Phương Pháp Vẽ Dáng Người đơn Giản: Nguyên Tắc Và Các Tỷ Lệ Cơ ...

(Lưu ý rằng để tiến tới bài học này và hiểu hơn, thì yêu cầu bạn phải có sơ lược nền tảng về hình họa căn bản)

Cách vẽ dáng người đơn giản Sẽ mất nhiều buổi để bao quát những điều kỳ diệu của cơ thể con người. Bởi vì trước khi vẽ cơ thể người, yêu cầu chúng ta phải hiểu và biết sơ lược được nền tảng về hội họa, mĩ thuật, gọi chung là hình họa. Bởi vì cấu trúc cơ thể người khá là phức tạp, phải bắt buộc như vậy để việc vẽ cơ thể con người là một việc trải nghiệm thú vị, thay vì là một việc nhàm chán. Chúng ta sẽ xây dựng kỹ năng này ngay từ đầu, theo trình tự giống như bao quá trình vẽ hình họa khác, bắt đầu với một bộ xương đơn giản (hình cơ bản hoặc hình gậy, giống bước dựng khung khi vẽ khối cơ bản chẳng hạn), sau đó chuyển sang các phần tổng thể của cấu trúc cơ, và cuối cùng là chi tiết từng bộ phận trên cơ thể và khuôn mặt. Điều cơ bản đầu tiên chúng ta cần có được là tỷ lệ và chúng ta sẽ thực hành với lý thuyết cơ bản này trong một thời gian để chúng ta làm quen, không chỉ với “tỷ lệ lý tưởng” hay còn gọi là “tỉ lệ trung bình áp dụng chung cho mọi đối tượng bất kể giới tính” thông thường, mà còn với cách chúng thay đổi theo giới tính, tuổi tác, thậm chí cả nền tảng dân tộc.

Bộ khung xương cơ bản

Tạo bộ khung của đối tượng, tính từ phần đầu trở xuống. Một vóc dáng cân đối, bất kể sự khác biệt do giới tính hay như vậy, được xác định bởi sự liên kết của các khớp, điều này không thể thay đổi (nghĩa là chúng ta nhận thấy một điều gì đó kỳ lạ nếu nó thay đổi). Đây là cơ sở về tỷ lệ. Bắt đầu bằng cách vẽ hình bầu dục hoặc hình quả trứng (đầu nhọn hướng xuống) cho một cái đầu và đánh dấu nhân 8 lần lên, lần cuối cùng là mặt đất. Phép đo (chiều cao lý tưởng của nam giới = tám cái đầu) đã được đặt ra trong thời kỳ Phục hưng như một sự lý tưởng hóa hình dáng con người. Rõ ràng là rất ít người thực sự cao tám đầu (ngay cả những người Bắc Âu với vóc dáng cao lớn, cũng chỉ cao hơn bảy đầu), nhưng đây vẫn là lý thuyết tốt nhất để bắt đầu, vì nó giúp dễ nắm bắt hơn. Vì với người mới bắt đầu, việc căn chỉnh 8 đầu sẽ thuận tiện hơn là căn chỉnh 7,5 đầu, điều này sẽ làm lan man trong lúc loay hoay tìm cho ra chính xác 0,5 đầu.

Xương chậu

Tiếp đến là xương chậu, được đơn giản hóa thành một vòng tròn dẹt giữa đầu 3 và 4, với khớp hông ngồi trên phần đánh dấu thứ 4. Chiều rộng của nó khoảng 1,5 đến 2 lần chiều rộng đầu. Bây giờ bạn có thể vẽ cột sống nối đầu với phần quan trọng nhất của cơ thể, trọng tâm và sự ổn định của nó.

Chân và đầu gối

Giả sử đối tượng chúng ta đang vẽ, đang đứng với bàn chân thẳng hàng với khớp hông. Các khớp gối nằm trên đầu số 6, vì đường đó tương ứng với đáy của nắp đầu gối.

Khi duỗi thẳng chân, khớp gối đặt trên một đường thẳng với hông và cổ chân (hình mẫu trái). Nhưng đường thẳng này là không chính xác, đúng hơn là để hoàn thành chân, nối khớp hông với mặt trong của chỏm đầu gối, và sau đó lại nối mặt ngoài của đầu gối với mặt trong của mắt cá chân (hình mẫu phải). Đây là mô tả một cách rất đơn giản nhưng chính xác của cấu trúc xương thực tế và giúp vẽ ra dáng vẻ tự nhiên của chân người, chân thon gọn từ hông, sau đó chùng ra ở đầu gối và thon lại. Điều này cũng giúp đặt các cơ ở các giai đoạn sau.

