Phụ Nữ Khó Tính, Khó Chiều

Thưa chị Hạnh Dung,

Ông xã em làm gì cũng không bao giờ “đạt yêu cầu”, đi thi kiểu gì cũng trượt. Thì số trời bắt em kỹ tính phải lấy ảnh. Cũng biết vậy nên em có ý thức tự kiềm chế, không chê bai gì. Coi như ảnh làm cho việc gì là may quá rồi, không đòi hỏi… chất lượng được, mình phải chịu khó làm lại nếu có thể.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng đến chuyện người ta tham khảo ý kiến cho con đi học hay ở nhà mùa dịch này thì cãi nhau to. Anh bảo con nó học lớp 11 rồi, tự ý thức bảo vệ bản thân được rồi thì cứ đi học, chứ chờ biết chừng nào hết dịch? Em thì bảo học là cả đời, chuyện gì qua loa được chứ sinh mạng con thì không nhé, để đấy em quyết định.

Anh mới kể là bạn anh ở trường quốc tế bảo, chỉ cha mẹ Việt (chủ yếu là bà và mẹ) ý kiến ghê lắm, trong khi phụ huynh của học sinh nước ngoài thì không ý kiến. Họ bảo gặp hoạn nạn nhà nước có kịch bản, bộ chuyên ngành tham vấn, nhà trường thực hiện, mình góp được cái gì hay hơn thì góp, còn thì tuân thủ chỉ đạo chung, không làm cho rối loạn.

Anh còn bình luận là phụ nữ khó tính khó chiều, bảo: “Con Vít nó kinh khủng thế vẫn còn… thua các bà”. Rồi em tức lên bảo đàn ông các anh không... thương con bằng chúng tôi. Sở dĩ phụ nữ phải khó tính vì phải đương đầu mọi việc liên quan đến con cái, không kỹ không được.

Cãi nhau chả ai chịu ai. Theo chị thì phụ nữ khó tính là ưu hay khuyết điểm đây? Chị đừng nói “vừa ưu vừa khuyết” nhé!

Thanh Xuân (TP.HCM)

Em Thanh Xuân mến!

Nếu em “chặn” không cho nói “vừa đúng vừa sai” thì tôi sẽ “né”, chỉ nói nên hay không nên thôi vậy. Thật ra cũng chỉ nên tìm hiểu cái gì lợi hay hại khi diễn ra sự “khó tính” ấy, để ta tự lựa chọn chứ không quy kết điều gì.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Rõ ràng là ta hay thấy phụ nữ vì phải lo nhiều thứ quá nên đâm ra ngặt nghèo hơn, hay kiểm tra và… nghi ngờ cũng nhiều. Nhưng chính cái mớ lo rối bời ấy nó dễ làm ta “chặn mọi thứ” cho an toàn. Có người lên mạng kể câu chuyện vui thế này:

Hỏi: Anh chị cho con đi học nhé, vì có vẻ hơi ổn rồi.

Trả lời: Định giết con tôi à?

Hỏi: Thế để cháu nghỉ ở nhà thêm vậy?

Trả lời: Thế định không cho chúng tôi làm ăn gì à, thất nghiệp cả đám à?

Hỏi: Thế để trưng cầu ý kiến nhé?

Trả lời: Chúng tôi có phải nhà chuyên môn đâu sao quyết định được?

Hỏi: Thế để nhà nước và Bộ Y tế quyết định nhé?

Trả lời: Sao các người lại không coi trọng ý kiến nhân dân vậy? … Câu chuyện hài hước nhưng cho thấy, việc phải ra quyết định trong một trường hợp không có gì chắc chắn là rất khó. Ta thử nhớ lại hồi xưa động đất sóng thần, có “hiện tượng lạ” của người Nhật xếp hàng trật tự chờ đến lượt mình được lên xe rời vùng nguy hiểm hoặc được cấp thức ăn.

Sao họ không tranh nhau trước sự sống còn vậy nhỉ? Là vì họ biết trong khủng hoảng nguy hiểm, nhà nước đang giải cứu, mình gây rối loạn thì không cứu được, thì chết hết không ai có cơ hội thoát một mình. Lúc đó phải giữ kỷ luật tuân thủ vì hành động chung mới có được cơ may.

Phụ nữ thường phải đương đầu giải quyết mọi việc - sao không “kéo” các ông chồng tham gia và lắng nghe ý kiến của họ để tìm ra sự đồng lòng? Có thể việc này ổng đoảng, nhưng việc khác lại… sáng suốt hơn ta thì sao?

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

Từ khóa » Khó Chiều Là Gì