Phủ Nhận Lý Luận Về Hàng Hóa Sức Lao động Của C.Mác Hay Trò Xảo ...
Có thể bạn quan tâm
Những lập luận phi lý phủ nhận lý luận hàng hóa sức lao động của C.Mác
Trong Lời tựa tác phẩm “Tư bản”, C.Mác viết: “Đối tượng nghiên cứu của tôi là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ sản xuất và trao đổi thích ứng với phương thức ấy”(1); “Mục đích cuối cùng của tác phẩm này là tìm ra quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại”(2). Khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở nước Anh, C.Mác khẳng định: “Sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất này”(3). Vì thế, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác ngay từ khi mới ra đời đã vấp phải sự phê phán, phản bác của không ít những người biện hộ và bảo vệ chủ nghĩa tư bản.
Phân tích nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã chỉ ra rằng, giá trị hàng hóa trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao gồm giá trị những tư liệu sản xuất đã được tiêu dùng chuyển sang sản phẩm mới (giá trị cũ tái hiện - ký hiệu là c) và lượng giá trị mới do lao động sống thêm vào (giá trị mới tạo ra - ký hiệu là v + m), trong đó v bù lại tư bản khả biến đã ứng ra để trả tiền công (ngang với giá trị sức lao động) và m là giá trị thặng dư - phần giá trị dôi ra ngoài giá trị sức lao động và bị nhà tư bản chiếm dụng. Như vậy, nguồn gốc của giá trị thặng dư là do lao động sống tạo ra.
Tuy nhiên, những người phê phán, phản bác học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác cho rằng, quy luật sản xuất giá trị thặng dư, nguồn gốc giá trị thặng dư do lao động sống tạo ra chỉ đúng với trình độ phát triển thấp của chủ nghĩa tư bản - khi máy móc còn thô sơ và lao động thủ công, giản đơn chiếm ưu thế. Họ luận giải rằng, trong bối cảnh phát triển mới của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, việc ứng dụng máy móc ngày càng trở nên phổ biến, sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật, tự động hóa sản xuất khiến số lượng và cường độ của thể lực cần tiêu hao trong sản xuất ngày càng giảm đi; tự động hóa dường như đã làm thay đổi về tính chất quan hệ giữa lao động quá khứ và lao động sống; nó đã đạt đến mức cái quyết định sức sản xuất không còn là hàng hóa riêng lẻ, mà là máy móc; giá trị còn được tạo ra từ những nguồn khác nữa... Điều đó hàm ý rằng, máy móc đã làm thay đổi tính chất của mối quan hệ giữa lao động quá khứ và lao động sống, bởi vì máy móc đã được sử dụng phổ biến và thay thế cho sức lao động giản đơn, nguồn gốc của giá trị thặng dư là do máy móc chứ không phải do lao động sống tạo ra. Vì máy móc được sử dụng một cách phổ biến nên một số ý kiến cho rằng, khái niệm sức lao động không thể kiểm chứng một cách cụ thể trên thực tế và không thể tìm ra được một cột mốc nào để định lượng, tính toán về phương diện kinh tế.
Cùng với đó, những người phê phán, phản bác học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác còn cho rằng, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, số giờ làm việc trung bình của người lao động không đóng vai trò quan trọng, mà là tổng hợp nhiều yếu tố với nhau: phương tiện máy móc mà họ sử dụng, quy trình trong chuỗi sản xuất, môi trường làm việc...; giá trị sử dụng thực tế sản sinh từ một giờ lao động của hai người lao động chênh lệch nhau, xuất phát chủ yếu từ kỹ năng cao hay thấp của họ, tiếng tăm của họ, tác dụng cảm tính lên người sử dụng lao động, và thêm nhiều yếu tố khác.
Như vậy, những người phản bác, phủ nhận lý luận hàng hóa sức lao động của C.Mác cho rằng, giá trị thặng dư mà nhà tư bản có được không phải do bóc lột sức lao động của công nhân, mà là phần của nhà tư bản được hưởng do công lao tổ chức, quản lý sản xuất... Đây là khâu không thể thiếu trong quá trình sản xuất, nên cũng giống như các loại lao động sản xuất hàng hóa khác, nhà tư bản đóng vai trò là người gián tiếp tạo ra của cải vật chất; trong khi mọi loại “lao động quản lý”, “lao động trí tuệ cao không ai có thể thay thế được”, cho nên, dĩ nhiên là nhà tư bản sẽ được hưởng tiền công “xứng đáng”.
