làm đồng chí Biền Huy Hoàng hy sinh, tiếp theo là các trận tập kích vào các buôn Dà Triă, Rơ Hàng Ja, Yơn Glê Dìh, vào những nơi chúng nghi có lực lượng ta đóng quân. Đặc biệt vụ địch sát hại hai đồng chí Minh và Mười tại buôn Chiêng Wir (Ciang Wir) cuối năm 1962.

Để kịp thời đối phó với những âm mưu, thủ đoạn của địch, tháng 3 năm 1962 Tỉnh uỷ Tuyên Đức họp hội nghị mở rộng để kiểm điểm đánh giá phong trào cách mạng ở địa phương và đề ra nhiệm vụ tập trung xây dựng phong trào, củng cố thực lực chính trị, vũ trang vừa tích cực chiến đấu giữ vững vùng giải phóng, khu căn cứ và đường hành lang thống nhất qua địa phương, kiên quyết chống âm mưu dồn dân lập khu tập trung, ấp chiến lược của địch; đẩy mạnh hoạt động vũ trang, kết hợp với tuyên truyền thuyết phục tiếp tục mở phong trào và thi đua lao động sản xuất.

Những tháng cuối năm 1962, hoạt động của địch càng ráo riết hơn nhằm thực hiện âm mưu truy kích lực lượng cách mạng, dồn dân cắm chốt, mở chiến dịch “An lạc” để đánh phá cắt đứt đường hành lang, tiếp tục gom dân, đánh phá căn cứ của ta. Chúng tiến hành dồn dân ở khu tập trung Dơng Iar Jiang về Dà Dal cách Tiêng Liêng 10 km, sau đó lại đưa về khu tập trung Darahoa (Nar Hoa) cách Thái Phiên 7 km, chúng xây dựng các ấp chiến lược kiểu mẫu ở Yồ Pơ Nàng, Tiêng Liêng vào các khu tập trung ở Đan Kia, xã Lát, mỗi khu tập trung có một trung đội dân vệ canh gác cùng với hệ thống đồn bót hầm hào và hàng rào dày đặc, đồng bào các dân tộc phải rời bỏ buôn làng, rừng núi sống cảnh “chim lồng, cá chậu” trong các khu tập trung, ấp chiến lược.

Như vậy, đến cuối năm 1962 vùng giải phóng của huyện Lạc Dương chỉ còn lại 400 dân của căn cứ Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si. Tuy dân số ít ỏi nhưng với ý chí quyết tâm đi theo cách mạng đánh giặc cứu nước, được sự hướng dẫn chỉ đạo của các đội công tác, thế ăn ở của đồng bào dần đi vào ổn định. Đồng thời tích cực thực hiện nhiệm vụ rào làng, dùng mang cung, cạm bẫy, hầm chông để bố phòng chống địch càn quét. Du kích buôn Đồng Mang đã phối hợp lực lượng vũ trang huyện đột nhập vào khu tập trung Tiêng Liêng bắt một số tên tề điệp đưa ra rừng cho học tập giáo dục cải tạo, riêng tên Ha Kriêng bị diệt ở khu Dơng Iar Jiang và tên phó lý Năm bị diệt ở Dà Liang Khàng do có nhiều nợ máu với nhân dân. Sau các trận đánh của ta địch hoảng loạn, lúng túng và tăng cường thêm lực lượng bảo vệ, xây dựng thêm lô cốt, hầm hào và hàng rào quanh khu tập trung. Đặc biệt là sau khi ta tiêu diệt cụm cứ điểm Đầm Ròn, địch càng phản kích quyết liệt, tiếp tục dồn dân vào các khu tập trung, ấp chiến lược.

Mặc dù các lực lượng của ta đã kiên trì bám trụ địa bàn, nhưng trong quá trình chỉ đạo phong trào ta chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đánh giá đúng mức âm mưu thủ đoạn của địch nên chưa có những chỉ đạo sát đúng và kịp thời với tình hình, thời gian đầu chỉ chú trọng vào việc tranh thủ già làng, mục sư, thầy giảng trong lúc bộ máy kèm ở các buôn hoạt động ráo riết, hầu hết đồng bào lại tin theo đạo giáo nên bị địch lợi dụng để hù doạ, cưỡng ép, lôi kéo vào vùng chúng kiểm soát. Lực lượng vũ trang của ta lại có hạn, hoạt động trên một số địa bàn rộng nên không đủ sức đánh địch và tuyên truyền, vận động đồng bào ở lại bám trụ, bên cạnh đó số cơ sở cốt cán tại chỗ còn quá ít và yếu nên không đủ sức lãnh đạo quần chúng và phong trào. Đến cuối năm 1963 địch đã dồn hơn 50.000 dân của tỉnh Tuyên Đức vào 108 khu tập trung, ấp chiến lược, vùng giải phóng chỉ còn 300 dân ở các buôn căn cứ Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si.

Trong điều kiện khó khăn chung, để tập trung chỉ đạo phong trào Thị xã Đà Lạt, tháng 5 năm 1963 Khu ủy 6 quyết định chuyển giao huyện Đức Trọng cho tỉnh Quảng Đức, giải thể Tỉnh uỷ Tuyên Đức, thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh kiêm Thị ủy Đà Lạt, giải thể Ban cán sự Đảng vùng A, B, các chi bộ, đội công tác và vùng căn cứ giao cho Ban cán sự Đảng tỉnh chỉ đạo. Cơ quan Ban cán sự Đảng tỉnh và lực lượng vũ trang tỉnh Tuyên Đức chuyển về căn cứ Đồng Mang, Đưng K’Si để có điều kiện tăng gia sản xuất, củng cố lực lượng và xây dựng bàn đạp chỉ đạo phong trào Đà Lạt; từ đây vùng căn cứ còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của tỉnh.

