Phục Hy Từ Huyền Thoại Tới Con Người đích Thực - Nghiên Cứu Lịch Sử

Untitled

Phục Hy và Nữ Oa (tranh cổ)

Hà Văn Thùy

Một nhân vật quan trọng xuất hiện trong quá khứ, được ký ức cộng đồng ghi nhận rồi gửi cho hậu thế qua những câu truyện truyền miệng. Trong quá trình lan truyền, nhân vật có thật được huyền thoại hóa. Với thời gian, để tỏ lòng kính ngưỡng thần tượng của mình, mỗi thế hệ ghép thêm những phẩm chất, những kỳ tích mới, khiến cho nhân vật vốn có thật ngày càng được thần hóa, trở nên lung linh ảo diệu. Và như vậy, càng lớn lao, thiêng liêng, nhân vật huyền thoại càng xa mẫu hình lịch sử của mình.

 Tuy không phải là tài liệu lịch sử nhưng huyền thoại là chất liệu xưa nhất ta có được từ quá khứ. Công việc của nhà nghiên cứu là giải mã huyền thoại, bóc tách những gì lai ghép thêm thắt để khám phá bản lai diện mục của nhân vật rồi từ đó tìm ra sự thật lịch sử.

Huyền thoại Phục Hy đáng để chúng ta bỏ công sức làm môt việc như vậy.

Có nhiều truyền thuyết về Phục Hy nhưng nội dung chính được ghi nhận như sau:

“Phục Hi (伏羲 khoảng 4480-4369 năm TCN) là một vị thần trong các thần tích Trung Hoa. Ông thường được xem là người đầu tiên và đứng đầu trong các thuyết về Tam Hoàng Ngũ Đế của dân tộc Hoa Hạ. Ông là một hình tượng lớn và nổi tiếng vì người Trung Hoa cho rằng Phục Hy là người sáng lập văn minh Trung Hoa. Có ý kiến cho rằng rằng Phục Hy là Bàn Cổ. Các học giả đã nghiên cứu Bàn Cổ từ góc độ triết học và ý nghĩa cổ xưa là sự khởi đầu, là quả bầu, có nghĩa là sự tái tạo của sự sống. Trong thần thoại, ông cũng được coi là tổ tiên của tất cả loài người. Ông được cho là người phát minh ra chữ viết, nghề đánh bắt cá và bẫy thú. Ông cũng được cho là sáng tạo dịch lý. Về hình dạng, ông thường được mô tả là thân rồng đầu người, hoặc thân rắn đầu người, nhân thế được người đời sau xưng là Long tổ (龍祖). Phục Hy cũng là vật tổ của con chim bí ẩn. Ông sinh ra tại Thành Kỷ (成紀, nay có lẽ là Thiên Thủy, Cam Túc) sau dời tới Trần Thương (陳倉). Đóng đô tại đất Trần Uyển Khâu (nay là Hoài Dương, Hà Nam). Nơi an táng: ở phía bắc thành Hoài Dương ba km (nay là phía Tây Nam, huyện Hoài Dương, tỉnh Hà Nam. Theo Sơn hải kinh, Phục Hy và Nữ Oa lại là một người bình thường sống ở một ngọn núi hư cấu mang tên Côn Lôn. Một ngày, họ đốt lửa ở hai nhánh cây khác nhau và tự dưng hai ngọn lửa lại hòa làm một. Từ đó, họ quyết định trở thành vợ chồng. Cả hai nặn hình người đất và ban sự sống cho chúng, từ người đất thì loài người đã được sinh ra.

Phục Hy được cho là đã phát hiện cấu trúc Bát quái từ các dấu trên lưng một con Long mã (có sách viết là một con rùa) nổi lên từ dưới sông Lạc Hà, một sông nhánh của Hoàng Hà. Cách sắp xếp Bát quái này đã sinh ra Kinh Dịch trong thời nhà Chu. Phát kiến này còn được cho là nguồn gốc của thư pháp. Sách Bạch hổ thông nghĩa (白虎通義) của Ban Cố (32 – 92), thời đầu của nhà Hậu Hán, đã viết về tầm quan trọng của Phục Hy như sau:” Thời đầu sơ khai, xã hội còn chưa có đạo đức hay trật tự xã hội. Người chỉ biết đến mẹ, không biết cha. Khi đói, người ta tìm thức ăn, khi thỏa mãn, người ta vứt đồ còn lại. Họ ăn thịt cả lông, uống máu, và che thân bằng da thú và vỏ cây. Rồi Phục Hy đến, Ông hợp chồng với vợ, sắp đặt ngũ hành, và đề ra luật lệ cho con người. Nhìn lên ngắm trời, nhìn xuống ngắm đất, Ông đề ra bát quái, để thu tóm sự thống trị thiên hạ.” Còn theo huyền sử sau khi Phục Hy chết, con cháu ông men theo phía bắc bờ sông Hoài tiến xuống hạ lưu sông Hoàng Hà, khống chế một giải vùng hạ lưu Tế Thủy.Thời Xuân Thu xây dựng được 4 vương quốc nhỏ. Truyền được 15 đời, tổng cộng 1260 năm.” (Dẫn từ Wikipedia tiếng Việt và tiếng Trung)

