Podcast Trên Báo điện Tử Việt Nam: Đường Mới đã Mở!
Có thể bạn quan tâm
“Cứ đi rồi sẽ thành đường”, “suy nghĩ và hành động hết mình, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua”… đó dường như đã là những slogan luôn được giới báo chí nước nhà tự nhắc nhớ chính mình.
Trong vô vàn thách thức, khó khăn bủa vây, những người làm báo vẫn không hề nhụt chí, vẫn không ngừng sáng tạo, không ngừng nỗ lực tự tìm cho mình một hướng đi để vượt qua.
Sự lựa chọn Podcast của nhiều tờ báo điện tử Việt Nam vài ba năm trở lại đây chính là một trong những hướng đi mới ấy. Và thật đáng mừng, hướng đi ấy bước đầu đã có những thành công, một con đường phát triển mới cho báo chí Việt đang được mở ra, với rất nhiều hứa hẹn…
Từ sự bùng nổ toàn cầu
“Nội dung là vua nhưng công nghệ là nữ hoàng, báo chí hiện đại trọng dụng công nghệ và chạy theo công nghệ để tồn tại và phát triển” - nhận định được nhà báo Lê Quốc Minh đưa ra cách đây hơn 3 năm cho thấy một xu thế không thể khác của báo chí toàn cầu, và báo chí Việt Nam, cũng không thể nằm ngoài xu hướng ấy.
Những năm qua, sự xuất hiện và biến đổi ngày càng nhanh chóng của các xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực báo chí; sự lấn át theo chiều hướng ngày càng mạnh mẽ của các loại hình truyền thông mới, đặc biệt là các nền tảng xã hội đã khiến các tòa soạn tại Việt Nam không thể không quan tâm, thậm chí ngày càng nhận thức được một cách rõ ràng rằng nếu muốn bắt kịp thói quen tiếp nhận thông tin mới của công chúng thì không còn cách nào khác là phải nhanh chóng thích ứng và ứng dụng với các loại hình công nghệ báo chí mới vào quá trình truyền tải thông tin. Ứng dụng Podcast trên báo điện tử Việt Nam là minh chứng mới nhất của việc “bắt kịp xu hướng” ấy.
Thực ra phải nói ngay rằng, câu chuyện ứng dụng Podcast của báo điện tử Việt là câu chuyện “cũ người mới ta”. Từ 18 năm trước, thuật ngữ Podcast đã được khai sinh bởi một nhà báo Anh tên gọi Ben Hammersley. Thời điểm đó, với Ben Hammersley, Podcast chỉ đơn giản là cụm từ được ghép giữa iPod (máy nghe nhạc) và broadcast (phát sóng).
Nhưng điều mà Ben Hammersley không thể ngờ là, chỉ vỏn vẹn một năm sau, thuật ngữ Podcast do ông khai sinh một cách rất bột phát ấy đã đường hoàng bước chân vào cuốn từ điển danh tiếng Oxford, thậm chí được bình chọn là “Từ ngữ của năm” với định nghĩa là “một tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được tải từ internet và phát trên máy tính hoặc thiết bị mà bạn có thể mang theo”. Từ giây phút đó, Podcast - những tập tin âm thanh thu sẵn được tải lên mạng - bắt đầu “lên ngôi” với “tốc độ tên lửa”.
Hai năm trở lại đây, sự kéo dài dai dẳng của đại dịch COVID-19, nỗi cô đơn trống vắng khủng khiếp bởi chuỗi ngày giãn cách, bởi những cách ly hay hạn chế giao tiếp càng khiến nhiều người tìm đến với Podcast như một điểm tựa sẻ chia, và nhờ thế Podcast trở nên một hình thức thông tin thịnh hành trên phạm vi toàn cầu.
Theo Statista, đến hết năm 2022, ước tính số lượng người nghe Podcast sẽ chiếm hơn 20% tổng lượng người sử dụng Internet trên toàn thế giới (khoảng 424 triệu người). Có những nơi như tại Mỹ, phần đa dân số được cho đều đã từng 1 lần nghe Podcast.
