Picasso Qua Năm Thời Kỳ Hội Họa - IDesign
Có thể nói, như một người bạn đời của Picasso, sự nghiệp hội họa của ông phản ánh chính xác những xúc cảm và những sự kiện quan trọng mà ông từng trải qua. Hôm nay hãy cùng iDesign điểm qua 5 thời kỳ hội họa của vị danh họa nổi tiếng này nhé!
1. Thời kỳ xanh – The blue period (1901-1904)
Màu xanh luôn gắn liền với sự cô đơn, lạnh lẽo, với nước mắt và nỗi buồn. Chữ “blue” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là chán nản, ưu tư, ủ ê. Danh hoạ Pablo Picasso đã mang sắc xanh này vào những tác phẩm của mình trong Thời kỳ Xanh (the Blue Period) để lột tả loạt cảm xúc này.
Những bức tranh mang sắc màu chủ đạo là xanh lam hoặc xanh lá cây – lam được ông thực hiện vào giai đoạn những năm 1901-1904. Đây là khoảng thời gian danh hoạ phải đối diện trước cái chết của cô em gái 7 tuổi, và anh bạn thân đồng hương – Casagemas. Sự mất mát này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Picasso, là chất xúc tác cho một loạt các bức tranh mà ông bắt đầu vẽ ngay sau đó, mỗi bức tranh đều bao trùm bởi gam màu lạnh: xám đen, xanh lam u sầu, và xanh lá cây ốm yếu.
Những nhân vật bị ruồng bỏ, thất nghiệp hay đơn giản chỉ là những người đang vật lộn với áp lực của cuộc sống hàng ngày đã trở thành đối tượng yêu thích của Picasso trong Thời kỳ Xanh. Người nghệ sĩ đã mang những khía cạnh khác nhau của cuộc sống vào cùng một bức tranh: nghèo đói, sự chối từ, nỗi thống khổ trong sáng tạo, và cả sự tiếc thương cho những người đã mất.
2. Thời kỳ hồng – The rose period (1904 – 1906)
Tiếp sau Thời kỳ Xanh (the Blue Period) với các gam màu lạnh u ám và buồn bã, giai đoạn 1904-1906 đánh dấu Thời kỳ Hồng (the Rose Period) của Pablo Picasso là nơi ông sử dụng các tông màu tươi sáng như cam và hồng trong các tác phẩm của mình nhằm thể hiện sự lãng mạn, ấm cúng nhưng vẫn xen lẫn trong ấy cảm giác cam chịu, cô đơn và ma mị.
Chuỗi ký ức đau buồn đọng lại từ Thời kỳ Xanh đã được xoa dịu vào năm 1904 khi ông gặp nàng thơ của mình – bà Fernande Olivier. Đây được cho là một trong những lý do có thể khiến ông thay đổi phong cách vẽ của mình. Harlequins, nghệ sỹ biểu diễn xiếc và chú hề là những nhân vật được xuất hiện thường xuyên trong Thời kỳ Hồng và còn phổ biến trong nhiều giai đoạn khác nhau trong suốt phần sự nghiệp còn lại của ông.
At “Lapin Agile” (Harlequin with Glass) (tạm dịch: Chú hề cùng cái ly ở Lapin Agile), 1905, Pablo Picasso Family of Saltimbanques (tạm dịch: Gia đình của Saltimbanques), 1905, Pablo Picasso Acrobat and Young Harlequin (tạm dịch: Acrobat và chú hề nhỏ), 1905, Pablo Picasso Family of Acrobats with Monkey (tạm dịch: Gia đình của những người nhào lộn với khỉ), 1905, Pablo Picasso
Ở Thời kỳ Hồng, Picasso tiếp tục thử nghiệm phong cách làm cho các đối tượng của mình trở nên vô danh, dẫn đến một ma trận nghệ thuật xoay quanh nhân vật trong tranh, chứ không đơn thuần là một người cụ thể nữa. Ở bức tranh Người phụ nữ khoả thân ngồi có thể thấy đối tượng được đặc tả, nhưng không được miêu tả.
