Phong Tục Và Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên Của Người Việt

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có từ rất lâu đời. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tự bản thân phong tục thờ cúng tổ tiên đã mang trong nó những giá trị văn hoá nhân bản. Cùng với thờ cúng tổ tiên thì thờ “thành hoàng làng” và thờ “vua hùng” cũng là những phong tục lâu đời của người Việt nam ta. Trong khuân khổ bài viết này, nhóm chúng em sẽ làm rõ những phong tục này qua đề tài:” Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt? Ý nghĩa của việc thờ “thành hoàng làng” và thờ “vua hùng”?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt:
    • 1.1 1.1. Khái niệm tín ngưỡng:
    • 1.2 1.2. Tại sao người việt thờ cúng tổ tiên?
  • 2 2. Bản chất của việc thờ cúng:
    • 2.1 2.1. Thờ cúng tổ tiên để lưu giữ kí ức về tổ tiên:
    • 2.2 2.2. Nhắc nhở ý thúc về cội nguồn:
  • 3 3. Các hình thức thờ cúng:
    • 3.1 3.1. Cúng cáo thường xuyên: Người Việt thường cúng Gia tiên vào ngày Sóc
    • 3.2 3.2. Cách thức lễ:
    • 3.3 3.3. Bàn thờ tổ tiên:
  • 4 4. Sự khác biệt giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam và một số nước trong khu vực:
    • 4.1 4.1. Những hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản:
    • 4.2 4.2. Những thời điểm thờ cúng tổ tiên:
  • 5 5. Ý nghĩa của việc thờ “Thành Hoàng làng” và thờ “vua hùng”?
    • 5.1 5.1. Ý nghĩa của việc thờ “Thành Hoàng làng”:
    • 5.2 5.2. Ý nghĩa của việc thờ vua Hùng:
    • 5.3 5.3. Sự  kết nối giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – thành hoàng làng – Vua hùng:

1. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt:

1.1. Khái niệm tín ngưỡng:

Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi được hiểu là tôn giáo. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân tộc nhiều hơn tôn giáo, tín ngưỡng có tổ chức không chặt chẽ như tôn giáo. Khi nói đến tín ngưỡng người ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc có một số đặc điểm chung còn tôn giáo thì không mang tính dân tộc. Tín ngưỡng không có một hệ thống điều hành và tổ chức như tôn giáo, nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo

1.2. Tại sao người việt thờ cúng tổ tiên?

Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v… là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị “Thành hoàng làng” các “Nghệ tổ”. Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo đã thành “Cha” được tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. “Tháng 8 giỗ cha” ở rất nhiều nơi trong cộng đồng người Việt. Ngay cả “Thành hoàng” của nhiều làng cũng không phải là người đã có công tạo dựng nên làng, mà có khi là người có công, có đức với nước được các cụ xa xưa tôn thờ làm “thành hoàng”. Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là “Mẹ Âu Cơ”, còn là “Vua Hùng”, là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.

*Cơ sở tâm linh: Cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng là quan niệm tâm linh của con người về thế giới. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Từ quan niệm đó hình thành nên niềm tin về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống). Người đã chết bằng linh hồn trở về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ.

Ngoài lí do tin vào những người đã khuất, ý thức tôn trọng cội nguồn và đức tính hiếu thảo của người Việt cũng là cơ sở quan trọng hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ đã chết cũng như khi còn sống đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với nhu cầu của tổ tiên. Trách nhiệm được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần được hình thành.

tin-nguong-tho-cung-to-tien-cua-nguoi-viet-bai-tap-nhom-dai-cuong-van-hoa-viet-nam-8-diem

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Tín ngưỡng của tục thờ cúng tổ tiên tồn tại ở nhiều dân tộc Đông Nam Á song nó vẫn được xem như là tín ngưỡng đặc trưng cho người Việt về tính phổ biến của nó đối với cộng đồng, hầu như trong mỗi gia đình người Việt đều có bàn thờ gia tiên.

Người phương Đông vốn có thói quen tâm lý duy tình nhưng biểu hiện này ở người Việt càng trở nên sâu sắc hơn. Con người vừa chịu quan niệm “sống vì mồ mả, ai sống vì bát cơm” mong được nhận “phúc ấm của tổ tiên” nhưng lại lo trách nhiệm để phúc cho con cháu “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Bởi vậy mà khi cúng lễ tổ tiên, một mặt con người hướng về quá khứ, định hướng cho hiện tại (giáo dục truyền thống gia đình, đạo lý làm người cho con cháu) và mặt khác đã chuẩn bị cho tương lai.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có nội dung bình dị và giàu tính thực tiễn, không cực đoan như nhiều tôn giáo khác. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước nêu gương cho thế hệ sau không chỉ vì trách nhiệm đối với các bậc sinh thành mà còn để giáo dục dạy dỗ con cháu lưu truyền nòi giống. Trong khi tế lễ, lời khấn vái của họ cũng thật giản dị, rất thực tiễn: lời cầu xin che chở, phù trợ cho cuộc sống hàng ngày của họ được bình yên, suôn sẻ. Không biết sự cầu xin ấy hiệu quả như thế nào, nhưng trước hết, con người cảm thấy thanh thản về mặt tâm linh, điểm tựa tinh thần quan trọng cho cuộc sống. Do đó, khả năng phổ biến trong không gian và thời gian của tín ngưỡng này cũng là một điều dễ hiểu

