Phù Thũng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng điển Hình Của Bệnh | Medlatec

1. Triệu chứng phù thũng như thế nào?

Phù thũng hay tình trạng ứ dịch khoảng kẽ giữa các tế bào hoặc các khoang tự nhiên có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của cơ thể. Tuy nhiên thường gặp nhất và được gọi tên là những bộ phận sau:

  • Phù thũng bụng, gọi là cổ trướng.

  • Phù thũng phần bàn tay hoặc chân dưới, gọi là phù ngoại biên.

  • Phù thũng ở ngực, còn gọi là phù phổi hoặc tràn dịch màng phổi tùy theo vị trí tích dịch là ngoài màng phổi hay bên trong phổi.

Phù thũng là tình trạng tích dịch bất thường trong mô

Phù thũng là tình trạng tích dịch bất thường trong mô

Vùng da bị phù thũng rất dễ nhận biết bằng những đặc điểm sau:

  • Sưng, phồng to ở các mô dưới da, thấy rõ nhất khi phù thũng ở cánh tay hoặc chân.

  • Vùng da bị phù thũng bị kéo căng và trông sáng bóng hơn bình thường.

  • Tình trạng phù ở chân dưới sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối ngày, sau khi giữ nguyên một tư thế đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.

  • Tăng kích thước vùng bụng bất thường khi phù thũng ở bụng.

  • Phù thũng ở ngực thường gây ra tình trạng khó thở, đau tức, đè ép vô cùng rõ ràng.

Có thể dùng tay để kiểm tra nhanh vùng da bị phù thũng như sau: Dùng lực ấn bình thường ngón tay vào vùng da nghi ngờ. Nếu do phù thũng, trên vùng da sẽ hình thành vết lõm tạm thời rất rõ ràng. Còn nếu sưng do bệnh lý, nhiễm trùng hoặc nguyên nhân nào khác, rất khó để lại vết lõm hoặc nếu có thì vết lõm mờ, nhanh biến mất.

Kiểm tra bằng tay có thể xác định được tình trạng phù thũng

Kiểm tra bằng tay có thể xác định được tình trạng phù thũng

Phù phổi là tình trạng cấp tính nguy hiểm, vì thế bệnh nhân nếu có dấu hiệu như đau ngực, khó thở, hụt hơi kéo dài không thuyên giảm thì cần đến bệnh viện kiểm tra, điều trị kịp thời.

2. Vì sao bạn bị phù thũng?

Tình trạng phù thũng xảy ra do dịch tích tụ trong các mô của cơ thể, dịch này thường bắt nguồn từ các mao mạch tại vị trí này bị tổn thương và rò rỉ dịch. Cần xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng phù thũng và xử lý điều trị đúng cách mới hạn chế tối đa tổn thương, biến chứng do bệnh gây ra.

2.1. Phù thũng nhẹ do nguyên nhân sinh lý

Nhiều người có cơ địa nhạy cảm dễ bị phù thũng nhẹ do các nguyên nhân như:

  • Ăn quá mặn trong thời gian ngắn.

  • Ngồi hoặc đứng hoặc giữ một tư thế quá lâu.

  • Phù thũng ở phụ nữ mang thai, thường gặp nhất là phù thũng ở chân.

  • Dấu hiệu của tình trạng tiền kinh nguyệt.

Nếu do những nguyên nhân này, tình trạng phù thũng thường không nghiêm trọng và sẽ được cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc đơn giản. Song vẫn cần tiếp tục theo dõi triệu chứng phù thũng cũng như các triệu chứng sức khỏe khác để can thiệp kịp thời nếu bệnh tiến triển nặng.

Ngoài ra, phù thũng có thể là tác dụng phụ do sử dụng một số loại thuốc điều trị như:

  • Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid.

  • Thuốc bổ sung nội tiết tố Estrogen.

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp.

  • Corticosteroid.

  • Thuốc thuộc nhóm Thiazolidinedione trong điều trị đái tháo đường.

Một số thuốc điều trị gây tác dụng phụ tích nước, sưng phù

Một số thuốc điều trị gây tác dụng phụ tích nước, sưng phù

Có thể trao đổi với bác sĩ để lựa chọn thuốc điều trị thay thế không gây ra tình trạng phù thũng hoặc kiểm soát tình trạng này tốt hơn.