Thời kỳ Xanh đã đưa Picasso lên đỉnh cao sự nghiệp, trở thành một trong số những nghệ sỹ quan trọng nhất thế kỷ 20. Sau năm 1904, ông lấy lại chất liệu lãng mạn vốn có và đưa chúng vào một loạt tranh với màu sắc ấm áp, rực rỡ. Trong khi Thời kỳ Xanh tập trung thể hiện nỗi buồn sâu thẳm của Picasso, Thời kỳ Hồng lại hướng đến tinh thần nghệ thuật của thời đại lúc bấy giờ: bản thân bức tranh là thứ quan trọng nhất, không phải chủ đề hay nội dung của nó.
Portrait of Fernande Olivier in headscarves (tạm dịch: Chân dung Fernande Olivier trong khăn trùm đầu), 1906, Pablo Picasso Les Baladins (tạm dịch: Mẹ và con người diễn xiếc), 1904-1905, Pablo Picasso La Mort d’Arlequin (tạm dịch: Cái chết của chú hề), 1906, Pablo Picasso
3. Thời kỳ ảnh hưởng châu Phi (1907-1909)
Sau Thời kỳ Xanh và Hồng, Pablo Picasso chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật điêu khắc, đồ tạo tác và mặt nạ truyền thống châu Phi. Từ năm 1907 đến năm 1909, ông bước vào Thời kỳ ảnh hưởng Châu Phi (còn được gọi là Thời kỳ Negro hay Thời kỳ Đen). Lý do ông chọn Châu Phi làm nguồn cảm hứng của mình là bởi tính Lập thể rõ ràng của nó.
Thời kỳ Ảnh hưởng Châu Phi bắt đầu với bức tranh nổi tiếng – Những cô nàng ở Avignon. Tại đây, Picasso đã phác hoạ năm cô gái “bán hoa” trong một nhà thổ tại phố Avignon, Barcelona. Khuôn mặt ba người phụ nữ bên trái được vẽ dựa trên các tác phẩm điêu khắc của Iberia. Để tránh sự đơn điệu trong bố cục, Picasso đã lấy cảm hứng từ mặt nạ truyền thống của Châu Phi để khắc hoạ khuôn mặt của hai người phụ nữ còn lại. Bằng cách sử dụng các khối hình học, Picasso đã miêu tả cơ thể người phụ nữ một cách sáng tạo và đầy sức gợi. Đây cũng được cho là ví dụ nổi tiếng nhất của Trường phái lập thể trong hội hoạ, đồng thời cũng là một trong những tác phẩm nổi bật nhất trong thời kỳ Châu phi của Picasso.
Bust of young woman from Avignon (tạm dịch: Tượng bán thân của người phụ nữ Avignon trẻ), 1907, Pablo Picasso Dance of the Veils (tạm dịch: Vũ điệu mạng che mặt), 1907, Pablo Picasso Head of woman (tạm dịch: Đầu của người phụ nữ), 1908, Pablo Picasso The Avignon Dancer (tạm dịch: Vũ công ở Avignon), 1907, Pablo Picasso Composition with skull (tạm dịch: Bố cục với hộp sọ), 1908, Pablo Picasso Flowers on the table (tạm dịch: Hoa trên bàn), 1907, Pablo Picasso
Từ năm 1907 đến năm 1908, Picasso chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các bức chân dung trừu tượng về phụ nữ loã thể (đặc biệt là theo nhóm), những cái đầu méo mó và những hình người mơ hồ. Đến giai đoạn cuối của thời kỳ này, ông bắt đầu áp dụng kỹ thuật mới của mình vào tranh tĩnh vật về trái cây, cảnh các nhà máy, đồng thời kết hợp cảm hứng châu Phi của mình nhiều hơn với Chủ nghĩa lập thể để tạo ra những cảnh quan rực rỡ đầy màu sắc. Ngoài ra, Picasso cũng mở rộng cách tiếp cận này sang một số tác phẩm điều khắc, nhưng chúng ít phổ biến hơn nhiều so với các bức tranh sơn dầu còn tồn tại đến thời nay.
Mặt khác, xuyên suốt sự nghiệp của mình, Picasso đã phủ nhận việc ông lấy cảm hứng nghệ thuật từ Châu Phi, nhưng có rất nhiều bằng chứng cho rằng quan sát và sưu tầm các vật phẩm từ Châu Phi trong giai đoạn đầu của trường phái Lập thể. Nhiều ý kiến cho rằng Picasso chiếm dụng văn hoá của người Châu Phi và đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục. Đọc bài viết chi tiết hơn về vấn đề này ở: Picasso và hội họa thế giới đã nợ nghệ thuật châu Phi bao nhiêu?
