Plasmodium Knowlesi, Ký Sinh Trùng Sốt Rét Khỉ Gây Bệnh Cho Người

Plasmodium knowlesi, ký sinh trùng sốt rét khỉ gây bệnh cho ngườiNgày cập nhật 23/02/2012
(Nguồn ảnh: http://www.themicrobiologyblog.com)

Để đáp ứng yêu cầu thông tin “Hội thảo sốt rét lây truyền từ khỉ sang người” do Ủy ban hợp tác Y tế Việt Nam-Hà Lan (MCNV) tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 6-7/3/2012, chúng tôi xin cập nhật một số thông tin về lịch sử phát hiện bệnh này để bạn đọc quan tâm tham khảo.

Ký sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người theo y văn có 4 chủng loại là Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae và Plasmodium ovale. Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện thêm được Plasmodium knowlesi, một chủng loại ký sinh trùng sốt rét của khỉ có khả năng gây bệnh cho người. Quá trình phát hiện Plasmodium knowlesi Chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi đã được các nhà khoa học phát hiện lần đầu tiên ở loài khỉ xanh đuôi dài (Macaca fascicularis). Sau đó, Plasmodium knowlesi cũng được phát hiện với vai trò gây bệnh sốt rét tự nhiên ở loài khỉ xanh đuôi lợn (Macaca nemestrina); đồng thời cũng gặp ở loài khỉ đầu hình mũ lá (Mitred leaf monkey) gọi là Presbytis melalophos. Trong nghiên cứu thực nghiệm ghi nhận ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi có thể gây nhiễm cho nhiều loại linh trưởng khác. Vào năm 1932, các nhà khoa học đã minh chứng được ký sinh trùng sốt rét khỉ Plasmodium knowlesi có thể gây nhiễm cho con người. Plasmodium knowlesi gây nhiễm cho người được xem là không nguy hiểm do cơ sở y tế ban đầu chưa xác định rõ và chủng loại ký sinh trùng này được xem giống như chủng loại Plasmodium vivax với vai trò là một tác nhân gây sốt. Việc điều trị được thực hiện như bệnh giang mai thần kinh vào đầu những năm của thập kỷ 1930 trong thế kỷ trước. Việc nghiên cứu thực nghiệm đã bị ngừng lại do hệ quả tử vong của bệnh nhân. Khỉ macaque đuôi dài (số 2) Đến năm 1965, ký sinh trùng sốt rét khỉ Plasmodium knowlesi lần đầu tiên được báo cáo phát hiện lây nhiễm tự nhiên cho một du khách người Mỹ trở về nước sau chuyến du lịch đến quốc gia Malaysia. Sau đó, mặc dù đã có những nghiên cứu mở rộng vấn đề này ở Malaysia trong những năm của thập kỷ 1960 nhưng chưa ghi nhận trường hợp bệnh nào được thông báo thêm. Mãi đến năm 2004, khi nhà khoa học Singh và cộng sự xác định có 120 trường hợp người bị nhiễm bệnh tự nhiên do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi tại Borneo thuộc Malaysia, từ đó nhiều báo cáo nghiên cứu mới tiếp tục được công bố. Bằng việc phân tích hồi cứu các lam máu xét nghiệm cũ, các nhà khoa học phát hiện ra chủng loại ký sinh trùng sốt rét khỉ Plasmodium knowlesi đã gây nên nhiều trường hợp bệnh sốt rét cho con người từ năm 1996. Bệnh sốt rét ở loài khỉ Theo các nhà khoa học, hiện nay có ít nhất khoảng 26 chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium có thể gây nhiễm ở loài linh trưởng. Trên thực tế, sự lây nhiễm tự nhiên của chủng loại ký sinh trùng Plasmodium không phải ký sinh ở người lây truyền cho con người là những trường hợp rất hiếm. Tính chất đặc thù của từng vật chủ tự nhiên bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét đã cho thấy có sự khác biệt rất rõ ràng như chủng loại ký sinh trùng Plasmodium reichenowi thường gây bệnh sốt rét ở loài Chimpanzee, không thể gây nhiễm cho người. Tương tự như vậy, chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum gây bệnh sốt rét cho người chỉ gây nhiễm ký sinh trùng trong máu nhẹ ở loài Chimpanzee. Chủng loại ký