PHƯƠNG PHÁP SƠ CẤP CỨU NGƯỜI BỊ TAI NẠN ĐIỆN GIẬT

Nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về cách sơ cứu người bị điện giật, tránh trường hợp cứu chữa không đúng cách làm nạn nhân dễ tử vong hơn, Công ty Điện lực Hậu Giang hướng dẫn phương pháp sơ cấp cứu người bị tai nạn điện giật như sau:

Có 2 bước cơ bản để cứu người bị điện giật là: Tách nạn nhân ra khỏi mạch điện; cứu chữa nạn nhân tại chỗ.

I. Tách nạn nhân ra khỏi mạch điện

1. Trường hợp cắt được mạch điện: Cắt điện bằng những thiết bị đóng, cắt gần nhất như: công tắc điện, cầu chì, hoặc rút phích cắm, cầu dao,...

2. Trường hợp không cắt được mạch điện:

- Nếu điện hạ áp thì người cứu: Đứng trên bàn, ghế, tấm gỗ khô, đi dép hoặc ủng cao su, đeo găng cao su để kéo nạn nhân; Dùng kìm cách điện, búa, rìu cán bằng gỗ để cắt đứt dây điện; Nếu không có các phương tiện trên có thể dùng gậy gỗ, tre khô gạt dây điện, đẩy nạn nhân để tách ra. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào người nạn nhân vì như vậy người đi cứu cũng bị điện giật.

- Nếu mạch điện cao áp, cách tốt nhất là phải nhanh chóng điện thoại cho đơn vị quản lý lưới điện hoặc qua tổng đài 19001006 để cắt điện kịp thời.

II. Cứu chữa nạn nhân sau khi đã tách khỏi mạch điện:

Ngay sau khi nạn nhân được tách khỏi mạch điện và đưa đến vị trí an toàn, người cứu phải căn cứ vào tình trạng người bị nạn mà cấp cứu:

1. Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ.

2. Phương pháp hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực:

Để nạn nhân nằm ngửa, nới rộng quần áo, thắt lưng, moi rớt rãi trong mồm nạn nhân ra, đặt đầu nạn nhân hơi ngửa ra sau.

Người cứu đứng (hoặc quỳ) bên cạnh nạn nhân, đặt chéo 2 bàn tay lên 1/3 dưới xương ức, giữa ngực nạn nhân rồi dùng cả sức mạnh thân người ấn nhanh, mạnh, làm lồng ngực nạn nhân bị nén xuống (3÷5) cm. Sau khoảng 1/3 giây, buông tay ra để lồng ngực nạn nhân trở lại bình thường. Làm như vậy, khoảng từ 80-100 lần/phút.

Kết hợp động tác ép tim phải hà hơi, thổi ngạt. Dùng miếng gạc đặt lên miệng nạn nhân, người cứu ngồi bên cạnh đầu, lấy một tay bịt mũi nạn nhân, một tay giữ cho miệng nạn nhân há ra (nếu thấy lưỡi bị tụt vào thì kéo ra), hít thật mạnh để lấy nhiều không khí vào phổi rồi ghé sát vào miệng nạn nhân rồi thổi mạnh cho lồng ngực phồng lên (hoặc bịt miệng để thổi vào mũi).

Nếu chỉ có một người cứu thì cứ 15 lần ép tim chuyển sang hà hơi, thổi ngạt 02 lần.

Nếu có 02 người thì một người làm động tác ép tim, người còn lại hà hơi, thổi ngạt. Cứ 05 lần ép tim lại thổi ngạt 01 lần. Điều quan trọng là phải kết hợp 02 động tác nhịp nhàng với nhau, nếu không thì động tác này sẽ phản lại động tác kia.

Tuyệt đối không cấp cứu bằng cách để nạn nhân nằm dưới nước hoặc đắp đất ướt lên người nạn nhân, không đổ bất cứ thuốc hay nước gì vào miệng nạn nhân.

* Khi khách hàng cần báo sửa chữa điện, tai nạn điện; báo tình trạng lưới điện mất an toàn; cần gắn điện kế mới, di dời điện kế, khiếu nại hóa đơn; kiểm tra điện kế,… hãy liên hệ qua tổng đài Trung tâm chăm sóc khách hàng Điện lực miền Nam 19001006 để được tư vấn và hỗ trợ một cách tốt nhất.

Từ khóa » Cách Cứu Người Bị điện Giật