Phương Pháp Kí Họa Và Cách điệu - MyThuatMS

Phương pháp kí họa và cách điệu

PHƯƠNG PHÁP KÝ HỌA VÀ CÁCH ĐIỆU HOA LÁ ĐỘNG VẬT

I. Ký họa hoa lá và động vật làm tài liệu trang trí

1. Ký họa là gì ?

Ký họa là vẽ, ghi chép theo cách thức của họa sĩ trước các đối tượng miêu tả khác nhau.

Ký họa có nhiều mục đích khác nhau như: ký họa để làm tài liệu bố cục trang , ký họa làm tài liệu trang trí ký họa trực tiếp thành tranh ký họa , ký họa để ghi nhớ, …. Bởi vậy cũng có nhiều cách hay phương pháp ký họa khác nhau. Ví dụ : Ký họa bằng bút chì trên giấy, ký họa bằng mực tàu, thuốc nước, phấn màu,bột màu,bằng bút sắt , bút lông ..v..vv… Ký họa nhanh gọi là tốc họa dùng để vẽ các đối tượng chuyển động như người, vật ,chim ,các, ,... hoặc khi họa sĩ có rất ít thời gian tranh thủ vài phút cho kịp như vài nét vẽ phong cảnh để ghi nhớ , phong cảnh sinh hoạt thoáng qua,dáng dấp các con vật lướt qua. ...

Ký họa sâu hay còn gọi là ký họa thâm diễn để vẽ các đối tượng tương đối tĩnh, phong cảnh kiến trúc, các mô típ trang trí, kiến trúc, dụng cụ , quần áo....Ký họa có thể thành tranh ký họa nếu có chủ đề tư tưởng và đạt được cảm xúc thẩm mỹ tốt.

Trên là nói chung về ký họa, còn trong tài liệu này sẽ nói về ký họa làm tài liệu để làm bố cục trang trí và tùy theo đối tượng hoàn cảnh, yêu cầu mà sử dụng phương pháp tốc họa, phương pháp ký họa thâm diễn hay ký họa có tính chất ghi chép để nhớ.

2. Tại sao phải ký họa ? Dùng tài liệu ảnh có được không ?

Có nhiều lý do khiến người họa sĩ chuyên nghiệp lẫn các học viên cần phải ký họa. Theo quan điểm riêng của Mỹ Thuật MS thì chúng tôi cho rằng ký họa là một môn học không thể thiếu được đối với bất kỳ người họa sĩ nào. Trước mỗi đối tượng cảm xúc của mỗi người ít khi giống nhau. Ví dụ cùng kí họa về một cảnh hội chợ quê có họa sĩ vẽ nên bức tranh buồn tẻ và nghèo nàn xơ xác , có họa sĩ lại khai thác khía cạnh tiết điệu rộn ràng thành bức tranh trang trí nhịp nhàng như trên sân khấu…. Ấy là chưa nói đến cái khác nhau về sự rung động nét bút của mỗi người. Bởi vậy tính khách quan của bức ảnh có thể là một trong những tài liệu tham khảo, nhưng không thể thay thế được ký họa bởi vì về bản chất nghệ thuật là sự sáng tạo mang nhiều dấu ấn cá tính nhất.

Mặt khác ký họa là một phương pháp luyện khả năng chuyển hóa hình ảnh khách quan của tự nhiên thành dấu ấn chứng tích nghệ thuật, để từ đó chuyển thành bố cục, tranh giá vẽ hay trang trí. Nếu xem bức tranh sơn mài – bình phong trang trí vẽ những là mùng, lá chuối của danh họa Nguyễn Gia Trí thì ta sẽ hiểu được những điều nêu trên một cách sâu sắc hơn, hiểu được tại sao phải ký họa và bức ảnh không thể thay thế được bức ký họa.

