Phỏng Vấn Sư Cô Chân Đức - Làng Mai

Sr ChanDuc

Smile Kính thưa sư cô! Xin sư cô có thể chia sẻ một chút về đời sống ở Làng trong những ngày đầu mới thành lập, khi sư cô còn là một vị tập sự xuất gia?

Sư cô: Khi Chân Đức (CĐ) tới Làng, CĐ giới thiệu với những người bạn khác, Làng là một khách sạn “năm sao”. Vì trước đó CĐ sống trong một tu viện ở Ấn Độ, phần nhiều rất nghèo, không có giường để nằm (ở đây thì còn có giường), không có nước để tắm, không có toilet, và thức ăn thì rất ít, có khi đi ngủ đói. Cho nên khi CĐ tới Làng không thấy Làng nghèo. Nhưng so sánh với bây giờ thì lúc đó Làng nghèo hơn nhiều, mỗi khi trời mưa bị dột ướt cả phòng, nhất là ở xóm Hạ, phải để xô hứng nước mưa. Mùa đông lạnh lắm, không có hệ thống sưởi tốt, một số lò nhỏ đốt bằng củi, nhưng đốt vài tiếng đồng hồ mà không cho củi vào thì bị tắt, nên trước khi đi ngủ phải chuẩn bị cho thật nhiều củi, nhưng đến nửa đêm thì lửa vẫn bị tàn, buổi sáng lạnh quá không thức dậy nổi. CĐ thì không sao vì lớn lên ở Anh, nhà CĐ nghèo và cũng không có điện. Nhưng tội nghiệp cho sư cô Chân Vị, vì sư cô từ một xứ nóng tới mà ở đây rất lạnh, sư cô không quen. CĐ lấy thêm mền cho sư cô đủ ấm, nhưng sư cô chịu không nổi, vì nó quá nặng không ngủ được. Ban đầu CĐ không thể hiểu, với người Tây phương để đối phó với trời lạnh thì chỉ có thêm mền thôi, càng nhiều càng tốt. Nhưng Sư Cô ở xứ nóng chỉ quen đắp một cái mền nhẹ, sau này khi hiểu được CĐ thấy rất thương sư sô.

Smile Công việc đầu tiên khi sư cô mới đến Làng là gì ạ?

Sư cô: À! Khi mới tới Làng CĐ hỏi Sư Ông cần CĐ làm  gì không? Sư Ông nói là không cần làm gì hết, chơi thôi. Nhưng nếu CĐ muốn thì có thể trồng cải bẹ xanh, trồng những loại rau để ăn vào mùa đông, trồng ở trong nhà mặt trời (tức nhà xanh). Lúc đó có một số anh chàng trẻ tuổi ở đây, người Việt Nam, tới từ trại tị nạn, họ dựng một cái nhà xanh cho CĐ làm việc, CĐ thích lắm. Các anh chàng đó rất bực mấy con limat, con đó nó mập và ăn rau nhiều vào ban đêm, họ muốn bỏ thuốc diệt chúng, nhưng CĐ và sư cô Chân Vị không chịu. Cho nên mỗi buổi sáng vào lúc 4h30′ hai chị em phải đi vào nhà xanh bắt hết những con limat đem vào để trong rừng, vì những thứ rau Việt Nam như bầu thì con limat thích lắm, chỉ trong vòng một đêm nó có thể ăn hết sạch. Thời gian đó CĐ bắt đầu học tiếng Việt, sư cô Chân Vị dạy, nhưng mà CĐ luôn nói sai, bỏ dấu không đúng. Sư cô Chân Vị rất  hiền, sư cô không sửa, từ đó CĐ có thói quen  nói không bỏ dấu, không sửa được. Cho nên có khi CĐ nói chuyện với người Việt Nam thì họ rất khó hiểu. Nhưng họ dễ thương lắm, họ nói với CĐ: “Sư cô nói rất giỏi, con có thể hiểu được 60 phần trăm tiếng Việt mà sư cô nói”. Có khi đến một chùa Việt Nam mà phải nói pháp thoại, trong khi CĐ nói thì có những người lớn tuổi ngồi ở trước họ sửa tiếng Việt cho mình, vui lắm. Cười…Smile

Smile Thưa sư cô! nhân duyên nào mà sư cô biết đến đạo Bụt?

