Phương Pháp Trình Bày Một Dự án đầu Tư Kinh Doanh Khả Thi

 1. Lời mở đầu:

Lời mở đầu khi viết dự án đầu tư cần đưa ra được một cách khái quát những lý do dẫn tới việc hình thành dự án. Lời mở đầu phải thu hút sự quan tâm của người đọc và hướng đầu tư của dự án, đồng thời cung cấp một số thông tin cơ bản về địa vị pháp lý của chủ đầu tư và ý đồ đầu tư cho người đọc. Lời mở đầu nên viết ngắn gọn, rõ ràng. Thông thường lời mở đầu của một bản dự án chỉ 1 - 2 trang.

2. Sự cần thiết phải đầu tư:

Trình bày những căn cứ cụ thể để khẳng định về sự cần thiết phải đầu tư. Cần chú ý đảm bảo tính xác thực của các luận cứ và tính thuyết phục trong luận chứng. Các nội dung ở phần này cần viết ngắn gọn, khẳng định và thường được trình bày trong 1 - 2 trang. Trong các trường hợp quy mô dự án nhỏ hoặc sự cần thiết của đầu tư là hiển nhiên thì phần luận giải sự cần thiết phải đầu tư thường được kết hợp trình bày trong lời mở đầu của bản dự án.

3. Phần tóm tắt dự án đầu tư kinh doanh:

Đây là phần quan trọng của dự án, là phần được lưu ý và đọc đến nhiều nhất. Mục đích của phần này là cung cấp cho người đọc toàn bộ nội dung của dự án nhưng không đi sâu vào chi tiết của bất cứ một khoản mục nội dung nào. ở đây mỗi khoản mục nội dung của dự án được trình bày bằng kết luận mang tính thông tin định lượng ngắn gọn, chính xác. 

Thử hình dung nếu bản kế hoạch kinh doanh của bạn nằm trong số hàng chục dự án đang kêu gọi đầu tư, thì yếu tố thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ đầu đóng vai trò rất quan trọng. Các dự án có phần tóm tắt thuyết phục và rõ ràng sẽ lôi cuốn người đọc tiếp tục tập trung xem xét thêm các phần sau của dự án.

phuong phap trinh bay du an dau tu kinh doanh kha thi

Thông thường phần tóm tắt dự án không dài quá hai trang chứa đựng những điểm chắt lọc, chủ yếu nhất của tất cả các phần còn lại của dự án. Trong phần tóm tắt, bạn nên đưa vào những con số tài chính mà theo bạn sẽ gây ấn tượng nhất đối với các nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh mà dự án mang lại.

Ngoài ra, phần này nên có thêm ba mục nhỏ gồm:

(a) Mục tiêu: nêu ra những mục tiêu tài chính và phi tài chính mà dự án nhắm đến (doanh thu, tỷ suất lợi nhuận, hiệu quả sản xuất…).

(b) Nhiệm vụ: những hình ảnh mà công ty muốn tạo ra đối với khách hàng, những giá trị mà dịch vụ/sản phẩm của công ty sẽ mang lại cho khách hàng, những cam kết mà công ty sẽ thực hiện...

(c) Yếu tố thành công: những khác biệt mà công ty sẽ đem lại so với các đối thủ cạnh tranh, những yếu tố nhằm đảm bảo mục tiêu đưa ra sẽ đạt được.

Phần tóm tắt dự án nên được viết cuối cùng sau khi các phần khác của bản kế hoạch kinh doanh đã được hoàn thiện. Bởi vì lúc này người viết biết rõ dự án của mình có những điểm trọng yếu gì và sẽ dễ tóm tắt những gì mình đã viết ra hơn là tóm tắt những gì chưa được viết rõ ràng.

