Phương Tiện Nào được Lưu Thông Vào Hà Nội Thời Kỳ Giãn Cách - PLO

Ngày 24-7, hàng loạt các tuyến đường chính ở cửa ngõ Thủ đô (đường 1 từ Bắc Ninh về Hà Nội, Quốc lộ 5A, 5B, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) đã xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các chốt kiểm soát dịch.Tình trạng ùn tắc kéo dài từ 6 giờ sáng, khi Hà Nội bắt đầu thực hiện lệnh giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ùn tắc nghiêm trọng tại cửa ngõ Hà Nội

Ghi nhận của PLO vào lúc 17 giờ tại chốt kiểm soát trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho thấy, tình trạng ùn tắc kéo dài tới hơn 4 km. Mặc dù hầu hết các phương tiện (cả ô tô, xe máy) đều bị buộc phải quay đầu, nhưng dòng xe vẫn cứ dồn về hướng nội thành Hà Nội, khiến lực lượng làm việc tại các chốt rất vất vả.

Nhiều phương tiện buộc phải quay đầu xe tại chốt kiểm soát Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vì không thuộc đối tượng ưu tiên lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: TP

Một CSGT làm nhiệm vụ tại chốt cho biết, thực hiện chỉ đạo về giãn xã hội toàn thành phố, chốt kiểm soát đã yêu cầu đóng chốt đối với hầu hết các phương tiện. “Chỉ có xe phục vụ phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia và chở hàng hoá thiết yếu mới được thông chốt” - vị này nói.

Trước tình trạng ách tắc tại các chốt kiểm soát, Công an TP và Sở GTVT Hà Nội đã có chỉ đạo đối với các chốt có lưu lượng phương tiện lớn (ở các tuyến đường chính vào Thủ đô) tổ chức kiểm soát thành nhiều lớp để phân luồng phương tiện, giải toả ách tắc.

Cụ thể, tại chốt kiểm soát trạm thu phí cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ sẽ có 3 lớp kiểm soát, lớp kiểm soát đầu tiên đặt trước trạm thu phí để cho những đối tượng phải quay đầu phải quay ngay. Đối với những đối tượng chở hàng hoá được phép đi qua thì tổ chức kiểm tra ở trạm thứ 2, bên trong trạm thu phí. Với xe vận tải lớn như containner thì kiểm tra ở chốt thứ 3 để tránh tối đa ùn tắc.

Loại phương tiện nào được lưu thông

Thông tin với báo chí sáng ngày 24-7, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết Hà Nội chỉ ưu tiên đi lại trên địa bàn thành phố đối với 3 loại phương tiện trong thời gian 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Đối tượng thứ nhất là xe chở hàng hoá đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá trên “luồng xanh” quốc gia, có lộ trình đi qua TP. Những phương tiện thuộc loại này được phân luồng theo các lộ trình như sau: Từ các tỉnh phía Nam, hướng Hà Nam thông qua Hà Nội: tuyến Quốc lộ 1A, 1B lưu thông qua nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ - Vành đai 3 trên cao đi Cầu Thanh Trì hoặc Cầu Thăng Long để đi các tỉnh, thành phố khác.

Từ các tỉnh phía Đông Bắc, hướng Bắc Ninh thông qua Hà Nội theo tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội Lạng Sơn lưu thông qua cầu Thanh Trì - Vành đai 3 trên cao để đi tỉnh, thành phố khác.

Ùn tắc tại chốt kiểm soát Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ kéo dài khoảng 4 km vào lúc 17 giờ ngày 24-7. Ảnh: TP

Từ các tỉnh phía Tây Bắc, hướng Hòa Bình thông qua Hà Nội lưu thông theo đường Quốc lộ 6 qua nút giao Khuất Duy Tiến hoặc theo đường Đại lộ Thăng Long qua nút giao Trung Hoà đi Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh, thành phố khác.

Đối tượng ưu tiên thứ hai là xe chở hàng hoá thiết yếu cho thành phố Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND TP.

Đối tượng ưu tiên thứ ba là xe chở người và các phương tiện phục vụ, hoạt động công vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ông Viện cho hay, để phục vụ các đối tượng ưu tiên lưu thông, chủ các phương tiện thực hiện cấp giấy phép “luồng xanh” quốc gia trên Cổng dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ việc cấp không quá 4 phút và sau khi nhận được đầy đủ thông tin, Sở Giao thông vận tải sẽ cấp ngay trong thời gian không quá 1 phút, hoàn toàn thực hiện trên mạng internet. Sau khi hoàn thành thủ tục, các phương tiện sẽ được cấp mã QRCode để in ra giấy và dán trên xe. Ngoài “luồng xanh” thì đối với hàng hoá mau hỏng cần phải vận chuyển nhanh thì có thêm phù hiệu “hàng hoá mau hỏng”, đảm bảo nhanh gọn lưu thông.

Ngoài 22 chốt kiểm soát đặt tại cửa ngõ Thủ đô, Công an TP và Sở GTVT Hà Nội sẽ thiết lập thêm 30 chốt kiểm soát, các quận, huyện, thị xã cũng thiết lập thêm 26 chốt để kiểm soát các phương tiện lưu thông trên địa bàn Hà Nội…
Bí thư Hà Nội lý giải việc giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16
(PLO)- Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng lý giải việc thực hiện giãn cách toàn thành phố 15 ngày là đòi hỏi tất yếu để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân… TRỌNG PHÚ Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Những Xe Nào được Vào Thành Phố Hà Nội