Sư cô: Sau khi tốt nghiệp đại học, CĐ muốn làm một cô giáo dạy cổ ngữ như là tiếng Phạn, tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp… bởi vì CĐ rất thích đạo học và văn hóa của Hy Lạp. CĐ sợ lạnh lắm, mà ở Hy Lạp thì đỡ lạnh, ít mưa. May quá, CĐ xin và được nhận vào dạy trong một trường Trung Học ở Hy Lạp. CĐ là một người gốc Công Giáo, lúc nhỏ học trong trường do các bà sơ dạy và rất thích lớn lên trở thành bà sơ, nhưng cuối cùng không còn muốn nữa, vì hơi mất niềm tin nơi giáo lý mình được học. Có nhiều thứ mình không đồng ý như là có một ông thượng đế ở trên trời và đấng sáng tạo… mình không tin, không còn đi nhà thờ. Khi qua Hy Lạp để dạy, người dân ở đó nghèo, họ sống rất đơn giản, nhưng họ thuộc về một loại Thiên Chúa Giáo, gọi là Chính Thống Giáo. Họ đi nhà thờ rất đều, tất cả mọi người cùng đi, họ dự nhiều buổi lễ… thấy CĐ không đi nhà thờ họ rất ngạc nhiên, và nói rằng “người nào cũng phải có một tôn giáo, tại sao CĐ không có?”, và CĐ trả lời là “không cần”, họ nói “cần”, họ nói “CĐ học tiếng Phạn thì chắc chắn CĐ nên đi chùa Phật giáo”, họ đề nghị như vậy. CĐ không muốn đi mà họ ép quá, nên CĐ miễn cưỡng đi thử xem sao. CĐ đến một chùa Tây Tạng, ở đó chỉ có chùa Tây Tạng thôi. Lúc tới mình không muốn vào và định đi về lại, thì có một sư cô mở cửa ra chào. Sư cô đó người Tây Tạng. Sư cô mời CĐ vào, CĐ không thể trốn được, phải đi vào. Trong chùa chỉ có mình sư cô, sư cô hỏi CĐ “có phải là Phật tử không?”, CĐ nói “không, không phải là Phật tử”, và cô nói là cô sẽ chỉ một vài phương pháp để CĐ có thể bớt khổ, cười…  Sư cô đó cho CĐ một xâu chuỗi và dạy niệm “Án ma ni bát di hồng, án ma ni bát di hồng…”, sau đó sư cô hướng dẫn cách lạy Bụt, lạy thôi, lạy Bụt ở ngoài mình. CĐ không thích, thấy không có ý nghĩa gì hết, CĐ tự hỏi “tại sao lại bắt mình làm như vậy?” CĐ hỏi rất nhiều, nhưng sư cô  nói thật sự sư cô không giỏi. Sư cô khuyên CĐ nên trở về lại đây trong vòng một tháng, vào lúc Tết, vì lúc đó Thầy của cô sẽ tới. Ngài rất giỏi, khi giảng pháp sẽ có người dịch ra tiếng Anh.

Hôm Ngài thuyết giảng, CĐ phải đi dạy, vì trường học không có ngày nghỉ. Vào khoảng 5 giờ chiều thì CĐ mới tới được, và bài pháp thoại đã bắt đầu rồi, giảng đường đã hết chỗ. CĐ không dám đi vào nên ngồi ở ngoài, nhưng ngồi một lúc CĐ nghĩ “ngồi ở ngoài này uổng quá, mình đến là để nghe mà” nên CĐ cố gắng đi vào. CĐ mới bước vào thì nghe vị Thầy đó nói về vấn đề “con rắn và sợi dây”. Có một người đi ban đêm thấy một sợi dây mà cứ nghĩ là con rắn nên người đó rất sợ hãi, nhưng có một người đi sau và nói “cái đó không phải là con rắn, cái đó là sợi dây”, lúc đó người ấy hoàn toàn yên tâm không sợ gì nữa. Thầy nói là “khi mình thấy rõ sự thật của vạn vật thì lúc đó mình sẽ không có sợ hãi. Mình sợ là vì chính tri giác sai lầm của mình”. CĐ thật sự xúc động khi nghe như vậy, có cái gì đó đi vào  trong trái tim mình mà mình không có biết. Tự nhiên CĐ thốt lên “đúng rồi, mấy năm nay CĐ muốn nghe một người nói như vậy nhưng chưa bao giờ có ai nói đến, trong truyền thống Công Giáo cũng chưa bao giờ nghe những điều như vậy”.Từ đó CĐ rất là mê Phật giáo vì câu chuyện đó thôi.

Vào dịp tết vị Thầy đó có lễ truyền 5 giới và quy y. CĐ hỏi “tại sao phải quy y, lạy Bụt và niệm án ma ni bát mê hồng?”.CĐ thấy  không có ý nghĩa gì cả, chỉ có chuyện về con rắn thì rất sâu sắc. CĐ hỏi sư cô “có thật sự cần quy y không?”. Sư cô nói tùy CĐ “muốn quy y thì quy y, không muốn cũng không sao” và sư cô cũng nói không cần quyết định bây giờ, ngày mai có lễ muốn quy y thì quy y. Cuối cùng tất cả mọi người đều ra làm lễ. Bất chợt vị Thầy hỏi “Còn ai nữa không?”. Lúc đó CĐ không muốn ra, nhưng không hiểu sao có cái gì đó trong chân của mình đẩy mình đi. Sau đó thì CĐ tu với vị Thầy và Sư cô đó ở Hy Lạp. Được một thời gian ngắn sư cô hỏi “CĐ có muốn đi Ấn Độ không, có muốn đến tu viện của sư cô ở Ấn Độ không?”, CĐ nói là “muốn, muốn, rất là muốn”. Nhưng Thầy thì nói là chưa đúng lúc, đừng có đi bây giờ, nên thực tập thêm một năm nữa thì hãy đi. CĐ ở lại thêm một năm và tập ngồi thiền. Ban đầu ngồi thiền đau chân quá, nhưng mà vẫn phải ngồi, không có được đổi chân, đau lắm. CĐ luôn luôn mong sớm có tiếng chuông chấm dứt, để được tháo chân ra. Tập nhiều thì cũng quen dần, nhưng mà thật sự ngồi thiền không thích lắm, cho đến khi gặp Sư Ông mới bắt đầu thích ngồi thiền… Smile.

Smile Thưa sư cô! đời sống ở Ấn Độ có gì vui và đặc biệt ?