Đó là huyền thoại. Cần phải giải huyền thoại để tìm ra sự thật lịch sử.

I.Giải mã huyền thoại tầng thứ nhất

Đọc câu chuyện trên, ta thấy hậu thế đã tích hợp gần như tất cả huyền tích phương Đông vào nhân vật đặc biệt này.

i.Phục Hy là Bàn Cổ.

Trong thần thoại Trung Hoa, Bàn Cổ là vị thần sinh ra loài người. Nhưng câu chuyện vốn được diễn hóa từ thần thoại xa xưa của người Lạc Việt, còn được lưu trong Truyện cổ tích của người Dao: “Trời sinh ra quả bầu, được người gác lên gác bếp làm giống. Đại hồng thủy xảy ra, người ta chết hết. Trái bầu nổi lên mặt nước. Khi nước rút, quả bầu va vào đá bị vỡ. Mỗi hạt bầu là một giống người túa ra sống trên mặt đất.”Từ câu chuyện này mà trong tiếng Việt cổ, danh xưng “người” lần đầu tiên xuất hiện dưới tên gọi bầu bí. Từ đó ra đời câu ca “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”Câu chuyện “Quả bầu”theo chân người Lạc Việt lên lưu vực Hoàng Hà, chuyển hóa theo cách nói Mông Cổ (tính ngữ đứng trước chủ ngữ) thành “Bầu quả.”Sau đó chuyển hóa tiếp thành nhân vật của thần thoại Trung Hoa “Bàn Cổ.” Cuối cùng thành tổ tiên loài người, ông “Bành Tổ.”Tích chuyện này được ghép vào huyền thoại Phục Hy.

ii. Phục Hy và Nữ Oa là anh em.

Motype anh chị em ruột lấy nhau trong truyện Phục Hy-Nữ Oa có lẽ được mượn từ câu chuyện xưa hơn: sự tích vẽ mình của người Lạc Việt. Sau đại hồng thủy, chỉ có hai chị em sống sót. Do chị em ruột không thể kết hôn nên hai người chia nhau đi tìm người phối ngẫu để bảo tồn nòi giống. Họ đi mãi mà không găp ai khác nên cuối cùng lại gặp nhau. Không thể kết hôn nên họ lại chia tay. Thiên lôi thương họ, bày cho người chị vẽ mặt để hình dung khác đi. Khi gặp lại, vì tưởng chị là người khác nên người em lấy chị và họ trở thành tổ tiên của loài người. Tục xăm mình xuất hiện từ đó. Motype này được ghép vào huyền thoại Phục Hy-Nữ Oa.

iii. Motype nặn đất thành người

Trong chuyện nói việc Phục Hy và Nữ Oa nặn đất tạo ra loài người. Ta chưa thấy trong huyền tích phương Đông có việc nặn đất sinh ra con người. Phải chăng motype này đã nhận được từ kinh Thánh Gia tô giáo?

iv. Việc làm lưới, vó

Truyền thuyết nói Phục Hy bày cho dân làm lưới làm vó đánh cá. Nhưng khảo cổ học tìm được hòn chì lưới tại văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn trước đó nhiều, cho thấy tạo ra lưới không phải công lao của Phục Hy.

v . Sáng tạo Bát quái và Dịch lý.

