Phương Pháp Cải Thiện FCR Trong Nuôi Tôm - Tép Bạc

Tỉ lệ chuyển đổi thức ăn FCR (Feed convertion ratio) là tỷ lệ giữa tổng lượng thức ăn cho tôm ăn và tổng trọng lượng tôm thu hoạch được trên một đơn vị diện tích. Mỗi loài nuôi, mỗi loại thức ăn đều có hệ số chuyển đổi thức ăn khác nhau. FCR phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản như: Loài nuôi và chất lượng giống, chất lượng thức ăn và cách cho ăn, chất lượng nước nuôi.

Mỗi loài nuôi sẽ có một hệ số FCR khác nhau: chẳng hạn như tôm thẻ là 1.1 – 1.3 còn tôm sú FCR dao động ở mức 1.6. Chất lượng con giống cũng ảnh hưởng đến hệ số chuyển đổi thức ăn bởi tôm giống kém chất lượng vì tôm mẹ được cho đẻ nhiều lần hoặc tôm có gen chậm lớn hay mang mần bệnh còi thì tôm sẽ chậm tăng trưởng do đó tổng trọng lượng tôm thu hoạch được trên 1 đơn vị diện tích sẽ giảm. Để nâng hiệu quả nuôi và cải thiện FCR cần lựa chọn con giống ở cơ sở uy tính và phải xét nghiệm kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi.

Ngoài ra một số phương pháp sau đây cũng giúp giảm FCR trong nuôi tôm:

1. Cải tạo ao kỹ

Trước khi bắt đầu vụ nuôi, cần triệt để loại bỏ cá tạp, cua còng, tép trấu... có trong ao để giảm sự gia tăng FCR gây ra bởi việc tiêu thụ thức ăn từ những loài không mong muốn này. Đối với ao nuôi tôm không thể hoàn toàn diệt tạp, hoặc cá tạp đã có trong ao còn tôm thì phải sử dụng các biện pháp thủ công như vó cho thức ăn vào dụ rồi vớt ra hoặc sử dụng các phương pháp bẫy khác để loại bỏ cá hoang dã.

2. Quản lý chất lượng nước.

Nước nuôi trồng thủy sản là môi trường sống của động vật thủy sinh. Chất lượng nước kém có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh lý của chúng. Nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự thèm ăn của tôm, dẫn đến giảm chức năng tiêu hóa của ruột và giảm tiêu hóa chất dinh dưỡng trong ruột từ đó làm FCR sẽ tăng lên. Đặc biệt là yếu tố oxy hòa tan. Nếu quản lý ao nuôi tốt sẽ giảm lượng thức ăn thừa, FCR thấp, có thể tiết kiệm được 10-30% lượng thức ăn và cải thiện được chất lượng nước.

3. Cho ăn không nên quá muộn.

Người nông dân có kinh nghiệm biết rằng cho ăn không nên quá muộn, bởi vì việc tiêu hóa thức ăn là một quá trình tiêu thụ oxy, cho ăn quá muộn có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Vào thời điểm ban đêm, trong nhiều khu vực nuôi ao, oxy hòa tan dưới 3 mg. Khi rải thức ăn cho tôm ăn trong khu vực oxy hòa tan thấp 3mg/l thì FCR lớn hơn ít nhất là 1 lần so với khu vực có hàm lượng oxy hòa tan 6 mg/L.

Do đó cần thiết kế ao có thể gom tụ chất thải và loại bỏ bằng cách xi phong định kỳ cũng giúp giảm tiêu hao oxy của chất thải đáy ao. Sử dụng thiết bị sục khí trong khu vực cho ăn để cung cấp oxy hòa tan liên tục và ổn định để giúp duy trì sự thèm ăn tôm từ đó cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn.

4. Điều chỉnh thức ăn hợp lý

Điều chỉnh lượng thức ăn còn bằng việc sử dụng Sàn (nhá) cho ăn. Qua thức ăn còn trên nhá, người nuôi có thể biết được tình trạng ăn của tôm, qua đó tìm nguyên nhân và điều chỉnh lượng thức ăn cho những lần tiếp theo.

Kết quả nghiên cứu của Carter Ullman 2018 đã cho thấy rằng số lượng thức ăn cho ăn hàng ngày có thể được tăng lên mà không ảnh hưởng đáng kể chất lượng nước hoặc FCR bằng cách tăng số lần cho ăn thức ăn từ 2 lên 6.

Qua thực tiễn, để lượng thức ăn được sử dụng hiệu quả bà con nên chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần ăn trong ngày (6-7 lần/ngày) hoặc các hộ có đủ điều kiện nên lắp đặt hệ thống máy cho ăn. Mặc dù sử dụng máy cho ăn thì người nuôi cũng cần điều chỉnh lượng thức ăn theo điều kiện cho ăn của tôm. Bởi trong quá trình nuôi sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, có thể tham khảo điều chỉnh lượng thức ăn theo bảng:

5. Sử dụng thức ăn phù hợp với mô hình nuôi

Việc nuôi tôm chia thành 2 hay 3 giai đoạn hoặc nuôi theo quy trình Biofloc,… giúp tiết kiệm được lượng thức ăn đáng kể. Mỗi hệ thống canh tác sẽ sử dụng một loại thức ăn khác nhau bao gồm các đặc điểm như hàm lượng protein, lipid, chất xơ ... và độ ẩm.

6. Duy trì đường ruột trong quá trình nuôi.

Đường ruột là cơ quan quan trọng nhất để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng thức ăn. Do đó, sức khỏe của ruột có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ số thức ăn. Trong quá trình nuôi tôm, việc bổ sung men vi sinh đường ruột như dòng B. subtilis, chiết xuất nấm men và phụ gia khác có thể bảo vệ ruột tôm, giúp duy trì chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn của ruột. Những nghiên cứu trước đây cho thấy bổ sung nucleotide từ 30-50g/kg men sẽ giúp kích thích tăng trưởng, khả năng miễn dịch và tăng độ dày thành ruột của tôm thẻ chân trắng...

Từ khóa » Fcr Của Tôm