IV. TÍCH CỰC XÂY DỰNG, MỞ RỘNG CĂN CỨ CÁCH MẠNG VÀ ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO ĐÁNH ĐỊCH

Về phía địch, sau khi cơ bản hoàn thành việc dồn dân ở vùng giải phóng và vùng sâu, vùng xa vào các khu tập trung, ấp chiến lược, từ đầu năm 1964 chúng thực hiện âm mưu tổ chức lực lượng nhỏ để lùng sục ven ấp, vùng bàn đạp, đường hành lang nhằm ngăn chặn các hoạt động của ta. Mặt khác, chúng đưa các đoàn bình định nông thôn, các đoàn “Trường Sơn” xuống các địa bàn kết hợp với tề điệp tại chỗ đánh phá phong trào cách mạng bên trong và khống chế quần chúng. Trong các khu tập trung, ấp chiến lược, địch tăng cường lực lượng dân vệ và bộ máy kèm để khống chế đồng bào, ngăn cấm việc trở về buôn làng cũ sinh sống nhằm cắt đứt sự liên lạc với cách mạng.

Về phía ta, năm 1963 lực lượng vũ trang tập trung đối phó với các hoạt động của địch nên không có điều kiện sản xuất, các cơ quan, đơn vị thiếu đói nghiêm trọng, nhiều tháng liền phải ăn măng le, lùng mức, chuối cây. Mặt khác, qua nhiều năm chiến đấu lực lượng bị tổn thất chưa được bổ sung nên một số cán bộ, chiến sỹ tỏ ra bi quan, sức chiến đấu bị giảm sút.

Từ khi chuyển sang đứng chân tại vùng căn cứ Đồng Mang, Đưng K’Si, đến tháng 4 năm 1964 Ban cán sự Đảng tỉnh vừa tập trung củng cố lực lượng, đồng thời vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và đồng bào căn cứ đẩy mạnh sản xuất để giải quyết khó khăn về lương thực, phát triển lực lượng du kích, xây dựng làng chiến đấu, bố phòng bảo vệ nơi ăn ở. Thành lập đội công tác gồm có 6 đồng chí, do đồng chí Hoàng Quốc Bích làm đội trưởng, lấy buôn Đạ Tro làm bàn đạp để tiếp xúc với bà con trong khu tập trung Tiêng Liêng ra làm ăn để tuyên truyền, nắm tình hình địch và xây dựng cơ sở mật bên trong.

Sau khi đã ổn định tình hình và củng cố sắp xếp lại lực lượng, tháng 6 năm 1964 Ban cán sự Đảng tỉnh họp mở rộng để triển khai một số nhiệm vụ ở địa phương. Riêng vùng căn cứ Lạc Dương có nhiệm vụ tích cực xây dựng các mặt chính trị, quân sự, kinh tế nhằm bảo đảm thế đứng chân của cơ quan chỉ đạo và các đội công tác phía trước của tỉnh.

Thi đua với các hoạt động đánh địch ở phía trước, vùng căn cứ tiếp tục được củng cố, nhưng địch đã phát hiện các hoạt động của ta, chúng tập trung lực lượng đánh phá ác liệt, để tránh tổn thất nên phải tổ chức cho đồng bào dời căn cứ đến một địa điểm mới. Việc vận động nhân dân dời buôn làng là một quá trình thuyết phục kiên trì bền bỉ đầy khó khăn, nhưng khi đồng bào đã tin theo cách mạng thì thực hiện rất triệt để, vừa ổn định nơi ở mới đồng bào căn cứ vừa tích cực bắt tay vào lao động sản xuất, bố phòng đánh địch, hăng hái tham gia các đợt đi dân công vận tải vũ khí, lương thực cho các đơn vị vũ trang phía trước.

Từ phong trào cách mạng của quần chúng, thực lực cách mạng ở vùng căn cứ tiếp tục phát triển, đến cuối năm 1964 thành lập được hai chi bộ, một chi bộ ở Đồng Mang có 4 đảng viên do Cha Xuông (Kơ Dơng Ha Nhang) làm bí thư; một chi bộ ở Đưng K’Si có 4 đảng viên do Cha K’Nàng (Ha Hài) làm bí thư.

Trước những thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam từ năm 1961 đến những tháng đầu năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị thất bại trên chiến trường miền Nam.

Hòng tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chính quyền Giônxơn thay đổi chiến lược chiến tranh, từng bước chuyển chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” hòng cứu nguy cho ngụy quân, ngụy quyền và dập tắt phong trào cách mạng ở miền Nam.

Chủ trương của chúng trong giai đoạn này là: đưa một lực lượng lớn quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu vào trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam; thực hiện chiến lược “tìm diệt và bình định” để bẻ gãy xương sống của Việt cộng.

Mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ trong “chiến tranh cục bộ” là tiêu diệt cho được bộ đội chủ lực ta và gom dân lập ấp chiến lược, thực hiện “bình định” nông thôn nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, tiến tới “đánh bại cộng sản” ở miền Nam Việt Nam.

Trên địa bàn huyện Lạc Dương, địch tăng cường lực lượng bảo an, dân vệ, các đoàn bình định nông thôn, các đoàn Trường sơn xuống tận các buôn, ấp để hỗ trợ cho bộ máy kèm tại chỗ. Ở các ấp chiến lược, địch xây thêm lô cốt, đào hào giao thông xung quanh, củng cố hầm ngầm bên trong để bảo vệ ngăn chặn lực lượng ta đột nhập.

Về chính trị, địch thành lập tổ chức “lực lượng cách mạng Việt Nam” để lôi kéo thanh niên vào tổ chức mật vụ, chúng hoạt động với danh nghĩa “đoàn khảo sát mùa màng”, “đội chống sốt rét”, “đoàn thanh niên làm công tác xã hội”, “cán bộ y tế nông thôn” nhằm bí mật điều tra, nắm tình hình hoạt động của ta.

Về kinh tế, chúng kiểm soát chặt chẽ việc mua và vận chuyển gạo, muối, ngăn cấm đồng bào trong các khu tập trung, ấp chiến lược không được tự do phát rẫy nhằm ngăn chặn việc tiếp tế, liên lạc giữa cơ sở cách mạng bên trong với lực lượng bên ngoài.