3. Ký họa hoa lá động vật làm tài liệu trang trí có khác gì ký họa để làm tranh giá vẽ ?

Về bản chất thì không có gì khác nhau, nhưng vì mục đích khác nhau mà yêu cầu ký họa cũng có phần khác nhau. Riêng ký họa làm tài liệu trang trí chúng ta còn trải qua một giai đoạn sáng tạo kế tiếp là cách điệu hóa thành các mô típ trang trí, rồi lại sắp xếp, thêm bớt các đường nét,mảng miếng mới thành được một bố cục trang trí. và nếu đó là một bố cục trang trí bằng chất liệu cắt giấy, sắt uốn hay bằng gốm, thảm len, sơn mài, thủy tinh.... thì cách trang trí thế nào cho phù hợp với thực tế của công nghệ gia công mỹ thuật của mỗi chất liệu lại càng chi phối sự chọn lựa đối tượng ký họa cũng như khai thác khía cạnh đẹp nào trong đối tượng ấy.nói chung ký họa để làm tài liệu trang trí thường thiên về khai thác vẻ đẹp ngoại hình, tiết tấu nhịp điệu của hình để nói lên cái đẹp của đối tượng. Còn ký họa để làm tranh giá vẽ thường thiên về chất cảm xúc, độ rung của đối tượng. Tuy nhiên cũng nên nhớ rằng không có ranh giới nào tuyệt đối cho hai loại ký họa này cả.

4. Những điều cần lưu ý khi ký họa hoa lá làm tài liệu trang trí.

Người họa sĩ trang trí có mục đích sáng tác riêng và khó khăn riêng của nghề. Bài tập cơ bản là nhằm để đi đến giai đoạn cuối cùng của mục đích sáng tác ra tác phẩm trang trí bằng chất liệu : có thể phù hợp với công nghệ in, hoặc công nghệ dệt, hoặc công nghệ gia công kim loại , gốm , sứ, thủy tinh.

Bởi vậy khi lấy tài liệu không chỉ vẽ cho được cảm xúc thú vị của họa sĩ đối với đối tượng mà chủ yếu là phải ghi chép được cái đẹp của cấu trúc, của chất,của nhịp điệu , tiết tấu của đối tượng. Có như vậy mới có cơ sở để cách điệu, nâng chất thẩm mỹ phù hợp với chất liệu thể hiện.

Một ví dụ cụ thể : Ta ký họa về tre để làm trang trí, ta không nên vẽ sơ lược bằng những nét chấm phá như tranh tầu, mà phải vẽ kỹ,vừa nghiên cứu vừa vẽ khai thác cái đẹp được toát ra từ gốc tre với những bộ rễ , từ gióng tre tới những thớ dọc cùng với các mắt tre như tiết tấu trong âm nhạc. Rồi cành tre mảnh mai dích dắc, cùng với những chùm lá dài và kết với nhau xòe ra như những bàn tay. Vẽ từ cuống lá, thớ lá trở đi để khai thác lấy cái đẹp trogn cấu trúc của nó, đương nhiên không phải ta vẽ cả một bụi tre kiểu như vậy, mà chỉ trích lấy từng phần vẽ kỹ cho thuộc , cho thấm đến khi cách điệu, sáng tác ta sẽ có được chất tạo hình nhuần nhuyễn, rất thật mặc dù rất khác với sự thực.

Ngoài ra ta phải nhớ, thiên nhiên bao giờ cũng là bậc thầy về sự phong phú trong sáng tạo ra cái đẹp của muôn loài. Ký họa một cách chăm chú, say mê chính là ta đang học cái chép sáng tạo ấy !

5. Ký họa động vật như thế nào cho đúng và sinh động ?

Ký họa hoa lá là ký họa động vật tương đối tĩnh. Còn ký họa động vật thì lại động. Mà ký họa đối tượng động, lại cho sinh động đương nhiên là rất khó. Muốn giải quyết cái khó đó phải có phương pháp. Trước hết không phải vẽ thật đầy đủ thì biểu hiện được sự sinh động. Khi các danh nhân chết, ở châu âu thường hay đổ thạch cao các khuôn mặt hay bàn tay của họ. Mặc dù rất đúng về mọi chi tiết nhưng đó vẫn là khuân mặt chết, bàn tay chết.Việc dựng tượng các danh nhân vẫn phải nhờ tới các nhà điêu khắc. Các nhà điêu khác không nặn giống thật mà lại nặn một cách sinh động cái thần chân thực toát lên được tinh thần của danh nhân.

Vậy ký họa động vật đúng và sinh động không có nghĩa là gò gẫm cho đúng từng li từng tí.

Sức sống vào tranh là sự sinh động, mà trước hết là dáng, mà các họa sĩ hay nói là bắt dáng.Hiểu theo khía cạnh thẩm mỹ thì dáng là các hình được biểu hiện ở tư thế điển hình nhất nêu đưuọc đặc trưng con vật trong động thái của nó. Phải tập bắt cho được cái dáng đó. Muốn vậy trước khi vẽ ta nên nắm bắt cái cách đi, đứng nằm ,ngồi, bay, nhảy hay bơi lội của động vật ta muốn ký họa. Hãy so sánh những con vật có cấu trúc tương tự như châu, bò ,ngựa dê , lợn ….. hoặc gà, ngan vịt, ngỗng,…. Với nhau để thấy được sự khác nhau cơ bản là ở đâu , về hình thể , dáng dấp,sau đó ta phải cảm nhận cho được cái chất mà từ đó toát lên tính cách của mỗi con vật. Ví dụ : con châu có cặp sừng to hơn con bò, các khớp khuỷu thô hơn con bò, chậm chạp,đủng đỉnh , bề thế hơn con bò. Thậm chí ta còn có thể cảm giác rằng con châu thực thà, trung thành hơn con bò , chịu thương ,chịu khó hơn con bò…..

Những nhận xét và cảm nhận ấy giúp cho ta ký họa đúng và sâu, nói lên được thần thái của con vật mà không nhất thiết phải vẽ kỹ. Tiếp đó ta ký họa trực tiếp vào giấy bằng những nét nhanh. Khái quát nhất để bắt đưuọc dáng đã. Đừng ham đi vào chi tiết ngay. Sau đó nếu còn kịp mới đi vào những bộ phận, chi tiết tiêu biểu. Bức ký họa đến đó coi như đã hoàn thành. Còn các bộ phận đặc trưng như đầu,mũi,mắt,chân,móng….ta vẽ thêm ở bên cạnh.Mỗi con vật nên vẽ ở nhiều dáng trong các tư thế khác nhau. Vẽ đến độ nào đó coi như đã thuộc và vẽ bịa không có mẫu mà vẫn rất giống.

Đến đây coi như ta đã được giải đáp tại sao cần phải ký họa và các ký họa như thế nào. Bây giờ ta cũng đang chuyển sang phần tiếp theo đó là cách điệu hóa và tham khảo một số bài tập ký họa tốt nằm trong hệ thống bài tập của môn trang trí cơ bản của sinh viên năm thứ nhất khoa cơ bản trường Đại học mỹ thuật công nghiệp.

II. Cách điệu hoa lá động vật

1. Cách điệu hóa là gì ?

Cách điệu hoa lá là một trong những phương pháp tạo hình mà chủ yếu là nhằm xây dựng những tác phẩm trang trí, là phương pháp chuyển hóa những đối tượng ( có thể là người, động vật, câu cỏ hoa lá đến phong cảnh, kiến trúc ) từ những hình ảnh thực thành những mô típ trang trí dùng chủ yếu trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, làm cho nó có khả năng thể hiện được bằng chất liệu khác nhau và ăn nhập chung với không gian mà nó được ứng dụng.

2. Trình tự của việc cách điệu hóa như thế nào ?

Các họa sĩ có thể có những thói quen riêng khi vẽ, tuy nhiên học tập làm việc cho có phương pháp vẫn cần thiết vì đó là khoa học giúp chúng ta đạt được mục đích nhanh và chắc chắn hơn. Muốn cách điệu, trước hết nên đi ký họa, cụ thể ở đây là ký họa hoa lá, động vật ( cách thức chọn lựa và phương pháp ký họa đã được trình bày ở phần đầu ).

Bước thứ hai là chuyển hóa từ những tài liệu này thành các mô típ trang trí theo đúng yêu cầu của bố cục. Yêu cầu đó có thể chí thành hai phương pháp với hai mục đích khác nhau, đó là :

1- Cách điệu theo tự nhiên.

2- Cách điệu theo cấu trúc.

3. Cách điệu theo tự nhiên là thế nào ?

Cách điệu theo tự nhiên chủ yếu là mô phỏng theo hình dáng có sẵn của đối tượng tự nhiên, bớt đi những thứ quá rườm rà và không cần thiết, tiết điệu hóa phần nào các đường nét tạo hình, cường điệu hóa một vài chi tiết đẹp đặc trưng của đối tượng. Và điều quan trọng nhất, tuy là mô phỏng cái đẹp có sẵn của tự nhiên nhưng cũng phải có phần sáng tạo chủ động của người vẽ để làm sao vẫn có được sự hài hòa giữa cái tổng thể và chi tiết, tạo được nhịp điệu và nhất quán vầ cách vẽ, hay cao hơn, tức là phong cách.

Những mô típ đã được cách điệu này, mà ở đây kaf hoa lá động vật rất gần với tự nhiên ta nhận được ngay đó là cây gì, lá gì ,hoa gì, con gì. Lối cách điệu này thường được sử dụng cho các chất liệu dễ đạt và phần nào đó mang ý ngĩa phổ cập về mặt thẩm mỹ dễ được chấp nhận. Ví dụ như những mô típ trang trí trên bao bì quảng cáo, trên các trang minh họa sách, hàng thêu, dệt, in hoa, vẽ trên sứ ….Cái đẹp trong cách điệu theo tự nhiên được cảm thụ qua cảm xúc về tính chân thực, về sự diễn tả khéo léo, hài hòa các đối tượng. Tuy nhiên trong thực tiễn của nghệ thuật trang trí thì có khi lối biểu hiện đó không đáp ứng được yêu cầu mà phải sử dụng một phương pháp cách điệu khác đó là cách điệu theo cấu trúc.

4. Thế nào là cách điệu theo cấu trúc ?

Do yêu cầu phải có một loại mô típ hết sức cô đọng, giản đơn, có tính tượng trưng cao thì phải theo cách điệu lối này. Ví dụ tộc huy, gia huy, quốc huy, biểu trưng của các hãng …. Cũng có thể đó là những mô đuyn trang trí kiến trúc, gạch thôn gió, chạm khắc đá, kim loại. thực ra giữa hai hình thức này không có dnah giới tuyệt đối mà trng nhiều tác phẩm, nhiều mô típ trang trí vẫn có sự giao thoa để phù hợp với những cung bậc khác nhau giữa cấu trúc và tự nhiên, giữa cảm xúc và trí tuệ.

Về phương pháp tiến hành, phải chọn lọc đối tượng dễ phù hợp với lối trang trí này mà đặc điểm của nó là hình dáng, kết cấu tương đôi rx ràng và dứt khoát, có một vài chi tiết rất đặc trưng, ví dụ như con đại bàng, con vẹt, con thiên nga, con voi, con trâu, con sư tử, con cá sấu, cá voi, cá heo, cá bướm ….. hoặc về hoa lá như hoa lan, hoa đại, hoa sen, hoa cúc, hoa huệ, như lá đề, lá bầu bí, lá phong, cây tre, cây cọ, cây thông, ….song song với việc đó người ta thường tìm cho nó một ý ngĩa văn học, đạo đức, cầu chúc nào đó. Ví dụ, con rùa là tượng trưng cho sự bền vững sống lâu, con dơi là cầu được phúc đầy, hoa lan là sự phong lưu, hoa đào tượng trưng mùa xuân, cây tre tượng trưng cho người quan tử, lá đề tượng trưng cho phật giáo, chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình ….