Cơ sở xã hội: Khi bước vào chế độ  phụ quyền, vai trò của người đàn ông trở nên quan trọng trong họat động kinh tế và sinh họat của gia đình. Con cái mang họ cha và con trai kế tiếp ý thức về uy quyền trong gia đình của mình. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ đấy..

Không chỉ chịu ảnh hưởng từ chế độ phụ quyền, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn chịu ảnh hưởng từ ba dòng tôn giáo chính ở Việt Nam. Đó là:

Nho giáo: Theo như Khổng Tử, sự sống của con người không phải do tạo hóa sinh ra càng không phải do bản thân tự tạo ra mà nhờ cha mẹ, sự sống của cha mẹ lại gắn với ông bà và cứ như vậy thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước, vì thế mà thế hệ sau phải biết ơn thế hệ trước. Cùng với tư tưởng tôn quân, quyền huynh thế phụ đã củng cố thêm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta ngày một thể chế hóa.

Đạo giáo: Nếu như Khổng giáo đặt nền tảng lý luận về đạo đức, về trật tự kỉ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt thì Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.

Phật giáo: Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, kiếp luân hồi và nghiệp báo. Những tư tưởng cơ bản của Phật giáo có ảnh hưởng lớn lao đến sự phát triển của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Việt nhưng không vì thế mà có sự sao chép y nguyên. Người Việt Nam quan niệm rằng cha mẹ tổ tiên luôn lo lắng, quan tâm  cho con cái ngay cả khi họ đã chết. Người sống chăm lo đến linh hồn người chết, vong hồn người chết sẽ quan tâm đến sự sống của người đang sống.

2. Bản chất của việc thờ cúng:

2.1. Thờ cúng tổ tiên để lưu giữ kí ức về tổ tiên:

Đặc trưng trong đời sống của người Việt là tính duy lí. Vì vậy trong gia đình hình ảnh của những người đã khuất luôn luân hiện hữu và không xa rời đời sống của những thành viên trong gia đình và làng xã. Chết không phải là mất đi tất cả mà là một dạng chuyển hóa vật chất từ dạng này sang dạng khác và tổ tiên cũng tồn tại ở một thế giới siêu hình mà con người không thể nhìn thấy được. Trong gia đình bàn thờ là nơi con cháu lưu gữ những hình ảnh thân thuộc nhất về những người đa khuất. Việc thờ cúng được lặp đi lặp lại như một công việc quen thuộc, khoi dậy trong con cháu những kí ức về tổ tiên.

2.2. Nhắc nhở ý thúc về cội nguồn:

 Với đạo lý uống nước nhớ nguồn nên thờ cúng tổ tiên thành cẩn là xuất phát từ lòng hiếu kính nhớ ân thâm nghĩa trọng, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người ngay từ lúc còn thơ bé:

Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn,

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

Người ta nguồn gốc từ đâu?

Có cha có mẹ rồi sau có mình.

3. Các hình thức thờ cúng:

3.1. Cúng cáo thường xuyên: Người Việt thường cúng Gia tiên vào ngày Sóc

– Vọng (Sóc là ngày Mồng Một, Vọng là ngày Rằm hàng tháng), lễ Tết, giỗ hoặc bất kỳ lúc nào cần được gia tiên phù hộ như: sinh con, đẻ cái, kết hôn, làm nhà, lập nghiệp, có trục trặc về sức khỏe. Đây là cách để thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.

Ngày cúng giỗ Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập… Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử…, người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.

Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.

3.2. Cách thức lễ:

Nghi lễ thờ cúng: trước khi tiến hành nghi lễ thờ cúng gia chủ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước cây cỏ có mùi thơm. Sau đó người thực hiện việc cúng phải mặc quần áo chỉnh tề thường thì quần áo mà gia chủ mặc là đò trắng. tuy nhiên trong xã hội hiện đại ngày nay thì chỉ cần ăn mặc chỉnh tề và người ta ít quan tâm hơn đến cách ăn mặc trong những lễ cúng.

Cách thức vái lạy:

Vái thường được áp-dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường-hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái

Lạy là hành-động bày tỏ lòng tôn-kính chân-thành với tất-cả tâm-hồn và thể-xác đối với người trên hay người quá-cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều có mang ý-nghĩa khác nhau.

