Chiều chiều ra đứng Tây lầu Tây Tây lầu Tây Thấy cô tang tình gánh nước tưới cây tưới cây ngô đồng Xui ai xui trong lòng tôi thương, thương cô tưới cây ngô đồng Lý chiều chiều - Dân ca Nam Bộ "Thượng đại phu Du Thụy hiệu Bá Nha và người đốn củi Tử Kỳ là hai người bạn tri âm thời Xuân Thu Chiến Quốc. Năm đó, Bá Nha phụng chỉ vua Tấn đi sứ qua nước Sở. Trên đường về, khi thuyền đến cửa sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu sáng trăng, phong cảnh hữu tình, Bá Nha cho lính cắm thuyền dưới chân núi Mã Yên để thưởng ngoạn. Cảm thấy hứng thú, muốn dạo chơi một vài khúc đàn, Bá Nha sai quân hầu lấy chiếc lư ra, đốt hương trầm, xông cây Dao cầm đặt trên án. Bá Nha trịnh trọng nâng đàn, so dây vặn trục. Sau đó đặt tâm hồn đàn lên một khúc réo rắt rất âm thanh, quyện vào khói trầm. Chưa dứt bài, đàn bổng đứt dây. Bá Nha giựt mình tự nghĩ, dây đàn bổng đứt thế nầy ắt có người nghe lén tiếng đàn, bèn sai quân hầu lên bờ tìm xem có ai là người nghe đàn mà không lộ mặt. Quân hầu lãnh lịnh lên bờ thì bỗng có người từ trên bờ lên tiếng : Xin đại nhân thứ lỗi cho, tiểu dân nầy đi kiếm củi về muộn, đi ngang qua đây, nghe tiếng đàn tuyệt diệu quá, nên cất bước đi không đành !… Tử Kỳ tinh thông nhạc lý, tinh tường Dao cầm, thấu rõ lòng Bá Nha qua tiếng đàn, lúc cao vòi vọi chí tự non cao, lúc thì trời nước bao la, ý tại lưu thủy. Bá Nha vô cùng báo phục và xin kết nghĩa anh em. Thiên thu bần tiện thành tri kỷ Nhất khúc dao cầm sơn thủ tâm (Ngàn năm nghèo khổ thành tri kỷ, Một khúc đàn Dao rõ nỗi lòng) (3) Trước khi chia tay, hai người hẹn lại gặp nhau năm sau cũng tại chốn nầy. Mùa thu năm sau, khi Bá Nha trở lại Mã Yên thì Tử Kỳ, vì bệnh, mới chết mộ còn chưa xanh cỏ. Chúng Lão, thân phụ của Tử Kỳ, đưa Bá Nha đến mộ. Bên phần mộ Tử Kỳ, Bá Nha lạy và khóc nức nở rằng: Hiền đệ ơi, lúc sống anh tuấn tuyệt vời, nay chết, khí thiêng còn phảng phất, xin chứng giám cho ngu huynh một lạy ngàn thu vĩnh biệt. Lạy xong, Bá Nha gọi đem Dao cầm tới, đặt lên phiến đá trước mộ, ngồi xếp bằng trên mặt đất một cách nghiêm trang, so dây tấu khúc Thiên thu trương hận, tiễn người tri âm tài hoa yếu mạng. Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Gió rừng thổi mạnh, mây đen kéo lại, u ám bầu trời, hồi lâu mới tan. Bá Nha ngưng đàn. Gió ngừng rít, trời trong sáng trở lại, chim ai oán lặng tiếng. Bá Nha nhìn Chung Lão thưa: Tử Kỳ đã về đây chứng giám cho lòng thành của tiểu sinh. Cháu vừa đàn vừa ca để viếng người tri âm tài hoa mệnh yểu và xin đọc thành thơ đoản ca nầy ... Lời thơ vừa dứt, Bá Nha vái cây Dao cầm một cái, tay nâng Dao cầm lên cao, đập mạnh xuống tảng đá. Dao cầm vỡ tan nát tung từng mãnh, trụ ngọc, phím vàng rơi lả tả. Chung Lão không kịp ngăn, hoàng kinh hỏi rằng: Sao đại nhân lại đập vỡ đàn quí giá nầy? Bá Nha đáp lời bằng bài thơ tứ tuyệt: Suất toái dao cầm phượng vĩ hàn Tử Kỳ bất tại đối thùy đàm Đại thiên thế giới giai bằng hữu Dục mịch tri âm nan thượng nan! Tạm dịch thơ: Đập nát Dao cầm đau xót phượng Tử Kỳ không có đàn cho ai Bốn phương trời đất bao bè bạn Tìm được tri âm khó lắm thay! Dao cầm được làm từ phần gỗ tốt nhất của cây ngô đồng. Khi xưa vua Phục Hy thấy 5 vì sao rơi vào cây ngô đồng, rồi có chim phượng hoàng đến đậu. Biết là gỗ quí, hấp