Phụ Huynh Phản đối Học Phí Online, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm Nói ...

Cụ thể, Ban phụ huynh khối 1 năm học 2020-2021 cho hay, sau khi lãnh đạo trường chia sẻ về các yếu tố giảm trừ khi tính học phí, các phụ huynh đã có đơn kiến nghị.

Thứ nhất, họ không đồng tình mức thu học phí đối với tháng 2 và tháng 5 của năm học 2020-2021 vừa qua (thực tế đã thu). Hiện nhà trường quyết định thu bằng mức 100% học phí học trực tiếp với tháng 2 và 80% đối với tháng 5.

Trong khi đó, theo so sánh thời lượng học của khối 1 thì số tiết học trực tuyến tháng 2 chỉ được 75% thời lượng các con phải được học so với học trực tiếp. Còn tháng 5, số tiết học trực tuyến chỉ đạt 60% thời lượng học trực tiếp (đã bao gồm thời gian thi thử, thi học kỳ).

Do đó, các phụ huynh kiến nghị mức học phí cho tháng 2 năm học 2020-2021 là 80% mức học phí học trực tiếp; mức học phí cho tháng 5 chỉ là 60%.

{keywords}
 Tính toán do phụ huynh nhà trường đưa ra.

Về học phí online năm học 2021-2022 ở mức 80% học phí trực tiếp mà nhà trường vừa đưa ra, nhòm phụ huynh cũng cho rằng chưa hợp lý và kiến nghị mức 60% so với hình thức học trực tiếp.

“Chúng tôi nghĩ rằng Phòng tài vụ nhà trường trong quá trình tính toán đã nhầm lẫn hoặc không tính toán hết các yếu tố nên mới đề xuất mức thu học phí online bằng 80% so với hình thức học trực tiếp tại trường”, các phụ huynh nêu.

Anh Trương Sơn Hà, Trưởng ban phụ huynh khối 1 Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ:

“Nhà trường đương nhiên có quyền đưa ra mức phí cho các dịch vụ và sau đó trường và phụ huynh sẽ thỏa thuận với nhau để đi đến thống nhất. Trong điều kiện bình thường khi chưa có dịch, phụ huynh đăng ký cho con học và đồng ý với những thỏa thuận với trường. Đó chỉ là sự đồng ý với những thỏa thuận khi học trực tiếp. Tuy nhiên, học trực tuyến là việc phát sinh đột xuất và phụ huynh chưa có sự thỏa thuận về mức phí. Khi có hình thức học mới này, nhà trường chưa làm việc với phụ huynh. Do đó, khi nhà trường quyết định thu như thế thì phụ huynh cảm thấy không được tôn trọng. Chưa kể chất lượng của hai hình thức học là hoàn toàn khác biệt, đặc biệt đối với khối 1. Thậm chí có những cuộc họp mà thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng phải thừa nhận chất lượng học trực tuyến chỉ được khoảng 20-30% học trực tiếp và nói mong phụ huynh thông cảm.

Chưa kể, với hình thức học này, nhà trường còn được “giải phóng” quản lý bán trú và giờ gánh nặng chuyển sang phụ huynh học sinh”.

Anh Hà phân tích, các trường khác thường tính rõ tiền học và tiền các khoản phí khác (như điện nước, hoạt động ngoại khóa, bán trú,...) và đa phần các trường chỉ thu học phí học trực tuyến tính trên phần trăm tiền học, nhưng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tính gộp hết vào tổng học phí rồi đưa ra mức phần trăm thu. Như vậy cơ bản phụ huynh sẽ phải chịu nhiều hơn là chỉ là % tiền học (không bao gồm các tiền khác).

Anh Hà dẫn chứng, ví dụ như với hệ chất lượng cao, tiền học (khi học trực tiếp) tại trường là 3,4 triệu đồng/tháng, trong khi nếu tính gộp tổng học phí là khoảng 6 triệu đồng. Như vậy, khi Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tính 80% trên tổng học phí 6 triệu thì phụ huynh sẽ chịu thiệt hơn tính trên tiền học.   

“Chúng tôi mong muốn nhà trường cân nhắc, tính toán lại và có sự chia sẻ để đưa ra một quyết định mới với mức học phí hợp lý hơn đối với phụ huynh, học sinh. Đại đa số phụ huynh học sinh có phản ứng tiêu cực với tình huống này nhưng tỷ lệ lớn trong chúng tôi không hy vọng việc chuyển trường cho các con xảy ra. Chúng tôi hy vọng rằng mọi quyết định của chúng ta đều dựa trên trên cách tiếp cận “nhà trường và phụ huynh học sinh giống như một gia đình, có sự thấu cảm chân thành, đồng hành và sẻ chia”, anh Hà kiến nghị.

{keywords}
Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: website nhà trường.

Nhà trường nói gì?

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay, với học sinh tiểu học, khi chuyển sang học trực tuyến, không thể tính theo tiết học như học trực tiếp được. "Bởi nếu tính theo tiết, mỗi ngày học từ 8-10 tiết như trực tiếp ở trường thì học sinh tiểu học không chịu được".

Theo ông Hòa, trên thực tế, đến nửa tháng 2 của năm học 2020-2021 rơi vào thời gian nghỉ Tết (13/28 ngày), chế độ chung này là đương nhiên, không kể học trực tiếp hay trực tuyến. Như vậy, thực tế, tháng 2 sẽ chỉ học trực tuyến trong 2 tuần. Nhưng trường đã dạy bù thêm cho tháng 2 vào 2 tuần cuối của tháng 7. Đối với trẻ con, không thể bắt học ngày từ 8- 10 tiết như khi ở trường được nên chúng tôi đã chấp nhận dạy gấp đôi, 2 tuần thành 4 tuần. Khi dạy đủ 4 tuần thì chúng tôi thu 100% học phí.