Hơn thế nữa, họ còn cho rằng, chủ nghĩa tư bản có bóc lột sức lao động của công nhân hay không, điều đó không quan trọng bằng đời sống vật chất và tinh thần không chỉ của công nhân mà của tất cả mọi người trong xã hội tư bản đều được nâng cao, sự hưởng thụ ngày càng nhiều. Ngoài tiền công, người lao động còn được hưởng thu nhập từ lợi tức cổ phần (tức là thêm nhiều nguồn thu thông qua đóng góp cổ phần), phúc lợi xã hội, các tổ chức từ thiện và sự hỗ trợ của nhà nước tư sản.
Cần phê phán, bác bỏ các quan điểm phủ nhận lý luận hàng hóa sức lao động của C.Mác
Điểm thứ nhất, về nguồn gốc của giá trị thặng dư.
Rõ ràng, C.Mác không phải là người đầu tiên phát hiện ra lao động thặng dư. Kế thừa quan điểm của các nhà kinh tế trước đó, C.Mác không những phát hiện ra giá trị thặng dư (lao động thặng dư kết tinh dưới hình thái giá trị), mà còn vạch rõ mối quan hệ giữa năng suất lao động, lao động thặng dư và giá trị thặng dư. Ông cũng chỉ rõ điều khác biệt, trong chủ nghĩa tư bản, việc chiếm đoạt lao động thặng dư của người công nhân làm thuê không thực hiện bằng cách cưỡng bức trực tiếp mà thông qua quan hệ hàng hóa - tiền tệ, trong đó có mua bán hàng hóa sức lao động, nên việc chiếm đoạt lao động thặng dư được thực hiện dưới hình thái chiếm đoạt giá trị thặng dư. Nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư là sức lao động của công nhân làm thuê. Chỉ có lao động sống (sức lao động đang hoạt động) của họ mới tạo ra giá trị, trong đó có giá trị thặng dư. Nguồn gốc của giá trị thặng dư là sự tiêu dùng sức lao động kéo dài ngoài thời gian tái sản xuất ra giá trị của nó, có nghĩa là vượt quá thời gian lao động tất yếu để bù đắp lại giá trị sức lao động (được tính bằng tiền công).
Với sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại, những nhân tố chủ yếu trong sản xuất của xã hội công nghiệp (đất đai, lao động, nguyên liệu, vốn) dần trở thành thứ yếu, tri thức ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong nền sản xuất hiện đại. Dường như lý lẽ bác bỏ lý luận giá trị thặng dư có vẻ “thuyết phục” hơn, bởi chủ nghĩa tư bản nếu còn bóc lột thì chỉ bóc lột “người máy”, vì trong các xí nghiệp hiện đại, quá trình sản xuất ra sản phẩm không cần hoặc cần rất ít lao động sống, nhưng giá trị do các xí nghiệp này tạo ra tăng gấp bội so với các xí nghiệp cổ điển dùng rất nhiều lao động sống.
Về điểm này, C.Mác đã phân tích: “Giống như bản thân hàng hóa là sự thống nhất giữa giá trị sử dụng và giá trị, quá trình sản xuất hàng hóa cũng phải là một sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình tạo ra giá trị”(4). Quá trình lao động nào cũng bao gồm ba nhân tố chủ yếu là lao động có mục đích của con người, đối tượng lao động và tư liệu lao động (trong đó quan trọng hơn cả là công cụ lao động). Sử dụng máy móc càng hiện đại bao nhiêu thì sức sản xuất của lao động càng cao, do đó, trong cùng một đơn vị thời gian làm ra càng nhiều giá trị sử dụng. Tuy nhiên, khi xét quá trình tạo ra và làm tăng giá trị của hàng hóa, tức là quá trình lao động được kéo dài quá cái điểm mà người ta chỉ tái sản xuất ra một vật ngang giá với giá trị của sức lao động và kết hợp nó vào đối tượng lao động, thì những hàng hóa tham gia vào đây không còn được xét với tư cách là những nhân tố vật thể nữa, mà chỉ được coi là những lượng lao động đã vật hóa nhất định.