Sư cô: Sau một năm thì CĐ qua Ấn Độ. Máy bay đáp xuống New Dehli CĐ ở lại ngủ một đêm, ngày sau đi xe buýt đến chùa của sư cô, xe buýt chạy 12 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Xe buýt ở đó rất cũ, chưa bao giờ trong đời đi một xe buýt như vậy. Người Ấn Độ rất nhỏ, ghế ở Tây phương thường thì hai người ngồi, mà ở Ấn Độ họ ngồi ba, bốn người!, nó chật quá và có cả mấy con dê ở trên xe buýt nữa, cả người ta cũng ngồi ở trên trần xe nữa, vui lắm. Xe buýt đi tới đâu thì ồn ào tới đó. Đi ban đêm, lâu lâu dừng lại cho mọi người đi vệ sinh, nhưng ở Ấn Độ không cón nhà vệ sinh, nên đi ở ngoài, hơi lạ… Cuối cùng thì cũng đến nơi, chỗ đó rất đẹp, gần Hy Mã Lạp Sơn, có rừng cây và nhìn xa xa thấy cả núi tuyết trắng xóa, mặt trời chiếu lên núi tuyết lấp lánh, núi cao thật cao, đẹp và hùng vĩ quá. Ở đó còn có dòng sông, mà dù ở trong chùa mình vẫn có thể nghe tiếng nước chảy cả ngày lẫn đêm, thích lắm. Khi xe buýt dừng lại, CĐ đi thật nhanh, CĐ muốn đi nhanh để lên chùa, chùa nằm ở trên đồi, và sư cô đã nhắc CĐ đi chậm lại, thầy cũng nói, “we are walking slowly, we are walking slowly”, luôn luôn nói như vậy để nhắc CĐ đi chậm. Có lẽ đó là bài học đầu tiên về thiền hành mà CĐ được  biết trước khi gặp Sư Ông. Nhưng mà thiền hành lúc đó đối với CĐ chỉ là đi chậm thôi, không có kết hợp hơi thở với bước chân, cũng còn suy nghĩ vẩn vơ nhiều lắm. Khi đi vào cổng chùa, nghe tiếng các sư cô tụng kinh, có khoảng vài chục sư cô. Các Sư cô ở đó sống khá đơn giản, và ở rất chật. Sư cô trụ trì trước đó là một sư cô người Anh, nhưng đã viên tịch rồi. CĐ được ở trong cái thất cũ của sư cô đó. Thất đã cũ và rất thô sơ. CĐ ngủ ở trên giường, không biết làm bằng loại gỗ gì mà mỗi khi nằm xuống thì đau lắm, ngủ hai tiếng đồng hồ là chịu không nổi, phải trở dậy, nên ngủ rất ít, ngồi thiền nhiều hơn. Thực sự thì cách ngồi thiền CĐ không biết có đúng không, nhưng mà cảnh ở đó quá đẹp, quá yên tĩnh và không có xe. Bây giờ Ấn Độ có xe hơi khá nhiều, ngày xưa Ấn Độ chỉ có xe buýt thôi, phần đông người ta đi xe đạp, đi bộ, đi xe ngựa, hiếm ai có xe hơi riêng, nên không khí rất thanh bình

Smile Thưa Sư cô, làm thế nào mà sư cô biết đến Làng và trở thành đệ tử của Sư Ông?

Sư cô: Sau một thời gian thì sư cô có ý xây dựng thêm một ni viện mới, ni viện này quá nhỏ, không đủ chỗ cho các sư cô ở, vì mỗi tuần đều có các sư cô từ Tây Tạng sang tị nạn. Cách đó vài chục cây số là tu viện của quí thầy, có rất nhiều đất. Quý thầy nói sẽ cho các sư cô một miếng đất để xây chùa, nhưng các sư cô phải tự lo xây cất, quý thầy chỉ cho đất thôi. Chỗ đó ở trong rừng, khá cao và đẹp. Sư cô muốn CĐ cùng đi với sư cô đến chỗ đất mới để chuẩn bị xây cất ni viện. Ni viện cũ tuy hơi chật mà có chút tiện nghi, còn chỗ đất mới thì chưa có gì hết. Nhưng quý thầy rất dễ thương, thường ở chùa quý thầy thì không cho phụ nữ ở, nhưng  thấy tội nghiệp quá, nên quí thầy cho hai chị em một phòng cuối cùng, gần cổng sau vườn chùa. Hai chị em phải tự túc nấu ăn, nấu ngay trong phòng ngủ, ăn rất đơn giản.