Cùng với hoạt động bên trong, địch còn tổ chức lực lượng lùng sục, càn quét vùng bàn đạp và những nơi chúng nghi có lực lượng ta đóng quân, tung gián điệp, biệt kích vào vùng căn cứ để bí mật theo dõi các hoạt động của ta. Tháng 3 năm 1965 địch đánh vào đội công tác của đồng chí Bình ở Đạ Chais làm 3 đồng chí Bình, Khiêm, Hải hy sinh và đồng chí Điềm bị bắt.

Nhằm chống lại âm mưu thủ đoạn của địch, trong năm 1965, cùng với những hoạt động có hiệu quả của lực lượng vũ trang, đưa phong trào cách mạng lên một bước mới ở vùng căn cứ, phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh, du kích các buôn Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si sau khi dự lớp chỉnh huấn và huấn luyện quân sự 20 ngày đã có nhiều tiến bộ, làm tốt nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ buôn làng, có hai tiểu đội tham gia đánh địch phía trước. Công tác bố phòng xây dựng làng chiến đấu được toàn dân hưởng ứng tích cực, vùng căn cứ Đạ Chais đã cắm 98.250 cây chông trên tuyến dài 9.900 m, đào 249 hầm chông, làm 15 xoa, 20 mang cung, với phòng tuyến đó đã ngăn cản âm mưu đột kích của địch bảo vệ an toàn tuyệt đối cơ quan chỉ đạo của tỉnh, bảo vệ trạm xá, trường huấn luyện tân binh và trại giam của tỉnh đứng chân tại vùng căn cứ.

Phong trào thi đua lao động sản xuất, cải thiện đời sống cũng thu được nhiều kết quả, trong năm 1965 đồng bào xã căn cứ gieo được 267 thùng bắp, 39 thùng lúa giống, so với năm 1964 vượt 69 thùng, với kết quả đó đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên, tình trạng thiếu muối ăn và vải mặc được cải thiện đáng kể; đồng bào căn cứ tham gia được 812 ngày công tải gạo, vũ khí. Bên cạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, đồng bào căn cứ còn tự nguyện tham gia phong trào tiết kiệm lương thực, đồng bào ăn mì, bắp để nhường phần lớn gạo cho cơ quan và bộ đội.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể ngày càng đi vào nề nếp, chi bộ Đảng ở các buôn duy trì việc sinh hoạt đều đặn, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong chiến đấu cũng như lao động sản xuất, là hạt nhân lãnh đạo trong các phong trào. Qua các đợt chỉnh huấn đã nâng cao thêm nhận thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên, ban tự quản và tổ chức đoàn ở các buôn tiếp tục được củng cố.

Với sự chuyển biến của phong trào cách mạng địa phương, tháng 10 năm 1965, Khu ủy 6 quyết định thành lập lại Tỉnh uỷ Tuyên Đức, cuối năm 1965 cơ quan Tỉnh uỷ và phần lớn lực lượng vũ trang của tỉnh chuyển vị trí đứng chân từ xã căn cứ Đạ Chais sang địa bàn Tây Nam huyện Đức Trọng. Tháng 12 năm 1965 Tỉnh uỷ Tuyên Đức quyết định thành lập Huyện ủy Lạc Dương do đồng chí Nguyễn Lâm làm Bí thư, thành lập đại đội 870 và Huyện đội Lạc Dương do đồng chí Lê Phấn Tải (tức Sơn Hải) làm huyện đội trưởng, xã căn cứ Đạ Chais từ đây thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Lạc Dương.

Sau khi Huyện ủy Lạc Dương được thành lập, phong trào cách mạng địa phương chủ yếu là phá ấp chiến lược, mở phong trào vùng nông thôn Xuân Trường, Xuân Thọ và đánh giao thông trên trục đường 11, đường xe lửa.

Để đối phó với phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ và nằm trong kế hoạch chiến lược chung, mùa khô năm 1966 - 1967 ở Tuyên Đức, Mỹ - Ngụy tập trung lực lượng thực hiện chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt và bình định”.

Trên địa bàn huyện Lạc Dương, địch đưa lực lượng bảo an, các đoàn bình định nông thôn xuống các địa bàn trọng điểm, những nơi ta hoạt động mạnh, bộ máy kèm của địch suy yếu để tiến hành bình định sau đó mở rộng ra các ấp khác. Trước hết, chúng dùng thủ đoạn lập tờ khai gia đình, lừa mị, hù doạ, mua chuộc quần chúng, tăng cường hoạt động chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, dùng tiền mua chuộc các phần tử xấu. Mặt khác chúng đe dọa những gia đình liên quan với cách mạng, ngăn cấm việc đi lại, hạn chế việc bán gạo cho dân nhằm ngăn chặn tiếp tế và sự tiếp xúc giữa lực lượng bên ngoài và cơ sở bên trong. Cùng với các thủ đoạn trên, địch tiến hành củng cố bộ máy kèm ở xã, ấp, tổ chức mạng lưới tề điệp để nắm tình hình của ta và phát hiện cơ sở cách mạng bên trong, bắt dân rào lại ấp chiến lược.

Đi đôi với gọng kìm bình định, gọng kìm tìm diệt cũng được tiến hành với quy mô lớn và ác liệt hơn, suốt trong năm 1967, địch tiến hành hàng trăm cuộc càn quét, lùng sục ở các vùng bàn đạp nhằm tiêu diệt và đánh bật lực lượng ta ra khỏi địa bàn hoạt động, cho pháo bắn vào những nơi chúng nghi có ta đóng quân. Đối với vùng căn cứ, địch vừa tung lực lượng biệt kích, gián điệp vào dò la nắm tình hình, phao tin đồn nhảm, vừa cho máy bay rải chất độc hoá học, có ngày chúng dùng pháo bắn vào rẫy lúa và hoa màu của đồng bào căn cứ 7 - 8 lần để phá hoại hòng gây tâm lý hoang mang dao động, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống.