Còn tháng 5 thì học được 2 tuần, nhưng chương trình của Bộ GD-ĐT cũng chỉ 3 tuần bởi ngày 25/5 là kết thúc năm học.

"Đáng ra còn 1 tuần nữa là kết thúc năm học, nhưng chúng tôi cũng đã dạy bù 2 tuần vào đầu tháng 8 (từ 2-16/8), để củng cố, ôn tập, kiểm tra và thi. Việc này nếu trực tiếp thì chỉ 1 tuần nhưng trực tuyến nên chúng tôi làm 2 tuần. Như vậy, 3 tuần học thực tế theo chương trình được chúng tôi làm trong 4 tuần. Phụ huynh cũng cần hiểu rằng không thể thi một ngày 10 tiếng được, việc tổ chức ôn tập và thi trong vòng 2 tuần. Phụ huynh cứ nói tính theo tiết, nhưng trước đây, kể cả khi đến trường được, thì thi xong các em vẫn được nghỉ ngơi, ôn tập và chuyển nội dung hoạt động, chờ đến tiết thi sau. 13 môn không thể thi liên tục mà phải có thời gian cách quãng. Như vậy chúng tôi quyết định thu 80% so với học phí trực tiếp ", ông Hòa nói.

Về kiến nghị giảm mức học phí trực tuyến ở năm học tới thay vì mức 80% so với học phí trực tiếp như hiện nay, ông Hòa cho hay, trường không có chủ trương giảm học phí trực tuyến. Đã học thì dù dạy học trực tuyến cũng phải học cho đủ chương trình của Bộ và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục, học sinh tiến bộ, hoàn thành chương trình theo đúng biên chế năm học quy định. Phụ huynh nói rằng chất lượng không bằng trực tiếp, điều này chúng ta phải chấp nhận, không ai muốn thế mà do dịch bệnh kéo dài. Bởi khó có thể so sánh trực tuyến được với trực tiếp, nhưng tất cả các nhà trường sẽ đều phải đổi mới phương pháp dạy học trực tuyến, thiết kế lại chương trình để bảo đảm được chất lượng. Đó là cam đoan của nhà trường và cuối cùng là hoàn thành nhiệm vụ năm học", ông Hòa nói.

Ông Hòa cho hay, nhà trường chỉ trừ đi những khoản không sử dụng đến khi học sinh không đến trường như tiền trải nghiệm, in ấn, nước uống, điện nước, dịch vụ quản lý học sinh cuối buổi,...

"Chúng tôi tính trả lại những phí mà khi học trực tuyến các con không dùng đến và khoảng 18 đến 20%. Như vậy, chúng tôi thu 80% để đảm bảo chất lượng giáo dục, duy trì đội ngũ và duy trì nhà trường. Đây là bài toán của trường, dựa trên sự hạch toán, cân đối nhiều mặt để nhà trường có thể tồn tại được sau dịch bệnh kéo dài, tiếp tục đón các học sinh trở lại trường", ông Hòa nói.

Nói về việc tiền học và các phí khác nhập vào một để tính mức trả chung, ông Hòa cho hay, học phí chỉ thu một khoản là điểm ưu việt và khác biệt của nhà trường, đã thực hiện từ mấy chục năm. "Nhà trường chỉ thu vào chung một khoản là học phí, còn nhiều trường khác đầu năm ngoài tiền học còn thu thêm mấy chục triệu nữa. Mọi năm cũng vì tính ưu việt này mà phụ huynh tin tưởng, cho con vào trường tôi. Giờ khi xảy ra tình huống thì có người đặt lại vấn đề. Năm nay những khoản dịch vụ mà học sinh không sử dụng đến thì chúng tôi trả lại, nhưng những phí như tiền xây dựng trường thì chúng tôi tính vào mức thu chung để duy trì trường lớp", ông Hòa lý giải và cho hay đã có trả lời kèm bảng tính gửi đến các phụ huynh.

"Chúng tôi lắng nghe, giải thích và sự tính toán cũng đã được thực hiện qua trải nghiệm thực tế bao năm nay. Chúng tôi đưa ra các con số như vậy là có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế. Đây là bài toán sống còn của nhà trường, chúng tôi không thể làm khác được. Mong phụ huynh cùng chia sẻ và đồng hành và đã chấp nhận theo trường thì tiếp tục đồng hành, cảm thông và đồng thuận mức học phí trực tuyến. Chúng tôi cũng đã quyết định sẽ hỗ trợ các trường hợp gia đình thực sự khó khăn trong dịch bệnh bằng cách giảm bớt học phí trong thời gian học trực tuyến cho những gia đình đó. Các giáo viên chủ nhiệm sẽ tập hợp danh sách để nhà trường xem xét và quyết định trong thời gian sớm nhất”, ông Hòa nói.

Thanh Hùng

Phụ huynh 'kêu cứu' vì học phí online, Trường phổ thông FPT nói gì?

Phụ huynh 'kêu cứu' vì học phí online, Trường phổ thông FPT nói gì?

Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT FPT cơ sở Hà Nội gửi 'Đơn kêu cứu' vì không đồng tình mức giảm của nhà trường đối với một số khoản phí khi học online do tác động của dịch Covid-19.

Từ khóa » Học Phí Trường Thpt Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội