Phương Thức Biểu đạt Là Gì? Cách Phân Loại Các ... - CungHocVui

Trong quá trình học môn Ngữ văn, các bạn học sinh sẽ được làm quen với các phương thức biểu đạt trong văn bản. Vậy phương thức biểu đạt là gì? Có những phương thức biểu đạt nào? Cùng tham khảo qua bài viết dưới đây các bạn nhé!

I. Khái niệm

Phương thức biểu đạt trong văn bản là cách mà người viết truyền tải những thông điệp đến với người đọc, thể hiện những tâm tư, những suy nghĩ, tình cảm của chính người viết đối với đối tượng đang đọc tác phẩm của mình.

II. Phân loại

Có 6 loại phương thức biểu đạt như sau:

- Tự sự

- Miêu tả

- Thuyết minh

- Biểu cảm

- Nghị luận

- Hành chính - công vụ

1. Phương thức biểu đạt tự sự

- Là việc người viết sử dụng ngôn ngữ để kể một câu chuyện theo từng diễn biến, trình tự, hoặc kể lại một chuỗi những câu chuyện có liên quan đến nhau nhằm khơi gợi một vấn đề, một nhân vật... có ý nghĩa đối với người đọc. Văn tự sự không chỉ tập trung vào việc kể mà còn thể hiện những khía cạnh, những góc khuất của cuộc sống, của con người mà mỗi chúng ta đều có thể thấy chính mình ở đó.

- Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt tự sự: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích

2. Phương thức biểu đạt miêu tả

- Là việc sử dụng những từ ngữ, hình ảnh để giúp người đọc liên tưởng ra được sự vật, hiện tượng đang xảy ra hoặc được nói đến một cách chân thực, cụ thể và sinh động nhất. Hay là việc miêu tả để người đọc hình dung được thế giới nội tâm phong phú của nhân vật, của con người.

- Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt miêu tả: Thơ, bút kí, văn tả người, tả cảnh...

3. Phương thức biểu đạt biểu cảm

- Đây là một phương thức được thấy tương đối nhiều, bởi việc bộc lộ những cảm xúc, những tâm tư, nguyện vọng là một nhu cầu thiết yếu của con người trong cuộc sống. Phương thức biểu cảm là việc dùng những từ ngữ thể hiện thái độ, cảm xúc, tình cảm... của người viết về những sự việc được nói đến, những nhân vật trong tác phẩm hay là cảm xúc của người viết về chính mình...

- Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt biểu cảm: có hầu hết trong các loại văn bản: truyện, thơ, vè,...

phương thức biểu đạt

Xem thêm Cách làm bài phân tích các tác phẩm văn học

Một số cách trình bày bài văn nghị luận trong bài thi THPT Quốc Gia

4. Phương thức biểu đạt thuyết minh

- Là cung cấp cho người đọc những tri thức về sự vật, địa điểm, nhân vật lịch sử... là các kiến thức hàn lâm hoặc khoa học mà con người chưa biết. Từ đó làm tăng, mở rộng vốn hiểu biết của con người về những sự vật, hiện tượng đó.

- Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt thuyết minh: văn thuyết minh về con vật, đồ vật, thuyết minh về di tích lịch sử, địa điểm du lịch, thuyết minh về một nhân vật lịch sử hay một vấn đề khoa học...

5. Phương thức biểu đạt nghị luận

- Là việc dùng những dẫn chứng, luận điểm, luận cứ để người viết bộc lộ quan điểm cá nhân, dẫn dắt người đọc theo quan điểm, đồng tình với quan điểm của mình.

- Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt nghị luận: văn nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một tư tưởng đạo lí...

6. Phương thức biểu đạt hành chính - công vụ

- Là phương thức dùng để giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, hay giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan hoặc giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí

- Loại văn bản thường xuất hiện phương thức biểu đạt hành chính - công vụ: Các nghị định của nhà nước, thông tư được ban hành, văn bản báo cáo trong các công ty, các hợp đồng thuê, mua bán, sở hữu...

Thông qua bài viết về Các phương thức biểu đạt, Cunghocvui hi vọng các bạn học sinh sẽ có thêm được kiến thức về các phương thức này để làm tốt các bài tập môn Ngữ văn. Chúc các bạn đạt được điểm cao trong học tập!

Tags cách xác định phương thức biểu đạt phương thức biểu đạt các phương thức biểu đạt phuong thuc bieu dat phương thức biểu đạt là gì

Từ khóa » Cái Vé Là Gì