Để đối phó với những âm mưu, thủ đoạn của địch, trong năm 1967 Tỉnh đội Tuyên Đức đã hỗ trợ các đội công tác của Lạc Dương hoạt động mạnh ở các địa bàn trọng điểm như Cầu Đất, Xuân Sơn, Xuân Thành, Đa Lộc, Trạm Hành, Trạm Bò… Các trận đánh mìn kết hợp với bộ binh trên đường 11 từ Cầu Suối Dục đến Trạm Bò, các trận đánh trên đã gây cho địch nhiều tổn thất về người và phương tiện chiến tranh, dẫn đến tâm lý hoang mang lo lắng.

Phối hợp với các hoạt động vũ trang ở phía trước, vùng căn cứ ngày càng được củng cố vững chắc về mọi mặt. Từ tháng 6 năm 1967 xã căn cứ được gọi là xã Lạc Tiến, lúc đó toàn xã chỉ có 55 hộ với 365 nhân khẩu (trong đó có 182 lao động chính), được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Lạc Dương, các chi bộ và ban tự quản xã đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua.

Trên mặt trận sản xuất, trong điều kiện địch dùng đủ loại phương tiện bom, pháo, chất độc hoá học ra sức càn quét bắn phá nhưng diện tích gieo trồng và sản lượng đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, bảo đảm việc giải quyết lương thực tại chỗ, vừa cung cấp một phần cho các đơn vị phía trước, đồng thời thường xuyên có một lượng lương thực dự trữ, mỗi du kích xã luôn chuẩn bị sẵn 15 kg lương thực để bảo đảm cho công tác sẵn sàng chiến đấu.

Công tác xây dựng tuyến phòng thủ và làng chiến đấu đã trở thành nề nếp và trách nhiệm của toàn dân. Học tập kinh nghiệm của vùng căn cứ Bác Ái tỉnh Ninh Thuận, các buôn không ở theo cụm dân cư mà các hộ gia đình ở cách xa nhau, mỗi nhà đều có hầm tránh pháo, quanh nhà, quanh rẫy bố phòng các loại mang chông, cạm bẫy, mỗi tháng có 1 - 2 ngày toàn dân tham gia bố phòng ở những nơi công cộng. Chỉ tính riêng trong năm 1967 xã căn cứ đã xây dựng tuyến bố phòng dài hơn 10 km, vót trên 1 triệu cây chông, đào 550 hầm chông, 85 công sự cá nhân, ngoài ra còn cung cấp cho các cơ quan đơn vị trên 10.000 cây chông để xây dựng các tuyến phòng thủ. Trong điều kiện lực lượng lao động toàn xã chỉ có hơn 180 người lại phải tham gia nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất trên một địa bàn rộng lớn nhưng xã căn cứ vẫn thành lập một đội thanh niên xung phong gồm 25 đồng chí làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí cho phía trước, ngoài ra còn có hàng trăm lượt người thay nhau đi dân công ngắn hạn.

Phong trào du kích chiến tranh ngày càng có chuyển biến, đặc biệt là sau các đợt tập huấn kỹ chiến thuật đã nâng cao trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, giữa năm 1967 thành lập Ban chỉ huy xã đội gồm 4 đồng chí (1 xã đội trưởng, 1 chính trị viên, 2 xã đội phó), lực lượng dân quân, du kích ở mỗi buôn được bố trí hợp lý vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, tất cả cán bộ xã và các đoàn thể đều tham gia lực lượng dân quân, du kích nên việc chỉ đạo luôn sâu sát và kịp thời.

Đến cuối năm 1967, lực lượng du kích thường trực của xã căn cứ có 33 đồng chí (trong đó có 6 nữ, 6 đảng viên) làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ vòng ngoài, ngoài ra còn có 1 tiểu đội thường xuyên ra phía trước phối hợp với đội công tác, mỗi du kích xã dự trữ 15 kg lương thực và 100 cây chông sẵn sàng tham gia các đợt hoạt động dài ngày. Cùng với lực lượng thường trực thì ở mỗi buôn thành lập 1 tiểu đội du kích và 1 tiểu đội dân quân (tổng số có 50 du kích và 40 dân quân) làm nhiệm vụ tuần tra canh gác trong buôn và luân phiên nhau đi dân công, hướng dẫn đồng bào xây dựng làng chiến đấu, tổ chức cho người già, phụ nữ, trẻ em tránh lánh mỗi khi có địch càn quét.

Giữa năm 1967 du kích xã căn cứ phối hợp với du kích xã Phước Bình (Bác Ái - Ninh Thuận) đánh địch đổ bộ tại núi Cha Nga tiêu diệt 5 tên địch, bắn rơi tại chỗ một máy bay và bắn bị thương một chiếc khác, kết quả trong năm 1967 các đội công tác và dân quân, du kích xã căn cứ đã đánh địch 13 trận, tiêu diệt gần 100 tên địch, bắn cháy hai máy bay và thu được một số quân trang, quân dụng.

V. PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO CÁCH MẠNG, TIẾN LÊN GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG

Bước sang năm 1968, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam phát triển lên đỉnh cao, chúng đẩy mạnh thực hiện hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” với các thủ đoạn vừa đánh phá, vừa mua chuộc hù doạ, bắt bớ quần chúng hàng loạt hòng ngăn chặn sự tiếp xúc giữa quần chúng và lực lượng cách mạng. Ở địa bàn xa như Tiêng Liêng và vùng căn cứ, địch thường xuyên dùng phi pháo đánh mạnh vào những vị trí chúng nghi có lực lượng ta đóng quân, đặc biệt có những ngày chúng bắn pháo 7 - 8 lần vào ruộng, rẫy của đồng bào xã căn cứ, thâm độc hơn là chúng dùng máy bay rải chất độc hoá học xuống rẫy của đồng bào nhằm phá hoại mùa màng, gây ra tình trạng thiếu đói bắt buộc đồng bào phải khuất phục trước khó khăn gian khổ, phải đầu hàng, thoát ly với cách mạng. Nhưng bom đạn không lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường, một lòng dạ son sắt đi theo cách mạng của nhân dân, càng gian khổ càng đoàn kết gắn bó với nhau tạo thành sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

Năm 1968 xã căn cứ Đạ Chais chỉ còn 395 người nhưng đã có sự chỉ đạo của chi bộ Đảng gồm 16 đảng viên, thành lập hai tổ Đảng, một chi đoàn thanh niên có 14 đoàn viên, một trung đội du kích làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ buôn làng và hoạt động vũ trang đánh địch.

