Phục Hồi Ngành Hàng Không Việt Nam: Đối Mặt Nhiều Thách Thức

Ảnh hưởng nặng nề

Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Phục hồi ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” diễn ra sáng 24/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới nói chung và ngành hàng không Việt Nam nói riêng. Đại dịch Covid-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành hàng không, gây hậu quả tiêu cực đối với các đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không.

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phục hồi ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” diễn ra sáng 24/5 tại Hà Nội.
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phục hồi ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” diễn ra sáng 24/5 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Chính phủ Việt Nam có quan điểm, vaccine là vũ khí chiến lược, là lá chắn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch đến nay rất khả quan. Việt Nam đã thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ và có những triển vọng rất tốt sau đại dịch Covid-19. Đối với ngành hàng không, đây là một tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng.

“Việc khôi phục và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại. Quá trình khôi phục ngành hàng không cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp ngành hàng không” - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho biết: “Hàng không Việt Nam đã tạo ra và duy trì được sự phát triển khá nhanh trong 2 thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã cắt đứt đà phát triển của ngành hàng không Việt Nam. 2 năm qua, thị trường hàng không Việt Nam đã giảm sút mạnh mẽ, cấu trúc thay đổi với nhiều bất lợi. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến dòng tiền mất cân đối, tình trạng thanh khoản của doanh nghiệp hàng không giảm nhanh và sâu; nhiều lao động của ngành hàng không mất hoặc bị giảm việc làm…".

Theo ông Bùi Doãn Nề, khả năng phục hồi của ngành hàng không đang là chủ đề được nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia quan tâm. Đã có rất nhiều những dự báo khác nhau về tái cấu trúc và phục hồi ngành hàng không ở các nước.

“Chúng tôi cũng đã xây dựng một số kịch bản phát triển của ngành hàng không Việt Nam như: Trong năm 2022, năng lực của ngành hàng không Việt Nam được phục hồi, các chỉ số hiệu quả cơ bản về hoạt động của ngành trở về trạng thái bình thường trước đại dịch Covid-19; quá trình tái cấu trúc của ngành hàng không Việt Nam được khởi động và bắt đầu phát huy từ cuối năm 2022…

Tuy nhiên, trong trường hợp, kinh tế phát triển chậm hơn so với kế hoạch, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn có những đợt bùng phát sẽ làm quá trình tái cấu trúc ngành hàng không Việt Nam được khởi động, nhưng chậm phát huy tác dụng; chuỗi cung ứng của ngành hàng không sẽ được khôi phục chậm, thậm chí, có những đứt gãy cục bộ và ngắn hạn” - ông Bùi Doãn Nề cho biết.

Còn nhiều thách thức

Ông Bùi Doãn Nề cho rằng, trong thời gian tới, ngành hàng không Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức như: Sự giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không do suy thoái kinh tế; sự đứt gãy các chuỗi cung ứng trong ngành hàng không khiến việc cung cấp nhiều phụ tùng thiết bị không được đảm bảo; hàng không Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và chuyên môn, nghiệp vụ do một bộ phận trong nhóm đối tượng này bị mất việc chưa thể quay trở lại làm việc ngay…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề phát biểu tại hội thảo 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh những khó khăn thách thức, theo ông Bùi Doãn Nề, ngành hàng không Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong thời gian tới như: Hàng không Việt Nam có thị trường nội địa tiềm năng và có cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn; trong đại dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không trên thế giới bị giải thể, từ đó, vị trí của ngành hàng không Việt Nam được củng cố; Nhà nước cũng có nhiều chính sách tích cực, đầu tư và giải pháp phi tài chính nhằm phát triển ngành hàng không Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cùng với xu hướng toàn cầu hóa, ngành hàng không trở thành động lực chính đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, các hãng hàng không phải thích ứng và đối mặt với nhiều thay đổi. Điển hình như, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không để đi du lịch cao hơn nhu cầu đi lại với lý do công việc. Các hãng hàng không phải xử lý hài hòa trước chi phí vận hành tăng cao trong khi phải giảm giá vé để kích cầu. Ngoài ra, các yếu tố như: An ninh hàng không, bảo vệ sức khỏe khách hàng, số hóa hoạt động… sẽ có tác động mang tính căn bản tới sự phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong năm 2022, ngành hàng không còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Giá dầu tăng mạnh; chính sách tiền tệ được thắt chặt, lạm phát ở mức cao; các thị trường trọng yếu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… vẫn duy trì các chính sách hạn chế về xuất, nhập cảnh…

Nâng cao năng lực quản lý

Để phục hồi và phát triển và nâng cao vị thế của ngành hàng không Việt Nam, ông Bùi Doãn Nề cho rằng, Nhà nước cần có những giải pháp như: Tiếp tục đầu tư, xây dựng, mở rộng đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không; chuẩn bị sớm, triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Nhà nước cũng cần kịp thời bổ sung các biện pháp bảo vệ lợi ích của ngành hàng không trong nước, ngăn ngừa và chống lại những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội thảo.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần rà soát, đánh giá một cách toàn diện tác động từ những chính sách đối với ngành hàng không Việt Nam và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tối đa hóa các hoạt động tổng hợp tích cực; tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp ngành hàng không có thể nhanh chóng khắc phục những hậu quả do Covid-19 để lại…

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho rằng, để ngành hàng không, đặc biệt là vận tải hàng không phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19, cần rà soát, điều chỉnh chính sách vận tải ngành hàng không. Đặc biệt, việc điều tiết vận tải hàng không quốc tế để hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cảng hàng không, cải thiện phương thức bay đặc biệt là các cảng hàng không trọng điểm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước đảm bảo mục tiêu an toàn, điều hòa và hiệu quả của hoạt động bay.

Theo ông Đinh Việt Thắng, công tác kiểm tra, giám sát cần đặc biệt được chú trọng. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát các doanh nghiệp trên địa bàn cảng hàng không để đảm bảo việc tuân thủ trong quy định của pháp luật, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp hướng tới quyền lợi của hành khách.

Từ khóa » Ngành Vận Tải Hàng Không Việt Nam