Ở đàn ông và đàn bà có tư thế vái là lạy khác nhau. Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ- phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy (xem phần Ý-Nghĩa của Lạy dưới đây). Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.

Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa-học và vững-vàng. Sở-dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng-bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn-bị đứng lên cũng vậy. Sở-dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững-vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.

Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng-thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.

Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.

Cách khấn tổ tiên: Lời khấn vái là lời nói chuyện với người quá cố, do đó lời khấn là tấm lòng của người còn sống. thì muốn khấn sao cũng được.

Lễ khấn gồm các thủ tục như sau:

– Sau khi mâm cỗ đã đặt xong thì gia trưởng ăn mặc chỉnh tề (ngày xưa thì khăn đống áo dài) đi ra mở cửa chính. Ở xứ lạnh thì cũng phải ráng hé cửa chứ không đóng được cửa kín mít.

– Sau đó phải khấn xin Thành Hoàng Thổ địa để họ không làm khó dễ Linh về hưởng lễ giỗ.

Và sau đây là một đoạn khấn theo lối xưa:

Duy …..quốc…..Tỉnh/Thị xa…. trang/gia tại… (số nhà). Việt lịch thứ 488…, thử nhật … (ngày âm lịch) húy nhật  gia phụ/mẫu/Tằng tổ v.v. là Hiển khảo/Tỷ.. (tên) (cho đàn bà thì là hiển tỷ;  với ông nội ngọai thì thêm chữ tổ – hiển tổ khảo/tỷ), Hiếu tử/nữ/tôn v.v là (Tên) tâm thành kính cáo thành hoàng và thổ thần bản địa, tiền chủ tiếp dẫn gia phụ mẫu/cô di v.v. (Người được giỗ hôm nay) đồng cung thỉnh Cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, liệt vị tổ tiên, hiển tổ khảo, hiển tổ tỷ, cô di tỷ muội, nội ngoại đồng giai lâm, tọa ngự linh sàn chứng giám. Cẩn cáo.

Đồ lễ dâng cúng gia tiên: Thịt động vật để cúng gia tiên là những động vật mà con người cho là “ thịt sạch”. Theo đó những con vật có đặc tính xấu bị loại bỏ trong cúng tế. Ví dụ con chuột tương ứng với loại người chuyên làm chuyện đục khoét, con rắn có nọc độc hình ảnh của người độc ác, con vịt lạch bạch không bay xa là so sánh của người chậm chạp… cá mè, cá trê, lươn, chạch vv… không được xem là những đồ lễ sạch vì chúng sống dưới bùn nhơ hoặc tanh tưởi hay có màu đen màu của tang tóc. Con chó – một con vật nuôi cực kì thân gần với người, nhưng đồ ăn từ thịt chó lại bị xem là những thứ không tinh sạch, bởi chó ăn chất thải không thể dùng trong tế lễ.

Những con vật được dùng là lễ cúng Gà và lợn là những đồ lễ quan trọng của người Việt trong mọi nghi lễ: tục thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, thổ thần, cúng trời đất… Người Việt cũng dùng cá để dâng cúng, những loài cá được xem là sạch, được dâng cúng thường xuyên là cá chép, cá trắm

Với hoa quả cũng vậy hoa quả dâng lên tổ tiên là những loại quả mà gia đình trồng được. với ý nghĩa dang lên tổ tiên thành quả lao động của mình

Ý nghĩa sâu xa của việc cúng lễ là đạt đến đỉnh cao của Chân – Thiện – Mĩ. Việc cúng lễ không cần cầu kì, cốt yếu ở việc thành tâm

3.3. Bàn thờ tổ tiên:

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tuỳ theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5 hoặc gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tuỳ mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đối với nhà tầng). Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố, chỗ thắp nến. Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ… Sau khi tàn một nửa tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là hoá vàng, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng phải làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất.

Cách bài trí

Lớp trong

Chiếc rương thật lớn, cao khoảng 1m, dài và rộng 2m. Mặt trước gồm ba ô, mỗi ô khắc một chữ đại tự (大佀). Đôi khi, chiếc rương được thay bằng chiếc bàn to, kê trên 2 chiếc mễ (1m). Có 2 chiếc mâm đặt phía trong bàn thờ. Mâm to đựng cỗ, mâm bé bày hương hoa trong ngày giỗ. Chiếc thứ 2 phải bé hơn chiếc thứ 1. Có một chiếc thần chủ đặt trong khám thờ kê trên chiếc bệ. Có thể thay thế bằng chiếc ngai (chiếc ỷ) để tổ tiên thuộc hàng cao có thể kiểm soát con cháu thờ cúng. Trước thần chủ thường có đĩa đựng trầu cau, 3 ly nước lã trong, chén (hoặc bình) rượu nhỏ, đĩa đồng hoặc sứ đặt 2 bên để đặt hoa quả, thức ăn để thờ…Bên trong đặt bài vị của tổ tiên bằng sứ, có thể thay thế bằng ảnh chân dung người mất được treo lên tường sau hoặc đặt trên mặt bàn thờ.

Lớp ngoài

Hương án thật cao. Bình hương lớn bằng sứ hoặc đồng, trong đó có để cát hoặc tro ở trong, ở giữa cắm trụ sắt cao để đặt hương vòng. Hai bên có 2 cây đèn, bật khi cúng lễ. Hai cây đồng để thắp nến, có thể thay thế bằng 2 con hạc đồng. Đồng có thể thay bằng sứ.. Có thể trang trí thêm đồ vật như hoành phi, câu đối… vào chính giữa bàn thờ hoặc hai bên.Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11,… mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10,… Người ta quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên(người dương thắp cho người âm). Loại hương thẳng gồm 2 phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm. Có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương. Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, méo hay siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây Hỏa hoạn. Khi thắp hương, có thể trông coi khi cần thiết.

Bàn thờ người mới chết

Những người mới mất chưa được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Được bài trí tương đối sơ sài: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn… Trong vòng 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng. Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, “hồn vía còn nặng” chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn. Nhưng có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức lễ chung thất).

Sau 49 ngày, bát nhang người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ tổ tiên. Sau lễ trừ phục (còn gọi là đàm tế) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ tổ tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo tổ tiên lên bàn thờ tổ..Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người việt trong phạm vi làng nước

4. Sự khác biệt giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam và một số nước trong khu vực:

4.1. Những hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản:

Ở Nhật Bản: Đạo Shinto (thần đạo) là tín ngưỡng bản địa của Nhật Bản. Đạo Shinto thờ bách thần. Nghi thức thờ cúng của Shinto cũng bao gồm cả tục thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của Nhật Bản mang màu sắc của Thần đạo. Trong các ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản bao giờ cũng đặt một gian Bustrudan ở giữa. Đây là gian phòng để thờ Phật nhưng người Nhật cũng đặt một ban thờ để thờ cúng tổ tiên. Ngoài việc thiết lập các ban thờ tại gia, hầu hết các gia đình Nhật Bản có gửi tro cốt của những người đã khuất tại chùa. Do đó, bên cạnh việc thực hiện nghi thức cúng tế tổ tiên tại nhà họ cũng tổ chức làm lễ cúng tại chùa. Các nghi thức cúng tế tổ tiên tại chùa được các nhà sư thực hiện dựa trên yêu cầu của thân chủ. Tại các gia đình, vào ngày giỗ, họ dâng đồ cúng và đọc kinh trước ban thờ Phật và ban thờ tổ tiên.

Ở Hàn Quốc:  Căn cứ vào hình thức và đối tượng được thờ cúng của người Hàn, có thể thia làm ba hình thức thờ cúng tổ tiên cơ bản sau:

– Kije: nghi lễ nhằm tưởng nhớ những người mới mất.

– Ch’arye: lễ tưởng nhớ những người thân trong gia đình đã mất. Nghi lễ này được thực hiện vào buổi sáng của những ngày lễ đặc biệt nào đó.

– Myojje: lễ tưởng nhớ bên mộ. Nghi lễ này được thực hiện khi tiến hành thăm viếng mộ tổ tiên, ông bà.

Việc sắp xếp đồ lễ trên ban thờ đòi hỏi phải có một trật tự nhất định. Chẳng hạn, những đồ hoa quả có màu đỏ phải xếp riêng ở phía Đông, đến những hoa quả có màu trắng phải xếp ở phía Tây của bàn thờ. Tiếp theo đó là một hàng thức ăn, rồi đến hoa quả, rau, cháo đặc và một số loại thịt cá. Cuối cùng là những bát cơm, hoặc đôi khi là cháo cùng với thìa và đũa. Phía trước bàn thờ bày đồ cúng là một bàn để bát nhang và trước bát nhanh là khay rượu.