Tháng 12 năm 1967, Tỉnh uỷ Tuyên Đức mở Hội nghị đánh giá tình hình ta, địch ở địa phương và đề ra nhiệm vụ: động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chuẩn bị chiến trường, rà soát lại thực lực cơ sở phong trào của quần chúng để phát động phong trào nổi dậy khi cần thiết. Tỉnh uỷ xác định: Đây là thời cơ thuận lợi cho địa phương tranh thủ đưa phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang tấn công địch lên một bước mới và giành thắng lợi to lớn hơn những năm trước đây để tạo ra bước ngoặt có tính nhảy vọt cho toàn bộ phong trào.

Sau đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân - Hè 1968, qua đánh giá hoạt động ở các địa phương, tỉnh đã xác định phương hướng nhiệm vụ cho Thu - Đông 1968 là: làm cho địch ngày càng sa sút về mọi mặt, đối tượng cần tấn công gồm lực lượng cơ động, lực lượng kèm, các đoàn bình định, tề điệp, đồng thời đánh phá hậu cứ và các phương tiện chiến tranh của địch.

Vào cao điểm hoạt động Thu - Đông 1968, ở địa bàn huyện Lạc Dương tuy lực lượng vũ trang và đồng bào dân tộc vẫn đang gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về lương thực, đạn dược nhưng Huyện ủy, các cấp ủy địa phương và các đội công tác vẫn chỉ đạo các hoạt động tác chiến, đánh địch càn quét vùng giáp ranh, vùng căn cứ.

Phối hợp với các địa phương khác trong huyện, lực lượng du kích xã căn cứ đã triển khai thế trận đánh địch, trung đội du kích gồm 33 đồng chí trong đó có 27 nam, 6 nữ, có 6 đảng viên, 12 đoàn viên được trang bị 2 súng trung liên, 9 súng trường, được tổ chức thành 3 tiểu đội và ban chỉ huy xã đội có 3 đồng chí. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy đã 3 lần tổ chức bắn máy bay địch bằng súng bộ binh, tuy chưa đạt kết quả cao nhưng đã thể hiện quyết tâm mạnh dạn đánh địch, ngoài nhiệm vụ tuần tra canh gác trong vùng căn cứ còn hăng hái ra phía trước tham gia hoạt động hỗ trợ cho phong trào, mỗi đợt đi 10 ngày gồm 1 tiểu đội phối hợp với lực lượng huyện và các đội công tác ở vùng Tiêng Liêng và Đa Ra Hoa. Ngoài ra, trong hai đợt tổng tiến công đã cung cấp cho thôn Xuân Sơn 10.000 cây chông các loại để xây dựng tuyến bố phòng.

Qua một năm liên tục tấn công địch, phong trào cách mạng huyện Lạc Dương đã có nhiều chuyển biến, hoạt động quân sự đã hỗ trợ tích cực cho phong trào diệt ác, phá kèm giành quyền làm chủ của quần chúng. Vừa đẩy mạnh hoạt động quân sự, chính trị, binh vận, vừa chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Riêng địa bàn xã căn cứ đã xây dựng được 4 đội công tác, thành lập thêm một chi bộ và 83 dân quân, du kích, đồng thời thành lập các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông dân.

Tuy vậy, phong trào cách mạng địa phương vẫn còn những mặt yếu kém, việc vận dụng và kết hợp “hai chân, ba mũi” chưa chặt chẽ, thực lực cách mạng phát triển chậm, chưa bổ sung kịp thời quân số bị tổn thất qua chiến đấu, những mặt yếu đó đã ảnh hưởng đến sự phát triển của phong trào.

Sau 4 năm quân Mỹ và quân chư hầu trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, chúng đã liên tiếp bị thất bại, để cứu vãn tình thế Giônxơn đề ra chủ trương “phi Mỹ hoá” cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ “tiêu diệt và bình định”, Mỹ chuyển sang “quét và giữ” để tránh cho quân Mỹ khỏi bị sụp đổ nhanh chóng.

Ngày 20 tháng 01 năm 1969, Níchxơn lên nhận chức Tổng thống đã đề ra chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, chính đó là sự điều chỉnh chủ trương “Phi Mỹ hoá” của Giônxơn. Để thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, Mỹ, Ngụy sử dụng sức mạnh tối đa của bom đạn, rải chất độc hoá học có tính chất hủy diệt, kết hợp với những thủ đoạn quân sự, chính trị, kinh tế, chiến tranh tâm lý, tình báo, gián điệp tạo thành một thứ phản cách mạng hết sức tàn bạo, thâm độc để tiến hành bình định nông thôn miền Nam. Chúng tìm cách tiêu hao, đẩy lùi lực lượng vũ trang ta ra xa thành phố, đánh phá căn cứ, triệt phá cơ sở hậu cần, đối phó với những đòn tấn công của ta…

Trên chiến trường Tuyên Đức nói chung và huyện Lạc Dương nói riêng bọn địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá nhằm thực hiện chương trình bình định phát triển giai đoạn 2, với nội dung 3 tự (tự phòng, tự quản, tự túc), vừa đàn áp, vừa lừa mị mua chuộc, dồn sức đánh phá ác liệt vào các vùng, các ấp có phong trào khá, những vùng tranh chấp, những vùng lõm ta làm chủ, vùng ven, trục lộ giao thông nhằm vây ép, đánh đập bắt bớ để thanh lọc quần chúng, quét sạch hạ tầng cơ sở ta, đẩy lùi đội công tác và lực lượng ta ra khỏi thôn ấp, ngăn chặn và cắt đứt quan hệ giữa lực lượng cách mạng và quần chúng hoặc giữa cơ sở và lực lượng ta ở bên ngoài. Qua đó mà củng cố bộ máy kèm ở cơ sở xã ấp, ra sức bắt lính đôn quân, cướp phá tài sản nhân dân, đồng thời chúng còn tăng cường càn quét đánh phá ta trên các vùng, các tuyến, ác liệt nhất vẫn là vùng căn cứ Đạ Chais, vùng giáp ranh hai tỉnh Tuyên Đức và Ninh Thuận.