thu tinh hoa Trời Đất, nên vua bảo thợ khéo lấy gỗ chế làm nhạc khí gọi là Dao cầm, bắt chước nhạc khí ở Cung Dao Trì." (2) . Giáo sư Trần Văn Khê cũng có một cây đàn tranh làm bằng gỗ cây ngô đồng, dài, nặng, tiếng đàn vang lên rất ấm. Cây ngô đồng, còn được gọi tơ đồng, trôm đơn (**), mã đậu (1) , mang tên khoa học Sterculia platanifolia L (*) hay Firmannia simplex (L.) W.F. Wight, Hibiscus simplex L. (**), thuộc họ Trôm Sterculiaceae (*). Cây ngô đồng còn có tên Firmiana platanifolia Schott et Endl (Nhật Bản), (L.F.) Marsili (Trung Quốc). Bên nước nầy người ta còn nôm na kêu tên theo một tích xưa: cây phượng hoàng (8)! Tên ngô đồng cũng đã được đặt cho cây trẩu tức dầu sơn, mộc du thụ, thiên niên đồng Aleurites montana (Lour.) Wils., cây Jatropha podagrica Hook. thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae (*) và cây Brassaiopsis ficifolia Dunn. var. ficifolia, thuộc họ Đinh lăng Araliaceae(**). Ngoài ra, bên ta thường hay lầm cây ngô đồng với cây vông nem (1) tức hải đồng bì, thích đồng bì Erythrina indica Lamk., thuộc họ Bươm bướm Papilionaceae, và với cây vông đồng (1) tức điệp tây, ba đậu tây Hura crepitans L. thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae (*). Nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới, nhất là Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc, từ lâu đã khảo cứu những hóa chất trong cây ngô đồng Firmannia (Firmiana) platanifolia, F. simplex, Sterculia platanifolia là những tên thông dụng trong các bản báo cáo khoa học. Lá cây non chứa đựng hentriacontan, bêta-amyrin, bêta-amyrin acetat, bêta-sitosterol, rutin. Bêta-sitosterol cũng có mặt trong hoa cùng với apigenin, oleanolic acid. Vỏ cây khô đem chiết với methanol cống hiến octacosanol với những dẫn xuất acetyl, benzoyl của nó cùng một số ít lupenon, sucrose. Từ vỏ cây cũng được chiết ra một chất nhầy chứa đựng galactan, pentosan, uronic acid, những chất đường đem thuỷ phân đem lại galactose, arabinose, glucuronic acid (4). Rễ cây cống hiến những firmianon A,B,C là những dimer của naphthoquinon. Một chất mới có tính chất an thần là simplidin tức là tetrahydroxy dimethoxy neolignan đã được chiết xuất từ cành cây cùng với sáu chất đã từng biết: scopoletin, syrigaresinol, aquillochin, nitidanin, tamarixetin rhamnosid và quercitrin. Trong mục tiêu làm giấy, những polysaccharid trong chất nhầy đã được xem xét: chúng gồm có D-galacturonic acid, D-galactose, L-arabinose, L-rhamnose đem thủy phân cống hiến những amin acid, L-glutamic acid, L-alanin, và số ít L-isoleucin, L-valin, L-lysin L-tyrosin, glycin (15). Alpha-linolic acid bromid, sterculenic acid, cyclopropenoic acid, malvalic acid thì tìm ra được trong dầu hột cây. Nhờ một enzym, oxalic acid dưới dạng muối Ca oxalate tang hòa trong cây, không hiện ra thành tinh thể. Nhiều saccharid cống hiến galactose từ monosaccharid (9), glucosamin từ polysaccharid (12). Những hoá chất quan trọng về mặt sinh lý học đã được phát hiện là những flavonoid: kaempferol và dẫn xuất rutinosid, quercetin và dẫn xuất hyperosid (7,10), những alkaloid như betain, cholin (6), xanthin, hypoxanthin (5). Về mặt ứng dụng thấy có một số công tác khảo cứu. Đem thử trên chuột, nhờ những alcaloid xuất tiến sự dính kết