Phong Tục Giỗ Họ Trong đời Sống Người Việt - Báo Nghệ An

Phong tục giỗ họ trong đời sống người Việt 22/02/2013 14:55

(Baonghean.vn) - Giỗ họ là một trong những phong tục tốt đẹp của người Việt thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn với cội nguồn, các bậc tổ tiên đã sinh thành ra mình.

Giỗ họ được tiến hành vào một ngày trong năm nhưng phổ biến nhất vào tháng Giêng âm lịch. Do điều kiện lịch sử và đặc điểm của quan hệ huyết thống, gia đình người Việt chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi vì giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó còn có quan hệ ràng buộc khác chi phối, ràng buộc như làng xóm, họ hàng và nhất là dòng tộc. Theo quy ước huyết thống, nhiều gia đình sẽ hợp thành 1 (chi) nhánh, nhiều nhánh sẽ thành một họ, mỗi họ có một Ông Tổ chung trong một làng, một xã….

Giỗ họ thực chất là ngày giỗ tiên linh các đời vào chung một nhà thờ đại tôn hay của từng tiểu chi, được tiến hành dưới một nghi thức gọi là lễ hợp tự. Theo phong tục cổ truyền người Việt thì con cháu thờ cúng riêng ông bà đến 5 đời thì tống giỗ (đến đời thứ 5 thì chôn thần chủ), thực chất chỉ có 4 đời là làm giỗ cha mẹ (đời thứ 2), giỗ ông bà (đời thứ 3), giỗ ông bà cố (đời thứ 4) và kỵ (hay can đời thứ 5). Cao hơn kỵ thì gọi chung là tiên tổ, thì không cúng nữa mà rước tất cả Thủy tổ, Tiên tổ các đời vào chung một nhà thờ để mỗi năm tế một lượt. Thần chủ được đề là hiền khảo, hiền tỷ, đến khi người con trưởng chết, cháu đích tôn cúng ông bà, đối thần chủ là hiển tổ khảo, hiển tổ tỷ, đến lượt cháu trưởng mất, chắt trưởng tiếp tục thờ cụ cố là hiển tằng tổ khảo (hoặc tỷ), chít trưởng thời kỵ (can) là hiển cao tổ khảo (hoặc tỷ). Sau 5 đời thì rước vào nhà thời tổ rồi chôn thần chủ đó đi, trong nhà thờ tổ chỉ để duy nhất có một ngôi thần chỉ cao nhất gọi là Tiên tổ, Thủy tổ hay vĩnh thế thần chủ.

Vì vậy, có thể nói ngoài ngày giỗ tại gia đình, theo phong tục người Việt còn có ngày giỗ chung của cả họ. Trưởng họ (trưởng tộc) thường là người được hưởng hương hỏa của tổ tiên nên có trách nhiệm phải lo việc làm giỗ họ. Tuy nhiên, ngày nay với ý nghĩa hỗ trợ cho trưởng họ về mặt kinh phí và cũng là thể hiện tấm lòng biết ơn với tổ tiên nên có quy định trong ngày giỗ họ này, con cháu trong họ đều phải có trách nhiệm và chuẩn bị chu đáo cho ngày giỗ. Kinh phí góp giỗ ngoài việc mua sắm lễ vật để cúng giỗ, nếu còn thừa sẽ dùng hoặc con cháu còn phải đóng góp, ủng hộ thêm để mua sắm, thay thế đồ tế khí, tu sửa nhà thờ hoặc gây quỹ khuyến học...

Theo phong tục, chỉ đàn ông trong họ trên 18 tuổi mới phải góp giỗ và được tính theo đinh (con trai), con dâu được cưới về nên có quyền được dự giỗ họ, có nhiều họ quan niệm con gái không phải góp và không dự giỗ họ. Trong ngày giỗ họ, trừ trường hợp bất khả kháng, các trưởng chi họ và con cháu đều phải có mặt. Tuy vậy, hiện nay phong tục này được cải tiến và có nhiều nét mới tiến bộ hơn, nhiều gia đình, dòng họ đã có quy định con trai dưới 18 tuổi đều được góp giỗ và con gái cũng có quyền được góp giỗ và dự lễ giỗ. Không những vậy, một số họ, nếu con gái vì bận việc không đi dự được, nếu rể hoặc con đến dự thì được coi là khách quý và được anh em nội tôn đón tiếp rất chu đáo.

