Phục Hồi Và ổn định Nền Kinh Tế Sau đại Dịch Covid-19 - Quốc Hội
Có thể bạn quan tâm
Tại Hội nghị “Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19” do Ban Công tác đại biểu tổ chức mới đây, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia tại Hội nghị là cần có những chính sách, giải pháp hữu hiệu để phục hồi và ổn định nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19.
Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến thể mới, cản trở đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng cả ở trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Cùng với đó, những biến động của tình hình thế giới gần đây đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế thế giới và Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2025 có thể thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về kiểm soát gia tăng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lao động việc làm, an sinh xã hội...
TS.Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp để giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đóng góp ý kiến vào phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển nền kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, Tiến sĩ (TS.) Phạm Chí Quang- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu quan điểm, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế-xã hội nên Việt Nam cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp để giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế. Đây cũng là trọng trách rất lớn đối với các ngân hàng, trong đó có vai trò quan trọng của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc điều hành lãi suất phù hợp cũng góp phần ổn định nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ, quản lý giá cần có sự đồng bộ, điều chỉnh linh hoạt với những biến động của thị trường. Về phía ngành ngân hàng cũng cần có giải pháp hiệu quả hơn để giảm rủi ro khi cho vay, giảm tối đa nợ xấu; tăng cường trích lập quỹ phòng chống rủi ro cho các tổ chức tín dụng; phát triển thị trường vốn, trái phiếu...
Đưa ra quan điểm về phục hồi kinh tế, TS. Cấn Văn Lực-Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế-xã hội. Mặt khác, tình hình thế giới có nhiều biến động, chiến sự giữa Nga –Ukraine cũng đã tác động gián tiếp đến nền kinh tế của nhiều nước, khiến giá dầu tăng cao kéo theo nhiều sản phẩm, hàng hóa tăng theo. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cần tập trung kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách, có chính sách tiền tệ linh hoạt để thích ứng với những thách thức, sự biến động phát sinh để phục hồi nền kinh tế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an sinh xã hội, chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.
Để thực hiện các giải pháp trên, Việt Nam cần thực hiện tốt Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như các Nghị quyết khác. Ngoài ra, Quốc hội cũng cần có chính sách giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả.
TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia
Theo TS.Cấn Văn Lực, trong kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội nên tập trung đóng góp ý kiến vào một số Luật được cử tri, người dân quan tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Bên cạnh đó, Quốc hội nên có sự đánh giá lại tiến độ thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022 cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã bổ sung trong nhiệm vụ, công vụ của năm nay. Ví dụ như đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ban hành ngày 01/01/2022.
Trong kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội cũng nên tập trung vào một số giải pháp, cơ chế, chính sách để có thể tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo thực hiện chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thành công. Qua đó có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Ngoài ra, để có thể góp phần phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển nền kinh tế, Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát đối với một số chương trình, luật pháp như: Luật Quy hoạch, Luật Phòng chống lãng phí. Mặt khác, Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát, trao đổi một số vấn đề “nóng” tác động đến nền kinh tế được xã hội, người dân quan tâm trong thời gian qua liên quan đến hành vi thao túng thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chương trình nâng cao năng lực y tế, mua sắm trang thiết bị y tế...
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương bày tỏ sự quan tâm đến chính sách tài khóa, các giải pháp của Quốc hội, Chính phủ để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Việc phục hồi và phát triển kinh tế vĩ mô phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tài khóa, tiền tệ, trọng cung... Trong đó, trọng cung là dùng năng lực sản xuất của nền kinh tế sẽ ít tốn kém nhất, không phải điều chỉnh nhiều về các chính sách khác như tiền tệ, tài khóa...
Việc phục hồi và phát triển kinh tế còn phục thuộc vào năng suất lao động ở trong nước. Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Nếu năng suất lao động mà tăng được thì GDP cũng sẽ tăng nhiều mà không ảnh hưởng nhiều đến vốn đầu tư.
Trong kỳ họp thứ 3 tới, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng dành sự quan tâm đến một số luật tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế- xã hội vẫn còn đang thảo luận dở dang. Nếu Quốc hội không thông qua sớm thì sẽ ảnh hưởng đến phần triển khai các nghị quyết, phương hướng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngay cả một số luật mới ban hành cũng cần xem xét lại việc thực thi tới đâu như: Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như nhiều luật chi phối hoạt động vào sự phát triển của doanh nghiệp...
Kết luận về nội dung trên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cảm ơn những giải pháp của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế cũng như chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế-xã hội trước tác động của đại dịch COVID-19. Những chia sẻ của các đại biểu, chuyên gia có ý nghĩa quan trọng, cho thấy việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phải đi trước 1 bước để phù hợp với sự biến động của nền kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế ở trong nước.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19. Đây là một quyết nghị chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, được dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao; khẳng định Quốc hội luôn chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới để không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng bày tỏ hy vọng, thông qua Hội nghị, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ có thêm những kiến thức cơ bản để xác định được những vấn đề quan trọng trong chính sách hỗ trợ kinh tế hiện nay cũng như tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án Luật, Nghị quyết được bàn thảo tại các Phiên họp, kỳ họp Quốc hội./.
Từ khóa » Những ảnh Hưởng Của Covid 19 đến Nền Kinh Tế Thế Giới
-
Đánh Giá Tác động Của Dịch Covid-19 đến Kinh Tế Thế Giới Và Việt Nam
-
Giải Pháp Giúp Phục Hồi Kinh Tế Việt Nam Sau đại Dịch Covid-19
-
Đánh Giá Tác động Của đại Dịch COVID-19 - PwC
-
Thế Giới Thay đổi Bởi đại Dịch Covid-19 - Tạp Chí Ngân Hàng
-
Tác động Của Dịch Covid-19 đến Tăng Trưởng Các Khu Vực Kinh Tế ...
-
Ảnh Hưởng Của đại Dịch COVID-19 đến Nền Kinh Tế Thế Giới Và ứng ...
-
Báo Cáo đánh Giá Tác động Của Covid-19 đến Nền Kinh Tế Và Các ...
-
[PDF] COVID KÉO DÀI: TÓM TẮT - World Bank Open Knowledge Repository
-
Ảnh Hưởng Kinh Tế Của đại Dịch COVID-19 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Kinh Tế Thế Giới 2021: Thoát Khỏi “bóng đen” Covid-19 Và Sẽ Phục Hồi?
-
Kinh Tế Thế Giới Biến Chuyển Như Thế Nào Sau Suy Thoái Vì COVID-19?
-
Nền Kinh Tế Thế Giới Bất ổn Trước Các Biến Số Khó Lường - VietnamPlus
-
Kinh Tế Thế Giới Dưới Tác động Của đại Dịch - Báo Nhân Dân
-
Kinh Tế Việt Nam 2021 Và Covid-19: Lạc Quan, đau Thương Rồi Hy Vọng