Ở đó CĐ có cơ hội quan sát cách sống của quý thầy. Quý thầy có rất nhiều “baby monks” (chú tiểu)  người Tây Tạng khoảng 5 đến 7 tuổi, rất dễ thương. Mỗi ngày có lớp và có thầy dạy cho các chú tiểu  học. Các baby phá nhiều lắm, nếu thầy bận đi đâu, các baby không học, trốn ra ngoài chơi, và có một đứa đứng ở góc canh khi nào thầy về để chạy ra báo, nhưng có khi chạy  không kịp, và bị thầy đánh. Các baby học nhiều lắm, kinh thì phải học thuộc lòng, và tập viết trên cái bảng nhỏ xíu màu đen. Mỗi ngày đều ăn cơm im lặng, hoàn toàn im lặng. CĐ rất cảm động khi thấy quý thầy ăn cơm im lặng. Nhưng mà Sư cô và CĐ không thể ở lâu trong tu viện của quý thầy mãi được. May sao một cư sĩ người Tây phương, có dựng môt cái thất nhỏ ở trong rừng, rất gần chỗ đất mình xây cất ni viện. Họ đi về nhà, họ cho mình ra đó ở tạm. Trong thất không có điện, không có nước, nhưng lại có nhiều bò cạp. CĐ sợ quá. Thỉnh thoảng các sư cô lên giúp về vấn đề xây cất, có khi năm người phải ở trong cái cốc đó. Khi nằm ngủ đưa tay lên thì đụng người này, hạ tay xuống thì đụng người kia. Ai cũng phải làm việc rất nhiều, trộn hồ, khiêng gạch… Những khi trời mưa thì vui lắm, được nghỉ, vì công việc đó rất là mệt, làm từ sáng tới tối. Buổi sáng thì không có gì để ăn, chỉ có một chút bột và trà. Xứ đó họ trồng trà, cho nên mình có đầy đủ trà, người ta mang tới cúng dường trà nhiều lắm, ngon nữa, mình không thiếu trà, nhưng những thứ khác như bột gạo, bột mì thì rất là ít.

Có nhiều buổi sáng thức dậy không có gì để ăn, tới 11 giờ thì mình uống trà với đường, trưa ăn chút cơm, nếu không có cơm thì mình ăn bánh chappati. Chiều uống chút sữa trâu, và có cháo, nhưng rất loãng, như nước vậy. Sau một thời gian, CĐ quá yếu, nhưng thật sự CĐ rất thích ở chùa, đời sống ở đây quá đẹp, quá yên tĩnh. CĐ thích cách sống đơn giản, không còn muốn trở về lại Tây phương. Nhưng sức khỏe của CĐ càng ngày càng yếu, CĐ ốm và đen nhiều lắm.Tình cờ ngày đó có một thầy nghé thăm, Thầy cầm theo một cái đài radio và thầy nói với CĐ: “CĐ có biết không, ở bên Anh có rất nhiều phụ nữ đang ngồi thiền chung quanh một chỗ mà người Mỹ đặt vũ khí nguyên tử, để biểu tình ngăn người Mỹ không cho đem vũ khí ra gây chiến, rất nhiều phụ nữ, chỉ phụ nữ thôi, không có đàn ông”. CĐ nghe và cảm động lắm. Lúc đó CĐ bệnh và yếu quá nên quyết định đi về Anh để mình có thể cùng tham gia vào cuộc biểu tình. Do vậy CĐ đi về Anh, lúc đó CĐ vẫn là một người cư sĩ thôi. Trước đó, CĐ có xin để xuất gia làm sư cô, nhưng Sư cô ở đó nói chưa được, đúng như vậy, CĐ không có đủ sức để làm.