và kết tụ tiểu cầu, hột ngô đồng có tác động cầm máu phát xuất từ cấu tạo những cục huyết khối (8). Lá và hột cho vào 25, 40, 70 hay 90% ethanol là một môn thuốc kích thích loại Cola vera hay C. acuminata (5). Một văn bằng sáng chế Nhật Bản cho trộn dầu ngô đồng (1 phần) với estradiol (1 phần) trong petrolatum (98 phần) để làm thuốc chống béo (11). Hỗn hợp với nhiều cây khác như ma hoàng, cây dâu (tầm tang), cây nhút tây (tỳ bà diệp),…ngô đồng làm thành thuốc chữa ho suyển (24), viêm phế quản cấp tính (26), đặc biệt cho con trẻ khi cho trộn với bách bộ, hoàng cầm, tiền hồ (23). Hỗn hợp với đảng sâm, hoàng kỳ, thủ ô, lười ươi, lộc nhung, bò cạp hay với phấn hoa, mật ong, sửa chúa, rễ cây là một thuốc bổ cho con trẻ (22). Gần đây ngô đồng được dùng nhiều trong mỹ phẩm: bảo vệ da (19) (trộn với nhân trần cao (16)), bảo vệ tóc (17,21) hay chữa chứng bạc lông poliosis (20) (trộn với hoàng tinh, đương quy, sinh địa, phục linh, móng lưng rồng), kích thích tóc mọc, phòng ngừa tóc rụng (18), làm chất tẩy, chế phẩm bồn tắm có hiệu ứng giữ da ẩm lâu ngày, phòng ngừa da khô, nhám, nứt, gầu đầu (14). Hỗn hợp với lá chè, long não, tầm tang, lá quạt, lá cây còn đưọc dùng cuốn điếu hút không hại sức khoẻ (25). Trong nhân dân, ta thường dùng hạt và vỏ cây ngô đồng để chữa rụng tóc và nhuộm đen tóc, vỏ cây ngô đồng đốt thành than, trộn với dầu bôi lên tóc bạc, hột ngô đồng giả nát còn được dùng chữa loét miệng và bệnh ngoài da. Ngô đồng là một cây to, cao. Lá xẻ thùy chân vịt, cuống lá dài hơn phiến lá. Những thùy rất sít nhau, có khi hơi chồng lên nhau. Hoa nhỏ màu vàng. Quả gồm năm đại, mỏng với hai hạt hình trứng. Cây được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Nam nước ta. Miền Bắc hay gặp ở Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Ninh Bình. Còn thấy trồng ở Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản. Người ta dùng hạt thu hái ở những quả chín và vỏ cây hái gần như quanh năm, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô (*). Cũng cần biết thêm có một con sâu sống trên cây ngô đồng tên là Notarcha derogata; người ta đã tìm ra được hai pheromon chính, tức là hormon tính phái, do con cái tiết ra là hai chất đồng phân (E,Z)- và (E,E)- hexadienal bên cạnh hai chất có ít hơn là hexadecanal và hexadecadienol (13). Thông tin rất quan trọng nếu ngày nào muốn loại trừ sâu nầy khỏi cây. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nay đã mất, dựa theo tài liệu nghiên cứu của Đỗ Xuân Cầm, đã thống kê những cây ngô đồng ở Huế cùng lịch sử của chúng. Anh đã sống với những cây ngô đồng, rung động với mỗi lá vàng rơi. "Cuối đông, cội ngô đồng bách lão bên hông nhà Tả Vu Đại Nội Huế lá đã vàng don don. Sắc vàng rỗ hoa xanh chơm chớm những đường gân nhỏ li ti như mạch máu trên bàn tay người. Lá ngô đồng Huế vàng như vậy rất lâu. Có khi kéo dài đến mấy tháng trời như một nỗi buồn ít nhiều thầm lặng. Lá có khi u sầu như một người tương tư, rơi xuống thảm cỏ với gương mặt ơ thờ vàng ửng. Cây ngô đồng Huế thường rụng lá cuối đông. Từng chiếc một rơi, rơi lần lượt. Không một chút vội vàng. Cách rơi thảnh thơi, lưu luyến, dè dặt như không muốn rời thân mẹ, khiến những tâm hồn đa cảm mang mang. Nếu không có chiếc cuống dài thanh mảnh, chiếc