sinh trùng sốt rét với những sự khác biệt đặc thù này hình như chỉ có khả năng gây bệnh do sự nhận diện hồng cầu đặc hiệu của từng loài hoặc là sự gắn khác biệt của thoa trùng (sporozoites) với tế bào gan. Đối với chủng loại ký sinh trùng Plasmodium knowlesi, thực tế cho thấy rõ ràng là chúng không có tính đặc hiệu loài một cách rõ ràng và chặt chẽ. Trên nghiên cứu thực nghiệm, việc lây truyền ký sinh trùng từ khỉ cho người và ngược lại từ người đến khỉ đã được minh chứng là có thể có khả năng xảy ra. Ngoài ra, một cơ chế khác có tính đặc thù của loài Plasmodia là tùy thuộc sự thích ứng, phù hợp và chặt chẽ của loài muỗi truyền bệnh, nơi sinh sống, điều kiện hoạt động thích hợp của chúng và tính đặc hiệu loài. Sự lây truyền ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi được hạn chế với loài muỗi truyền bệnh, chủng loại ký sinh trùng này có thể chỉ lây truyền bằng một loài muỗi Anopheles nào đó thích hợp. Theo nghiên cứu, có ít nhất hai loài muỗi truyền bệnh chính trong nhóm Anopheles leucosphyrus là Anopheles latens và Anopheles cracens có khả năng gây nhiễm ký sinh trùng sốt rét khỉ sang người. Thực tế những loài muỗi sống ở trong rừng có thể đốt máu cả con người lẫn loài khỉ hình nhân (Macaques) vào thời điểm buổi chiều tối hoặc suốt đêm. Theo nguyên lý, có nhiều cơ chế làm hạn chế khả năng của chủng loại ký sinh trùng Plasmodium không thích hợp với con người để gây nhiễm cho con người nhưng trên thực tế chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi được chứng minh đã hình thành một trường hợp ngoại lệ rất có ý nghĩa khác biệt đối với quy luật này. Trong các vật chủ tự nhiên, Plasmodium knowlesi gây nhiễm có mật độ ký sinh trùng ở trong máu với mức độ thấp và gây nên bệnh nhẹ. Các nhà khoa học chưa biết rõ bệnh sốt rét ở người do nhiễm Plasmodium knowlesi mắc phải từ loài muỗi truyền bệnh đốt máu khỉ hình nhân có mang mầm bệnh truyền sang người hay là sự lây truyền xảy ra từ người có mang mầm bệnh truyền sang người do muỗi truyền bệnh đốt máu. Bản chất bệnh ở động vật lây truyền cho con người được gợi ý do các trường hợp bị nhiễm bệnh tập trung thành cụm dân cư ở những cư dân người ở Sarawak, nơi mà hầu hết các trường hợp đã được phát hiện với nhiều bệnh nhân có tiền sử đã làm việc hoặc lưu trú ở trong rừng hoặc tại bìa rừng; một môi trường đặc thù, thích hợp của loài muỗi truyền bệnh sinh sống. Theo dõi trong suốt quá trình gây nhiễm cho người, ghi nhận các thể giao bào của ký sinh trùng được hình thành nhưng với mật độ thấp, điều này giúp hỗ trợ, gợi ý rằng sự lây truyền bệnh sơ khởi có khả năng từ động vật lây nhiễm sang con người. Vì vậy, sự thích nghi của môi trường đối với loài muỗi truyền bệnh tự nhiên ở trong rừng hoặc bìa rừng là điều kiện thích hợp, trái lại sự lây truyền tại thành phố lại không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, tình hình này có thể biến đổi nếu sự lây truyền bệnh từ người sang người có thể do một loài muỗi truyền bệnh thích hợp. Khả năng này có thể xảy vì thực tế đã có loài muỗi Anopheles stephensi hoạt động ở thành phố được phân bố rộng rãi được tìm thấy qua nghiên cứu thực nghiệm có thể là loài muỗi truyền bệnh đối với chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi. Các trường hợp bị mắc bệnh Ở nước Malaysia Đầu tiên trong nghiên cứu để thừa nhận chủng loại ký sinh trùng Plasmodium kowlesi là tác nhân gây bệnh sốt rét ở người tại Sarawak, Malaysia; các nhà khoa học đã điều tra những trường hợp bệnh và phát hiện qua lam máu xét nghiệm dưới kính hiển vi với kết quả nguyên nhân gây bệnh do nhiễm chủng loại ký