Phục Dựng Hoa Văn Đại Việt | Thời Đại

Xây dựng “kho” tư liệu cho những người làm nghệ thuật

Đại Việt Cổ Phong là một nhóm gồm những người trẻ hứng thú với lịch sử và văn hóa Việt Nam. Nhóm được thành lập giữa năm 2014 với tiêu chí phổ biến những vẻ đẹp của nền văn minh Đại Việt, đặc biệt trong ứng dụng vào mỹ thuật và truyền thông giải trí đương đại.

Dự án “Hoa văn Đại Việt” của Đại Việt Cổ Phong được quỹ cộng đồng Comicola hỗ trợ gây quỹ. Comicola là quỹ hỗ trợ các họa sĩ trẻ của Việt Nam. Độc giả có thể quyên góp tiền để giúp các bạn trẻ có thể xuất bản, đưa sách đến với đông đảo công chúng và mang quyền lợi đến cho họa sĩ. Đội ngũ lãnh đạo Comicola là các tên tuổi nghệ sĩ giàu kinh nghiệm như: họa sĩ Thành Phong, họa sĩ Tạ Lan Hạnh, họa sĩ Bùi Đình Thăng…

phuc dung hoa van dai viet

Dự án sử dụng công nghệ vector để vẽ lại các hoa văn cổ của Việt Nam

“Hoa văn Đại Việt” gây quỹ cộng đồng nhằm sử dụng công nghệ vector để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ của Việt Nam. Nếu thành công, bộ vector hoa văn của dự án sẽ được cung cấp cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam để sử dụng trong các dự án mang tinh thần Việt và cổ trang (trang phục, kiến trúc, hội họa, minh họa…) của người Việt.

Trên trang gây quỹ “Hoa văn Đại Việt”, nhóm thực hiện dự án chia sẻ: “Trước tiên, bạn hãy bật Google lên và tìm từ khóa “Chinese vector”. Bạn tìm được gì? Hàng vạn, hàng chục vạn những hình ảnh hoa văn, họa tiết được thể hiện chi tiết và chuyên nghiệp. Nguồn tư liệu dồi dào này giúp cho nền phim ảnh, hoạt hình, truyện tranh, game của Trung Quốc có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong khu vực.

Nhưng bạn có tìm được hình ảnh hoa văn, họa tiết nào của Việt Nam trên mạng không? Chúng tôi nghĩ là không. Bởi lẽ suốt thời gian vừa qua, chúng tôi đã vô cùng đau đầu trong việc tổng hợp tư liệu cho các dự án lịch sử của chúng tôi. Do vậy, đầu năm 2016, chúng tôi quyết định khởi động dự án “Hoa văn Đại Việt”.

Dẫn chứng từ những khó khăn, bất cập mà nhóm gặp phải trong thực tế, Đại Việt Cổ Phong cho rằng, đây là một dự án thiết thực. Theo nhóm dự án, trong quá trình thực hiện thiết kế phục trang và đạo cụ cho phim “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, họa sĩ Cù Minh Khôi – thành viên nhóm Đại Việt Cổ Phong phải mất rất nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, chọn lọc các mẫu hoa văn thời Lý – Trần cũng như vẽ lại thành hoa văn vector để đưa lên trang phục cũng như đạo cụ cho phim. Chính vì điều này mà họa sĩ Minh Khôi cùng nhóm Đại Việt Cổ Phong đã đưa ra ý tưởng tạo dựng một kho vector hoa văn Đại Việt để đáp ứng nhu cầu phục cổ và phỏng cổ trên các hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại cho cộng đồng.

phuc dung hoa van dai viet

Thiết kế phục trang cho phim “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” (Nguồn: Trường quay phim cổ trang Việt Nam – Yên Tử Studio)

Trong năm 2015, nhóm Đại Việt Cổ Phong tiến hành phục dựng áo dài bát bửu thời Nguyễn. Tuy nhiên, họ cũng phải mất rất nhiều thời gian để sưu tầm, chọn lọc và vẽ lại hoa văn bát bảo trong quá trình phục dựng áo ngũ thân thời Nguyễn. Không chỉ riêng nhóm mà rất nhiều các tổ chức văn hóa khác cũng gặp khải khó khăn này trong quá trình phục cổ và phỏng cổ trang phục, đồ cụ, kiến trúc… vì thiếu tư liệu hoa văn.

Góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

“Hoa văn Đại Việt” nhằm mục đích tạo một nguồn tư liệu phong phú cho những người làm sáng tạo, văn hóa ở Việt Nam cùng hy vọng thời gian tới, chúng ta sẽ có các tác phẩm đặc trưng văn hóa Việt có tầm vóc, chống lại sự “xâm lăng văn hóa” (thông qua văn học, phim điện ảnh…) của các nước lân cận trong khu vực.

Theo nhóm dự án “Hoa văn Đại Việt”, cộng đồng sáng tạo Việt Nam, những người trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần xây dựng các sản phẩm văn hóa sẽ được hưởng lợi từ kho tư liệu này.

phuc dung hoa van dai viet

"Hoa văn Đại Việt" sẽ tạo dựng kho tư liệu cho những người làm văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo... ở Việt Nam

“Đó có thể là một nghệ sĩ đồ họa đang đau đầu trong việc minh họa bìa cuốn sách lịch sử, một nhà thiết kế trang phục đang lo lắng trước hợp đồng thiết kế phim cổ trang, một họa sĩ truyện tranh với ý tưởng truyện tranh đề tài lịch sử nhưng gặp bế tắc trong mảng hình ảnh, hoặc một chuyên gia thiết kế game với mong muốn thổi hồn “tinh thần Việt” vào game sắp sửa xây dựng của mình.

Tất cả họ, đều cần đến dự án này. Những hoa văn họa tiết được lưu giữ dưới hình ảnh vector sẽ là nguồn tài nguyên quý giá giúp họ xây dựng bối cảnh, trang phục, vật dụng, giao diện, kiến trúc, minh họa… thể hiện được đúng bối cảnh lịch sử”, nhóm chia sẻ.

Gần đây, Đại Việt Cổ Phong thông báo chính thức hoàn thiện chương trình gây quỹ cộng đồng cho dự án với gần 350 người ủng hộ, vượt gần 30% chỉ tiêu đề ra ban đầu. Đặc biệt, không chờ đợi đạt đến mục tiêu gây quỹ là 100 triệu đồng, sau khi đạt mức 35 triệu đồng, nhóm tiến hành từng bước sưu tầm, số hóa hoa văn thời Nguyễn. Khi quỹ đạt 50 triệu đồng, nhóm tiếp tục thực hiện sưu tầm, số hóa hoa văn kiến trúc, đồ dùng thời Lê...

Theo ông Nguyễn Ngọc Phương Đông, chủ nhiệm dự án, cùng với kinh phí, “Hoa văn Đại Việt” cũng thu được khoảng hơn 300 đồ án hoa văn. Các hoa văn này do nhiều thành viên của nhóm Đại Việt Cổ Phong hoặc những người yêu vốn cổ gửi tới.

phuc dung hoa van dai viet

Hoa văn Phượng ổ thêu trên áo các phi tần, cung nữ được số hóa

Hiện tại, Đại Việt Cổ Phong và Comicola phải đối mặt với một nỗi lo khác là đảm bảo tính chính xác của các hoa văn. “Khi ra đời, thư viện có khả năng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, thậm chí sẽ được nhiều người sử dụng làm tiêu chuẩn, vậy nên các anh em đều bảo nhau phải làm thật cẩn thận từng ly từng tí vì chỉ cần sai sót một chút thôi là sẽ bị “ăn gạch đá” từ cộng đồng”, ông Nguyễn Khánh Dương, người xây dựng và phát triển hệ thống Comicola chia sẻ.

Khi quá trình gây quỹ được hoàn tất, những người yêu lịch sử Việt Nam nói chung và những người làm thiết kế nói riêng sẽ phải đợi một thời gian để có thể sử dụng các sản phẩm trong thư viện. Lý do là không phải bất cứ họa sĩ nào cũng có thể vẽ lại và số hóa được các hoa văn này. Theo họa sĩ Minh Khôi, những người thực hiện dự án phải hiểu được cách tư duy mỹ thuật của người xưa. Các cổ vật có niên đại hàng nghìn năm nên nhiều chi tiết đã bị mờ. Vì thế, nếu không nghiên cứu, không hiểu biết về lịch sử, các họa sĩ rất có thể sẽ vẽ sai.

Mỗi hoa văn, họa tiết sau khi được hoàn thành đều được thành viên nhóm kiểm tra rất kỹ lưỡng. Trước khi cho ra mắt, nhóm sẽ mời họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức và một số giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp kiểm tra và tư vấn.

Mạnh Phúc

Từ khóa » Hoa Văn đại Việt