Theo thống kê cuối năm 2021 của Spotify, hơn 1 triệu Podcast được đăng tải trên nền tảng chỉ trong năm 2021. Hết năm 2022 này, doanh thu quảng cáo từ Podcast có thể tăng lên hơn 2 tỷ USD và có khả năng vượt ngưỡng 4 tỷ đô-la vào năm 2024.
Không bỏ lỡ cơ hội kiến tạo nguồn thu mới đồng thời là phương thức truyền tải thông tin hiệu quả, hàng loạt các cơ quan báo chí quốc tế đã nhanh chóng vận dụng Podcast như một cách thức chuyển tải thông tin mới, rất hiệu quả. The New York Times, The Washington Post, CNN, BBC, Reuters hay Bloomberg... đều đã rất nhanh chóng có các chương trình Podcast.
Rất nhanh, Podcast lấn lướt phát thanh truyền thống bởi lợi thế cho phép bất cứ ai, đơn giản chỉ cần sóng internet, một chiếc điện thoại thông minh, là có thể dễ dàng làm những điều mà họ muốn: tìm kiếm, tải về để nghe, thậm chí tua lại bất kì tệp âm thanh nào, cũ hay mới, dài hay ngắn, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu.
Nếu vài năm trước, podcast còn khá xa lạ với đa số người Việt thì hiện nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của internet và công nghệ, Podcast đã trở nên phổ biến và được các chuyên gia dự báo là một xu thế nghe âm thanh mới đầy hứa hẹn trong tương lai. Theo thống kê của We are social 2021, 70,3% dân số Việt Nam ở độ tuổi 16-64 dành 6 tiếng 47 phút để sử dụng Internet mỗi ngày. Trong 6 tiếng 47 phút này, người Việt dùng 44 phút để nghe Podcast. |
Không nằm ngoài xu hướng
Điều đáng nói là báo chí Việt Nam đã không nằm ngoài xu hướng này của báo chí thế giới, mạnh dạn nắm bắt xu hướng dù không quá sớm nhưng cũng chẳng là quá muộn. Từ vài ba năm trở lại đây, đặc biệt là trong khoảng từ giữa năm 2021, đã lần lượt xuất hiện những cơ quan báo chí bắt tay vào sản xuất và phát hành nhiều sản phẩm “phát thanh kỹ thuật số” Podcast.
Danh sách này ngày càng đông đảo, từ Nhân dân, VietnamPlus, Vnexpress, Zing, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (VOH) đến Dân Việt, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an Nhân dân, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Thời báo Tài chính Việt Nam…
Điều đáng nói là không chỉ có những nhật báo lớn toàn quốc mạnh về công nghệ và nhân lực, trong “đội ngũ làm Podcast” của báo chí Việt hiện nay còn lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều các tờ báo địa phương như báo Phú Thọ, Bình Phước, Long An, Hải Dương… Nhiều tờ báo khác cũng đang trong chiến lược để ra kênh Podcast trên tờ báo của mình.
Các tờ báo bắt tay vào xu hướng “phát thanh kỹ thuật số” chưa quá lâu, nguồn lực đầu tư về mọi mặt cũng còn nhiều hạn chế, nhưng số lượng chuyên mục, nội dung nhìn chung khá đa dạng. Không chỉ tập trung vào những “mảng miếng” mang đậm tính văn hóa, giải trí, tư vấn, tâm sự - giúp người nghe tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ - vốn là thế mạnh vốn có của loại hình Podcast, Podcast trên các báo điện tử Việt Nam còn mang đậm tính chất báo chí khi đi sâu phản ánh dòng thông tin mang đậm tính thời cuộc.
Đơn cử như tại Báo Nhân Dân, việc cung cấp các bản tin thời sự âm thanh nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn của tờ báo. Ngày 1/10/2021, sau một tháng khởi đầu với việc đăng tải các Podcast Truyện ngắn, gồm những câu chuyện có bản quyền do biên tập viên lựa chọn kỹ lưỡng, Báo Nhân Dân bắt đầu cung cấp các bản tin thời sự hằng ngày trên các nền tảng podcast, với mục tiêu đưa thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước tới đông đảo thính giả trong nước và nước ngoài, bổ sung thêm kênh tiếp cận tờ báo Đảng lớn nhất của đất nước cho công chúng.