Trong những công trạng hậu thế dành cho Phục Hy, có lẽ việc vạch quái là xác thực hơn cả. Điều này được ghi trong kinh Dịch:

 “Cổ giả Bào Hy thị vương thiên hạ giả, ngưỡng tác quan thượng ư thiên, phủ tắc quan pháp ư địa, quan điểu thú chi văn, dư địa chi nghi, cận thủ ư thân, viễn thủ ư vật, ư thị thủ tác Bát quái dĩ thông thần minh chi đức, dĩ loại vật chi tình” (Ngày xưa họ Bao Hy cai trị thiên hạ, ngửng lên nhìn trời, cúi xuống nhìn đất, xem xét dấu vết của chim thú, hình tượng đất đai, gần thì lấy ở thân mình, xa thì lấy ở vật, rồi làm ra tám quái để thông suốt cái đức của thần minh, điều hòa cái tình của vạn vật – Khổng tử, Hệ từ truyện). “Phù Dịch khai vật thành vụ, mạo thiên chi đạo, như tư nhi dĩ giả dã, thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí, dĩ định thiên hạ chi nghiệp, dĩ đoán thiên hạ chi nghi.” (Dịch mở mang trí chí cho loài người, tạo thành muôn việc, gồm hết các đạo lý trong thiên hạ, cho nên thánh nhân dùng nó để thông cái chí của thiên hạ, thành tựu những việc trong thiên hạ, quyết đoán sự ngờ vực của thiên hạ – Khổng tử, Hệ từ truyện.)

Có lẽ, với tất cả tri thức của thế kỷ XX, từ truyền thuyết và cổ thư, một cách khách quan nhất, ta chỉ có thể loại bỏ những chuyện liên quan tới Bàn Cổ, là anh em với Nữ Oa hay nặn đất sinh ra loài người khỏi vai trò của Phục hy đồng thời xác nhận ông có công trong vạch Bát quái. Tuy nhiên, như vậy chúng ta cũng chưa thể khôi phục diện mạo của một Phục Hy lịch sử.

II.Giải mã huyền thoại tầng sâu.

Để giải mã sâu hơn huyền thoại Phục Hy, cần tới những tri thức đột phá về nguồn gốc loài người và quá trình hình thành dân cư Đông Á. Rất may là sang thế kỷ XXI, khoa học giúp ta trả lời những câu hỏi trên. Từ những năm đầu thế kỷ, nhờ di truyền học giải trình tự ADN dân cư châu Á, khám phá, người hiện đại xuất hiện đầu tiên ở châu Phi 195.000 năm trước. 70.000 năm trước, người tiền sử theo ven biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam, gặp gỡ nhau, sinh ra người Lạc Việt chủng Australoid. 40.000 năm trước, người Lạc Việt đi lên chiếm lĩnh Hoa lục (1). Năm 2001, khảo cổ học tìm thấy di cốt người đàn ông 40.000 năm tuổi ở hang Điền Nguyên thành phố Chu Khẩu Điếm phía bắc Bắc Kinh. Khảo sát ADN của bộ xương cho thấy, ông là người từ Việt Nam đi lên và là tổ tiên trực tiếp của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông cũng là thủy tổ của người bản địa châu Mỹ.(2)

Từ nhiều khám phá khảo cổ học cho thấy, khoảng 10.000 năm trước, con cháu người đàn ông Điền Nguyên đã sinh sôi đông đúc ở lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, làm nên các văn hóa nông nghiệp phát triển như Giả Hồ, Hà Mẫu Độ… Khoảng 7000 năm trước, tại vùng cao nguyên Hoàng thổ thuộc văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều tỉnh Thiểm Tây ngày nay diễn ra việc gặp gỡ giữa người Việt chủng Australoid và người Mông Cổ du mục, sinh ra chủng người mới mang mã di truyền Mongoloid phương Nam. Sau này nhân chủng học gọi là người Việt hiện đại. Người Mongoloid phương Nam tăng số lượng, trở thành chủ nhân lưu vực Hoàng Hà. Cả hai cây trồng chủ lực là lúa và kê đều đạt thành tựu cao, công cụ đá và gốm tinh xảo. Người Việt tiến bộ vượt bậc về văn hóa tinh thần.(3)

      Tháng Năm 1987, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện khu mộ cổ tại dốc Tây Thủy, thành phố Bộc Dương tỉnh Hà Nam. Khu mộ có 45 ngôi. Ngôi số 45 được khảo sát đặc biệt. Định tuổi bằng C14, cho thấy niên đại khoảng 6500 năm (6460+/- 135), thuộc trung kỳ văn hóa Ngưỡng Thiều. Đầu mộ quay về hướng nam, chân phía bắc, phía đông là một con rồng ghép bằng vỏ sò, có móng vuốt, sống động như thật; phía tây của nó giống như một con hổ bằng vỏ sò, đầu lặng lẽ, uy nghi; phần bụng con hổ ghép bằng vỏ sò có hình giống hoa mai.