Như vậy, chứng tỏ địch dùng nhiều thủ đoạn đánh phá mới, bình định đi vào chiều sâu, khống chế quần chúng với mức độ cao hơn, đánh phá hành lang, căn cứ, vùng bàn đạp mạnh hơn, từ đó đã gây cho ta một số khó khăn, tổn thất, trở ngại trong việc chỉ đạo từ trên xuống cũng như bên trong ra ngoài.

Xuất phát từ tình hình cụ thể của địa phương, tháng 3 năm 1971 Tỉnh uỷ Tuyên Đức mở Hội nghị đánh giá tình hình và đề ra nhiệm vụ: Tập trung mọi khả năng đẩy mạnh tấn công ba mũi và xây dựng thực lực các mặt nhằm đánh bại một bước quan trọng kế hoạch bình định phát triển của địch. Trước mắt là đánh sụp lực lượng kèm ở cơ sở giành quyền làm chủ ở xã ấp, phá rã hệ thống phòng thủ của địch ở nông thôn, giữ vững và tăng cường địa bàn căn cứ, các bàn đạp và trục hành lang… Nhằm tạo ra thế và lực mới, tiến tới cao trào tổng tiến công và nổi dậy rộng khắp góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, sẵn sàng ứng phó và giành thắng lợi trong mọi tình huống chiến tranh phức tạp.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, trận đánh mở màn đầu năm 1971 tại căn cứ Đạ Chais, xuất phát từ vùng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận quân địch dùng trực thăng đổ quân với quy mô ồ ạt bất ngờ càn vào căn cứ. Dân quân, du kích và đồng bào căn cứ vẫn giữ vững truyền thống kiên cường, tổ chức chặt chẽ thế trận chống càn, anh dũng chiến đấu đã tiêu diệt và làm bị thương 22 tên địch, bắn rơi một máy bay, thu hai khẩu súng M79, buộc địch phải rút lui, bảo vệ được tài sản và tính mạng của nhân dân, bảo vệ căn cứ. Qua trận chống càn thắng lợi của du kích căn cứ đã làm cho địch hoang mang lo sợ mỗi khi chúng càn vào căn cứ của ta, thắng lợi đó cũng củng cố thêm lòng quyết tâm đi theo cách mạng của nhân dân, tích cực tổ chức phát triển lực lượng, sẵn sàng đánh bại các cuộc truy quét, tập kích của địch giữ vững căn cứ cách mạng.

Với lực lượng du kích làm nòng cốt và toàn dân tham gia bố phòng, tính chung trong năm 1971 xã căn cứ đã tổ chức ba đợt bố phòng, mỗi đợt có từ 40 đến 60 người tham gia trong khoảng thời gian từ một đến hai ngày, từ đó xây dựng được sự liên hoàn của buôn ấp, tạo nên thế trận chiến đấu vững chắc, bảo vệ căn cứ, quyết tâm bám rẫy, bám làng, thi đua sản xuất và chiến đấu.

Công tác bố phòng chống địch bằng các loại vũ khí thô sơ, vũ khí cải tiến, với tinh thần toàn dân tham gia phong trào bố phòng chống địch, với nhiều hình thức, lập thế bám trụ ở địa bàn hoạt động. Trong năm 1971, xã căn cứ Đạ Chais đã cắm được 83.000 cây chông, đào 118 hầm chông, cài 41 mang cung, cải tiến 14 quả đạn cối, 1 đạn pháo, cùng các loại đạn M79 và cưa bom lấy được 80 kg thuốc nổ.

Năm 1971, Ban chỉ huy xã đội căn cứ được củng cố lại gồm 5 đồng chí và hai ban chỉ huy thôn đội.

Qua hoạt động của ta, bọn địch rút kinh nghiệm và tìm các biện pháp chống đỡ bằng các hệ thống vật cản, rào hỗn hợp, mìn, ánh sáng nên việc đánh vào đồn bót, thôn ấp của ta ngày càng khó khăn, cuối năm 1971 địch kèm dân chặt hơn, vùng làm chủ và lỏng rã kèm bị thu hẹp lại, căn cứ Đạ Chais chỉ còn 316 người dân.

Địch vẫn tiếp tục thực hiện chương trình bình định, sử dụng lực lượng cơ động cùng Tiểu đoàn bảo an 203, dân vệ tiến hành nhiều cuộc càn quét đánh phá vùng căn cứ.

Trải qua hơn bốn năm chống lại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, quân dân huyện Lạc Dương nói chung và xã căn cứ nói riêng đã trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn, gian khổ, là một địa bàn hầu hết là vùng trắng, lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần, chúng còn kiểm soát được hầu hết dân, phong trào của ta tuy có mở ra nhưng không giữ được, quân số không có nguồn bổ sung, hoạt động ở một chiến trường miền núi nên gặp khó khăn về mọi mặt nhất là về lương thực, thực phẩm, có những lúc phải giành hầu hết thời gian để lo cái ăn. Bên cạnh đó, kẻ thù lại có nhiều âm mưu thủ đoạn đánh phá phong trào.

Bước sang năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, hoà bình đã lập lại ở miền Nam nhưng cuộc đấu tranh giữa ta và địch vẫn tiếp tục diễn ra gay go, quyết liệt và phức tạp. Ngay từ đầu địch đã rắp tâm phá hoại Hiệp định, tập trung lực lượng đối phó, phản kích, giành giật với ta từng người dân, từng tấc đất. Chúng vẫn tiếp tục chương trình bình định phát triển, liên tục tổ chức phản kích vào vùng căn cứ, kiện toàn bộ máy tề và điều quân luân phiên án ngữ khu tập trung Tiêng Liêng nhằm ngăn chặn sự tiếp xúc của quần chúng với lực lượng cách mạng.

