Phương Pháp Không Dùng Thuốc Giúp Dễ đi Vào Giấc Ngủ

TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

Tiếp theo kỳ trước:Mất ngủ vì sao?

9. Nhiều người nghĩ rằng các thuốc điều trị mất ngủ điều chế từ thảo dược sẽ an toàn hơn là thuốc điều chế từ chất hóa học. BS có ý kiến thế nào về việc này ạ ?

Trong tâm lý của người dân châu Á nói chung và đặc biệt ở Việt Nam nói riêng thì chúng ta luôn có tâm lý khi dùng thuốc đông y như thuốc Nam hay thuốc Bắc thì có cảm giác an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn là thuốc Tây. Nhưng những dược phẩm này đều là một loại thuốc được xếp vào nhóm thuốc an thần và được chia thành nhóm Đông dược hoặc Tây dược.

Về nguyên tắc, tất cả những hóa chất làm thành thuốc đều có tác dụng chính, cũng như các tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì vậy, khi bệnh nhân sử dụng bất kỳ thuốc nào như thực phẩm chức năng hay thảo dược đều phải cẩn trọng và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

10. Theo BS, một người bị mất ngủ ban đêm có nên ngủ trưa không?

Các chuyên gia thường khuyên rằng, nếu đêm trước chúng ta mất ngủ thì chúng ta không nên ngủ bù vào ngày hôm sau. Nếu chúng ta cố gắng ngủ bù sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của đêm hôm sau.

Do đó, nếu chúng ta đã bị mất ngủ vào đêm hôm trước cũng không nên ngủ bù vào trưa hôm sau. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bạn bị mất ngủ, hãy tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định, hạn chế việc ngủ trưa hoặc chỉ ngủ ngắn khoảng 15-20 phút vào buổi trưa.

11. Một số người khi đi du lịch hay về thăm quê, họ bị mất ngủ do “lạ nhà” hoặc lệch múi giờ. Có cách nào cải thiện tình trạng này không ạ? Có cần uống thuốc không thưa BS?

Những tình huống mất ngủ như thế này rất thường gặp. Do đồng hồ sinh học của cơ thể điều chỉnh theo chế độ ngày và đêm theo giấc ngủ của, vì vậy, chúng ta đi từ múi giờ này qua múi giờ khác thì giờ sinh học của chúng ta đã thay đổi và gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Nhưng sự rối loạn này cũng sẽ được ổn định sau một thời gian ngắn. Vì vậy, người bệnh cũng không nên quá lo lắng về vấn đề này. Tình trạng rối loạn giấc ngủ này, đa số các trường hợp cũng không cần dùng đến những dược phẩm để điều trị.

12. Nhờ BS hướng dẫn những cách không dùng thuốc giúp dễ đi vào giấc ngủ?

Dưới đây là các biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ:

Thư giãn tâm lý:

Đối với người khỏe mạnh, bình thường thì nếu thỉnh thoảng bị mất ngủ và không ngủ đủ 7- 8 giờ mỗi đêm thì sức khỏe cũng sẽ không bị ảnh hưởng gì. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng khi bị như vậy.

Những bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài thường rất sợ buổi tối, vì họ nghĩ rằng có thể sẽ không ngủ được, và càng lo sợ về tình trạng bệnh thì giấc ngủ càng khó đến.

Nếu trong ngày còn những vấn đề chưa giải quyết xong thì cũng tạm gác lại, không nên vừa nằm ngủ vừa nghĩ cách giải quyết những vấn đề đó. Nếu chưa ngủ được sau 5 - 10 phút nằm trên giường, nên đứng dậy và làm một điều gì đó.

Vệ sinh giấc ngủ:

- Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu...) vào buổi chiều.

- Tránh ngủ nhiều vào ban ngày.

- Tập thể dục buổi sáng đều đặn. Tập những bài thể dục nhẹ nhàng có tính chất thư giãn trước khi ngủ.

- Tránh những kích thích làm khó ngủ như nghe nhạc quá to, đọc sách quá hay và cuốn hút, xem những phim đòi hỏi phải chú ý cao theo dõi sát sao...

- Trước khi đi ngủ khoảng 20 phút, nên tắm nước ấm.

- Tránh những bữa ăn quá thịnh soạn hay ăn quá nó gây khó tiêu trước khi đi ngủ.

- Phòng ngủ cần thoáng khí, ít ánh sáng, không quá nóng hay quá lạnh.

- Thức dậy đúng giờ mỗi ngày.

- Dù có bị mất ngủ cũng chỉ nên nằm trên giường với thời gian bằng thời gian ngủ bình thường trước khi bị mất ngủ.

- Một số trường hợp thay đổi giường và phòng khác là cần thiết.

- Sự thỏa mãn về tình dục sẽ đẩy mạnh giấc ngủ ở nam nhiều hơn nữ.

- Cần bổ sung trong chế độ ăn cho những người bị mất ngủ các chất như Melatonin và L- tryptophan. Melatonin là một hormone nội sinh được sản xuất bởi tuyến tùng và nó giúp điều hòa giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể trở thành bệnh mạn tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cho người bệnh. Khi bị mất ngủ dài ngày người bệnh nên đi khám để được hướng dẫn và điều trị thích hợp, nhằm cải thiện tình trạng giấc ngủ nói riêng và phục hồi sức khỏe nói chung.

Máy đa ký giấc ngủ sẽ giúp phát hiện bệnh gì, khi nào bệnh nhân cần dùng tới máy này?

Đo đa ký giấc ngủ là một thuật ngữ y khoa chỉ một phương pháp đo đạc các hoạt động của cơ thể khi ngủ. Các hoạt động này được ghi lại bằng các điện cực và tín hiệu sẽ truyền đến máy tính, sau đó bác sĩ sẽ đọc đa ký giấc ngủ và cho kết quả.

Đo đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán và xác định các rối loạn giấc ngủ như:

- Ngưng thở lúc ngủ do thần kinh hoặc hô hấp

- Ngủ rũ

- Mất ngủ

- Hội chứng chân không yên

- Các rối loạn liên quan giấc ngủ như ác mộng

- Chuyển động chi (chân, tay) có chu kỳ

Những đối tượng nên thực hiện đo đa ký giấc ngủ:

- Người bị béo phì, ngủ ngáy, mất ngủ không rõ nguyên nhân.

- Người sử dụng bia rượu nhiều

- Người mắc các bệnh lý Tai - mũi - họng kéo dài, tái phát nhiều lần

- Người mắc các bệnh lý tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường,… nhưng bệnh khó kiểm soát.

Đa số các cơ sở y tế hiện nay chưa được trang bị máy này. Vì vậy, những bệnh viện, những cơ sở y tế nào tập trung đến điều trị rối loạn giấc ngủ của người bệnh thì mới điều trị máy đa ký giấc ngủ.

Những chia sẻ củaTS.BS Đinh Vinh Quang - khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, đã giúp bạn đọc nhận biết các nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ, người già, mất ngủ nên điều trị như thế nào. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Bệnh viện Nhân dân 115 vàCổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.com

Từ khóa » Khó đi Vào Giấc Ngủ