Như vậy, nhờ hoạt động của sức lao động, không những giá trị của bản thân nó được tái sản xuất ra, mà một giá trị dôi ra cũng được sản xuất ra nữa. Phần ngày lao động trong việc tái sản xuất diễn ra, C.Mác gọi là thời gian lao động cần thiết và thời kỳ thứ hai của quá trình lao động, tức là thời kỳ trong đó người công nhân lao động quá những giới hạn của lao động cần thiết nhưng không tạo ra một giá trị nào cho người công nhân. Phần ngày lao động đó là thời gian lao động thặng dư và lao động chi phí trong khoảng thời gian đó là lao động thặng dư.
C.Mác đã chỉ rõ sự khác nhau giữa quá trình sản xuất ra giá trị và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư hay mối quan hệ giữa năng suất lao động, lao động thặng dư và giá trị thặng dư qua ví dụ: “Giả định rằng một phát minh nào đó cho phép người kéo sợi có thể kéo trong 6 giờ một lượng bông trước kia phải kéo trong 36 giờ. Với tư cách là một hoạt động sản xuất có mục đích và có ích thì lao động của người kéo sợi đã tăng sức mạnh của nó lên gấp 6 lần. Sản phẩm của người đó cũng tăng lên gấp 6 lần: 36 pao sợi chứ không phải 6 pao nữa. Nhưng 36 pao bông ấy bây giờ cũng chỉ thu hút một thời gian lao động như 6 pao trước kia. Chúng được gắn thêm một số lao động mới 6 lần ít hơn so với những phương pháp trước kia, vì vậy giá trị mới thêm vào cũng chỉ bằng một phần sáu so với trước. Mặt khác, trong sản phẩm, trong 36 pao sợi, bây giờ lại có một giá trị bông gấp 6 lần”(5). Điều đó có nghĩa rằng, giá trị do người công nhân kết hợp thêm vào mà càng nhiều (năng suất lao động tăng) thì giá trị do người công nhân bảo toàn được lại càng lớn. Tuy nhiên, C.Mác cũng khẳng định, chỉ khi nào xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn lịch sử nhất định, trên cơ sở năng suất lao động phát triển đến một trình độ nhất định thì người lao động mới có thể cung cấp lao động thặng dư và sản phẩm thặng dư.
Máy móc và lao động trí tuệ có vai trò như thế nào trong quá trình sản xuất? Vì sao khi sử dụng máy móc hiện đại, tiên tiến lại thu được lợi nhuận siêu ngạch? Ngày nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, tự động hóa sản xuất làm thay đổi quá trình sản xuất. Giá trị hàng hóa ngày càng ít dựa vào lao động thể lực của người sản xuất, thay vào đó, ngày càng dựa nhiều vào lao động trí tuệ. Lao động thể lực của công nhân giảm đi, nhưng lao động trí tuệ phải bỏ ra nhiều hơn. Trong toàn bộ quá trình đó, khoa học - kỹ thuật, tri thức, thông tin phát huy vai trò to lớn, nhưng suy đến cùng, chúng đều là sản phẩm của lao động trí óc mang tính sáng tạo của con người. Doanh nghiệp nào đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới, làm tăng sức sản xuất của lao động, do đó, giá trị cá biệt của hàng hóa của doanh nghiệp ấy thấp hơn so với giá trị thị trường, và khi bán hàng hóa doanh nghiệp đó sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch. Khi công nghệ đó trở nên phổ biến, các đối thủ cạnh tranh đã đuổi kịp trình độ công nghệ, thì lợi thế cạnh tranh giảm, giá trị thị trường hạ xuống, hàng hóa rẻ đi, doanh nghiệp từng đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới sẽ không còn thu được lợi nhuận siêu ngạch nữa.
