Phương Pháp ép Nhũ Lạnh - Vprint Machinery

Ép nhũ nóng là phương pháp gia công sau in thông dụng và hiệu quả. Ánh kim của lớp nhũ nóng rất lấp lánh, không lọai mực nhũ nào có thể so sánh được. Tuy nhiên phương pháp này không gia công được trên các vật liệu có tính chịu nhiệt kém hoặc khi cần phủ nhũ lên một diện tích lớn. Ép nhũ lạnh là một giải pháp trong trường hợp này.

 Ép nhũ lạnh cũng sử dụng nguyên liệu là màng nhũ, nhưng cấu tạo khác với màng nhũ của phương pháp ép nhũ nóng.

 nhulanh2

1: Lớp Polyester (Lapcan): 10-25 micron.

2: Lớp đệm (sẽ bị chảy và tách ra dưới tác động của tia UV): 0.1-0.5 micron.

3: Lớp lắc tạo màu cho màng nhũ: 1-3 micron.

4: Lớp Nhôm mỏng (tạo ánh kim): khoảng 0.05 micron.

5: Lớp keo dính.

  Hình 1.  Cấu tạo màng nhũ lạnh

Qui trình Ép nhũ lạnh: Ép nhũ lạnh thường tiến hành trên các máy in dạng cuộn. Vật liệu in sau khi đã được in đủ các màu mực còn phải đi qua một đơn vị in nữa. Tại đó nó được in tiếp một lớp keo UV lên những chỗ cần ép nhũ lạnh.

 nhulanh3

Hình 2 Quy trình ép nhũ lạnh

 Màng nhũ sẽ được ghép sát vào lớp vật liệu in ( lớp số 5 của màng nhũ tiếp xúc với lớp keo UV) nhờ một cặp lô ép.

Sau đó chúng được đưa qua bộ phận sấy UV. Tia UV làm chảy lớp đệm (lớp số 2) của màng nhũ, đồng thời làm đông cứng (polymer hoá) lớp keo UV vừa được in, nhờ đó nhũ được truyền từ màng nhũ sang và dính chắc lênvật liệu in ở các vị trí có keo dán.

Cuối cùng phần thừa của màng nhũ được tách ra và đưa vào bộ phận thu hồi.   

Về mặt chất lượng, kết quả thu được của quá trình ép nhũ lạnh ít có khác biệt so với ép nhũ nóng.

 Ép nhũ lạnh có một số ưu điểm nổi bật: Không đòi hỏi phải có một thiết bị riêng có thể sử dụng chính một đơn vị in của máy in để in keo UV. Quá trình tạo bản (để in UV) dễ thực hiện và rẻ hơn việc làm bản klische ép nhũ nóng. Định vị khi ép chính xác và dễ dàng hơn . Có thể ép được trên các vật liệu mỏng, vật liệu không có khả năng chịu nhiệt (màng, decal nhựa....). Một số nhũ lạnh có độ trong suốt tương đối nên có thể nhìn thấy một phần hình ảnh bên dưới lớp nhũ tạo ra hiệu ứng khác lạ. Có thể ép nhũ có tram mịn hơn so với ép nóng. Có thể ép được các mảng có diện tích lớn. Tốc độ ép cao 60-120m/phút.  Nhược điểm của ép nhũ lạnh: Nhược điểm chính của ép nhũ lạnh là khả năng bị lem cao do tính dễ tách dính ra khỏi đế hơn so với nhũ nóng, hơn nữa ép nhũ lạnh chỉ phù hợp với các vật liệu có bề mặt bóng.

 Ứng dụng của ép nhũ lạnh: Do các ưu nhược điểm trên nên ép nhũ lạnh được ứng dụng trong ép nhũ cho các vật liệu dạng màng, hay giấy có bề mặt bóng, trong sản xuất các dạng nhãn hàng và đặc biệt là dạng nhãn hàng tự dính trên máy in flexo, máy offset cuộn khổ nhỏ.

  nhulanh4

Hình 3- Cấu tạo bộ phận ép nhũ lạnh trên máy in flexo

 Ép nhũ lạnh ra đời sau phương pháp ép nhũ nóng và vẫn còn mới mẻ đối với nhiều nhà in, đặc biệt là các nhà in chỉ chuyên về in Offset.

Tuy nhiên ép nhũ lạnh là phương pháp gia công không thể thay thế được đối với nhiều loại ấn phẩm. Với việc bao bì, tem nhãn chiếm tỉ lệ ngày càng lớn trong các sản phẩm in và sự xuất hiện của các máy in lai (sử dụng nhiều phương pháp in trên cùng một máy in)  ép nhũ lạnh sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn.

Chia sẻ: Tin liên quan
  • Nguyên lý làm việc của máy in nhũ kỹ thuật số (09.06.2018)
  • Nguyên lý In offset (09.06.2018)
  • Hướng phát triển của công nghệ in kỹ thuật số cho lĩnh vực in nhãn hàng (02.07.2018)

Từ khóa » ép Nhũ