4.2. Những thời điểm thờ cúng tổ tiên:

Nhật Bản: do đặc điểm tôn giáo, tín ngưỡng riêng của mình mà lễ cúng tổ tiên chỉ được hiện vào một dịp nhất định trong năm. Cho đến nay, người dân Nhật Bản thường tập trung tiến hành nghi thức cúng tế tổ tiên vào nhiều dịp nhưng bài viết chỉ đề cập đến 3 dịp quan trọng nhất trong năm như:

Ngày giỗ: không như các nước phương Tây là coi trọng ngày sinh, hầu hết các nước ở khu vực Đông Nam Á và Bắc Á lại coi trọng ngày mất của những người thân trong gia đình, dòng họ. Nghi thức cúng tế đều mang tính chất của đạo Shinto: “Ở Nhật Bản việc cúng giỗ trong gia đình rất đơn giản, nhưng cũng rất trang nghiêm. Vào ngày giỗ, mọi người trong gia đình phải tắm rửa sạch sẽ, làm lễ tẩy uế bằng cách vẩy nước (mishoghi)[2] hoặc khua một cành cây xanh (sakagi) hoặc khua đũa thờ (musa). Những động tác này làm ở ngoài cửa. Không lập các đàn tế cầu kỳ như ở Trung Hoa, có chăng chỉ là một tấm bài vị ghi tên cha mẹ, tổ tiên đã mất hoặc bầy một chậu cây, một phiến đá tượng trưng cho những kỉ niệm về người đã khuất”

Ngày Tết: Ngày tết cổ truyền của Nhật Bản diễn ra vào những ngày đầu thàng giêng âm lịch. Đây là dịp diễn ra lễ hội lớn nhất trong năm và quan trọng nhất với mỗi gia đình Nhật Bản. Vào thời điểm trước Tết, tại các đền thờ Shinto, các vị thầy tu làm lễ thanh tẩy những uế tạp của năm cũ cho dân chúng, còn trong mỗi ngôi nhà, chủ nhân của chúng lại dọn dẹp, trang hoàng lại cho mới hơn. Trong mối gia đình, người ta cũng làm lễ thanh tẩy nhưng mang tính chất tượng trưng. Ngoài ra, họ còn cắm những cành thông lên cổng và bện những dây rơm hoặc giấy treo trên lối vào nhà.

Hàn Quốc: Tín ngưỡng bản địa của người Hàn Quốc là đạo Shaman. Theo quan niệm của người Hàn Quốc thì các vị thần Shaman ngự trị khắp nơi trong căn nhà của họ: “các thần bay lượn khắp xung quanh và là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Hàn giống như gạo và Kim chi”. Hàng ngày, người Hàn Quốc vẫn làm lễ Kosa để thờ cúng các vị thần, cầu xin họ ban phúc. Việc cúng tế tổ tiên ở Hàn Quốc lại chỉ mang tính tưởng nhớ nên nó diễn ra không thường xuyên mà chỉ được thực hiện ở một số dịp nhất định trong năm như:

Ngày giỗ: ở Hàn Quốc, ngày là lễ giỗ được gọi là Kije, được thực hiện đúng ngày mất với mục đích tưởng nhớ người đã mất. Trước đây, nghi lễ này được thực hiện vào nửa đêm trước ngày giỗ. Ngày nay, có rất nhiều gia đình đã chuyển sang làm giỗ vào sang sớm. Vào ngày ngày giỗ, các gia đình Hàn Quốc làm mâm cỗ cúng thịnh soạn.Trên bàn thờ bày biện các món ăn đặc biệt, hoa quả trước bài vị của người của người đã mất. Điều đặc biệt của nghi lễ này là người thực hành nghi lễ là những người đàn ông trong gia đình (kể con rể cũng được thực hành các nghi thức cúng tế trong nhà vợ). Sau khi hành lễ xong, mọi thành viên trong gia đình cùng tập trung ăn uống.Người Hàn Quốc quan niệm rằng: khi ăn uống những thức ăn dùng để cúng ông bà tổ tiên sẽ luôn được tổ tiên phù hộ, và gặp may mắn.

Ngày Tết cổ truyền:là thời điểm quan trọng nhất đối với người dân Hàn Quốc.Vào ngày này, họ làm lễ Cha’rye để tưởng nhớ về tổ tiên của gia đình. Họ chuẩn bị mọi thứ rất công phu và được bày biện lên ban thờ theo một quy tắc nhất định.Buổi lễ kết thúc khi người đàn ông cuối cùng hành lễ xong. Sau đó gia đình cùng thụ lễ và nói chuyện về truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trong dịp Tết cổ truyền này, người dân Hàn Quốc cũng tổ chức viếng mộ tổ tiên. Nếu như lễ cúng tổ tiên tại nhà thường để cúng tổ tiên ở bốn đời gần nhất, từ đời thứ năm trở về trước được cúng tại mổ tổ mỗi năm một lần.

Ngày thức ăn lạnh (Hansic): là ngày thứ 105 sau ngày Đông chí, thường rơi vào khoảng đầu tháng 3 âm lịch. Vào ngày này, người Hàn Quốc chuẩn bị đồ cúng như rượu, hoa quả, rau, bánh, gạo, thịt, cá và nhiều loại thức ăn nữa để cúng tổ tiên.