Sau khi đã chọn được đối tượng để ký họa tiến tới cách điệu hóa thành những mô típ hoặc bố cục trang trí. Đến đây việc xây dựng hình tượng đi theo một lối khác không giống như ở lối cách điệu theo tự nhiên nữa. Theo kinh nghiệm, người họa sĩ chỉ chọn những gì là tiêu biểu nhất của đối tượng, xếp đặt lại bố cục lại, cường điệu hóa, biểu trưng hóa chúng sao cho cô đọng nhất, phù hợp với chất liệu mà nó được thể hiện trong tương lại. Ỏ đây người ta lược bỏ rất nhiều , có khi chỉ khai thác một phần đặc trưng nhất, hoặc khai thác cái đẹp bằng mảng, bằng nét,bằng màu để dễ gây ấn tượng sâu nặng nhất, phù hợp với chất liệu mà nó được thể hiện trong tương lại. ở đây người ta lược bỏ rất nhiều, có khi chỉ khai thác một phần đặc trưng nhất, hoặc khai thác cái đẹp bằng mảng, bằng nét, bằng màu, để dễ gây ấn tượng sâu mạnh nhất. Ví dụ biểu trưng của một hãng hàng không nhật bản bằng hình tượng con cò – mặt trời. Thật là tuyệt vời đứng về bất cứ phương diện nào để nhận xét : cô đọng trí tuệ dễ hiểu, dễ thể hiện, đẹp. Tuy nhiên đó là nói cho cùng, chứ thực ra những mô típ được cách điệu theo lối cấu trúc vẫn có các mức độ giao thoa với lối cách điệu theo tự nhiên và do đó việc ứng dụng của nó khá rộng như đã nói ở trên. Ở Việt Nam những thành tựu trong lĩnh vực này ta bắt gặp rất nhiều ở những họa tiết trang trí cổ ở ddingf chùa, miếu mạo ,ở đồ gỗ ,đồ đồng ,thổ cẩm, đồ gốm , chạm khắc đá…. Vẽ lại có nghiên cứu các họa tiết ấy cũng giúp rất nhiều cho ta trong nghệ thuật này. Tuy nhiên về phương diện tập luyện trang trí, cách điệu thì có nhiều cách thức, riêng trên mặt phẳng ta đi sâu vào hai phương pháp cách điệu tiêu biểu là cách điệu bằng nét và cách điệu bằng mảng.

5. Cách điệu bằng nét.

Do yêu cầu trang trí mà ta có thể cách điệu bằng nét, mảng, khối,màu,hoặc phối hợp chúng với nhau. Ở đây nói về trang trí, cách điệu hóa bằng nét. Nếu có một yêu cầu trang trí hàng rào bằng sắt uống rõ ràng ta sử dụng trang trí bằng nét là chủ yếu. Vẽ nét trên gốm khắc trên sản phẩm thủy tinh, cắt giấy, chạm bạc …. Sử dụng nét trong trang trí cách điệu rất nhiều. Riêng về cách điệu hóa bằng nét ngoài việc chọn đối tượng cho phù hợp điều đáng lưu ý nhất là tiết tấu, nhịp điệu của đường nét, mối quan hệ giữa thẳng và cong, mềm và cứng, thưa và mau, thô và mảnh sao cho thuận mắt, hợp lý và có thẩm mỹ. Nếu cần biểu cảm cho cái đẹp mạnh mẽ thì nên sử dụng nhiều sự phối hợp đối lập, đường nét dứt khoát rõ ràng, hoặc sử dụng nhiều đường thẳng mạnh, nét gấp nhiều hơn là đường cong nét lượn mềm mại.

Nếu phải tạo nên cái đẹp hài hòa thì phải chú ý đến tính chất mức độ, tỉ lệ, không quá đột ngột, chú ý nhiều hơn đến sự chuyển hóa mềm mại của đường nét. Nét tinh rễ tạo nên cảm giác thích thú từ sự khéo léo tinh tế của tay nghề, nét thô dễ tạo nên cảm giác mạnh, nếu đó là đường thảng, gẫy, thước thợ thì cảm giác này càng tăng lên.

Tùy theo nội dung của bố cục trang trí cách điệu bằng nét mà sử dụng phói hợp chúng thật hợp lý, thuận mắt để đạt tới cái đẹp, cái đẹp đó có thể là cái đẹp mạnh mẽ, thô ráp, cái đẹp uyển chuyển, tế nhị, cái đẹp sắc sảo tinh vi ….

Khi cách điệu bằng nét người ta thường khai thác cái đẹp của đường viền tạo hình của vật, những nét trang trí vốn có của nó. Ví dụ : cá thì ố vẩy, mang, vây, đuôi với những chiều bút, nét tạo hình khác nhau, chim thì có các lớp lông, tạo hình lông ở đầu, ở mình, ở cánh, ở đuôi với những chiều bút, nét tạo hình khác nhau. Trên cơ sở đó, cường điệu hóa một số yếu tố tạo hình, lược bớt một số chi tiết không cần thiết và phối hợp tạo nên sự hài hòa chung hoàn chỉnh.