Theo đó, mỗi ngày trên Radio Nhân Dân (rND) sẽ có hai bản tin thời sự vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi bản tin kéo dài khoảng 10 phút với những thông tin trong nước và quốc tế nổi bật. Hay tại Báo Quân đội nhân dân, nổi bật và thu hút dư luận theo dõi, quan tâm là chương trình Podcast “Ngày này năm xưa” - chương trình phát thanh đều đặn xuất bản vào 6 giờ sáng hằng ngày, giới thiệu những mốc thời gian, sự kiện quan trọng, gắn liền với tiến trình xây dựng và phát triển của đất nước nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, khơi gợi niềm tự hào về truyền thống
lịch sử quý báu của các thế hệ cha anh - chuyên mục Podcast của Báo sẽ tăng cường sản xuất thêm những sản phẩm sách nói hay bản tin báo nói tổng hợp, thời lượng ngắn gọn, nóng hổi, thời sự về chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội… Hay VietnamPlus không đi theo hướng điểm tin tổng hợp, nhưng làm chương trình Podcast chuyên đề theo dòng thời sự; Podcast Báo Long An có bản tin thời sự vào buổi chiều, mỗi bản tin khoảng 10 phút với những thông tin trong tỉnh, trong nước và quốc tế nổi bật….
Hành trình mới chỉ bắt đầu
Với những gì đang diễn ra trên các giao diện các tờ báo điện tử tại Việt Nam có thể thấy, hành trình với Podcast của báo chí Việt Nam mới chỉ bắt đầu và như nhìn nhận của chính “người trong cuộc” - nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam - phần đa “các toà soạn vẫn nhìn nhận việc đầu tư Podcast như một sự thử nghiệm… Tôi nhận thấy có một sự hào hứng nhất định ở nhiều toà soạn trong khoảng 3 năm trở lại đây đối với Podcast. Tôi đánh giá, trong câu chuyện Podcast ở các toà soạn là khao khát tìm kiếm một phương thức phân phối nội dung mới, với niềm tin về nhu cầu tiếp nhận nội dung qua hình thức âm thanh”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nhìn chung Podcast đã bước đầu có những hiệu quả nhất định về mặt thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc. “Tôi đánh giá cao khả năng sáng tạo của các cơ quan báo chí trong nước, dù vừa ra đời nhưng thể hiện rõ sự bắt kịp xu hướng, có chiến lược, đặc biệt phương thức làm đảm bảo về nội dung có chất lượng” - nhà báo Vũ Thế Cường - Giảng viên Báo điện tử và đa phương tiện Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhìn nhận.
Dù vậy, mong muốn, hào hứng, khao khát là một chuyện, sự khởi đầu tốt là một chuyện, còn có đi trọn được cả hành trình và gặt hái được thành công hay không còn là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, đòi hỏi sự nỗ lực và bền bỉ hết sức cũng như sự đầu tư, sáng tạo không ngừng. Hành trình chinh phục nào cũng không hề dễ dàng, một hành trình đầy sự mới mẻ như phát thanh kỹ thuật số podcast cũng vậy.
“Nếu là làm phát thanh thì ta phải gọi nó là phát thanh, nhưng đây là Podcast nên cách làm và công nghệ, thiết bị, hình thức thể hiện cần có sự đầu tư hơn. Để làm được việc này, cơ quan báo chí cần phân công người chịu trách nhiệm, đầu tư về công nghệ để đảm bảo tính đồng bộ, nếu CMS của anh đủ mạnh có thể xây dựng bộ công cụ podcast trực tiếp trên website của mình. Nếu hệ thống CMS của mình không đủ mạnh có thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội như: Spotify, SoundClound, Apple Podcast, Google Podcast để chia sẻ các tác phẩm của mình trên đó. Cái này rẻ nhưng khó ở chỗ sẽ không quản lý được những sản phẩm của mình, dễ bị xâm phạm, dễ bị mất” - nhà báo Vũ Thế Cường chỉ rõ trong cuộc trò chuyện cùng Nhà báo & Công luận.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến cũng chung góc nhìn:“Cái chưa được là các toà soạn vẫn nhìn nhận việc đầu tư các dự án Podcast như một sự thử nghiệm nên nguồn lực dành cho nó chưa đủ mạnh để tạo ra các sản phẩm tốt, đủ ấn tượng để công chúng chú ý. Podcast do các toà soạn sản xuất hiện nay mới chỉ dừng ở mức là sản phẩm phái sinh của các sản phẩm chính”.