4. Thời kỳ lập thể (1909-1912)
Pablo Picasso là một trong những hoạ sĩ tiên phong của Chủ nghĩa Lập thể, phong trào được cho là đã tái định nghĩa nghệ thuật. Thời kỳ Lập thể Phân tích là giai đoạn chính thức đầu tiên của trường phái lập thể, kéo dài từ năm 1909 đến năm 1912.
Những hoạ sĩ theo đuổi trường phái Lập thể muốn nắm bắt được khía cạnh hai chiều của một bức tranh. Điều này được thực hiện bằng cách chia nhỏ đối tượng thành các phần hình học nhỏ như hình cầu, hình trụ, hình chữ nhật, hình khối đủ cả và gần như biến nó thành một loạt các góc và đường thẳng. Những mảng hình này sẽ được đặt dày đặc tại trung tâm, sau đó tản ra nhiều hướng về các cạnh. Để có được chiều sâu hơn, nhiều nghệ sĩ như Picasso đã vẽ những hình khối này từ nhiều góc độ, sau đó cắt chúng ra và xếp lại một cách ngẫu nhiên, chồng chéo trên cùng một mặt phẳng.
Girl with mandolin (Fanny Tellier) (tạm dịch: Cô gái cầm đàn mandolin), 1910, Pablo Picasso Guitar player (tạm dịch: Người chơi đàn), 1910, Pablo Picasso Man with a guitar (tạm dịch: Người đàn ông với cây đàn ghi-ta), 1911, Pablo Picasso Poet (tạm dịch: Nhà thơ), 1911, Pablo Picasso Still life with bottle of Anis del Mono (tạm dịch: Tĩnh vật với chai Anis del Mono), 1909, Pablo Picasso Still life with bottle of rum (tạm dịch: Tĩnh vật với chai rượu rum), 1911, Pablo Picasso The Mandolinist (tạm dịch: Người chơi đàn Măng-đô-lin), 1911, Pablo Picasso The Piano Accordionist (tạm dịch: Người chơi đàn phong cầm), 1911, Pablo Picasso
Một đặc trưng trong các tác phẩm thời kỳ Lập thể phân tích chính là bảng màu đơn giản, thường bao gồm xám, xanh lam, màu đất son, và hầu như là đơn sắc. Điều này giúp người xem không bị phân tâm khi nhìn vào cấu trúc và mật độ ảnh dày đặc ở trung tâm khung hình. Trong giai đoạn này, Picasso có xu hướng ít tập trung vào hình dáng cơ thể con người hơn so với các tác phẩm ở thời kỳ trước đó. Ngược lại, ông vẽ những đồ vật thông thường như cái ống hay cái chai và biến chúng thành những tác phẩm hội hoạ độc đáo. Ngoài ra, Picasso còn áp dụng nền tảng của Lập thể Phân tích vào những tác phẩm điêu khắc của ông, ra mắt những bức tượng nhấn mạnh vào những góc nhìn khác biệt của Trường phái Lập thể.
Thời kỳ Lập thể Tổng hợp là phần tiếp theo của Thời kỳ Lập thể Phân tích, bắt đầu từ năm 1912 và kéo dài đến năm 1919. Trong khi Lập thể Phân tích là sự phá vỡ đối tượng thành những mảnh nhỏ, trường phái Lập thể Tổng hợp lại được xây dựng từ những thành tố và hình dáng mới bằng cách sử dụng các mảnh giấy vụn (thường là giấy dán tường hoặc các phần được cắt ra từ trang báo), sau đó dán vào các tác phẩm, hình thành nên chủ thể đã được tác giả nhìn nhận theo từng góc độ khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật cắt dán được sử dụng trong hội hoạ.