sinh trùng Plasmodium malariae nhưng khi xác minh bằng kỹ thuật PCR (Polymerase chain reaction) lại cho kết quả âm tính. Khi các đầu mối nghiên cứu mới được áp dụng, có khoảng 58% trường hợp có các kết quả PCR âm tính ban đầu đối với Plasmodium malariae ban đầu được ghi nhận lại có kết quả dương tính với Plasmodium knowlesi. Kết quả này đã được nhận diện trong 120 trường hợp bị nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi ở người. Hình thái điển hình của các giai đoạn ký sinh trùng P. knowlesi trong hồng cầu của các bệnh nhân ở vùng khu vực Kapit thuộc đảo Borneo, Malaysia (Nguồn ảnh: http://www.huemed-univ.edu.vn Sau đó, Plasmodium knowlesi tiếp tục được phát hiện ở 266 mẫu máu xét nghiệm của 960 bệnh nhân sốt rét ở Sarawak nhập viện. Có 41/49 lam máu xét nghiệm được lưu giữ đã thu thập từ Sabah và 35/47 lam máu xét nghiệm được lưu giữ đã thu thập từ Sarawak ở những người Mã Lai thuộc Borneo và toàn bộ 89 trường hợp ở bán đảo Malaysia. Đến năm 2009, một báo cáo khoa học nghiên cứu về các trường hợp người bị nhiễm Plasmodium knowlesi ở Sarawak được công bố bao gồm hình thái lâm sàng và các dữ liệu xét nghiệm máu của 107 bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi trong giai đoạn từ năm 2006-2009. Vào năm 2004, tại Malaysia đã công bố có 5 trường hợp tử vong sốt rét do nhiễm chủng loại lý sinh trùng Plasmodium knowlesi. Ở các nước Đông Nam Á khác Sau khi phát hiện các trường hợp bị nhiễm bệnh tại Malaysia, nhiều trường hợp bệnh do nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi đã được ghi nhận ở các nước Đông Nam Á khác như Borneo thuộc Malaysia, Borneo thuộc Brunei, Borneo thuộc Indonesia, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Việt Nam... Việc chẩn đoán bệnh trong các trường hợp này được dựa trên kết quả phân tích bằng kỹ thuật PCR. Trên thực tế hầu hết các trường hợp sốt rét đều được phát hiện bằng lam máu xét nghiệm dưới kính hiển vi quang học. Hình ảnh P. knowlesi soi kính hiển vi của bệnh nhân tại Thái Lan Phiến máu giọt đàn cho thấy 2A) thể nhẫn, 2B) Tư dưỡng non dạng mãnh mai, 2C) Tư dưỡng đang phát triển hình dãy (thể band), 2D) Tư dưỡng đang phát triển với dạng ít biến hình hoặc không không biến hình, 2E) Tư dưỡng đang tăng trưởng nhân đôi, 2F) Phân liệt trẻ, 2G) Phân liệt già trong hồng cầu với hình gai ở rìa, 2H) Giao bào to trưởng thành. 2C,2D 2F) Hiện diện chấm đậm – sáng của Sinton và Mulligan (Nguồn ảnh: http://www.huemed-univ.edu.vn Năm 2004, sốt rét do nhiễm Plasmodium knowlesi được phát hiện ở một bệnh nhân sống ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan và những người đã từng đến viếng thăm miền Bắc Thái Lan, gần biên giới Myanmar. Tiếp đến, Plasmodium knowlesi đã được phát hiện ở 10 bệnh nhân từ phía Nam và Tây Nam Thái Lan; 33 bệnh nhân từ Myanmar; 5 bệnh nhân, gồm cả 2 bệnh nhân có tiền sử ở lại trong khu vực rừng ở Philippines; 2 người lính và 4 bệnh nhân khác từ vùng Tây Bắc Singapore; 5 bệnh nhân từ miền Trung Việt Nam và 1 bệnh nhân là thợ mỏ vàng ở Bắc Borneo, Indonesia. Theo nhà khoa học Sulistyaningsih và cộng sự đã kết luận, hình như ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi đã có khả năng phân bố toàn bộ Borneo. Các trường hợp du khách bị mắc bệnh Đầu tiên vào năm 1965, trường hợp một du khách bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi đã được phát hiện và sau đó 42 năm, trường hợp thứ hai được thông báo. Vào năm 2007, một du khách nam giới người Phần Lan bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi sau một cuộc viếng thăm 4 tuần đến bán đảo Malaysia. Nơi đó người