Phòng Và Chăm Sóc Trẻ Bị Bệnh Tay Chân Miệng

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời.

Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, biểu hiện của bệnh qua các giai đoạn như: Giai đoạn ủ bệnh: Khoảng 3 - 7 ngày. Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 2 ngày như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài 3 - 10 ngày như loét miệng ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; sốt nhẹ, nôn, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

Tất cả những trẻ nghi ngờ tay chân miệng cần được đưa đến khám tại cơ sở y tế để được nhân viên y tế chẩn đoán xác định bệnh, mức độ bệnh của trẻ, đưa ra phác đồ điều trị, theo dõi và cách chăm sóc trẻ phù hợp. Thể nhẹ có thể được hướng dẫn điều trị và theo dõi tại nhà. Những trẻ chưa phải nhập viện khi về nhà phải chú ý cách ly, tránh tiếp xúc với trẻ xung quanh để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Bệnh tay chân miệng trẻ em có khả năng lây lan mạnh nhất trong 1 tuần đầu tiên từ lúc phát bệnh và vi rút gây bệnh có thể tồn tại trong phân đến vài tháng sau. Thuốc hạ sốt hay kháng sinh được sử dụng theo đơn của bác sĩ. Vệ sinh tay trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ. Thuốc giảm đau vùng miệng giúp cho trẻ dễ ăn theo chỉ định của bác sĩ thường được bôi trước khi cho trẻ ăn 30 phút. Thuốc bôi vệ sinh miệng cho trẻ thường được sử dụng sau khi ăn khoảng 1 giờ. Cho trẻ ăn thức ăn nguội, mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, sữa và nên chia nhiều bữa. Tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm. Quần áo cho trẻ nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi. Tái khám mỗi 1 - 2 ngày cho đến ngày thứ 8 - 10 của bệnh.

Để chủ động phòng, chống, người dân cần thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi)… Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tác giả bài viết : MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn tin : Báo Bình Định online

Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Tay Chân Miệng