Clarinet, bottle of bass, newspaper, ace of clubs (tạm dịch: Kèn cla-ri-nét, chai bass, tờ báo, lá xì chuồn), 1913, Pablo Picasso Head (tạm dịch: Cái đầu), 1913, Pablo Picasso Man with guitar (tạm dịch: Người đàn ông với cây đàn ghi-ta), 1913, Pablo Picasso Man with pipe (tạm dịch: Người đàn ông với cái tẩu), 1914, Pablo Picasso Nature morte au compotier (tạm dịch: Tĩnh vật với mứt quả và ly), 1914–1915, Pablo Picasso Guitare, clarinette et bouteille sur une table (tạm dịch: Đàn Ghi-ta, kèn cla-ri-net và chai trên bàn), 1916, Pablo Picasso Still-life with door, guitar, and bottles (tạm dịch: Tĩnh vật với cánh cửa, cây đàn ghi-ta và chai), 1916, Pablo Picasso Arlequin jouant de la guitare (tạm dịch: Chú hề chơi đàn ghi-ta), 1918, Pablo Picasso Portrait of young girl (tạm dịch: Chân dung cô gái trẻ), 1914, Pablo Picasso Arlequin (tạm dịch: Chú hề), 1917, Pablo Picasso
Các tác phẩm thuộc chủ nghĩa Lập thể tổng hợp là sự kết hợp của các màu sắc như tươi sáng như đỏ, vàng, xanh lá cùng với nhiều thể loại chất liệu khác nhau từ báo, tạp chí, đến các loại bìa thư, hay những lá bài poker. Một bề mặt sơn nhẵn có thể kết hợp bên cạnh các mảnh giấy vụn đã được sắp xếp khéo léo, điểm xuyết bằng các nét cọ thô góp phần hoàn thiện bức tranh. Mục đích cuối cùng vẫn là tạo ra một mặt không gian phẳng hai chiều. Chủ đề được Picasso lựa chọn là dòng tranh tĩnh vật xoay quanh đàn ghi-ta, chai rượu, hộp thuốc, lọ hoa… Những đồ vật quen thuộc mà ông nhìn thấy thường xuyên trong đời sống hằng ngày, được khai thác một khía cạnh mới, được làm nhân vật chính cho các tác phẩm nghệ thuật của danh hoạ.
5. Thời kỳ Tân cổ điển và thời kỳ Siêu thực (1918-1945)
Năm 1917, Pablo Picasso chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nền văn hoá Ý và nghệ thuật Phục Hưng. Những lần ghé thăm bảo tàng khảo cổ học ở Naples, những bộ sưu tập điêu khắc cổ nổi tiếng ở Vatican, tranh khảm La Mã ở Pompeii, Herculaneum, và các tác phẩm điêu khắc của Bernini đã truyền cảm hứng cho thời kỳ Tân cổ điển của ông.
Tác phẩm điêu khắc The Ecstasy of Saint Teresa – Bernini, 1647-1652 Tác phẩm điêu khắc David – Bernini, 1623
Chủ nghĩa Tân cổ điển ban đầu áp dụng cho sự trở lại của các họa tiết, chủ thể và đồ trang trí Cổ điển vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, với cảm hứng đến từ cuộc khai quật năm 1748 ở Pompeii và các tác phẩm của nhà khảo cổ học người Đức, Winckelmann. Sự đa dạng trong các phong cách nghệ thuật mà ông tìm hiểu lúc bấy giờ đã khơi dậy bản năng của Picasso, và trong những năm sau đó, những ký ức về nền nghệ thuật ông đã thấy ở Ý hiện lên trong các bức tranh thời kỳ Tân cổ điển. Hình ảnh của Picasso về bản thân ông dường như đã thay đổi, điều này được phản ánh qua phong cách có phần truyền thống hơn mà ông áp dụng trong nghệ thuật của mình, không còn vẻ khiêu khích như những thời kỳ trước nữa.
