Polyp Mũi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị | Vinmec

Polyp mũi có nguy hiểm không?

Polyp mũi tuy không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng nhưng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Viêm xoang cấp hoặc mãn tính.

  • Ngưng thở lúc ngủ: một tình trạng nguy hiểm trong đó bệnh nhân sẽ ngưng thở và thở lại nhiều lần trong khi ngủ (sleep apnea).

  • Biến dạng khuôn mặt: Cấu trúc của mặt bị biến đổi gây song thị hoặc hai mắt xa nhau một cách bất thường. Biến chứng này hiếm gặp và thường xảy ra ở những bệnh nhân bị xơ nang phổi.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra khi phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh.

Dựa trên mức độ polyp và tình trạng sức khỏe toàn thân của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Các biện pháp được sử dụng hiện nay để điều trị polyp mũi được chia thành hai loại chính:

Điều trị nội khoa: sử dụng thuốc.

  • Trong trường hợp có một hoặc nhiều polyp mũi nhỏ, có thể sử dụng các thuốc giảm phản ứng viêm, tăng luồng không khí qua mũi và làm teo nhỏ bớt polyp. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid như:

    • Fluticasone ( Flonase)

    • Triamcinolone (Nasacort)

    • Budesonide (Rhinocort)

    • Flunisolide (Nasarel)

    • Mometasone (Nasonex)

  • Các thuốc chống dị ứng và nhiễm trùng. Bên cạnh việc điều trị polyp, cần chú ý kiểm soát tình trạng dị ứng và nhiễm trùng. Các thuốc kháng histamine được dùng để chống lại tình trạng dị ứng do cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng (còn gọi là dị ứng nguyên). Các thuốc này mặc dù không loại bỏ được polyp nhưng có tác dụng làm bớt nghẹt mũi, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Ngoài ra, những trường hợp nhiễm trùng cấp độ xoang cần dùng thêm kháng sinh.

  • Các thuốc kháng nấm: Một số trường hợp viêm xoang mãn có thể là hậu quả của phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể đối với vi nấm trong môi trường xung quanh. Vì vậy các thuốc kháng nấm là cần thiết mặc dù vẫn phải cùng lúc thực hiện kèm với phẫu thuật cắt bỏ những mảnh vi nấm.

Điều trị ngoại khoa: Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ có thể dùng phẫu thuật để cắt bỏ polyp mũi. Các phẫu thuật được thực hiện tùy thuộc vào số lượng và vị trí của polyp, bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt polyp mũi: Polyp nhỏ và đơn độc sẽ được cắt bỏ dễ dàng bằng cách sử dụng một dụng cụ cơ học để hút hoặc một máy vi cắt lọc ( còn gọi là microdebrider). Sau khi polyp được cắt bỏ, bệnh nhân phải điều trị tình trạng viêm, thường cần dùng đến kháng sinh và các thuốc chứa corticosteroid dạng uống.

  • Phẫu thuật nội soi xoang (tên tiếng Anh là Endoscopic sinus surgery): đây là một phương pháp phẫu thuật rộng hơn, không những cắt bỏ polyp mà còn mở rộng cả phần xoang nơi polyp hình thành. Trường hợp xoang nghẹt và viêm thì cần mở rộng thêm hốc xoang. Trong phương pháp này, các bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi mềm, nhỏ, có gắn camera và một dụng cụ nhỏ ở đầu. Ống nội soi sẽ được đưa vào mũi của bệnh nhân, tìm polyp và các cấu trúc khác rồi cắt bỏ chúng. Vì phẫu thuật nội soi chỉ rạch những đường rất nhỏ nên vết mổ sẽ lành nhanh và ít gây đau đớn khó chịu hơn các phương pháp phẫu thuật khác.

Bệnh polyp mũi, ngay cả khi được điều trị triệt để vẫn thường có khả năng cao tái phát lại. Vì thế bệnh nhân cần chú ý chăm sóc sức khoẻ và thường xuyên khám định kỳ.

Xem thêm:

  • Phẫu thuật nội soi cắt vách mũi xoang
  • Mũi cấu tạo thế nào? Vì sao mũi ngửi được mùi?
  • Bệnh viêm mũi dị ứng có lây không?

Từ khóa » Cộm Trong Mũi