du khách này đã ở lại khoảng 5 ngày trong rừng rậm, không uống thuốc phòng sốt rét. Khi bị mắc bệnh, người du khách được chẩn đoán sơ bộ bằng lam máu xét nghiệm soi dưới kính hiển vi với kết quả bị nhiễm phối hợp chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum và Plasmodium malariae. Trường hợp này và một số trường hợp khác kế tiếp sau đó đã được xác minh bằng kỹ thuật PCR và giải trình tự gene hoặc nested-PCR đặc hiệu đối với Plasmodium knowlesi nên đã xác định được mầm bệnh một cách rõ ràng. Trường hợp thứ 3 được thông báo cáo là một du khách nam giới người Thụy Điển di du lịch đến vùng Borneo thuộc Malaysia trong thời gian 2 tuần và ở lại trong rừng rậm khoảng 1 tuần. Kết quả chẩn đoán nhanh về sốt rét âm tính nhưng xét nghiệm lam máu soi kính hiển vi cho thấy mật độ ký sinh trùng máu thấp và nghi ngờ nhiễm bị Plasmodium malariae. Trường hợp thứ 4 được thông báo là một phụ nữ từ Mỹ đến du lịch tại Philippines, nơi quê hương gốc của du khách. Trường hợp thứ 5 là một người di cư gốc Malaysia đến sống ở Hà Lan. Trường hợp du khách thứ 6 có bằng chứng nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi là một nam giới người Úc làm việc mỗi tháng 10 ngày gần các khu rừng khai thác gỗ ở Borneo thuộc Indonesia, tỉnh xa nhất kể từ biên giới Malaysia. Trường hợp thứ 7 là một nam giới người Tây Ban Nha trở về nước sau một cuộc du lịch dài ngày ở các quốc gia Đông nam Á. Ngoài các thông báo này, một trường hợp nhiễm Plasmodium knowlesi được liệt kê trong thống kê y tế Anh quốc vào năm 2006 là một bệnh nhân đã viếng thăm Brunei. Bệnh cảnh lâm sàng và biến chứng Bệnh cảnh lâm sàng và biến chứng của bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium knowlesi được mô tả trong một nghiên cứu ở 107 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Sarawak, Malaysia trong thời gian từ năm 2006-2008. Các biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm của các bệnh nhân này giống như các bệnh nhân nhiễm các chủng loại ký sinh trùng Plasmodium khác. Đã có một báo cáo các bệnh nhân ở Việt Nam gợi ý rằng nhiễm ký sinh trùng không triệu chứng cũng có thể xảy ra. Ở Malaysia, các bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi có biểu hiện lâm sàng với triệu chứng sốt không đặc hiệu như cơn sốt hàng ngày và ớn lạnh. Các triệu chứng thường gặp khác gồm nhức đầu, rét run, người khó chịu, đau cơ, đau bụng, khó thở và ho có đờm. Triệu chứng thở nhanh, sốt và tim đập nhanh là dấu hiệu lâm sàng phổ biến. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện giảm tiểu cầu vào lúc nhập viện hoặc vào ngày kế tiếp. Thực tế không có bệnh nhân nào có biểu hiện đông máu nội mạch trên lâm sàng. Vào lúc nhập viện, chỉ có một số bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu, triệu chứng rối loạn chức năng gan nhẹ tương đối khá phổ biến. Đa số bệnh nhân với tỷ lệ khoảng 94% bị mắc bệnh không có biến chứng và người mắc bệnh đáp ứng tốt với các loại thuốc sốt rét thông thường như chloroquine và primaquine. Áp dụng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với nhiễm Plasmodium falciaparum, nhiễm Plasmodium knowlesi được đánh giá có khoảng 7% trường hợp mắc sốt rét nặng với biến chứng thường gặp là suy hô hấp nhiều hơn là do nguyên nhân chuyển hóa. Một vấn đề cũng được phát hiện là có sự liên quan rõ ràng giữa mật độ ký sinh trùng với sự phát triển của biến chứng suy hô hấp. Mật độ ký sinh trùng cũng có liên quan chặt chẽ đối với biến chứng rối loạn chức năng thận. Về nguồn gốc di truyền, Plasmodium knowlesi có mối liên quan rất gần gũi với Plasmodium vivax. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi bị nhiễm hai chủng loại ký sinh trùng có cùng chung hình thái thì tình trạng bệnh nặng và giảm tiểu cầu máu rất phổ biến. Tuy vậy, bệnh do nhiễm Plasmodium knowlesi gây ra nặng hơn bệnh do nhiễm Plasmodium vivax mặc dù bệnh sốt rét do nhiễm Plasmodium vivax có thể nặng hơn trong một số trường hợp. Thực tế này có thể gặp trong một số vùng miền nào đó như sốt rét nặng do nhiễm Plasmodium vivax chiếm khoảng 3% so với 7% bệnh nhân bị nhiễm Plasmodium knowlesi. Ở những bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi, hiếm khi gặp các triệu chứng thần kinh và chưa có trường hợp nào có biểu hiện sốt rét thể não theo các thông báo nghiên cứu đã công bố. Một nghiên cứu sau khi người bệnh bị tử vong ghi nhận Plasmodium knowlesi thường đọng lại trong mao mạch của não, tim và thận. Tương tự như Plasmodium falciparum, ký sinh trùng Plasmodium knowlesi có thể gây bệnh nặng hoặc thậm chí có thể gây tử vong. Ký sinh trùng này có một chu kỳ phát triển ngắn khoảng 24 giờ, tạo điều kiện thuận lợi làm cho bệnh tiến triển nhanh chóng. Ký sinh trùng Plasmodium knowlesi xâm nhập vào hồng cầu không bị hạn chế đối với hồng cầu non kể cả hồng cầu già. Vấn đề này có thể làm cho mật độ ký sinh trùng cao và sự phát triển của ký sinh trùng trong hồng cầu không có chu kỳ hòa hợp. Ngưỡng của ký sinh trùng trong máu cao do nhiễm Plasmodium knowlesi nhưng lại thấp hơn so với sốt rét do nhiễm Plasmodium falciparum về mặt lý thuyết. Tuy vậy, Plasmodium knowlesi có mật độ ký sinh trùng máu cao cùng với thời gian phát triển chu kỳ vô tính ngắn nên thực tế có thể gặp các trường hợp nhiễm Plasmodium knowlesi gây nguy kịch trong các thể nặng của bệnh. Trong 3/5 trường hợp tử vong được thông báo đã phát hiện người bệnh có mật độ ký trùng cao 15%, trên 10% và trên 10 ký sinh trùng trong một vi trường kính hiển vi. Vì vậy các bác sĩ khi điều trị các bệnh nhân phải chú ý đến khả năng có thể có nguy cơ gây tử vong do nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium knowlesi. Vấn đề cần được quan tâm Khi các trường hợp bệnh sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi được phát hiện ngày càng tăng lên đã cảnh báo những nhà khoa học cần nghiên cứu về sự xuất hiện của chủng loại ký sinh trùng sốt rét ký sinh ở loài khỉ có khả năng truyền bệnh sốt rét cho người với nguy cơ gây tử vong. Hiện nay, các kỹ thuật viên xét nghiệm chỉ mới được đào tạo để phát hiện 4 chủng loại ký sinh trùng sốt rét truyền thống thường gặp. Vì vậy nhiều trường hợp bệnh sốt rét bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi ở một số các quốc gia đã bị nhận diện nhầm lẫn với chủng loại ký sinh trùng Plasmodium malariae. Trong một số trường hợp, các test chẩn đoán nhanh sốt rét đã thất bại trong việc phát hiện người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi. Hơn nữa trên thực tế cũng ghi nhận các loại test chẩn đoán nhanh sốt rét đã thất bại trong việc nhận diện chính xác chủng loại ký sinh trùng gây bệnh. Do đó nếu các cơ sở y tế không có sẵn các phương pháp chẩn đoán sinh học phân tử nhanh như kỹ thuật PCR có thể tin cậy để chẩn đoán nhiễm Plasmodium knowlesi thì dùng phương pháp cổ điển truyền thống là lấy lam máu xét nghiệm soi bằng kính hiển vi quang học thường qui, soi cả lam máu giọt dày và lam máu giọt mỏng. Dùng các test chẩn đoán nhanh cũng cần thiết để chẩn đoán sốt rét nói chung và các bệnh nhân bị nhiễm Plasmodium knowlesi nói riêng nếu cơ sở có trang bị loại test chẩn đoán này. Hiện nay, bệnh sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi phát hiện ở