Phương Pháp Vẽ Sơn Dầu Nhiều Lớp | Nguyen Dinh Dang's Blog

Nguyễn Đình Đăng

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp dựa trên nguyên tắc hòa sắc quang học. Đây là phương pháp hoàn thiện nhất trong kỹ thuật hội hoạ sơn dầu. Phương pháp này được đúc kết từ kinh nghiệm của các bậc thầy trong lịch sử hội hoạ và đã trải qua thử thách không dưới 600 năm.

Giá trị của phương pháp này là ở chỗ:

1 – cho phép đạt được các chuyển sắc đa dạng nhất;

2 – hạn chế tối đa tác hại gây bởi phản ứng hoá học giữa các màu khi bị pha trộn trên palette;

3 – giảm bớt khó khăn về kỹ thuật trong quá trình dựng một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao;

4- bảo đảm sự trường tồn của tác phẩm.

Quá trình dựng một bức tranh sơn dầu bằng phương pháp vẽ nhiều lớp bao gồm các bước chính sau đây:

1) Tạo màu nền,

2) Can hình,

3) Imprimatura,

4) Vẽ lót đơn sắc,

5) Lên màu,

6) Vẽ láng,

7) Hoàn thiện

8) Phủ varnish bảo vệ.

1. Tạo màu nền

Màu của nền và imprimatura (Xem mục 3) định ra hòa sắc chung cho toàn bộ bức tranh, tương tự như giọng chủ của một bản nhạc. Ánh sáng chiếu lên mặt tranh, xuyên qua các lớp màu trong, đập vào mặt nền, bị hấp thụ một phần và phản xạ lại một phần. Phần phản xạ liên kết các sắc độ trên tranh, tạo ra sự hài hòa về màu sắc. Vì thế màu nền cần phải là màu đục nhất. Những lớp màu trong phủ trên nền có màu tạo ra độ sâu trong tranh, tăng tính biểu hiện và độ rực rỡ của màu sắc. Tùy theo độ dày của lớp màu và cường độ ánh sáng, các lớp màu trong phủ lên nhau trên nền có màu tạo nên rất nhiều chuyển sắc, trong khi các lớp màu đục có rất ít chuyển sắc, và giảm độ tinh khiết khi pha trộn với màu trong. Vì thế hoà sắc đẹp nhất của màu đục với màu trong là hòa sắc được tạo bởi láng lớp màu trong lên trên lớp màu đục đã khô.

2. Can hình

Hình hoạ bố cục của bức tranh có thể được vẽ thẳng lên canvas hoặc vẽ lên giấy rồi can lên canvas. Nên tránh dùng bút chì để vẽ lên canvas vì không thể nào xóa được hết hoặc che kín toàn bộ các nét chì graphite bằng màu, nhất là khi vẽ mỏng. Nếu vẽ hình thẳng lên canvas thì nên dùng màu nước hay mực Nho.

Để can hình từ giấy lên canvas, có thể dùng giấy can để sao hình. Sau đó quết lên mặt sau của tờ giấy can một lượt dung dịch loãng gồm ultramarine hay umber sống (raw umber) hòa với dầu thông (spirit of turpentine). Sau khi dầu thông bay hơi hết, tờ giấy can sẽ có một mặt phủ một lớp màu ultramarine hay umber, trở thành một tờ giấy “than”. Úp mặt “than” lên canvas, rồi dùng đầu cứng như bút bi, bút chì vạch theo các nét của hình vẽ để can hình vẽ lên canvas.

Sau khi hình vẽ đã được can lên canvas, dùng bút lông chấm màu nước hay mực Nho viền lại, rồi để khô. Hãm hình đã can bằng một dung dịch keo, ví dụ gum arabic, gelatin loãng (2 – 3%), hay fixative cho pastel (chì, than), rồi để khô (khoảng 3 – 5 tiếng).

pen

Bút lông (của Nhật) chứa sẵn mực Nho dùng để viết chữ Hán, rất tiện cho việc tô lại hình can lên canvas.

3. Imprimatura

461px-Lascapigliata

Leonardo da VinciĐầu phụ nữ (La Scapigliata) (kh. 1508)sơn dầu trên canvas, 24.7 x 21 cm.Leonardo dùng trắng chì và umber vẽ trên imprimatura màu nâu.

Imprimatura là lớp màu mỏng và trong phủ lên toàn bộ bố cục, cùng với màu nền tạo nên hòa sắc chung cho cả bức tranh, và tạo “chân” cho sơn dầu bám chặt vào nền. Màu imprimatura cần khô nhanh, như màu sienna sống, màu nâu đỏ venice. Dung dịch pha màu để vẽ imprimatura cần chứa nhiều dung môi và ít dầu tạo màng, ví dụ theo tỉ lệ (công thức phổ thông):

dầu lanh : dammar varnish : dầu thông = 1:1:6

4. Vẽ lót đơn sắc

underpainting

Vẽ lót đơn sắc của Jan Van Eyck (trái) và Rembrandt (phải)

Lớp vẽ lót (underpainting (E), ébauche (F), подмалевок (R)) là lớp màu đầu tiên nhằm mục đích tạo sáng tối, lên hình khối. Các màu được dùng để vẽ lớp lót đơn sắc phải là màu khô nhanh như trắng chì, nâu đất tối (umber), nâu sienna, vàng ochre. Không nên dùng trắng kẽm để vẽ lót vì lâu khố, độ phủ kém, dễ gây bong nứt theo thời gian.