Như vậy, công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ làm tăng sức sản xuất của lao động, hạ thấp giá trị cá biệt của hàng hóa so với giá trị thị trường, nhưng trên thị trường thông qua cạnh tranh lại bán theo giá thị trường, do đó thu được lợi nhuận siêu ngạch. Việc thu lợi nhuận siêu ngạch diễn ra qua cạnh tranh giữa những người sản xuất hàng hóa trên thị trường, chứ không phải trong sản xuất. Do đó, nếu chỉ quan sát các hiện tượng, biểu hiện bề ngoài thì dễ lẫn lộn giữa việc sản xuất giá trị thặng dư và phân phối giá trị thặng dư. Máy móc không phải là nguồn gốc sinh ra giá trị siêu ngạch, mà chỉ là điều kiện để thu được lợi nhuận siêu ngạch thông qua cạnh tranh trên thị trường.
Hệ thống cơ khí tự động chỉ là công cụ lao động, là tư bản bất biến, do đó, dù máy móc quan trọng đến đâu, nhưng nếu không có người sản xuất sử dụng nó trong quá trình sản xuất, thì nó chẳng những không có cách gì để chuyển dịch giá trị tự thân của mình, chứ đừng nói đến việc làm sinh sôi được giá trị hàng hóa. Vì thế, C.Mác đã chỉ rõ: “Một tư liệu sản xuất không bao giờ chuyển vào sản phẩm một giá trị nhiều hơn giá trị mà nó đã mất đi trong quá trình lao động do giá trị sử dụng của bản thân nó bị hủy hoại đi. Nếu tư liệu sản xuất đó không có một giá trị nào để mất đi cả, nghĩa là nếu bản thân nó không phải là sản phẩm lao động của con người, thì nó sẽ không thể chuyển một giá trị nào vào sản phẩm cả”(6).
Đồng thời, C.Mác chưa bao giờ phủ nhận vai trò quan trọng của tư liệu lao động trong quá trình sản xuất ra hàng hóa. Điều này được chứng minh rõ ở luận điểm của C.Mác khi trình bày sự hình thành giá trị và làm tăng thêm giá trị. Theo đó, C.Mác nhấn mạnh, tiền đề của nó là tư liệu sản xuất (nguyên liệu và tư liệu lao động) không thể thiếu của sản xuất giá trị thặng dư. Vai trò của máy móc như chiếc bình cổ cong trong quá trình hóa học. Nếu không có bình cổ cong thì không thể diễn ra các phản ứng hóa học, nhưng bản thân bình cổ cong chỉ là điều kiện cho phản ứng hóa học diễn ra chứ không trực tiếp tham gia vào phản ứng ấy. Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động hao phí hơn là phụ thuộc vào những tác nhân được đưa vào vận dụng trong suốt thời gian lao động, và bản thân những tác nhân, đến lượt mình (với hiệu suất lớn của chúng), lại tuyệt đối không tương xứng với thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra chúng, mà nói đúng hơn, chúng tùy thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào bước tiến bộ của kỹ thuật, hay phụ thuộc vào việc vận dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật ấy vào sản xuất.
Tình hình mới của phát triển sản xuất không hề làm thay đổi sự thật là lao động tạo ra giá trị. Sự phát triển của khoa học - kỹ thuật hiện đại chỉ thúc đẩy sự thay đổi cấu thành hữu cơ của tư bản (tỷ lệ giữa tư bản bất biến và tư bản khả biến), chứ không thể làm thay đổi thực tế sự phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản đương đại, nghĩa là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại vẫn phải dựa vào việc theo đuổi giá trị thặng dư. Hơn nữa, khi người lao động trí óc sáng tạo và sử dụng khoa học - kỹ thuật, họ cũng phải bỏ ra rất nhiều sức lao động. Trong quá trình sản xuất hiện đại hóa, số lượng người lao động trí óc tăng lên rất nhiều; họ cũng bị nhà tư bản thuê và sáng tạo ra một lượng lớn giá trị thặng dư.
Từ những luận điểm trên của C.Mác, có thể khẳng định, các quan điểm phê phán rằng C.Mác chưa đề cập đến vai trò của máy móc, tư liệu lao động trong quá trình sản xuất, lao động trí tuệ là không có cơ sở. Sở dĩ có nhận thức sai lầm nói trên là do chưa phân biệt được vai trò của máy móc với tư cách là nhân tố của quá trình lao động và vai trò của máy móc với tư cách là nhân tố của quá trình làm tăng giá trị.