CĐ  về Anh, và đến ngồi chung với những người phụ nữ biểu tình đó, cả ngày lẫn đêm, thay phiên nhau, ai mệt thì nằm xuống nghỉ và sau khi khỏe thì lại ngồi. Ở đó có những người lính họ nói với CĐ: “cô sẽ chết lạnh, ở ngoài đó lạnh lắm, đừng có ngồi nữa”. CĐ vẫn cứ ngồi và thầm mong gặp một vị Thầy vận động cho hòa bình, mà đồng thời cũng là một Thầy tu Phật Giáo. CĐ hỏi mọi người: “có ai mà vừa tu vừa vận động cho hòa bình không?”, không có ai trả lời, nhưng cuối cùng có một người nói “có”, có một ông Thầy tên là Thầy Nhất Hạnh. Và CĐ quyết định đi tìm Thầy Nhất Hạnh, (không biết CĐ đi tìm Thầy Nhất Hạnh hay là Thầy Nhất Hạnh đi tìm CĐ nữa) …cười .  CĐ gặp một số người quen với Thầy Nhất Hạnh, họ đề nghị “ tại sao mình không tổ chức một khóa tu ở bên Anh và mời Thầy Nhất Hạnh sang?”. Một số người nói họ sẽ tổ chức nhưng cuối cùng họ bỏ cuộc, không tổ chức nữa, cuối cùng CĐ phải nhận trách nhiệm tổ chức khóa tu đó. CĐ còn nhớ ngày CĐ ra phi trường đón Thầy ở phi trường. Hồi đó là năm 1986, Sư Ông khoảng 60 tuổi, trẻ lắm. Sư Ông có vẻ rất trẻ như là 30 tuổi vậy. CĐ đã tổ chức rất là dở, không hiểu một chút gì về Sư Ông hết, tổ chức ở một chỗ rất lạnh, không có đủ sưởi. Sư Ông phải làm việc rất nhiều,  nhưng lại ít người tới, có khi chỉ 6 người thôi. Sư Ông rất từ bi và dễ thương, vẫn  nói pháp thoại cho 6 người đó nghe. Đó là lần đầu tiên CĐ tu theo pháp môn của Làng, thấy rất là vui, và cũng là lần đầu tiên hiểu ý nghĩa của lạy Bụt, và bắt đầu thích lạy. Khi nghe Sư Ông xướng “working mindfully, working joyfully, for the seek of  all beings…” CĐ hiểu một chút, hiểu tại sao mình lạy. Học thở, học đi, và hơn nữa Sư Ông cho một bài pháp thoại về Tâm Kinh Bát Nhã, mà đối với người Tây Tạng Tâm Kinh Bát Nhã rất là rắc rối, rất là khó hiểu. Họ không có giải thích nhiều, CĐ nghĩ có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được kinh Bát Nhã. Bây giờ nghe Sư Ông giảng thì dễ hiểu và giản đi, mình có thể hiểu liền “ít nhất mình nghĩ mình hiểu”. Sư Ông đưa lên một tờ giấy và nói : “trong tờ giấy này có đám mây, có mặt trời, có người đốn cây v.v…” Lần đầu tiên CĐ bắt đầu hiểu kinh Bát Nhã, vui lắm. Lúc từ giã, Sư Ông đã hôn lên trên trán của CĐ. CĐ rất cảm động khi Sư Ông làm như vậy. Sư Ông còn nói: “tháng bảy CĐ qua Làng đi”, và tháng bảy CĐ đã qua Làng. CĐ nghĩ sẽ ở Làng một tháng và sau đó sẽ về Anh để dạy học, nhưng sau khi ở Làng một tháng Sư Ông cho ở lại luôn.…cười Smile.

Smile Dạ, kính thưa sư cô, đã có bao giờ sư cô giận Thầy chưa?

Sư cô: Có chứ, nhưng không phải lỗi từ Thầy, mà là vì CĐ muốn được Thầy thương. Lúc CĐ mới đến Làng thì có Thầy, Sư cô Chân Không với CĐ. Thầy để ý đến CĐ rất nhiều, cưng rất nhiều. Nhưng mà Sư Ông tiếp tục cưng như thế thì chắc là CĐ sẽ hư, sẽ bỏ đi, không có tốt. Có một lần kết thúc khóa tu mùa hè, hồi đó chưa có ngày làm biếng chính thức. Nhưng Sư Ông cũng muốn sau khóa tu mùa hè đại chúng được làm biếng. Khi đó CĐ là chúng trưởng ở dưới xóm Hạ, CĐ muốn mọi người tiếp tục tu và thức dậy sớm buổi sáng. CĐ đã thỉnh chuông và hướng dẫn nhiều sinh hoạt khác… Có một thị giả của Sư Ông là cư sĩ (vì hồi đó tu sĩ rất ít) nói với Sư Ông là dưới xóm Hạ, CĐ bắt buộc mọi người mỗi ngày đều phải ngồi thiền buổi sáng. Sư Ông không đồng ý, nói với  thị giả xuống nói với CĐ là đừng làm như vậy, đừng bắt buộc mọi người thức dậy. Lúc đó CĐ giận, nói là:”tại sao Sư Ông không nói trực tiếp với CĐ mà nhờ người nhắn?”. Và CĐ đi lên xóm Thượng hỏi Sư Ông: “tại sao Sư Ông không cho tu tập, ngồi thiền như vậy…” Sau đó thì CĐ thấy mình có lỗi, và sám hối. Sư cô Chân Không nói CĐ nói như vậy là bất hiếu.

Smile Dạ, kính thưa sư cô! Xin sư cô chia sẻ cách thực tập để giữ gìn bước chân của mình. Chúng con còn trẻ, vừa bước được một bước thì bước thứ hai đã bước rất nhanh rồi.

Sư cô: CĐ không phải luôn luôn có bước chân bình an. CĐ đã thấy Sư Ông đi thiền hành năm 1986. Lúc đó đi từ phi trường lên chỗ đậu xe, Sư Ông đã nói về vấn đề đi thiền hành. CĐ có thói quen đi rất nhanh, mỗi lần nhìn ra sau thấy mình đi thật xa rồi mà Sư Ông còn đi đằng sau, mình phải dừng  lại chờ Sư Ông tới, rồi lại đi mau rồi lại chờ Sư Ông tới. Có một lần, Sư Ông nói CĐ xem thử  phòng nào ở trên gác có thể làm thiền trà được không. CĐ rất muốn làm thật nhanh nên nhảy lên bậc cầu thang hai bậc một bước. Sư Ông nói “there is no hurry, take your time”. Từ lúc đó CĐ rất để ý đến bước chân của Sư Ông và muốn làm giống như Sư Ông, vì thấy nó quá đẹp. Khi CĐ thực tập được như lời Sư Ông dạy thì trong người rất yên, cái cách đi làm cho mình thấy yên. Không phải mình yên mà mình đi như vậy, bởi vì mình đi như vậy mình cảm thấy yên. Có khi trong người không khỏe, đi như vậy cũng phần nào được trị liệu, một cách trị liệu. CĐ nghĩ vấn đề là để hết lòng, đầu tư hết con người ở trong bước chân, thì mình sẽ thành công.

Smile Thưa sư cô! Từ khi mới xuất gia cho đến bây giờ, có khi nào sư cô cảm thấy mình cô đơn chưa? và nếu có, sư cô đã thực tập như thế nào để chuyển hóa nó?

Sư cô: Có chứ, có nhiều lúc cảm thấy cô đơn lắm, nhưng phương pháp của CĐ khi thấy cô đơn là đừng ở một mình, phải đến với một người khác, phải đến với Tăng thân. Đó là phương pháp hay nhất. Bởi vì khi đến với người khác, mình thực sự thấy mình không cô đơn, và mình không cần làm gì hết, đừng có cô lập hóa mình. Điều quan trọng là tham gia thời khóa cho đầy đủ, để được đại chúng nuôi dưỡng. CĐ thấy mình cô đơn là vì mình không có cố gắng đủ để có mặt cho mọi người, nên mình có cảm tưởng là mọi người không có mặt cho mình.

Smile Kính thưa sư cô! Bằng cách nào sư cô luôn giữ được sự tươi mát và niềm hứng khởi khi có mặt trong mọi sinh hoạt của đại chúng?

Sư cô: CĐ tham dự thời khóa vì CĐ thấy cần thiết cho mình, nó đem lại cho mình nhiều năng lượng. Trước khi đi tu, lúc CĐ khoảng 18 tuổi, CĐ bị một chứng bệnh tâm lý. Bệnh đó khiến mình không muốn ăn, mình ốm dần mỗi ngày, làm cho mình yếu đi. Thời gian ở Ấn Độ thì cũng không có gì để ăn, và không có nước để uống nữa nên yếu thêm. CĐ rất cần đại chúng, ngồi với đại chúng và cùng tu tập thì có thêm rất nhiều năng lượng. Ở một mình hoài trong phòng, thì có khi không có đủ năng lượng.

Smile Kính thưa sư cô! Đối với sư cô lời khuyên gì là quan trọng để chúng con có thể đem nó vào trong trái tim và nhắc nhở mình trên con đường thực tập?