người đã được thông báo với số lượng lớn tại Malaysia. Đa số các trường hợp phát hiện ở Borneo thuộc Malaysia và nhiều trường hợp cũng được phát hiện ở bán đảo Malaysia. Các nhà nghiên cứu khoa học cũng thông báo một số trường hợp sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium knowlesi đã hiện diện ở một số nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Brunei, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và Philippines... Hình như Plasmodium knowlesi là chủng loại ký sinh trùng sốt rét tự nhiên ký sinh ở loài khỉ Macaques đều có mặt tại hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Đông nam Á. Sự phân bố rộng rãi các trường hợp bệnh bị nhiễm Plasmodium knowlesi phát hiện được ở người đã cảnh báo Plasmodium knowlesi có thể gây nhiễm cho người. Điều này cũng đã gợi ý tính di truyền đa dạng của Plasmodium knowlesi được nhận diện ở các mẫu máu của người. Thực tế hiện nay ở một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, chủng loại ký sinh trùng Plasmodium knowlesi đang được phát hiện tăng dần số lượng và có khả năng tập trung vào một số vùng miền mà tại đó có sự giảm đi các trường hợp nhiễm bệnh do Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax và số trường hợp nhiễm bệnh do Plasmodium knowlesi vẫn còn có thể duy trì hằng định. Nếu có điều kiện trang bị và dùng phương pháp kỹ thuật PCR đặc hiệu đối với việc phát hiện Plasmodium knowlesi thì có thể ghi nhận thêm nhiều thông báo về tình hình nhiễm Plasmodium knowlesi. Vì vậy, sự gia tăng số lượng bệnh nhân qua các thông báo không nhất thiết có liên quan đến sự lan rộng thực sự của loài ký sinh trùng này mà có thể do đã dùng các phương pháp chẩn đoán PCR chuẩn xác hơn. Số lượng mắc bệnh cao ở người đã gợi ý rằng Plasmodium knowlesi có thể có khả năng gây nhiễm cho người nhiều hơn là các loài ký sinh trùng sốt rét khác ký sinh ở loài linh trưởng không phải là loại ký sinh trùng ký sinh ở người. Hiện nay, trong nghiên cứu thực nghiệm, không phải trong tự nhiên, đã ghi nhận được sự lây truyền ký sinh trùng từ người sang muỗi và qua người. Nếu sự lây truyền từ người sang muỗi và qua người xảy ra trong tự nhiên thì Plasmodium knowlesi có thể lan rộng thêm nữa ở các nước châu Á. Điều này có thể có khả năng xảy ra do sự phân bố rộng rãi của loài muỗi truyền bệnh Anopheles latens có mặt ở vùng Đông nam Á và phía nam của Tiểu lục địa Ấn Độ, gồm cả vùng du lịch quen thuộc miền Tây Ấn Độ. Một vấn đề cần quan tâm là sự lây truyền chủng loại ký sinh trùng này đã từng xảy ra trong quá khứ hoặc có thể hay không thể xảy ra trong tương lai nhưng hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa ghi nhận được có sự lây truyền mầm bệnh từ người sang muỗi và qua người trong tự nhiên cũng như chưa ghi nhân có sự lan rộng của chủng loại ký sinh trùng Plasmodium knowlesi. Sau khi phát hiện về sự lây nhiễm ký sinh trùng sốt rét từ khỉ sang người tại Việt Nam, Ủy ban Y tế Việt Nam-Hà Lan (MCNV) phối hợp với Hội Hỗ trợ phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS) và Viện Nghiên cứu Nhân loại và Tự nhiên Nhật Bản (RIHN) tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề “Sốt rét trong rừng: từ khỉ sang người” vào ngày 6-7/03/2012 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Kết quả của cuộc hội thảo này sẽ mở ra những triển vọng mới cho các nhà khoa học có liên quan đến lĩnh vực này ở trong nước và nước ngoài tiếp tục nghiên cứu một vấn đề mà nhiều quốc gia đang quan tâm. TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

[In trang này ] [ Đóng ]

Từ khóa » Hình ảnh Ký Sinh Trùng Sốt Rét