   Ngôi mộ số 45 có ba người tuẫn táng tuổi từ 12 tới 16 được chôn ở ba hướng Đông, Tây, Bắc, theo một độ xiên nhất định. Dưới chân mộ chủ có hình tam giác và hai ống xương chày trẻ em lấy từ ngôi mộ số 31.

2.png

Mộ số 45

3.png

Sơ đồ phân tích ngôi mộ số 45

Ông Từ Thiều Sam, nhà phong thủy từng nghiên cứu ngôi mộ đưa ra nhận định sau:

“1. Mộ Bộc Dương số 45 có hình thanh long bạch hổ và 28 địa điểm đồ hình tương ứng với đồ hình thanh long bạch hổ, (cho thấy) thanh long bạch hổ đồ của mộ Bộc Dương số 45 là tứ tượng đồ. Theo hình dạng và kích thước của thanh long bạch hổ trong mộ Bộc Dương 45 thấy bảy con số phù hợp vị trí có thể được xác định 28 địa điểm đã được thiết lập tại thời điểm chôn cất.

  1. Xa nhất về phương nam theo hướng tý ngọ (Bắc Nam) của mộ 45 là mộ số 31. Chủ nhân mộ số 31 ở phía cực nam là một đồng nữ, là thần Hạ chí. Ba nạn nhân hiến tế trong mộ 45 thì một là biểu tượng của thần Xuân phân (phía Đông, đồng nam), thần Thu phân (phía Tây, đồng nữ) và thần Đông chí (Bắc, đồng nam). Tại đây chu kỳ mùa được hoàn tất. Người xưa đã có một niềm tin văn hóa rất đầy đủ: Đông, Xuân là dương, được biểu thị bằng đồng nam; Hạ, Thu là âm được biểu thị bởi đồng nữ.

3.Thứ ba, trong phần bụng con hổ bằng vỏ sò ở ngôi mộ số 45, có một loạt các vỏ sò nằm rải rác. Đống này nằm trong bụng của con hổ bằng vỏ sò, đồ hình ngọn lửa trong bụng con hổ chỉ nhằm để khẳng định lẫn nhau. Trong đồ án của ngôi mộ 45 với mô hình đồ án đối chiếu, chúng phản ánh chính xác cùng một nội dung, hình ảnh là một “bản đồ sao” (tinh đồ). Trong bụng hổ là mặt trời hình hoa mai, theo thông lệ là ngày Xuân phân. Khái quát, ngôi mộ được sắp xếp theo tượng sao lúc hoàng hôn ngày Xuân phân.  

  1. Đo bằng con số ngôi mộ có sẵn BP’P = B’P’P = 24 ° 00 ‘. Thứ hai,  những vỏ sò trong bụng con hổ có hình hoa mai là mặt trời, theo tiền lệ đó là quỹ đạo của sao vào ngày Xuân phân.
  2. Đêm quan sát sao Bắc Dẩu, ngày dựng tiêu. Dưới chân chủ nhân ngôi mộ số 45 có hình tam giác nhỏ và hai xương chày trẻ em. Xương chày như cán của chòm Bắc Đẩu. Bắc Đẩu được người xưa dùng trong chiêm tinh học. Đêm quan sát Bắc Đẩu, ngày dựng tiêu đo bóng. Phương pháp cắm tiêu đo hình cổ nhất là người xưa thông qua bóng trên cơ thể người thay đổi phương hướng mà dần dần học được cách thiết kế, đó là “tiêu.” Do cơ thể con người, cọc tiêu và thời gian có mối quan hệ đặc biệt, vì vậy người xưa gọi là “thời gian đo đùi”, ý nghĩa của chân đùi con người. Bắc Đẩu đồ trong ngôi mộ Bộc Dương 45, chân, tiêu và thời gian liên kết lại, phản ánh người xưa thông qua dựng tiêu đo bóng và quan trắc Bắc Đẩu để xác định thời điểm.
  3. Để xương chày như cán của chòm sao Bắc Đẩu, xác định bốn tượng kiến lập trên quan sát tại Bắc Đẩu.
  4. Tôn thờ vật tổ của Trung Quốc tồn tại trong 6500 năm trước. Từ tính toán vị trí tứ tượng đồ tinh, người xưa tiến hành tối thiểu 100.000 quan sát chiêm tinh trước khi bắt đầu ghi chép.
  5. Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc phát hiện bố cục âm trạch phong thủy, quyết định phương hướng phát triển của phong thủy sau này.
  6. Ngôi mộ số 45 đầu hình bán nguyệt, chân mộ vuông chứng tỏ quan niệm trời tròn đất vuông đã hình thành.
  7. Theo 28 địa điểm và chia ra bốn thần cho thấy 6500 năm trước đã nắm được sự vận hành của năm và sáng tạo các hệ thống thiên văn can chi.”( Hết trích) (4)