2.2. Phù thũng do nguyên nhân bệnh lý

Cần cẩn thận với trường hợp phù thũng xuất hiện là triệu chứng bệnh lý, đây có thể là bệnh lý nguy hiểm như:

Xơ gan

Xơ gan giai đoạn tiến triển và giai đoạn cuối thường khiến dịch bị tích tụ nhiều trong khoang bụng, hay còn gọi là tình trạng cổ trướng. Ngoài ra, phù thũng cũng có thể xuất hiện ở chân do xơ gan.

Suy tim sung huyết

Suy tim sung huyết khiến hoạt động bơm máu của cả hai hoặc một bên tâm thất bị ảnh hưởng. Điều này khiến máu bị chảy ngược một phần về lại chân, gây phù bắp chân, mắt cá chân hoặc bàn chân. Ngoài ra, suy tim sung huyết cũng có thể gây phù ở vị trí khác trong cơ thể như: phù phổi khi dịch tích tụ trong phổi, phù bụng cổ trướng khi suy tim ảnh hưởng đến tim.

Thận hư

Hội chứng thận hư xuất phát từ các tổn thương ở mạch máu nhỏ trong đơn vị lọc cầu thận, khiến nồng độ Albumin trong máu giảm. Đây chính là nguyên nhân khiến dịch không thoát được, tích tụ trong mô và gây phù thũng.

Bệnh lý về thận dễ gây tích dịch và phù thũng

Bệnh lý về thận dễ gây tích dịch và phù thũng

Bệnh lý về thận

Khi bị các bệnh lý về thận, nguy cơ tích tụ Natri và dịch dư thừa trong hệ tuần hoàn khá lớn. Tình trạng phù thũng do bệnh lý về thận thường xảy ra hơn ở vùng quanh mắt và chân.

Bệnh lý liên quan đến hệ bạch huyết

Trong cơ thể người, vai trò của hệ bạch huyết là loại bỏ dịch dư thừa có trong các mô, vì thế tình trạng tích dịch quá mức trong bệnh phù thũng có thể do tổn thương ở hệ thống này. Tổn thương hệ bạch huyết và mạch bạch huyết có thể do chấn thương, bệnh lý hoặc can thiệp phẫu thuật. Khả năng lưu dẫn dịch của hệ bạch huyết không tốt có thể gây phù thũng kéo dài, tái phát nhiều lần.

Thiếu Protein kéo dài

Protein rất cần thiết cho sự sống con người, ngoài ra cũng ảnh hưởng đến quá trình tích tụ dịch lỏng trong cơ thể. Vì thế, người có chế độ ăn uống thiếu hụt Protein trong hời gian dài dễ bị phù thũng hơn.

Tổn thương hoặc suy yếu tĩnh mạch chân

Tình trạng suy tĩnh mạch mãn tính có thể khiến chiều chảy trong mạch bị rối loạn, máu thậm chí còn chảy ngược, gây ứ đọng trong tĩnh mạch. Cuối cùng là tình trạng sưng, phù thũng ở chân. Cần phân biệt với tình trạng sưng bắp chân do cục máu đông cản trở đường vận chuyển máu trong tĩnh mạch. Nếu do huyết khối tĩnh mạch sâu, cần đến khám y tế càng sớm càng tốt.

Phù thũng chân có thể do tổn thương tĩnh mạch

Phù thũng chân có thể do tổn thương tĩnh mạch

3. Phù thũng có nguy hiểm không?

Nếu không xác nhận nguyên nhân, điều trị tốt, tình trạng phù thũng có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Giảm khả năng đi lại và hoạt động của chân bị phù thũng.

  • Đau và sưng do phù thũng càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống.

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng.

  • Cảm giác ngứa, căng cứng, khó chịu ở vùng da căng.

  • Giảm lưu thông máu.

  • Tăng nguy cơ loét da, dễ hình thành sẹo giữa các mô.

Thực tế, để giải quyết triệt để tình trạng phù thũng cần xác định và tập trung điều trị nguyên nhân. Cần dựa trên đánh giá tiền sử, thông tin triệu chứng cũng như xét nghiệm để chẩn đoán và lựa chọn thuốc điều trị phù thũng phù hợp.

Từ khóa » Các Bệnh Liên Quan đến Phù