Phương Pháp Tính Chỉ Số Giá Tiêu Dùng Của Tổng Cục Thống Kê

Phóng viên: Thưa ông, từ đầu năm đến nay giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đều tăng nhưng mới đây Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2021 giảm 0,04%, liệu có phải là nghịch lý, xin ông lý giải về điều này?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến: Theo lịch phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Tư tăng 2,7% và bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%. Chúng tôi khẳng định kết quả này phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường.

CPI hàng tháng được chúng tôi tính dựa trên thông tin thu thập tại khoảng 40.000 điểm điều tra giá từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 752 loại hàng hoá và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến của người dân và phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình hiện nay.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1, 4 nhóm hàng có chỉ số giá tháng 4/2021 giảm so với tháng trước, 6 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định làm cho CPI của tháng Tư giảm 0,04% so với tháng 3/2021. Xét trong tổng chi tiêu dùng của người dân, 4 nhóm hàng giảm giá chiếm 60,1%, 6 nhóm hàng tăng giá chiếm 34,2% và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép có giá không đổi chiếm 5,7%. Do 4 nhóm hàng giảm giá với tỷ trọng lớn đã làm cho chỉ số giá chung giảm so với tháng trước. Cụ thể, CPI tháng Tư giảm so với tháng Ba chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm giảm nhờ nguồn cung dồi dào làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%. Cùng với đó, giá điện, nước sinh hoạt, giá gas lần lượt giảm 0,73%; 1,57%; 4,86% làm cho nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43% so với tháng trước. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,11%.

Bên cạnh các nhóm hàng giảm giá, các nhóm hàng tăng giá so với tháng trước đã tác động đến CPI tháng Tư gồm có: Nhóm giao thông tăng 0,87% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng; nhóm giáo dục tăng 0,03%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,23%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%.

Có ý kiến cho rằng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng Tư giảm 0,43% so với tháng trước trong khi hiện nay giá các vật liệu xây dựng đang tăng cao là không hợp lý, Tổng cục Thống kê làm rõ như sau: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng bao gồm giá thuê nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Trong tháng Tư, nhóm này giảm giá so với tháng trước chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt và giá gas giảm. Ở chiều ngược lại, từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép, phế liệu và chi phí vận chuyển liên tục tăng làm cho chỉ số giá sản xuất (PPI) nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm 2020, bình quân 4 tháng đầu năm tăng 23,15% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trong nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở bao gồm xi măng, sắt thép, đá, cát được tính trong CPI tăng 1,12% so với tháng 3/2021 nhưng nhóm hàng này có quyền số tính CPI hay tỷ trọng chi tiêu trong tổng chi tiêu của dân cư là 2,03% nên chỉ tác động làm tăng CPI chung 0,02%. Lưu ý rằng, các sản phẩm thuộc nhóm vật liệu xây dựng trong chi tiêu dùng của dân cư được tính trong CPI bao gồm các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, không bao gồm sửa chữa lớn và xây dựng nhà mới. Sửa chữa nhỏ nhà ở là các hoạt động duy tu, bảo dưỡng không thay đổi kết cấu hoặc hình thái của căn nhà.

Để hiểu rõ hơn, tin tưởng và sử dụng số liệu CPI, chúng tôi mong nhận được trao đổi, phản hồi tại địa chỉ email tkgia@gso.gov.vn, tránh bình luận khi chưa hiểu rõ phương pháp và cách thức thực hiện của Tổng cục Thống kê trong tính toán chỉ tiêu CPI.

Phóng viên: Xin ông bình luận chi tiết hơn về phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam hiện nay

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến: Phương pháp tính CPI chúng tôi áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của ILO ban hành năm 2020. Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.

Hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại điện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều sử dụng số liệu CPI của Tổng cục Thống kê trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều tin tưởng và thường xuyên sử dụng số liệu CPI trong nghiên cứu và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để tính CPI, Tổng cục Thống kê triển khai các công việc như sau:

Một là, xác định Danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân, còn được gọi là “rổ” hàng hóa, tổng số mặt hàng đại diện trong “rổ” hàng hoá thời kỳ 2020-2025 là 752 mặt hàng được sắp xếp theo cấu trúc của chỉ số và có hình ảnh minh họa, mỗi hàng hoá và dịch vụ trong danh mục điều tra đều phải mô tả chi tiết về quy cách, phẩm cấp, nhãn mác cụ thể. Căn cứ vào Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện của cả nước, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng danh mục điều tra giá tiêu dùng riêng, được sử dụng để thu thập giá cho địa phương. Do mỗi địa phương có mức sống và tập quán tiêu dùng khác nhau nên trừ một số mặt hàng phải thống nhất quy cách, phẩm cấp trên phạm vi cả nước đã được đưa ra trong Danh mục chuẩn, những mặt hàng và dịch vụ còn lại được chọn theo đặc điểm tiêu dùng của địa phương. Sau khi xây dựng xong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện, mỗi địa phương xây dựng một mạng lưới điều tra giá riêng biệt. Mạng lưới điều tra giá bao gồm các khu vực điều tra là các chợ, trung tâm thương mại, các siêu thị bán lẻ… có hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ để tiến hành điều tra thu thập giá. Số lượng khu vực điều tra giữa các địa phương khác nhau căn cứ vào quy mô hành chính, địa lý, dân số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại mỗi khu vực điều tra có các điểm điều tra là các sạp hàng, quầy hàng, điểm bán hàng chuyên bán lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đơn vị sự nghiệp, trường học, cơ sở khám chữa bệnh…

Hai là, xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện hay còn gọi là quyền số. Để tính quyền số phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2020-2025, Tổng cục Thống kê đã thực hiện thu thập thông tin tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng từ cuộc “Khảo sát mức sống dân cư và Điều tra quyền số chỉ số giá tiêu dùng năm 2018” tại 63 địa phương trong 4 kỳ điều tra nhằm loại trừ yếu tố mùa vụ. Nội dung của cuộc Khảo sát này nhằm thu thập thông tin chi tiêu của hộ dân cư về các loại hàng hóa và dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân.

Ba là, hằng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ. Toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. Hiện nay, chúng tôi đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử CAPI tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp nâng cao chất lượng số liệu điều tra, minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới.

Đối với các mặt hàng đặc biệt như điện, nước sinh hoạt, Tổng cục Thống kê quy định riêng cách thu thập giá theo đúng phương pháp luận quốc tế và thực hiện theo tư vấn của chuyên gia IMF. Ví dụ, điện sinh hoạt là một mặt hàng quan trọng phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Giá bán lẻ điện phục vụ tiêu dùng có những điểm đặc biệt, không giống như hàng hoá khác. Giá bán lẻ điện do Nhà nước quản lý và chia theo nhiều mức. Vì vậy, giá thực tế bình quân gia quyền trả cho 1 kwh điện tiêu thụ của người dân hằng tháng khác nhau tuỳ theo lượng tiêu thụ ở các mức nhiều hay ít, điều này phản ánh đúng giá thực tế mà người dân phải chi trả. Cách tính giá tiêu dùng thực tế bình quân của 1 m3 nước hằng tháng cũng tương tự như tính giá điện, giá bán nước máy được tính bằng cách chia doanh thu bán nước máy cho tổng khối lượng tiêu thụ theo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tháng đó.

Chỉ số giá tiêu dùng được chúng tôi công bố vào ngày 29 hằng tháng trên website của Tổng cục Thống kê, bao gồm CPI của cả nước, 6 vùng kinh tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chỉ số giá chung, chỉ số giá 11 nhóm hàng cấp 1 và chia theo khu vực thành thị, nông thôn theo 5 gốc so sánh (năm gốc 2019, cùng kỳ năm trước, tháng 12 năm trước, kỳ trước và chỉ số giá bình quân cùng kỳ).

Phóng viên: Các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021, chúng ta có thể đạt được mục tiêu lạm phát 4% do Quốc hội đặt ra hay không?

Từ khóa » Cách Tính Chỉ Số Cpi Của Việt Nam