Điểm thứ hai, phải chăng lý luận hàng hóa sức lao động của C. Mác chưa đề cập đến vai trò của lao động quản lý, lao động kỹ thuật, lao động phức tạp?
Ngày nay, lao động trực tiếp là những nhà quản lý, những người điều khiển quá trình sản xuất, mà C.Mác ví như “nhạc trưởng” của một dàn nhạc. Ông nhấn mạnh: “Trong tất cả những công việc mà có nhiều người hợp tác với nhau thì mối liên hệ chung và sự thống nhất của quá trình tất phải biểu hiện ra ở trong một ý chí điều khiển và trong những chức năng không có quan hệ với những công việc bộ phận, mà quan hệ với toàn bộ hoạt động của công xưởng, cũng giống như trường hợp nhạc trưởng của một dàn nhạc vậy. Đó là một thứ lao động sản xuất cần phải được tiến hành trong một phương thức sản xuất có tính chất kết hợp”(7). Bằng phương pháp trừu tượng hóa khoa học, C.Mác giả định coi mọi loại sức lao động như là một sức lao động giản đơn và coi lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn, có nghĩa là một lượng lao động phức tạp nhỏ hơn thì tương đương với một lượng lao động giản đơn lớn hơn. “Những tỷ lệ khác nhau theo đó các loại lao động khác nhau được quy thành lao động giản đơn,... - những tỷ lệ khác nhau ấy được xác định bởi một quá trình xã hội diễn ra ở đằng sau lưng những người sản xuất”(8).
Định nghĩa về sức lao động của C.Mác(9) cũng đã chỉ rõ, đó là toàn bộ năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, tức là cả lao động cơ bắp và lao động trí tuệ. Trong điều kiện là doanh nghiệp nhỏ thì nhà tư bản kiêm cả hai, tức là vừa là chủ sở hữu tư bản, vừa là nhà quản lý, do đó nhà tư bản thu được cả giá trị thặng dư và tiền công của mình. Khi thành công ty lớn thì nhà tư bản đi thuê những người quản lý (managers). Như vậy, không thể nhầm lẫn khoản thu nhập của nhà tư bản với tư cách là nhà quản lý (tiền công, tiền lương) với thu nhập của nhà tư bản với tư cách là chủ sở hữu. Sự nhầm lẫn này dẫn đến quan niệm thu nhập của nhà tư bản, sự giàu có của họ là do lao động quản lý đem lại. Vì thế, cần phân biệt nếu tư bản là nhà quản lý, lao động trực tiếp tạo ra giá trị thặng dư thì thu nhập của họ là tiền công. Lao động quản lý là lao động phức tạp, do đó thu nhập cao hơn lao động giản đơn. Và do vậy, không có cơ sở để khẳng định trong lý luận hàng hóa sức lao động, C.Mác không đề cập đến vai trò của lao động trí tuệ, lao động quản lý.
Điểm thứ ba, phải chăng chủ nghĩa tư bản không còn bóc lột lao động làm thuê?
Ngày nay, chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh lớn, do đó, có quan điểm cho rằng chủ nghĩa tư bản không còn bóc lột lao động làm thuê và đề cao, thổi phồng kết quả, điều kiện sống mà người lao động được thụ hưởng. Thực tế, cơ chế điều tiết phân phối giá trị thặng dư của các nhà tư bản được thực hiện thông qua thuế, quỹ phúc lợi xã hội, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp... Một bộ phận công nhân có cổ phần, là cổ đông trong các công ty cổ phần; họ đầu tư dưới hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi tiết kiệm và thu được lợi tức cổ phần, lợi tức trái phiếu và lãi suất tiền gửi. Do đó, không thể phủ nhận rằng, hiện nay, đời sống của người công nhân trong xã hội tư bản được nâng cao, thu nhập của họ không chỉ từ tiền công nhận được hằng tháng, mà còn có thêm các khoản khác như lợi tức cổ phần, tăng ca, trợ cấp khó khăn, thất nghiệp, phúc lợi xã hội... Tuy nhiên, tất cả những phần thu của người công nhân nhận được, một mặt, không bao giờ tỷ lệ thuận với sức lao động của chính bản thân bỏ ra; mặt khác, nhu cầu đòi hỏi của con người tất yếu ngày càng cao, theo đó, chi phí sẽ tăng, trong khi thu nhập không đáp ứng được.