Ngày 15 tháng 7 âm lịch: được coi là ngày trở về của các linh hồn đã khuất. Ở Việt Nam, Nhật Bản gọi là ngày xá tội vong nhân, trong tiếng Hàn cũng có nghĩa tương tự như vậy.

Ngày rằm tháng tám: Chusok – lễ hội mùa trăng): là dịp thờ cúng tổ tiên lớn nhất trong năm của người dân Hàn Quốc. Vào dịp này, mọi người đi làm xa đều cố gắng thu xếp công việc quay trở về gia đình để tham nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Đây là dịp để mọi người tập trung tại nhà người con trai trưởng và tổ chức một bữa tiệc lớn nhằm kỉ niệm một vụ mùa bội thu và quan trọng hơn cả là tưởng nhớ đền tổ tiên vì họ đã phù hộ cho con cháu trong năm qua.Trong ngày đầu tiên của dịp lễ, người ta sẽ dâng lên tổ tiên những sản phẩm của vụ mùa vừa thu hoạch. Họ thành kính dâng lên tổ tiên những đồ cúng bằng rượu, hoa quả, bánh chay và những loại hạt mới được thu hoạch như hạt dẻ, táo, hồng, và lê…Một loại bánh đặc trưng nhất trong ngày lễ này là bánh bột gạo hình bán nguyệt Songp’yon. Loại bánh này được làm từ gạo mùa mới xay nhỏ, mịn, mềm. Bên trong bánh có nhân đậu đỏ, vừng, hạt dẻ và được hấp trên lá cây thông mới hái.

Cũng trong dịp này, người Hàn Quốc cũng đi thăm viếng mộ, tỏ lòng thành kính với tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng và thực hành nghi thức vái tạ. Vào dịp này, người ta còn tổ chức tu sửa mộ với mong muốn làm đẹp, sạch sẽ nơi an nghỉ của tổ tiên.

Việt Nam: Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (còn gọi là ngày sóc), ngày rằm (còn gọi là ngày vọng), và các dịp lễ Tết khác trong một năm như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập… Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử…, người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên của người Việt là từ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân. Tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế nên việc cúng giỗ là thực hiện mối giao lưu giữa cõi dương và cõi âm.

Ngày giỗ (kỵ nhật) là ngày kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hàng năm thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Trong các ngày giỗ có ba ngày chú ý nhất: tiểu tường (giỗ đầu), đại tường (giỗ hết), trừ phục (lễ cởi bỏ đồ tang). Các ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là cát kỵ (giỗ lành).

Trước lễ Tiểu tường, nhiều gia đình còn làm lễ Tiên thường (cáo giỗ) nhằm xin phép Thổ công để linh hồn người đã mất trở về gia đình nhận giỗ. Đồ lễ cúng trong giỗ đầu và giỗ hết phải chuẩn bị rất chu đáo. Theo quy định xưa, vào ngày giỗ đầu, trang phục tang lễ mũ gậy, áo xô lại được con cháu mang ra mặc. Đồ mã được gửi cho người chết cũng theo quy định: ở lễ tiểu đường đó là “mã biếu” vì người chết phải sử dụng để biếu các ác thần mong tránh sự quấy nhiễu (dân gian quan niệm cõi âm như cõi trần), ở lễ Đại tường và lễ Trừ phục (một ngày tốt được chọn sau lễ Đại tường để đốt bỏ tang phục) đồ mã còn cần nhiều hơn: mọi vật dụng sinh hoạt cho người chết ( quần áo, giầy dép, xe cộ), thậm chí cả các hình nhân bằng giấy để xuống cõi âm phục vụ cho họ. Sau khi hóa (đốt) những đồ mã này, đổ một chén rượu lên đống tàn vàng để vật mã trở thành vật thật, tiền thật dưới cõi âm. Người ta còn hơ một chiếc đòn gánh, gậy trên ngọn lửa hóa vàng, hoặc dựng một cây mía bên cạnh với lời giải thích “để các cụ gánh vác về”.

Đây là một lễ vô cùng quan trọng, bởi nhớ đến ông bà tổ tiên là đã thể hiện lòng thành kính với vong linh người đã khuất, không phụ thuộc vào việc làm giỗ lớn hay nhỏ. Chỉ với chén nước, quả trứng, nén hương cũng giữ được đạo hiếu.

Sau khi cúng giỗ, gia đình thường dọn thức ăn vừa cúng xong để cùng ăn, coi như hưởng lộc của tiền nhân. Bạn bè thân thuộc cũng được mời đến dùng bữa, tức là đi ăn giỗ.

Bên cạnh các nghi lễ cúng tế trong gia đình và gia tộc còn phải kể thêm vào hệ thống nghi thức tế lễ tổ tiên một hình thức Tảo mộ. Ngoài việc đắp thêm mộ trong ba ngày (sau khi người thân chết), các gia đình, dòng họ thường đi thăm mộ, cúng tế sửa sang mồ mả vào dịp Tết Thanh minh tháng ba. Việc cúng tế tại mộ thường diễn ra đơn giản hơn nhiều so với cúng tại nhà, nhưng trước khi cúng trước mộ người thân người ta phải khấn cáo xin phép thổ công. Thăm nom sang sửa mồ mả tổ tiên, một mặt là hình thức thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu, mặt khác bởi quan niệm mồ mả vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của cả gia đình, gia tộc. Người Việt cho rằng, nếu vị trí đặt mồ mả không tốt, hướng không đúng thì con cháu làm ăn sẽ lụi bại, không thể nào phát triển được.

5. Ý nghĩa của việc thờ “Thành Hoàng làng” và thờ “vua hùng”?

5.1. Ý nghĩa của việc thờ “Thành Hoàng làng”:

* Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng

Thành hoàng làng (Thành hoàng) là danh từ chung để chỉ vị thần được thờ trong một làng xã Việt Nam. Giống như Táo công và Thổ công, Thành hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng và thường được thờ ở đình làng.

Tục thờ Thành hoàng vốn có nguồn gốc từ thời Trung Hoa cổ, sau khi du nhập vào làng xã Việt Nam đã nhanh chóng bám rễ vào trong tâm thức người nông dân Việt, trở nên hết sức đa dạng và thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Thành hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất. Họ là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh. Cho nên sự thờ phụng thành hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng.  Thường mỗi làng chỉ thờ một Thành hoàng, song cũng có khi một làng thờ hai, ba hoặc hai ba làng thờ một vị. Thành hoàng có thể là nam thần hay nữ thần, tuỳ sự tích mỗi vùng. Đó có thể là một vị thần như Phù Đổng Thiên Vương, thần núi như Tản Viên Sơn thần, thần có công với dân với nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng… lại có khi là các yêu thần, tà thần… với nhiều sự tích hết sức lạ lùng, nhiều khi có vẻ vô lý. Nhưng có khi Thành hoàng chỉ là một người dân mà theo quan niệm đó là người được các vị thần ban cho sứ mệnh để sau này thay họ cai quản làng xã, được gọi là Thành hoàng sống.

* Ý nghĩa

Thành hoàng có sức toả sáng vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất lề quê thói được bảo tồn. Vì lẽ đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng Thành hoàng để xin phép trước.

Dường như sự ngưỡng mộ Thành hoàng của người dân không kém gì sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên của họ. Hàng năm, ngày giỗ Thành hoàng là ngày hội đông vui nhất của làng, của phố. Trong những ngày hội, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn rất nhiều nghi lễ như diễn lại sự tích về Thành hoàng, tế lễ, rước kiệu hay các trò vui: đấu võ, chọi gà, thổi cơm thi, bơi chải, đánh đu, đánh cờ người, hát chèo, diễn tuồng… Không khí vui vẻ cả ngày lẫn đêm (có nơi hai, ba ngày), từ các lão ông, lão bà đến mỗi cháu bé, và chờ đợi nhất, vui nhất là những trai gái đương lứa, đây là dịp để gặp gỡ, kết bạn, tỏ tình. Các thế hệ dân cứ tiếp tục sinh sôi nhưng Thành hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của mỗi làng qua những cơn chìm nổi.

5.2. Ý nghĩa của việc thờ vua Hùng:

* Truyền thống thờ “vua Hùng”

Truyền thống thờ Vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt Nam, là một tín ngưỡng sâu sắc, tồn tại từ lâu đời như một tôn giáo bản địa. Truyền thống này ra đời ngay trước khi xuất hiện ở Việt Nam những tôn giáo như: đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng và các tôn giáo khác sau này. Nói đến tín ngưỡng thờ cũng tổ tiên thì không phải chỉ ở Việt Nam mới có mà tín ngưỡng này cũng tồn tại ở một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…nhưng ở Việt Nam lại có điểm khác biệt đó là cả dân tộc Việt Nam đều thừa nhận các Vua Hùng là Vị Quốc Tổ và lấy ngày 10-3 âm lịch hàng năm là ngày Giỗ Tổ.

Cùng với sự phát triển của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hoá đặc sắc trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Chính vì thế mà tín ngưỡng Hùng Vương tồn tại và phát triển theo dọc chiều dài lịch sử Việt Nam.

* Ý nghĩa

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng thuộc dòng bản địa có sự giao thoa, hòa đồng của văn hóa Phật giáo và Nho giáo. Thờ cúng Hùng Vương gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Thờ vua Hùng là biểu hiện của sự biết ơn và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên. Đây là một việc làm vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa thể hiện ý thức đạo đức cũng như chứa đựng những ý nghĩa tâm linh cao đẹp của mỗi còn người Việt Nam. Với sự linh thiêng và uy nghi của tín ngưỡng thờ Vua Hùng, ý thức cộng đồng dần được hình thành từ trong gia đình, củng cố làng xã rồi phát triển trong toàn quốc theo quan hệ huyết thống: dòng máu lạc hồng, con cháu Lạc hồng…

Giỗ tổ Hùng Vương là biểu tượng tinh thần để quy tụ lòng người, quy tụ sự đoàn kết toàn dân tộc. Đó là biểu tượng văn hóa nói chung, văn hóa chính trị nói riêng; đồng thời trở thành nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được Nhà nước tôn vinh, nhằm mục đích cố kết cộng đồng, thông qua các sinh hoạt văn hóa để giáo dục truyền thống lịch sử và ý thức đoàn kết dân tộc thành một khối thống nhất vì sự tồn vong của đất nước. Ý thức ấy được thấm vào máu thịt từng con người thông qua hoạt động văn hóa tâm linh. Biểu tượng Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Khi tâm thức nguồn cội của người Việt được nâng cao thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được lan tỏa và trở thành niềm tin thiêng liêng của mỗi người – niềm tin vào tổ tiên và sức mạnh thiêng liêng tiềm ẩn của các vua Hùng.

Về nơi thờ tổ tiên của dân tộc không chỉ là về với cội nguồn mà còn là cuộc hành hương về với đức tin truyền thống, vào sự linh thiêng huyền diệu của tổ tiên, của hồn thiêng sông núi. Cũng chính nhờ có đức tin và sự tôn thờ bất diệt trong tâm thức của mỗi người con đất Việt đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ đến các vua Hùng, mà trong các thời kỳ lịch sử, sức mạnh của dân tộc đã được nhân lên gấp bội, vượt qua mọi khó khăn thử thách để tồn tại và không ngừng phát triển.

Ngày nay, trên đất nước ta, truyền thống thờ cúng Vua Hùng không mất đi ý nghĩa sâu sắc của nó. Ngược lại, nó cần được giữ gìn như một truyền thống tốt đẹp, một điều kiện tồn tại và phát triển của dân tộc. Từ uống nước nhớ nguồn, từ lòng biết ơn các thế hệ ông cha, biết ơn những anh hùng dân tộc, những danh nhân làm vẻ vang cho đất nước, nhân dân ta càng nâng cao niềm tự hào đối với Tổ quốc Việt Nam và tình yêu thương đối với nhân dân trong cả nước. Gần đây, những việc làm từ thiện, sự quan tâm đến những thành phần bất hạnh, những người nghèo túng, những nạn nhân của chất độc da cam, những người khuyết tật đang là những hành vi nuôi dưỡng truyền thống Vua Hùng, cần được cổ vũ và khuyến khích.

Đến nay cả nước đã có trên 1400 ngôi đền thờ vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Cứ đến dịp mùa xuân – Lễ hội Đền Hùng hàng năm có hàng triệu người con đất Việt về vùng đất cội nguồn linh thiêng để thắp nén tâm hương tri ân công đức tổ tiên. Những người ở xa không có điều kiện về nơi đất Tổ thì đến các đền thờ vọng để thắp hương bái Tổ.

Chúng ta sẽ tiếp tục tuyên truyền giáo dục để mỗi người dân đất Việt dù ở nơi đâu, làm bất cứ việc gì đều có ý thức kính hiếu tổ tiên, cùng nhau đoàn kết để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ căn dặn.

5.3. Sự  kết nối giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên – thành hoàng làng – Vua hùng:

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tồn tại ở ba cấp độ: gia đình – làng xã – quốc gia với mức độ đậm nhạt khác nhau. Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Sống trong xã hội, xét theo cả trục dọc và trục ngang, con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo trục dọc phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ: ông bà – cha mẹ – bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng bốn đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố) và họ cũng tin rằng sẽ được con cháu bốn đời kế tiếp cúng giỗ. Theo trục ngang, thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết Nhà – Làng – Nước. Với tư cách một tập thể – gồm cả người đang sống và người đã chết gắn bó với nhau về huyết thống và thờ chung một thủy tổ, có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng – nước

Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết tinh và phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy góp phần bồi đắp lòng yêu nước thương nòi, đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trước có sau; xây dựng đời sống tinh thần phong phú trong thời đại mới. Không gì khác, chính từ những giá trị đó đã làm nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam trước bao biến cố của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Tuổi trẻ chúng ta là những mầm non của đất nước, cần tiếp tục phát huy những tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và phong tục thờ Hoàng Thành cũng như thờ Vua Hùng của nhân dân ta, qua đó phần nào góp sức vào việc làm giàu vẻ đẹp văn hoá của đất nước Việt Nam ta.

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Cúng Tổ Tiên