6. Cách điệu bằng mảng

Những trường hợp mảng đạm nhạt trên đối tượng, hình bán diện của đối tượng hoặc do yêu cầu của mảng mang lại hiệu quả thẩm mỹ thú vị hơn thì người ta cách điệu hóa để đưa vào bố cục trang trí bẳng mảng. Ví dụ : hình người, vật, hoa lá, núi, sông trên đèn kéo quân, những con rối bằng bìa, da dùng trong múa rối hình ( bằng bóng )của nghệ thuật múa rối Inđônêxia, chạm trên bia đá, gạch thông gió, hình biểu trưng trên các loại bao bì quảng cáo, biển sắt trổ thủng làm biểu trưng của cửa hàng như ta thấy ở các quán cổ xưa ở châu âu …. Đương nhiên muốn tạo thành những mô típ đẹp thì các họa sĩ phải khai thác cái đẹp ở khía cạnh này của sự vật. Nếu cái đẹp được tạo nên bởi các mảng dẹt phẳng thì đường viền tạo hình của mảng là hết sức quan trọng, thứ đến là các tỉ lệ giữa các mảng với nhau. Tính chất cứng, mềm được phối hợp trong bố cục đều là phương tiện tạo nên cái đẹp.

Khi một mảng đặc quá lớn người ta phải biết cách tạo nên những lỗ thủng thẩm mỹ để làm cho nó nhẹ đi, sinh động lên. Về phương diện này tranh trổ giấy của Trung Quốc là những mẫu mực tuyệt vời. Ví dụ ta cách điệu hóa một con cá bằng mảng thì đường viền ở phần đầu trán là một đường cong, tiếp đến là những đường gấp gai nhọn của vây lưng, mang tính đối lập về hình thức, sau đó lại chuyển sang một đường cong phía đuôi, tiếp đến là đường mềm mại của đuôi, đường cong mềm phía bụng được bổ xung những chiếc vây nhỏ mềm, đó chính là tiết tấu tạo hình của đường viền. Những tiết tấu ấy tùy theo hình của các loại cá mà gây nên những ấn tượng thẩm mỹ khác nhau. Tuy nhiên, nếu mảng cá ấy quá đặc thì họa sĩ khai thác các hình tròn của con mắt, đường cong lớn của cái mang, và nếu cần thì một số đường cong nhỏ của vẩy. Tất cả sự phối hợp hài hòa ấy sẽ tạo nên cái đẹp của mô típ cá cách điệu hóa.

Điều hết sức chú ý là đừng quên cái đẹp của phần âm. Trên một mảng giấy trắng thì phần được vẽ đen hoặc màu ta coi như phần dương, phần trắng của giấy nền, phần trổ thủng ta coi như phần âm. Cái đẹp tức là nhịp điệu và sự hài hòa ở cả phần đen và phần trắng, phần đặc và phần thủng. Thậm trí đã có những bức tranh trổ giấy đan xen đen và trắng nếu nhìn vào phần đen thì đó là những đàn cá còn nhìn vào phần trắng thì đó là những đàn chim rất đẹp, hợp lý.

Ngoài ra trong thực tế người ta sử dụng kết hợp rất nhiều yếu tố tạo hình trong cùng một tác phẩm trang trí nếu đó là yêu cầu thầm mỹ và yêu cầu ứng dụng.

Trên đây là những hướng dẫn có tinh chất nguyên tắc, phương pháp giả quyết một bài học bố cục trang trí cách điệu. Còn mỗi mô típ trang trí là một sự sáng tạo khác nhau ở mỗi sinh viên , họa sĩ.

Dưới đây là một số bài tập của sinh viên ĐH năm thứ nhất của khoa cơ bản trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp về môn trang trí cơ bản, là gợi ý về sự học tập, sáng tạo chứ không phải là một mô hình cứng nhắc. Ở đó thể hiện xu hướng mỹ cảm, tay nghề và cảm hứng sáng tạo khác nhua mặc dù cùng chung một đề tài và yêu cầu.

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 1

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 2

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 3

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 4

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 5

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 6

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 7

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 8

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 9

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 10

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 11

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 12

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 13

ky hoa cach dieu hoa la dong vat 14

Từ khóa » Cách Vẽ Xang