Điều này được C.Mác chứng minh cả về lý luận và minh họa thực tế khi phân tích phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối. Ông chỉ rõ, nhờ rút ngắn thời gian lao động tất yếu (nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng sức sản xuất của lao động), trước hết ở ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt và những ngành sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu sinh hoạt, với một thời gian lao động không đổi, thời gian lao động tất yếu rút ngắn lại và thời gian lao động thặng dư tăng lên, do đó tăng khối lượng giá trị thặng dư tương đối, thậm chí có thể rút ngắn ngày lao động mà vẫn thu được khối lượng giá trị thặng dư nhiều hơn trước. Vì thế, đời sống của người lao động được cải thiện; ở các nước tư bản phát triển, mức sống của đại đa số công nhân được nâng cao hơn trước nhưng mức độ bóc lột lao động không công lại tăng hơn trước.
Về phía nhà tư bản, vừa có thể sống xa hoa hơn trước, vừa có thể tích lũy nhiều hơn trước để tăng quy mô sản xuất. Giả sử khi năng suất lao động tăng, giá cả của các hàng hóa tiêu dùng đều giảm, mức tiền công giảm xuống. Người công nhân vẫn có thể mua được số hàng hóa như cũ, hoặc nhiều hơn trước, tức là tiền công thực tế tăng lên nhưng không cùng mức tăng lợi nhuận nên tiền công tương đối (so sánh) giảm xuống. Cho nên, tuy đời sống của công nhân được cải thiện, nhưng mức độ bóc lột lại tăng hơn trước, nên chênh lệch thu nhập giữa nhà tư bản và công nhân càng giãn rộng ra.
Mặt khác, xem xét quan hệ bóc lột của chủ nghĩa tư bản ngày nay không chỉ bó hẹp trong quan hệ giữa nhà tư bản và người lao động làm thuê ở các nước tư bản chủ nghĩa, mà còn phải xem xét cả sự thống trị, bóc lột của các nước phát triển đối với các nước kém phát triển và đang phát triển, thể hiện ở sự phân hóa hai cực giàu và nghèo của thế giới. Theo báo cáo của Oxfam năm 2016, hiện 1% những người giàu nhất thế giới sở hữu tổng số tài sản nhiều hơn 99% số người còn lại. Oxfam tính toán rằng, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng khi 62 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản tương đương với khối tài sản của 3,5 tỷ người - nửa nghèo nhất của thế giới, một con số giảm đi rất nhiều so với 388 người giàu nhất thế giới vào 5 năm trước. Tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng 44% trong năm 2016 so với năm 2010, lên đến 1,76 nghìn tỷ USD, trong khi tài sản của nửa nghèo nhất thế giới giảm xuống 41% trong năm 2016 và chỉ còn hơn 1 nghìn tỷ USD(10).
Đến năm 2018, cũng theo tính toán của Oxfam, mỗi ngày tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới tăng thêm 2,5 tỷ USD, tương đương mức tăng 12% trong cả năm. Trong khi đó, tổng tài sản của 50% dân số nghèo nhất của thế giới, giảm đi 11% trong năm(11). Điều này cho thấy khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đang hủy hoại cuộc chiến chống nghèo đói, gây tổn thất cho nền kinh tế thế giới, cũng như châm ngòi cho làn sóng bất bình diễn ra trên toàn cầu. Đến năm 2019, 1% số người giàu nhất thế giới có tài sản lớn gấp đôi số tài sản của 6,9 tỷ người còn lại; 2.153 tỷ phú trên thế giới có nhiều tài sản hơn 4,6 tỷ người(12).
Thực tế này đang phủ định, đi ngược lại chính quan điểm của các học giả đã khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản có bóc lột hay không, không quan trọng, với chính sách thuế khóa và tái phân phối thu nhập ở những nước có chính sách xã hội khôn ngoan, của cải đó được chia cho nhiều người chứ không chỉ tập trung trong tay những nhà tư bản. Người lao động trong các nước công nghiệp hiện đại không nghèo khó hơn mà ngày càng giàu có, lợi tức của họ ngày càng được nâng cao.