Một “người trong cuộc” khác - nhà báo Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus cũng thừa nhận: “Thẳng thắn mà nói, nguồn lực mà chúng tôi dành cho Podcast vẫn chưa lớn, format hoặc nội dung của chúng tôi vẫn chưa đa dạng”.
Podcast là một xu hướng tiềm năng, một con đường mới đã mở ra với báo điện tử Việt Nam hiện nay, nhưng rõ ràng để biến tiềm năng thành hiện thực còn là chặng đường rất dài. Tuy nhiên, hành trình với Podcast của báo chí Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Nhìn nhận lại hành trình đã qua để rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm, nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, chuyên chú hơn nữa - đó là có lẽ những điều mà các tờ báo điện tử Việt Nam đang trên hành trình với Podcast cần rút ra ngay cho mình.
“Vấn đề là xác định đúng đối tượng bạn đọc mục tiêu, trúng nhu cầu nghe Podcast của họ và đặc biệt, coi Podcast thực sự là 1 sản phẩm riêng biệt với tất cả tính đặc thù của nó chứ không phải là âm thanh hóa thông tin hay là một dạng thức của phát thanh. Có như vậy, chúng ta mới thực sự đầu tư và nghiêm túc chú tâm nghiên cứu và làm Podcast theo hướng phát huy tối đa lợi thế riêng có của nó” - ý kiến của nhà báo Minh Yến - Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt hay như cách làm của VOVGT được nhà báo Trang Công Tiến - Giám đốc VOV Giao thông chia sẻ: “Hằng tuần, chúng tôi đều có đánh giá về hiệu quả từng chuyên mục trên bảng xếp hạng của Podcast. Qua đó, đưa ra phân tích tại sao chương trình này lại được nhiều người nghe, tại sao số lượng người nghe lại tăng hoặc giảm theo từng tuần? Từ đó, đưa ra đánh giá về nhu cầu thính giả - họ thích nghe những nội dung nào để lựa chọn và điều chỉnh. Nền tảng số như một sân chơi chung để chúng ta cùng tham gia. Muốn thu hút được người nghe, nội dung phải phong phú, đa dạng; nhưng phải mang được vào đó hơi thở đời sống và những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, bức xúc… Nội dung mang tính quyết định”. Đó hoàn toàn là những gợi ý mà những người làm Podcast trên báo điện tử Việt Nam có thể tham khảo.
Hà Trang
Từ khóa » Google Dịch Từ điển Oxford
-
8 Bí Mật Từ Thời Khởi Nghiệp Của đại Gia Tìm Kiếm Google
-
“Dư Chấn” đại Dịch Và Bài Toán Tăng Nguồn Thu Báo Chí
-
Chiếc App MIỄN PHÍ Giúp Học Từ Vựng Tiếng Anh: Sau Vài Tháng Tích ...
-
Google Doodle Tôn Vinh Phở Việt Nam Trên Google Tìm Kiếm 20 ...
-
Bánh Mì Việt được Tôn Vinh Trên Google Và Xuất Hiện Trong Từ điển ...
-
Cốc Cốc Thêm Tính Năng Tra Từ điển Khi Lướt Web
-
Những Quảng Cáo đơn Giản đến Không Tưởng | Doanh Nghiệp
-
Cực Hữu Và Tân Phát Xít Nga: Putin Xử Lý 'thù Trong Giặc Ngoài' Ra Sao?
-
Triệu Chứng Của Bệnh đậu Mùa Khỉ, điều Trị Và Phòng Ngừa
-
Ẩm Thực đặc Sắc Giúp định Vị Hình ảnh Du Lịch Việt Nam
-
Thế Giới điện Thoại Chỉ Còn Có 2 Kẻ Thống Trị
-
Staycation - Xu Hướng Du Lịch Trong Mùa Dịch
-
Bánh Mì Việt Ký Sự - Kỳ 3: Chiếc Bánh Chứa đầy Tâm Hồn Việt
-
22 Năm Ngày Sinh Nhật Google: Câu Chuyện Từ Phòng Ký Túc đến ...