Về ta, để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ mới, phù hợp với tình hình quân số không được bổ sung, Tỉnh uỷ Tuyên Đức quyết định giải thể Ban chỉ huy Huyện đội Lạc Dương, huyện chỉ còn một Trung đội vũ trang làm nhiệm vụ phối hợp với đội công tác bám địa bàn đánh địch phá kèm, đồng thời giải thể Ban cán sự Đảng huyện Lạc Dương, cắt hai xã Xuân Trường, Xuân Thọ về Thị xã Đà Lạt. Như vậy, huyện Lạc Dương chỉ còn lại khu tập trung Tiêng Liêng và xã căn cứ Đạ Chais.

Tuy chỉ còn lại một số lượng dân ít ỏi nhưng dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng và các đoàn thể, đồng bào và chiến sĩ căn cứ vẫn quán triệt đầy đủ đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối xây dựng căn cứ hậu phương, xây dựng thôn xã chiến đấu, vành đai du kích, củng cố địa bàn đứng chân phía sau, tạo thế ăn ở bám sát dân, sát địch, đồng thời tổ chức xây dựng lực lượng dân quân du kích, thường xuyên tuần tra canh gác, truy lùng biệt kích thám báo, đánh địch càn quét bảo vệ căn cứ, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân và bảo vệ sản xuất.

Từ đầu năm 1971, tại căn cứ Đạ Chais địch liên tục càn quét đánh phá để gom xúc dân, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất về người và vũ khí. Trước tình hình đó, các chi bộ cùng phối hợp với Ban cán sự xã trực tiếp chỉ đạo công tác kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy thôn buôn, xã căn cứ được chia làm ba khu vực: buôn Đồng Mang gọi là B1, buôn Đưng K’Si gọi là B2, buôn Đạ Tro gọi là B3. Các buôn đều thực hiện nhiệm vụ củng cố lực lượng dân quân du kích, cùng bám đất giữ làng, chiến đấu và sản xuất, lực lượng dân quân du kích đã đóng vai trò nòng cốt trong phong trào du kích chiến tranh.

Năm 1973, căn cứ Đạ Chais đã thực hiện bốn đợt bố phòng, vót và cắm được 175.000 cây chông các loại, đào 98 hầm chông, gài 17 mang cung, 18 quả mìn tự tạo, đã bố phòng được nhiều tuyến, bãi chông, có những tuyến dài hàng chục km, tạo thành thế liên hoàn trong toàn xã, xây dựng các trận địa chiến đấu và đài quan sát do du kích xã trực tiếp đảm nhiệm, đồng thời đồng bào còn tích cực tham gia đi dân công tải đạn phục vụ phía trước đánh địch, đẩy mạnh sản xuất lương thực, khắc phục tình trạng thiếu đói.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu và xây dựng, trong năm 1973, lực lượng du kích căn cứ gồm 29 đồng chí cùng với 2 cán bộ xã đội và 6 cán bộ thôn đội đã dự lớp huấn luyện 7 ngày về các bài học cơ bản, những tính năng tác dụng của các loại vũ khí và kỹ thuật bắn máy bay bằng súng bộ binh v.v…

Những tháng cuối năm 1973, sau khi bọn địch đã củng cố tương đối hoàn chỉnh bộ máy kèm bên trong và lợi dụng sự bức xúc của quần chúng về đời sống, núp dưới hình thức phát triển kinh tế để lừa bịp, đưa dân ra sản xuất, địch tăng cường việc phát quang địa hình, khai thác gỗ ở nhiều khu vực trong đó có khu vực Tiêng Liêng, Đạ Chais nhằm xoá địa hình, xoá bàn đạp, đẩy dạt các lực lượng vũ trang, các đội công tác ra xa không cho ta bám ấp, bằng những thủ đoạn đánh phá trên, địch đã gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tư tưởng nhân dân làm cho khí thế phong trào có lúc giảm xuống.

Nhằm củng cố lại phong trào, khắc phục những hạn chế về các mặt, các cấp ủy Đảng của tỉnh Tuyên Đức tiến hành học tập và thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 12 của Trung ương Cục về tình hình và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong tình hình mới, với phương hướng hoạt động trên chiến trường là: quyết tâm đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm mới của địch, đánh bọn càn quét, ủi phá địa hình, lấn đất, di dân, đồng thời đẩy mạnh hoạt động diệt ác, diệt tề, phá kèm hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh phá thế kìm kẹp của địch. Khẩn trương xây dựng và phát triển thực lực cách mạng trên các vùng, xây dựng các bàn đạp, bảo đảm thế đứng vững chắc cho lực lượng vũ trang và các đội công tác, tiếp tục củng cố xã căn cứ Đạ Chais.

Bước vào năm 1974, tình hình Tuyên Đức, Lạc Dương vẫn đang gặp những khó khăn, các đơn vị vũ trang quân số tiếp tục giảm do tổn thất trong chiến đấu. Tuy vậy, trong năm lực lượng vũ trang cũng tổ chức đánh địch được 48 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 224 tên địch, đập tan nhiều cuộc hành quân càn quét của các đơn vị bảo an, đột ấp rải truyền đơn, diệt mật vụ chỉ điểm…

Phối hợp với các phong trào chung, tại căn cứ Đạ Chais vẫn đẩy mạnh công tác bố phòng chống địch, xây dựng thôn xã chiến đấu, lập vành đai bảo vệ buôn làng, tính chung với căn cứ Đức Trọng, nơi đóng quân của cơ quan Tỉnh uỷ trong năm 1974 đã tham gia bố phòng 292.400 cây chông, 217 quả mìn, đào 64 hầm chông các loại.

Trong tình hình khó khăn nhiều về lương thực, quân số ít, địch o ép liên tục, nhưng các lực lượng trong vùng căn cứ vẫn kiên cường bám giữ địa bàn, sát dân, sát ấp, giữ vững quyết tâm giành dân, giành đất, chống lại âm mưu ủi phá địa hình di dãn dân lấn chiếm của địch.