Như vậy, thực chất, các quan điểm phản bác C.Mác tập trung vào lý luận hàng hóa sức lao động của C.Mác nhằm bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư của ông. Những biểu hiện mới về bóc lột giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng không thể phủ nhận, bác bỏ được lý luận hàng hóa sức lao động - cơ sở của học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác. Thực tế đã và đang chứng minh tính khoa học, tính đúng đắn của học thuyết giá trị thặng dư trong điều kiện lịch sử cụ thể hiện nay. Cho dù khoa học và công nghệ trên thế giới ngày càng phát triển, việc áp dụng các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại và những quan hệ kinh tế - xã hội rất phức tạp, đa chiều, làm cho không ít người lầm tưởng lý luận hàng hóa sức lao động và quy luật giá trị thặng dư đã biến mất, song như C.Mác đã vạch rõ, suy cho cùng, chỉ có lao động sống mới tạo ra lợi nhuận là giá trị thặng dư và sản xuất giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Lý luận hàng hóa sức lao động cũng như học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác vẫn luôn là “hòn đá tảng”, là cơ sở để phân tích, xem xét bản chất kinh tế - chính trị của chủ nghĩa tư bản hiện đại./.
_____________________________
(1), (2), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen (2002), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.23, tr.19, 21, 872. (4) C.Mác và Ph.Ăngghen (2002), Sđd, T.23, tr.279. (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen (2002), Sđd, T.23, tr.300, 304. (7) C.Mác và Ph.Ăngghen (2002, Sđd, T.25, Phần I, tr.587. (8), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen (2002), Sđd, T.23, tr.75, 76, 251. (10) Xem: https://vietnamfinance.vn/oxfam-1-dan-so-giau-nhat-the-gioi-giau-hon-99-con-lai-20160118100002564.htm, ngày 18.01.2016. (11) Xem: https://vietnamfinance.vn/cu-2-ngay-the-gioi-co-them-1-ty-phu-nhung-38-ty-nguoi-ngheo-nhat-lai-mat-11-tai-san-20180504224218926.htm, ngày 21.01.2019. (12) Xem: https://baoquocte.vn/oxfam-bat-binh-dang-tren-toan-cau-da-tro-nen-mat-kiem-soat-108251.html, ngày 22.01.2020.
Từ khóa » Giá Trị Thặng Dư Là Một Bộ Phận Của Giá Trị Hàng Hóa. Phát Biểu Này Là đúng Hay Sai Tại Sao
-
[PDF] Lý Luận Của C.mác Về Giá Trị Thặng Dư Và Các Hình Thức Biểu Hiện Của ...
-
Giá Trị Thặng Dư Là Gì? Nguồn Gốc, Bản Chất Và ý Nghĩa Của Giá Trị ...
-
Giá Trị Thặng Dư – Wikipedia Tiếng Việt
-
Giá Trị Thặng Dư Là Gì? Ví Dụ Giá Trị Thặng Dư - Luật Hoàng Phi
-
Học Thuyết Giá Trị Thặng Dư Vẫn Còn Nguyên Giá Trị Trong Bối Cảnh Mới
-
Vận Dụng Học Thuyết Giá Trị Thặng Dư Của C.Mác Trong Phát Triển Nền ...
-
Không Thể Bác Bỏ Học Thuyết Kinh Tế Mác – Lê-nin
-
Bóc Lột Giá Trị Thặng Dư Là Gì ? Phân Tích Như Thế ... - Luật Minh Khuê
-
Các Mác Với Học Thuyết Giá Trị Thặng Dư – Bản Chất Của Chủ Nghĩa Tư ...
-
Học Thuyết Giá Trị Thặng Dư Của Các Mác Vẫn Còn Nguyên Giá Trị
-
Tư Bản Và Giá Trị Thặng Dư (Tiếp Theo) - Chu Nghia Mac-Lenin
-
Lý Luận Về Giá Trị - Chu Nghia Mac-Lenin
-
[PDF] Bảng Chú Giải Thuật Ngữ Các định Nghĩa - IFAC
-
Giá Trị Cốt Lõi Và Sức Sống Trường Tồn Của Chủ Nghĩa Mác