 

Mộ Bộc Dương 45 là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt, cho thấy 6500 năm trước người Việt đã có:

i-Kiến thức thiên văn học trưởng thành. Đã hình thành quan niệm trời tròn đất vuông, khám phá sao Bắc Đẩu cùng Nhị thập bát tú trên bầu trời.

ii-Đã sáng tạo can, chi, lịch pháp với những ngày tiết trong năm.

iii-Đã trưởng thành về thuật phong thủy và áp dụng trong mai táng.

iv-Từ những tri thức trên chứng tỏ rằng người Việt lúc này đã nắm được dịch lý. Đây là bằng chứng vững chắc khẳng định Dịch là sáng tạo của tộc Việt đồng thời cho thấy, Dịch lý đã hình thành từ trước thời điểm này.

Đáng chú ý là, ở bên phải đầu của mộ chủ có 6 chữ Nho 太昊帝伏犧氏(Thái Hạo Đế Phục Hy Thị). Điều này cho thấy, các học giả Trung Quốc xác nhận chủ nhân của ngôi mộ số 45 là Phục Hy. Một câu hỏi nảy sinh: trên cơ sở nào mà đưa ra ý tưởng này? Rất có thể, học giả Trung Quốc dựa vào cơ sở sau:

  1. Về địa điểm. Theo truyền thuyết, vùng Hoài Dương Hà Nam là nơi đóng đô của Phục Hy và ông được an táng ở đây.
  2. Về thời gian, nhiều tài liệu cho rằng Phục Hy sống khoảng 4480-4369 năm TCN, phù hợp với niên đại của ngôi mộ
  3.  Cách chôn cất và bài trí quần thể mộ, nhất là ngôi mộ số 45 cho thấy mộ chủ không chỉ giầu có với lượng tiền lớn là vỏ sò làm nên hình thanh long bạch hổ mà còn thể hiện là người có địa vị lớn. Đó là địa vị của thủ lĩnh bộ tộc hoặc của vị vua. Ở đây rất có thể là thủ lĩnh người Việt vùng Thái Sơn-Trong Nguồn.
  4. Theo phong tục phương Đông, vật tùy táng là những vật thuộc sở hữu của mộ chủ. Những đồ tùy táng ở đây đều thuộc về văn hóa tinh thần cho thấy, mộ chủ có công tạo dựng những văn hóa phi vật thể này. Người duy nhất xứng đáng sở hữu khối lượng văn hóa tinh thần được cộng đồng chôn theo chỉ có thể là Phục Hy.

III.Kết luận

 Giải mã huyền thoại Phục Hy cho thấy:

i.Phục Hy là thủ lĩnh người Việt hiện đại chủng Mongoloid phương Nam (South Mongoloid) vùng lưu vực Hoàng Hà, sống khoảng 6500 năm trước. Ông là người đầu tiên trong Tam Hoàng: Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông.

ii. Người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam xuất hiện 7000 năm trước và làm nên văn hóa nông nghiệp rực rỡ Ngưỡng Thiều. Nhưng đó là những con người vô danh. Chỉ khoảng 6500 trước mới xuất hiện con người có danh tính, đó là Phục Hy cùng vợ ông là Nữ Oa. Do vậy, trong ý nghĩa nào đó, có thể nói, Phục Hy và Nữ Oa là thủy tổ của người Việt hiện đại.

iii. Dịch lý do cộng đồng Việt tộc sáng tạo dai dẳng hàng ngàn năm trước. Nhưng vào thời Phục Hy lãnh đạo, ông có công hoàn thiện Dịch lý. Do vậy người dân theo lệ “công quy vu trưởng” dành tặng ông công làm ra Dịch.