Thông thường, vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng hoặc lễ Tết, việc lễ bái sẽ do nhà trưởng họ chăm lo, đến ngày giỗ họ thì con cháu cả họ cùng lo. Trong ngày giỗ họ, không mời khách khứa mà chỉ có con cháu trong họ tề tựu.

Về nghi thức tế tự: (đây là phần lễ nghi quan trọng nhất khi giỗ họ) bao gồm việc tế lễ đối với thần linh, đối với người cõi âm và cả việc giao tiếp, chào hỏi, thết đãi đối với người đang sống. Thông thường, phần lễ nghi đối với phần âm trong các dòng họ ở tỉnh ta thường được tiến hành vào ban đêm hôm trước được gọi là lễ yết cáo, ngày hôm sau là lễ tế chính thức. Về tế tự đối với gia thần, gia tiên, tùy từng nhà, từng họ và từng địa phương mà tổ chức quy mô khác nhau. Phổ biến là nghi thức thắp hương, khấn vái thay cho lễhưng bái, phần hương, dâng tửu, điểm trà, đọc chúc văn… nhưng cũng có dòng họ lớn, hiển đạt thì nghi lễ được tổ chức trang nghiêm và quy mô hơn. Lễ yết và tế họ trước đây được tiến hành bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm và phải có nhạc, trống chiêng, có quỳ báo điển đọc, có sơ hiến, á hiến, tam hiến tuần, mọi động tác phải theo đúng lời xướng và tiếng trống, chiêng. Thời gian hành lễ phải từ 1 đến 2 tiếng mới xong, chưa kể thời gian từng chi một, từ bậc cha chú đến con cháu lần lượt làm lễ thắp hương, cúng và bái tổ họ…

Bên cạnh xu hướng phục cổ, tiến hành giỗ họ (tế tổ) theo nghi thức cũ thì hiện nay có một số dòng họ theo xu hướng đổi mới, ngôn ngữ xướng văn cúng tế bằng Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. Thay thế cho nghi thức tế lễ theo kiểu điển tế cổ xưa thì một số dòng họ tập trung con cháu, làm nghi thức tưởng niệm công đức tổ tiên; trình bày tiểu sử và công trạng Thủy tổ cùng các vị tiên tổ, làm lễ dâng hương hoa, mặc niệm. Kết thúc buổi lễ, tộc trưởng hoặc người có uy tín trong dòng họ đọc lời chúc các vị cao lão trong dòng họ, trình bày kế hoạch năm sau và phát lời kêu gọi, dặn dò con cháu.

Hiện nay, dù tổ chức giỗ họ theo xu hướng phục cổ hay đời mới thì cũng cần được làm trang nghiêm, thành kính. Người xưa quan niệm “tế thần như thần tại” tức là khi tế tổ phải tưởng tượng từ vị Thủy tổ đến các vị Tiên tổ các đời đang về ngồi trên bàn thờ quan sát con cháu. Việc các họ tiến hành tế theo nghi lễ cũ cũng có ý nghĩa nhắc lại cho con cháu đời nay biết không khí trang nghiêm mà cha ông đã tiến hành ngày trước. Tuy nhiên, hiện nay, các động tác nghi thức khi tiến hành tế lễ cũng chỉ mang tính chất biểu tượng mà thôi. Ví dụ như động tác rửa tay, kiểm tra lễ vật mâm cỗ, ấm chén trước khi vào lễ tế; tục mời trầu, uống chén rượu sau khi cúng như một cách thụ hưởng lộc của tổ tiên thay thế cho mời ăn thịt sau khi tế…

Một nét đẹp trong lễ giỗ họ hàng năm hiện nay ở các làng quê Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng là dịp để các dòng họ trao thưởng cho các con cháu làm ăn, học hành đỗ đạt, góp phần làm rạng danh dòng họ. Thông thường, sau nghi lễ với tổ tiến, một vị có uy tín trong dòng họ công bố và phát thưởng cho các cháu có thành tích trong học tập. Nếu con cháu nào có hoàn thành khó khăn nhưng học hành đỗ đạt cũng được anh em động viên, hỗ trợ. Ngoài ra, dịp rằm tháng Giêng, nhân các họ tiến hành giỗ tổ trong năm, các địa phương còn tổ chức gặp mặt vinh danh con cháu các dòng họ và của địa phương có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập; giao lưu thế thao giữa các dòng họ, góp phần tạo không khí đoàn kết trong cộng đồng làng xóm và giáo dục ý thức rèn luyện sức khỏe để trong các tầng lớp nhân dân.

Nguyễn Hải

Từ khóa » Giỗ Cụ Hay Dỗ Cụ