Two women running on the beach (tạm dịch: Hai người phụ nữ trên biển), 1922, Pablo Picasso Reading The Letter (tạm dịch: Đọc thư), 1921, Pablo Picasso Pan’s flute (tạm dịch: Sáo của Pan), 1923, Pablo Picasso Bathers (tạm dịch: Những người tắm biển), 1918, Pablo Picasso Three women at a fountain (tạm dịch: Ba người phụ nữ bên vòi nước), 1921, Pablo Picasso Woman with child on the seashore (tạm dịch: Người phụ nữ với đứa trẻ trên bờ biển), 1921, Pablo Picasso
Vào những năm 1920, bị ảnh hưởng bởi các bài viết của nhà tâm lý học Sigmund Freud, phong trào văn học, trí thức và nghệ thuật của Chủ nghĩa siêu thực coi các quy tắc của xã hội là áp bức, đàn áp người nghệ sĩ. Ngay sau đó, họ đã khơi mào cuộc cách mạng chống lại những ràng buộc của lý trí. Năm 1925, nhà văn kiêm nhà thơ theo trường phái Siêu thực André Breton tuyên bố Picasso là “đồng minh” trong bài báo Le Surréalisme et la peinture (tạm dịch: Chủ nghĩa Siêu thực và hội hoạ) của ông, đăng trên tạp chí Révolution surréaliste (tạm dịch: Cuộc cách mạng siêu thực), mở đường cho Picasso chính thức đến với Thời kỳ Siêu thực.
Three Dancers tương tự như Les Demoiselles a’Avignon (xemThời kỳ Ảnh hưởng Châu Phi) trong tác động cách mạng của nó, tuy nhiên điều đáng chú ý ở bức tranh không phải là các yếu tố của Chủ nghĩa nguyên thủy mà là sự mê loạn của phụ nữ. Tác phẩm mô tả thực tế hình ảnh các vũ công ba lê đang tập luyện. Một người bạn cũ của ông đã qua đời trong lúc ông đang thực hiện bức tranh này. Những sự kiện này đã thay đổi cách tiếp cận của Picasso trong nghệ thuật. Hình vẽ góc cạnh méo mó, màu sắc khắc nghiệt và bề mặt sơn dày đặc dường như thể hiện những cảm xúc bạo lực bó buộc trong ông.
Sự biến dạng cơ thể và vẻ mặt nhăn nhó điên cuồng, kết hợp với cấu trúc hình chóp của các nhân vật lại xuất hiện trong Crucifixion tàn bạo không kém. Về cơ bản, Chủ nghĩa Siêu thực đã làm sống lại cảm hứng của Picasso đối với Chủ nghĩa Nguyên sơ, Chủ nghĩa Khêu gợi và bạo lực. Sự thịnh nộ lập dị và bản chất tổng thể của những bức tranh này như chất liệu cho sự vô thức trong ông; một làn sóng bạo lực và khêu gợi mà không ai có thể diễn tả được trong xã hội tư sản lúc bấy giờ.
Weeping Woman (tạm dịch: Người phụ nữ đang khóc), 1937, Pablo Picasso Girl in Front of Mirror (tạm dịch: Cô gái trước gương), 1932, Pablo Picasso Great Still life on pedestal (tạm dịch: Tĩnh vật trên bệ), 1931, Pablo Picasso Seated Portrait of Marie-Therese Walter (tạm dịch: Chân dung Marie-Therese Walter ngồi), 1937, Pablo Picasso The Kiss (tạm dịch: Nụ hôn), 1925, Pablo Picasso Painter and his model (tạm dịch: Người hoạ sĩ và người mẫu của ông ta), 1928, Pablo Picasso
Tổng hợp và biên dịch: Belle
Từ khóa » Họa Sĩ Picasso Tác Phẩm
-
DANH HỌA PABLO PICASSO VÀ CÁC TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
-
Danh Họa Pablo Picasso - (1881 – 1973) | Vietnam Arts
-
Danh Họa Picasso Và Những Tác Phẩm đắt Giá Nhất Thế Giới
-
Guernica (Picasso) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Pablo Picasso - Vài Nét Về Cuộc đời Và Sự Nghiệp
-
Picasso Và Các Tác Phẩm Nổi Tiếng Thế Giới - Fashion Bible
-
Danh Họa Picasso Trong Tầm Ngắm Của Cảnh Sát Nhập Cư Pháp - RFI
-
Tìm Hiểu Về Tiểu Sử Vĩ đại Của Họa Sĩ Picasso Nổi Tiếng Thế Giới
-
Pablo Picasso (Phần 2) - IDesign
-
Pablo Picasso Danh Họa Nổi Tiếng Nhất Mà Thế Giới Từng Có
-
Pablo Picasso Tác Phẩm Nghệ Thuật