4. Phần thuyết minh chính của dự án đầu tư kinh doanh:

Phần này trình bày chi tiết nội dung và kết quả nghiên cứu ở bước nghiên cứu khả thi dự án trên các mặt: nghiên cứu thị trường sản phẩm (hay dịch vụ) của dự án ; nghiên cứu công nghệ của dự án ; phân tích tài chính của dự án ; phân tích kinh tế - xã hội của dự án ; tổ chức quản lý quá trình đầu tư. Trình bày phần này cần chú ý đảm bảo tính lôgíc, chặt chẽ và rõ ràng, nhất là khi tóm tắt, kết luận về thị trường. Người thẩm định dự án có công nhận kết quả nghiên cứu thị trường hay không là tùy thuộc vào sự đánh giá của họ đối với các chứng cứ được đưa ra và phương pháp lập luận, trình bày ở phần này.

Để thuyết phục các nhà đầu tư, một bản kế hoạch kinh doanh cần những yếu tố gì? Một bản kế hoạch kinh doanh hoàn thiện cần phải đảm bảo các phần sau:

(a) Sản phẩm, dịch vụ: mô tả sản phẩm, dịch vụ mà công ty sẽ cung cấp, chú trọng vào lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.

(b) Xác định nhu cầu của khách hàng: Xác định được nhu cầu của khách hàng là cơ sở để đơn vị thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng các dịch vụ, các biện pháp hỗ trợ. Chỉ sau khi xác định được nhu cầu (khách hàng cần gì? cần bao nhiêu? mức độ như thế nào?) thì mới xác định được các phương án thoả mãn nhu cầu của khách hàng.

(c) Phân tích thị trường: là phần trọng yếu mà từ đó người viết (cũng như người đọc) có thể xác định được phân khúc thị trường, tiềm năng phát triển, nhu cầu khách hàng, cách thức tiếp cận khách hàng, tình hình các đối thủ cạnh tranh…

(d) Chiến lược thực hiện: ở mức tối thiểu thường bao gồm các chiến lược tiếp thị, quảng bá, và bán hàng; nên bao gồm những cột mốc về ngày tháng và chi phí.

(e) Đội ngũ quản lý: phần này rất được nhà đầu tư chú trọng, bao gồm một sơ đồ tổ chức, sơ lược về năng lực của những người tham gia dự án, xác định những kỹ năng còn thiếu sót và chiến lược bổ trợ những thiếu sót ấy, cuối cùng là kế hoạch nhân sự ở cấp lãnh đạo.

(f) Phân tích tài chính: các báo cáo dự toán ở mức tối thiểu về kết quả kinh doanh, cân đối kế toán, lưu chuyển tiền tệ cho 3-5 năm, ngoài ra có thể phân tích thêm về thời điểm hòa vốn hoặc các chỉ tiêu tài chính cơ bản.

Một bản kế hoạch kinh doanh thường không đòi hỏi người viết phải trau chuốt về ngôn từ nên các ý chính có thể được viết dưới dạng gạch đầu dòng miễn sao bảo đảm yếu tố rõ ràng mạch lạc. Ngoài ra để làm phong phú và tăng tính hấp dẫn, dễ hiểu của bản kế hoạch, bạn có thể sử dụng hình ảnh, đồ thị và bảng biểu để minh họa cho ý tưởng của mình.

5.Trình bày kết luận và kiến nghị:

- Nêu rõ những thuận lợi và trở ngại cho việc thực hiện dự án ;

- Khẳng định ưu điểm và tính khả thi của dự án ;

- Các kiến nghị về chấp nhận đầu tư, về xin vay vốn cần ngắn gọn, rõ ràng.

6. Phần phụ lục của dự án:

Trình bày các chứng minh chi tiết cần thiết về các phương diện nghiên cứu khả thi mà việc đưa chúng vào phần thuyết minh chính của dự án sẽ làm cho phần thuyết minh chính trở nên phức tạp, cồng kềnh, do đó cần tách ra thành phần phụ đính.

Từ khóa » Trình Bày ý Tưởng Về Một Dự án Kinh Doanh