Xương lồng ngực (hay còn gọi là xương sườn), núm vú và rốn

Nhóm lồng ngực-phổi là phần quan trọng thứ ba của cơ th ể, sau đầu và xương chậu. Đơn giản hóa của nó là một hình bầu dục bắt đầu ở nửa giữa đầu 1 và 2, xuống đến đầu 3; nhưng tốt nhất bạn nên chặt phần dưới của nó như hình minh họa ở đây để bắt chước khung xương sườn thật, vì phần trống giữa xương sườn là xương chậu rất quan trọng: nó mềm và có thể thay đổi (bụng phẳng, bụng mềm, eo ong bắp cày) và nó cũng là nơi xảy ra nhiều xoắn và chuyển động nhất ở cột sống. Bạn nên biết điều đó và không gắn thân và xương chậu với nhau như hai khối, vì điều đó sẽ “chặn” phạm vi chuyển động của bản vẽ của bạn. Chiều rộng của hình bầu dục gần bằng với khung xương chậu. Hai chi tiết nữa ở đây: núm vú rơi vào đầu số 2, ngay bên trong hai bên đầu và rốn ở đầu số 3.

Vai

Đường vai nằm khoảng nửa giữa đầu 1 và 2, với chiều rộng vai từ 2 đến 3 lần chiều rộng đầu, nhưng vị trí rõ ràng của nó có thể thay đổi rất nhiều. Bắt đầu vẽ, nó hơi cong xuống, nhưng khi căng thì vai sẽ căng lên và đường cong có thể tự quay lên và trông cao hơn. Hơn nữa, cơ hình thang phía trước kết nối vai với cổ theo góc nhìn chính diện, tùy vào cơ địa mỗi người, nếu nó rất cơ bắp hoặc có nhiều mỡ, nó có thể làm cho đường vai trông cao đến mức không có cổ; ngược lại, chỗ cơ hình thang kém phát triển, thường thấy ở những phụ nữ còn rất trẻ, gây ấn tượng về một chiếc cổ dài. Sự phân tích ngắn gọn về các chi tiết không có xương này là để đảm bảo không có sự nhầm lẫn giữa vị trí thực tế của đường vai và vị trí rõ ràng của nó trong một cơ thể có xương, một số ví dụ được trình bày bên dưới.

Cánh tay, Cổ tay và Bàn tay

Cuối cùng là cánh tay: Cổ tay nằm ở đầu 4, hơi thấp hơn khớp hông nằm bên trên (bạn có thể tự kiểm tra bằng cách đứng lên và ấn cổ tay vào hông). Các ngón tay kết thúc ở khoảng giữa đùi, là đầu số 5. Khuỷu tay là một khớp hơi phức tạp mà chúng ta sẽ xem xét chi tiết sau, nhưng hiện tại sẽ hữu ích nếu đánh dấu chúng là hình bầu dục thuôn dài (cũng gần giống với hình quả trứng) nằm ở đầu thứ 3. Vậy là chúng ta đã hoàn thành sơ bộ về bộ khung xương cơ thể người. Bây giờ chúng ta sẽ mở rộng các phần chia bằng cách kẻ các đường gióng ngang dài ra thêm, để chuẩn bị qua bước kế tiếp sẽ vẽ theo góc nhìn ngang 1/2, nhìn từ bên hông, để cân đối với tỉ lệ của khung xương chính diện chúng ta vừa hoàn thiện bên trên.

Góc nhìn ngang 1/2

Bắt đầu bằng cách vẽ lại phần đầu, cùng hình dạng quả trứng nhưng phần cuối hướng theo đường chéo xuống và thả một đường thẳng đứng từ vương miện xuống đất. Ở tư thế đứng thẳng, bạn có thể đặt xương chậu (phiên bản hẹp hơn của quả trứng minh họa cho phần đầu người), vai và đầu gối gần như nằm trên đường thẳng đứng này. Chúng ở cùng một mức độ như trước, nghĩa là từ các phần khớp có sẵn bên cạnh, ta chỉ việc gióng theo đường ngang qua bên phần nhìn ngang để đảm bảo đúng theo tỉ lệ đã chia sẵn trước đó.

Cột sống trong góc nhìn ½

Nhìn từ bên cạnh, cột sống được tiết lộ có hình dạng giống như hình chữ “S” dẹt. Từ đáy hộp sọ, nó di chuyển xuống hơi xiêng cho đến khi đạt đến vị trí ngang với vai (giữa bả vai). Lưu ý khớp vai ở phía trước so với cột sống! Điều này là do, một lần nữa, “đường” vai trên thực tế là một vòng cung (đã nói ở phần vai bên trên). Sau đó, cột sống lại lùi về phía trước, và đỉnh trở lại (vào trong) cao hơn một chút so với khung xương chậu (phần nhỏ của lưng, có độ sâu khác nhau và có thể làm cho lưng cong). Cuối cùng, nó đổi hướng một lần nữa và kết thúc ở xương cụt hay còn gọi là xương đuôi.

Phần hình tròn xanh là chú thích cho phần vai ở góc nhìn từ trên xuống, thấy rõ được độ cong của vai như đã nói trên

Xương sườn và đầu gối trong trong góc nhìn 1/2

Xương sườn được gắn chặt với cột sống, ở một cơ thể vừa vặn khi đứng thẳng, xương sườn được đẩy về phía trước một cách tự nhiên. Khớp hông ở phía trước trục thẳng đứng của chúng ta và điều này được cân bằng bởi mắt cá chân ở phía sau trục thẳng đứng một chút, khi đó trọng lượng cơ thể sẽ được cân bằng. Vì vậy, đường hông – đầu gối – mắt cá chân của chúng ta sẽ nghiêng về phía sau, và lại so le: từ khớp háng đến phía trước khớp gối, và từ phía sau khớp gối đến mắt cá chân.

Hiệu ứng tổng thể của tư thế này là một vòng cung thị giác từ đầu đến ngực đến chân (màu xanh lục) và khi nó được làm phẳng hoặc đảo ngược, ta nhận thấy một tư thế đứng không được vững vàng (nếu đc làm phẳng) hoặc chùng xuống trong tư thế đứng (nếu đảo ngược đường vòng cung)

Cánh tay trong góc nhìn ngang

Cuối cùng là cánh tay, được chia làm 2 phần (không kể bàn tay) ngăn cách bởi cùi chỏ, phần trên rơi xuống khá thẳng so với vai, vì vậy khuỷu tay có thể thẳng hàng với cánh tay sau (hoặc hơi ngã về phía sau). Nhưng cánh tay không bao giờ duỗi hoàn toàn khi nghỉ, do đó cẳng tay không thẳng đứng: cánh tay hơi cong và cổ tay ngã về phía trước, ngay trên xương hông. (Ngoài ra khi thả lỏng bàn tay, các ngón tay co lại một chút như hình ở đây).

Tổng hợp lại

Vậy là đã hoàn thành xong phần khung xương cơ bản, không khác biệt gì so với tỉ lệ con người và đây là sơ đồ để tổng hợp tất cả những điều trên: 1. Cằm 1,5. Vai 2. Núm vú 3. Rốn – Khuỷu tay 4. Khớp hông – Cổ tay – Háng 5. Các đầu ngón tay (ở tư thế duỗi thoải mái) – Giữa đùi 6. Phần dưới của khớp đầu gối 7. Phần dưới của cơ bắp chân, hoặc có thể hiểu là giữa cẳng chân (về phần cơ bản chân có thể tìm hiểu thêm chuyên sâu ở phần học anatomy) 8. Lòng bàn chân (chạm mặt đất)

Một số lưu ý về tỷ lệ

Sau đây là một vài lời nhắc trực quan hữu ích dựa trên cơ thể. Vận dụng vào các tình huống khi cơ thể không đứng thẳng. (Ảnh minh họa)

Thực hành

Chúng tôi đã đề cập đến rất nhiều tài liệu và bây giờ là thời điểm tốt để tạm dừng việc nghiên cứu và tự làm quen với hình cơ bản này trước khi chúng ta chuyển sang sự khác biệt giữa cấu trúc nam và nữ (và những cấu trúc khác). Ví dụ, bạn có thể tích hợp kiến thức mới này vào thực hành phác thảo hàng ngày của mình bằng cách chồng lên một bản phác thảo nhanh với hình cơ bản có tỷ lệ chính xác sau khi đã nghiên cứu qua bài này.

Một vài mẹo nhỏ

Tôi luôn bắt đầu bằng cái đầu, nhưng việc bạn bắt đầu vẽ phần nào trên cơ thể không thực sự quan trọng, nếu bạn cảm thấy thoải mái và đạt được kết quả tốt. Còn nếu không chắc chắn hoặc đang gặp khó khan về kĩ năng vì chưa biết bắt đầu từ đâu, tôi khuyên bạn nên thử với cái đầu trước. Hãy làm quen với cách vẽ hình cơ bản này bằng tay với lực đè nhẹ, vì phần thân đã hoàn thành sẽ được dựng lên trên nó, nếu vẽ quá đậm thì sẽ khó phân biệt lớp phác thảo dưới và lớp hoàn thiện đè lên trên. Chúc bạn có những khoảnh khắc thực hành thật thoải mái.

*Zest dịch từ nguồn: https://design.tutsplus.com/articles/human-anatomy-fundamentals-basic-body-proportions–vector-18254

Từ khóa » Cách Vẽ Người Cơ Bản