iv. Truyền thuyết nói Phục Hy mình rắn, có liên hệ với chim. Điều này cho thấy vào thời Phục Hy, người Việt đã thờ vật tổ kép là chim và rắn. Từ đây, truyền thống thờ vật tổ tiên rồng truyền tới Thần Nông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân sau này.

v. Không tìm được Giáp cốt văn trong mộ chứng tỏ, vào thời Phục Hy, ở vùng Hà Nam, Giáp cốt văn chưa xuất hiện. Do vậy, Phục Hy không phải là người làm ra chữ viết.

vi. Việc Phục Hy là thủ lĩnh cộng đồng nông nghiệp đông đúc và tiến bộ đã bác bỏ những “công tích” được gán cho ông như là Bàn Cổ thủy tổ loài người, việc ông kết hôn với em gái rồi lấy đất nặn ra loài người…

vii. Cho rằng Phục Hy là vị vương “đứng đầu Tam Vương của dân tộc Hoa Hạ”là lầm lẫn lớn bởi lẽ, người Hoa Hạ chỉ ra đời sau năm 2698 TCN khi Hiên Viên xâm lăng Nam Hoàng Hà của người Việt, lập nhà nước Hoàng Đế. Trong khi Phục Hy sống trước đó hơn 1800 năm nên không thể là người Hoa Hạ. Mặt khác, cũng chẳng làm gì có cái gọi là “dân tộc Hoa Hạ.” Hoa Hạ chỉ là lớp con lai Mông-Việt tồn tại không đến trăm năm, từ Hoàng Đế đến cháu ông là Chuyên  Húc. Từ Đế Khốc trở đi, người Hoa Hạ đã hòa nhập vào khối dân Việt đông đảo.

Tạo ra huyền thoại, người xưa đã khôn ngoan dùng những “bao bì” khác nhau gói bọc sự kiện lịch sử để đưa lên con tàu thời gian gửi cho mai sau. Công việc hôm nay là tháo gỡ những lớp bao bì để tìm ra sự thật cốt lõi bên trong. Từ những phân tích trên, có thể nhận định, Phục Hy là thủ lĩnh của cộng đồng người Lạc Việt chủng Mongoloid phương Nam vùng Thái Sơn-Trong Nguồn, sống khoảng 6500 năm trước. Tại thời điểm này, người Việt đã xây dựng nền kinh tế nông nghiệp rực rỡ với hai cây trồng chính là lúa và kê. Công nghệ đá và gốm tinh xảo. Nền văn hóa tinh thần cũng phát triển rất cao. Đây cũng là thời kỳ mà công việc lâu dài sáng tạo Dịch lý thành tựu. Công lao lớn nhất của ông là lãnh đạo cộng đồng hoàn tất việc sáng tạo Dịch lý. Cộng đồng ban tặng công lao “tác quái” cho thủ lĩnh của mình.

Như vậy là, bằng cách loại bỏ những phẩm chất do hậu thế gán ghép để biến vị thủ lĩnh của tộc Lạc Việt 6500 năm trước thành nhân vật huyền thoại với nhiều yếu tố hoang đường, ta khôi phục nhân vật Phục Hy lịch sử. Có thể coi đó là nhân vật lịch sử đầu tiên bằng xương bằng thịt của dân tộc Việt. Ông chuẩn bị tiền đề để sau đó hơn một nghìn năm, Thần Nông dựng nhà nước đầu tiên của người Việt với kinh đô Lương Chử vùng Thái Hồ. Giả mã huyền thoại Phụ Hy cũng góp phần soi sáng câu ca Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong Nguồn chảy ra: Thái Sơn-Trong Nguồn là nơi phát tích của người Việt hiện đại và Phục Hy là vị tổ đầu tiên.

Tài liệu tham khảo.

  1. Hà Văn Thùy. Tìm cội nguồn qua di truyền học. NXB Văn học, H. 2011
  2. Sergio Prostak. DNA Analysis Reveals Common Origin of Tianyuan Humans and Native Americans, Asians

             http://www.sci-news.com/othersciences/anthropology/article00842.html

  1. Hà Văn Thùy. Khám phá lịch sử Trung Hoa. NXB Hội Nhà văn, H. 2017.
  2. Hà Văn Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn, H. 2017

Sài Gòn, tháng Sáu năm 2019.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » đàn Phục Hy