lá ngô đồng sẽ mang hình hài của một giọt lệ vạm vỡ, những giọt lệ không tan buồn vương vương như dấu vết cổ tích của một thành phố rất nhiều chim và hoa. Cái dáng lao thẳng lên trời xanh như một thanh bảo kiếm của cây ngô đồng, là lời ngụ cương trực, tiếng nói vô ngã hồn nhiên của một nhân-cách-cây. Lạ thay, lá ngô đồng vàng vọt ủy mị bao nhiêu thì vóc cây lại dũng mãnh cương cường bấy nhiêu. Người xưa yêu và thích trồng cây ngô đồng có lẽ ở dáng cây thẳng độc nhất vô vị. Cây như thay lòng người mang khát vọng lớn của con chim hồng, chim hộc, chỉ nhận sự gửi thân của bầy chim phượng hoàng. Tích xưa con chim phượng hoàng thường chọn cây ngô đồng làm chỗ dung thân. Đó là sự lựa chọn tri kỷ của một bản năng cao cả đã được lập trình. Ở đâu có cây ngô đồng mọc, ở đó có sự khang khác, như là cuộc sống này đã nguyên sơ và trinh bạch hơn " (1). Tôi chưa từng được hân hånh thấy cây ngô đồng rụng lá mùa thu Ngô đồng hất diệp lạc Thiên hạ cộng tri thu (Một lá ngô đồng rụng, Khắp nơi biết thu đến) (3). Tôi cũng không may mắn được ngắm hoa ngô đồng nở ngang tầm cửa, được hưởng hương thơm hoa ngô đồng thoảng vào giảng đường. Nhưng một sáng mùa hè năm ngoái, nhân chạy theo mấy đóa hoa sen trong Jardin des Plantes ở Paris, tôi tình cờ chạm vào một cây tưởng như cây ngô đồng đang nở hoa. Nghi hoặc, tôi tìm cho ra bản ghi tên cây, thật đúng chua nhỏ ở dưới Firmiana simplex. Bất giác tôi ngẩng đầu lên thử tìm con chim phượng hoàng. Biết đâu! Ngày nay thánh chúa trị đời, Nguyền cho linh phụng gặp nơi ngô đồng (Nguyễn Đình Chiểu) Nhưng chim phượng hoàng không có đó và tôi cũng không phải Đỗ Phủ giang hồ dọc sông Hoàng Hà, đói lả người, lạnh rét thấu xương để có một cái nhìn tráng lệ Hương đạo trắc dư anh vũ lạp Bích Ngô thê lão phượng hoàng chi. (Chim anh vũ đã ăn những hạt lúa còn sót lại Chim phượng hoàng già thường về đậu trên cành ngô đồng xanh) (1). Không được chiêm ngưỡng phượng hoàng, tôi tự an ủi với tấm ảnh chụp hoa lá cây, cũng là hạnh phúc lắm rồi! Nghiên cứu và Phát triển 6(65)2007, khoahoc.net 06.2009 Tham khảo (*) Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội (1986) 359-61, 484-5, 560-1, 782-3 (**) Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam, Mekong Ấn quán, Santa Ana (1991) I 645, II 631 1-Nguyễn Xuân Hoàng, Một trăm cây ngô đồng trong Tượng đài sông Hưong, nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh (2004) 137-4; tôi xin nhân đây thắp một nén hương trên mộ anh bạn trẻ tuy gặp nhau ít mà hiểu nhau nhiều 2- Phí Minh Tâm, Bá Nha, Tử Kỳ, khoahoc.net 24.9.2006 3- Trần Đình Sơn, Những nét đan thanh, nxb Văn Nghệ, TpHôChíMinh (2007) 108-9, 192, 234 ; xin thành thật cám ơn tác giả đã gởi tặng cuÓn sách quý Khảo cứu 4- S. Kosuge, Sizes for Japanese paper. I. Mucilage of Firmiana platanifolia, Res. Bull. Gifu. Coll. Agr. (Japan) (1950) 68 (Commem. 