Có thể dùng tempera để vẽ lót, nhưng sau đó nên phủ lên một lớp dung dịch keo động vật (như keo da thỏ) rồi trên lớp dung dịch keo đã khô lại phủ một lớp dammar varnish. Nếu dùng tempera để vẽ lót thì nên tránh vẽ trên nền sơn, vì độ hút kém, khó bám, mà nên dùng nền nhũ tương hoặc nền phủ acrylic gesso có độ hút nhất định. Vẽ lót cần mỏng, đều, để lớp lót khô nhanh và khô hoàn toàn trước khi lên màu. Lớp vẽ lót cần được thực hiện rất cẩn thận, hoàn thiện tối đa, tương tự như bức tranh đã hoàn thành nhưng đơn sắc, trong đó hình hoạ và hình khối đã được hoàn thiện.

Dung dịch pha màu vẽ lót có tỉ lệ như sau:

dầu lanh : dammar varnish : dầu thông = 1:1:5.

5. Lên màu

Đây là giai đoạn vẽ màu và chi tiết cho bức tranh. Trước khi vẽ màu nên phủ lên toàn bố cục một lượt dung dịch pha màu như được dùng cho lớp imprimatura (mục 3) hoặc một lớp retouching varnish. Màu được lên từ từ, lớp nọ chồng lên lớp kia, các chỗ sáng cần được vẽ dày bằng màu ấm, các chỗ trung gian và tối cần được vẽ mỏng bằng màu lạnh.

Dung dịch pha màu thường dùng trong giai đoạn này có tỉ lệ như sau:

dầu lanh : dammar varnish : dầu thông = 1:1:4,

sau đó giảm dần dầu thông khi vẽ các lớp trên (ví dụ thành 1:1:3).

Khi vẽ những chỗ có màu sáng, nên thay dầu lanh trong dung dịch bằng dầu lanh đặc (sun-thickened linseed oil), dầu đọng (stand oil), hoặc dầu hạt óc chó (walnut oil) để tránh ngả vàng.

rubens_elevation

Peter Paul RubensDựng Thánh giá (1610 – 1611)sơn dầu trên canvas, 462 x 341 cm.Rubens dùng màu cục bộ (đỏ, vàng và lam) phủ lên lớp vẽ lót.

Dung dịch pha màu dùng dầu lanh, dammar varnish và dầu thông trên đây là dung dịch phổ thông. Khi đã có kinh nghiệm và kỹ năng tốt, hoạ sĩ có thể dùng các dung dịch khác như dầu lanh đặc (hay dầu đọng) pha với Venice turpentine, copal varnish và dầu oải hương (lavender oil) mà các bậc thầy Phục Hưng và Baroque từng dùng (Xem chi tiết trong bài “Chất kết dính và dung môi của sơn dầu“.)

6. Vẽ láng

Vẽ láng (glazing (E), glacis (F), лессировка (R)) chỉ áp dụng cho những lớp trên cùng. Ánh sáng phản xạ từ lớp màu bên dưới khi đi qua lớp màu trong bên trên tạo ra hòa sắc quang học, không thể đạt được bằng pha trộn màu trên palette. Láng thường được vẽ như một lớp màu sẫm, trong và mỏng phủ lên một lớp màu sáng hơn (đã khô), ví dụ ultramarine láng lên nền vàng. Nếu láng đỏ lake lên trên đỏ cadmium sẽ được tông màu rất tinh khiết và sâu vì lớp đỏ lake láng hấp thụ các tia sáng có màu phụ như lục. Kỹ thuật phủ một màu sáng bán đục lên một màu tối hơn (đã khô) để làm mềm các đường viền, tạo hiệu quả viễn cận không khí, lớp phấn trên da thịt v.v. được gọi là day (scumbling). Để láng và day cần có một dung dịch đặc biệt, chứa nhiều dầu tạo màng (dầu lanh) và ít dung môi (turpentine) hơn, đồng thời cần bóng và ít ngả vàng. Sơn dầu phải được hòa với nhiều dung dịch cho đủ loãng và trong để có thể láng trơn tru trên lớp sơn đã khô hẳn.

Có nhiều công thức pha dung dịch vẽ láng, ví dụ:

9 phần Dammar varnish 9 phần dầu thông 4 phần dầu đọng 2 phần Venice turpentine.

Có thể gia giảm tỉ lệ trong các công thức dung dịch tùy theo điều kiện môi trường xung quanh như nhit đ, đ m, số lớp sơn, kỹ thuật vẽ, và tính chất của hoạ phẩm cụ thể.

Vermeer

Chi tiết trong “Người phụ nữ trẻ bên đàn virginal” (1670 – 1672):Vermeer đã láng lục đất lên màu hồng của da thịt để tạo bóng đổ.

7. Hoàn thiện

Đây là giai đoạn cuối cùng. Hoạ sĩ nhìn lại toàn bộ bố cục, sửa các chi tiết sao cho toàn bộ bề mặt bức tranh được hoàn thiện, không bỏ sót chỗ nào. Một trong các cách kiểm tra bộ cục, hình khối và hòa sắc là nhìn bức tranh ở khoảng cách xa, nhìn bức tranh lộn ngược, hoặc nhìn hình phản chiếu trong gương của bức tranh. Cũng có thể chụp lại bức tranh rồi cho vào PC có màn hình rộng để nhìn rõ các chỗ cần sửa.

8. Phủ varnish bảo vệ

LEFSATPV

Satin varnish của hãng Lefranc & Bourgeois được chế từ nhựa acrylic, ketone, silica và dầu mỏ tinh chế, có độ bóng vừa phải, không ngả vàng và chống được tia cực tím.

Varnish bảo vệ vừa tạo cho bức tranh độ bóng đồng đều, vừa ngăn được mặt sơn tiếp xúc với bụi và các ô nhiễm trong môi trường. Varnish còn khiến hoà sắc của bức tranh trở nên trong và sâu hơn. Varnish tốt chậm đổi màu theo thời gian và có thể gỡ đi được sau khi đổi màu.

Điều kiện tối quan trọng để có thể varnish một bức sơn dầu là tranh phải đủ khô để varnish không tác dụng với màu trên tranh. Nếu không, sau này khi gỡ varnish ra, lớp màu trên mặt tranh sẽ bị hư hại, đặc biệt là các lớp láng. Vì thế chỉ phủ varnish sau khi tranh đã để khô ít nhất khoảng 6 – 12 tháng.

Tuyệt đối tránh ẩm và bụi vì nước sẽ gây ra các bọt li ti trong lớp varnish khô hoặc làm đục varnish, còn bụi sẽ nổi lên lổn nhổn trên mặt varnish khi khô, đặc biệt là ở các chỗ tối, làm xấu cả bức tranh. Vì thế, nên chọn ngày hanh khô để phủ varnish. Trước khi phủ varnish, nên dùng vải mềm tẩm white spirit lau sạch bụi khỏi bề mặt bức tranh, để thật khô rồi mới quết varnish.

Khi quết varnish, đặt bức tranh nằm trên mặt phẳng như sàn nhà, bàn trong phòng thoáng gió nhưng hạn chế bụi tối đa, và dùng bút bẹt to bản (rộng khoảng 7 – 9 cm), lông mềm, chất lượng tốt để lông khỏi rụng, dính vào mặt varnish khi quết. Bút lông như vậy thường đắt tiền (khoảng 10 – 20 USD). Vì thế, bút quết varnish tốt nhất là loại bút foam (bọt biển) vì mịn, không để lại vệt bút, và rẻ tiền (2 – 3 USD), dùng một lần xong có thể vứt đi, khỏi phải ngâm rửa. Quết bút theo một chiều, ví dụ từ trên xuống dưới và chuyển dần từ trái sang phải. Sau khi quết varnish lên toàn bộ bề mặt bức tranh, nhìn nghiêng theo bề mặt để tin chắc không còn chỗ nào hở (chưa được phủ varnish). Các vệt bút, nếu có, sẽ tự hòa vào nhau khi varnish khô, tạo nên một bề mặt nhẵn, phẳng và bóng hoặc matte tùy loại varnish.

BRUSH

Bút bọt biển

 *

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp đòi hỏi, bên cạnh tài năng, một lòng say mê tìm tòi và thử nghiệm, đức tính kiên trì cũng như cảm giác về sự hoàn hảo. “La Mã không được xây trong một ngày.” Nên nhớ rằng các bậc thầy hội hoạ từng vẽ hàng chục năm mới đạt được trình độ hoàn thiện trong kỹ thuật vẽ nhiều lớp. Đến thiên tài kim cổ vô song như Leonardo da Vinci cũng phải trải qua không dưới 15 năm để đi từ bức “Lời truyền tin” (1472 – 1475) vẽ bằng tempera và sơn dầu tới bức “Người đàn bà với con chồn” (1490) (không vẽ láng), và khoảng 30 năm để đạt tới trình độ trong kiệt tác “Mona Lisa” (1503 – 1506).

16.9.2013

______________

© Nguyễn Đình Đăng, 2013 – Tác giả giữ bản quyền. Bài chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

______________

Các bài trong series này:

Nền móng của tranh sơn dầu

Màu trắng của sơn dầu

Trao đổi về pha mầu vẽ

Bí mật của màu sắc

Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?

Chất kết dính và dung môi của sơn dầu

Một giáo trình dạy nhiều cái sai

Hội họa sơn dầu: thịnh và suy

Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
  • Pinterest
  • LinkedIn
  • Tumblr
Like Loading...

Related

Tags: hội hoạ, kỹ thuật sơn dầu

This entry was posted on 16/09/2013 at 4:44 pm and is filed under hội họa. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

Từ khóa » Tranh Sơn Dầu Vẽ Bằng Màu Gì