Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thiên Anh Hùng Ca Bất Diệt

QPTĐ-Sinh thời khi nhắc tới Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.

Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930. (Tranh minh họa)

Vượt ra khỏi không gian của đất nước Việt Nam, phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh là cao trào cách mạng công-nông đầu tiên nổ ra trong hệ thống thuộc địa thế giới, tiến công vào dinh lũy, làm rung chuyển nền thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai ở Đông Dương. Thông qua đó, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam được nâng cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trở thành cầu nối đưa cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.

Theo dòng lịch sử, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-3-1930), một cao trào cách mạng đã dấy lên khắp nơi trong cả nước. Nghệ Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Mở đầu bằng cuộc biểu tình nhân ngày Quốc tế lao động 1-5 tại khu vực Vinh-Bến Thủy. Công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, công nhân các Nhà máy diêm, cưa, điện Vinh-Bến Thủy và nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã sát cánh bên nhau đứng dậy đấu tranh; rầm rộ biểu tình thị uy, phất cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị. Đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân sát cánh bên nhau trong đấu tranh chống kẻ thù, mở đầu cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Sau ngày 1-5, tại các vùng nông thôn như Nghi Lộc, Anh Sơn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Đô Lương, những cuộc biểu tình của nông dân diễn ra thường xuyên…

Đầu tháng 8-1930, đã nổ ra cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh-Bến Thủy. Quần chúng không chỉ có đưa đơn thỉnh cầu hay yêu sách, mà còn có những cuộc đập phá công đường, sở rượu, dùng áp lực buộc quan lại sở tại phải hứa thực hiện đòi hỏi của nhân dân. Cùng thời điểm đó, ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An), huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nhân dân kéo đến huyện lỵ phá nhà giam, giải thoát tù chính trị, đốt giấy tờ sổ sách, trừng trị bọn phản động gian ác, đánh dấu một thời kỳ mới-thời kỳ đấu tranh quyết liệt “đòi dân chủ và độc lập dân tộc”, từ đấu tranh chính trị, quần chúng đã biểu tình có vũ trang tự vệ.

Điều đáng nói, ngày 12-9-1930, hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên đã kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách, hô vang các khẩu hiệu chống đế quốc thực dân, phong kiến. Thực dân Pháp man rợ, dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm hàng trăm người chết và bị thương. Không chùn bước trước bom đạn của kẻ thù, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh ngày càng dâng cao, lan rộng ra ở nhiều địa phương, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều nơi. Chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết được thành lập ở nhiều nơi thi hành nhiều chính sách tiến bộ, chính đáng cho nhân dân như: Chia lại ruộng công, bãi bỏ sưu cao thuế nặng, thực hiện chức năng dân chủ đối với đông đảo quần chúng và chuyên chính với thiểu số bóc lột là đế quốc và phong kiến tay sai, tích cực truyền bá chữ quốc ngữ, bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan.

Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tạm thời lắng xuống vào cuối năm 1931. 90 năm đã trôi qua nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh mãi là thiên anh hùng ca bất diệt, tiêu biểu khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam và quê hương xứ Nghệ. Sự ra đời và hoạt động của chính quyền Xô viết là minh chứng sinh động việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản của dân tộc Việt Nam; tỏ rõ tính ưu việt và bản chất tiến bộ của một chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nói riêng và các địa phương nói chung vững bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng quê hương ngày càng phát triển như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Cát Tường 

Từ khóa » Tiểu Luận Xô Viết Nghệ Tĩnh