25th Anniv. of Fondation) 111-6 5- Yu.G. Trakman, Sterculia platanifolia – a new medicinal raw material for stimulative preparations, Nekotorye Voprosy Lekarstvoved (1959) 81-5 6- Yu.G. Trakman, Nitrogenous bases of Sterculia platanifolia, Sbornik Nauchnykh Trudov – Tsentral'nyi Aptechnyi Nauchno – Issledovatel'skii Institut 5 (1964) 174-81 7- Y. Ogihara, M. Ogawa, T. Aoyama, The constituents of the barks of Firmiana platanifolia Scott et Endl., Nagoya-shiritsu Daigaku Yakugabuku Kenkyu Nenpo 23 (1975) 52-3 8- X. Che, J. Liu, Y. Zhang, P. Lei, Hemostatic action of alcaloids of phoenix tree (Firmiana simplex) and its effect on experimental thrombus formation, Zhongcaoyao (5) 16 (1985) 212-3 9- D.A. Murv'eva, K.O. Gasparyan, O.I. Popova, Polysaccharides of some plants having tonic effect, Biologicheskie Nauki (Moscow) (12) (1990) 117-21 10- T.R. Seetharaman, Flavonoids of Firmiana simplex and Sterculia villosa, Fitoterapia (4) 61 (1990) 373-4 11- Y. Ota, Topical reducing drug containing Firmiana essence to inhibit obesity, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 11035418 (1999) 6 tr. 12- D.A. Murv'eva, O.I. Popova, K.O. Gasparyan, Glucosamine in polysaccharide fractions from European mistletoe and Firmiana simplex, Khimiya Prirodnykh Soedinenii (6) (1990) 826-7 13- K. Himeno, H. Honda, (E,Z)- and (E,E)-10,12- hexadecadienals, major components of femelle sex pheromone of the cotton leaf-roller Notarcha derogata (Fabricius) (Lepidoptera : Pyralidae), Applied Entomology and Zoology (4) 27 (1992) 507-15 14- M. Toki, M. Kondo, M. Maeda, Cosmetics, bath preparations, and detergents containing plant-derived moisturizers, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2000143488 (2000) 22 tr. 15- Y. Fukagawa, H. Kouzai, Y. Kozai, Physicochemical properties of the Firmiana platanifolia mucilages, Nippon Kagaku, Kaishi (3) (2002) 415-9 16- C.H. Cho, Skin improving composition, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2002070566 (2002) 17- U.S. Park, Production of hair tonic for pirpose of promotion of hair growth, prevention of depilation and cleaning of scalp, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2002084718 (2002) 18- S.I. Jeong, Topical compositions for promoting hair growth and preventing hair loss, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2003070686 (2003) 19- H.G. Park, Skin care cosmetics containing Firmiana simplex, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2003008479 (2003) 20- Z. Lan, A medicated wine for treatment of poliosis, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1616028 (2005) 21- Z. Lan, A medicated tea effective in treating premature gray hair, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1634549 (2005) 22- L. Chen, A nutritious liquid for children and its preparation method, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 20060419 (2006) 23- Y. Zang, F. Yu, Miso medicine (syrup) for treating children bronchial asthma and bronchitis and its preparation , Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1785388 (2006) 4 tr. 24- Z. Zhang, A chinese medicinal composition for relieving cough and its preparation method, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1788756 (2006) 25- J. Cheng, G. Cheng, Method for manufacturing plant leaf cigarettes containing trace elements and bee products, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1817251 (2006) 12 tr. 26- P. Zhang, Chinese medicinal composition for treating cough with asthma and acute bonchitis caused by common cold, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1823961 (2006) |