Sư cô: “Tu cho vui, không cần hoàn hảo”, mỗi ngày để cho năng lượng của đại chúng đi vào mình, cởi mở để chấp nhận mọi người. Trong những buổi họp nhớ nói ra ý kiến của mình, dù là không có ai đồng ý… Smile. Nếu có ai trong chúng mà mình chưa thương được, chưa yêu được thì nhớ để một chút thì giờ để hiểu người đó, thương người đó.

Smile Kính thưa sư cô! Làm thế nào thực tập không bị “vướng mắc” để mình có thể giữ trọn con đường tu của mình? Sư cô: Sư Ông có dạy, mỗi ngày phải nhìn trong gương, sờ lên đầu để tự nhắc nhở mình đang là một người tu. Sư Ông thường nói về vấn đề tham ái và  sợ hãi. Trong mỗi người chúng ta ai cũng có nhu yếu muốn trở thành một người mẹ, một người cha. Điều đó biểu hiện rất tự nhiên, và cũng tiềm ẩn rất sâu trong mỗi người.  Chắc chắn  nếu tu không giỏi thì mình dễ bị vướng mắc. Điều căn bản là phải lôn thực tập uy nghi, giới luật cho thật nghiêm túc.

Smile Kính thưa sư cô! Theo sư cô “Điều gì là tuyệt vời nhất trong đời sống của một người tu?”

Sư cô: Theo CĐ “ Đó là sự tự do, tự do để nhận ra ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống. Tự do đem lại cho mình nguồn năng lượng rất lớn, để thực hiện ước muốn sâu sắc nhất của mình. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn trở thành người tu. Chúng ta muốn giúp chính mình, và giúp những người khác tiếp xúc được với cuộc sống một cách sâu sắc. Là người tu, chúng ta có tự do để làm được điều đó. Chúng ta dành cả cuộc đời mình để làm điều đó. Và đó là điều tuyệt vời nhất đối với một người tu. Giờ đây, chúng ta không có gì để lo lắng cả.

Smile Kính thưa sư cô!  rất nhiều em trẻ muốn đi tu có băn khoăn và đặt câu hỏi là: “Sư Ông thì lớn tuổi, già, sắp tịch rồi, nếu như đi tu với Sư Ông, lỡ Sư Ông tịch rồi thì mình sẽ bơ vơ, xin sư cô cho các  em đó một lời khuyên”.

Sư cô: Sư Ông rất là khỏe, Sư Ông đi qua những nguy hiểm rồi mà vẫn còn khỏe lắm, như vậy thì Sư Ông cũng còn sống lâu các sư em không phải lo. Một ngày nào đó nếu Sư Ông không biểu hiện thân tướng là Thầy Nhất Hạnh ở Làng Mai nữa, thì cũng không sao. Bây giờ người cư sĩ họ có rất nhiều niềm tin nơi tăng thân xuất gia. Năm rồi ở Mỹ Sư Ông phải nằm bệnh viện, không hướng dẫn khóa tu được.  Ban đầu người ta rất sợ và buồn, vì Sư Ông không có mặt, nhưng sau vài ngày tu tập với quý thầy, quý sư cô thì họ rất vui và hạnh phúc, giống như Sư Ông có mặt với họ vậy. CĐ tin là quý thầy quý sư cô có thể nương vào nhau, mỗi người có thể thấy Sư Ông nơi các anh chị em của mình. Sư Ông không có mất, không có gì mất đi cả. Những bài giảng của Sư Ông còn đó, đủ để nghe cả đời. Sư Ông thường nói “đối với một người con, nếu mình có hiếu là mình tiếp nối sự nghiệp của ông cha”. Đời sống thì thay đổi, mỗi năm mỗi khác, mình phải tiếp tục tìm những pháp môn mới, phù hợp với thời đại và có hiệu lực giúp đời, giúp người bớt khổ. CĐ nghĩ một người không thể nào thay thế cho Sư Ông được, nhưng mà một Tăng thân thì có thể, nếu biết nương vào nhau thì mình sẽ làm được.  Phải tập thấy Sư Ông ở ngoài Sư Ông, đừng có chờ đến khi Sư Ông không còn biểu hiện nữa, rồi khóc than, thì không có giỏi.

Từ khóa » Ni Cô Tụng Kinh