Tranh thủ mọi thời gian kể cả ban đêm dưới ánh trăng để sản xuất tự túc lương thực, từng bước giải quyết đời sống cho nhân dân, từ đó động viên được nhân lực làm nhiệm vụ chuyển tải vũ khí đạn dược phục vụ cho yêu cầu tấn công và xây dựng phía trước. Đó là một thành công có ý nghĩa thiết thực, là bài học kinh nghiệm cho công tác xây dựng và bảo vệ căn cứ trong chiến tranh cách mạng của địa phương.

Từ giữa năm 1974, trên chiến trường miền Nam đã xuất hiện tình thế mới có lợi cho ta, đến cuối năm 1974, một số địa phương được giải phóng. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và quyết định phương án hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976.

Từ ngày 4 đến ngày 24 tháng 3 năm 1975 chiến dịch Tây Nguyên mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam đã giành thắng lợi vang dội. Thừa thắng, ta mở các chiến dịch lớn giải phóng Trị Thiên Huế và một số tỉnh đồng bằng khu 5. Tranh thủ thời cơ chiến lược, ngày 25 tháng 3 năm 1975 Bộ Chính trị họp quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam trong tháng 4 năm 1975.

Trước thời cơ ngàn năm có một và được sự chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy VI, Tỉnh uỷ Tuyên Đức xác định: Chủ động tấn công địch để phối hợp với các chiến trường, đồng thời khi có lực lượng chủ lực của trên về hoạt động tại địa phương thì sẵn sàng phối hợp tấn công và nổi dậy, giành chính quyền về tay nhân dân.

Chiều ngày 27 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 7 bộ binh nổ súng đánh chiếm chi khu Đạ Huoai sau đó tiếp tục phát triển lên giải phóng thị xã BLào vào 9 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, thừa thắng quân ta tiến đánh giải phóng thị trấn Di Linh vào sáng ngày 31 tháng 3 năm 1975, sau đó truy kích địch chạy về Tuyên Đức.

Đêm 31 tháng 3 năm 1975, có nhiều tiếng nổ lớn trong Thị xã Đà Lạt, vào khoảng 20 giờ thì tất cả điện đài từ tiểu khu đến chi khu đều im bặt, chỉ còn lại tiếng gầm rú của các loại xe cơ giới, địch đang thực hiện cuộc rút chạy hỗn loạn khỏi Đà Lạt, Tuyên Đức.

Trưa ngày 02 tháng 4 năm 1975, đại đội 810 cùng với các đội mũi công tác tổ chức vào tiếp quản ấp Xuân Sơn, Cầu Đất và khu ra đa Trường Sơn. Cùng ngày, lực lượng ta tiến công giải phóng Cầu Đất - Xuân Trường, trước khí thế tấn công của lực lượng vũ trang, phong trào nổi dậy của quần chúng đã tác động mạnh mẽ đến chi khu Lạc Dương, các đồn Tiêng Liêng, Yồ Pơ Nàng, Đa Ra Hoa, bọn địch hoảng loạn bỏ súng đầu hàng cách mạng, huyện Lạc Dương được hoàn toàn giải phóng.

Tại xã căn cứ Đạ Chais, trong khi ta tổ chức đánh địch giải phóng các trung tâm của huyện thì các lực lượng đã kịp thời bắt liên lạc chuẩn bị các loại vũ khí sẵn sàng đánh địch, do tình hình diễn biến quá nhanh, tình huống phát triển nằm ngoài dự kiến của phương án tác chiến, trước khí thế mạnh mẽ chung của phong trào, bọn địch hoảng loạn tháo chạy khỏi địa phương, quân và dân huyện Lạc Dương nói chung, xã căn cứ nói riêng tưng bừng đón chào lực lượng cách mạng, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài trong hơn 20 năm đầy gian khổ, gay go và quyết liệt đã kết thúc, với hơn 300 dân của vùng căn cứ, suốt 21 năm (1954-1975) trong điều kiện lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần, chúng đẩy mạnh càn quét đánh phá bình định bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, ác liệt; bộ máy lãnh đạo của huyện nhiều khi bị gián đoạn, chỉ còn lại Ban cán sự xã; nạn thiếu đói thường xuyên xảy ra trầm trọng, có lúc tưởng chừng như khó vượt qua, trong một thời gian ngắn phải chuyển dời căn cứ 6 lần. Nhưng được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, đội công tác, qua tuyên truyền giáo dục, được quán triệt quan điểm bạo lực, tư tưởng chiến lược tiến công, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nêu cao truyền thống đấu tranh, một lòng một dạ đi theo cách mạng, quân và dân xã căn cứ Đạ Chais đã kiên cường bám trụ, phát triển và giữ vững cơ sở, bảo vệ buôn làng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu và phục vụ phía trước đánh địch, hoàn thành xuất sắc vai trò nhiệm vụ của vùng căn cứ, đóng góp sức người sức của vào thắng lợi chung giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ghi nhận công lao to lớn của quân và dân xã căn cứ Đạ Chais trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương các loại cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ vùng căn cứ. Đặc biệt là tặng thưởng danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đó là nguồn động viên cổ vũ lớn lao để xã Đạ Chais anh hùng vượt qua khó khăn, giành thắng lợi trong giai đoạn cách mạng mới.

[1] Liên tỉnh 3 gồm các tỉnh: Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức và Lâm Đồng.

[2] Liên tỉnh ủy 4 gồm các tỉnh Đắc Lắc, Quảng Đức, Gia Lai, Kon Tum.

[3] Khu ủy 6 gồm các tỉnh: Đắc Lắc, Khánh Hoà, NInh Thuận, Bình Thuận và Tuyên Đức.

[4] Tỉnh ủy Tuyên Đức gồm: thị xã Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương.

[5] Từ tháng 12 năm 1962 đến tháng 5 năm 1963, đồng chí Lê Nam Thắng thay đồng chí A Ma Đinh làm Bí thư, đồng chí Phương và đồng chí Bình làm ủy viên Ban cán sự vùng A.

Từ khóa » Các Chiến Lược Chiến Tranh Của Mỹ áp Dụng ở Việt Nam Từ 1954 đến 1975