Polyp Nội Mạc Tử Cung: Nguyên Nhân Và Phương Pháp điều Trị

1. Những nguyên nhân gây polyp nội mạc tử cung

Polyp nội mạc tử cung hình thành do các tuyến và mô đệm nội mạc tử cung phát triển quá mức. Kích thước của polyp có thể chỉ vài milimet hoặc đạt đến vài centimet. Số lượng polyp nhiều và có thể có các hình dạng khác nhau, phân thành 2 nhóm chính là polyp có cuống và không có cuống. Bất cứ vị trí nào trong lòng buồng tử cung cũng có thể phát triển một hoặc nhiều polyp nội mạc tử cung.

 Polyp nội mạc tử cung là dạng u lành tính

Polyp nội mạc tử cung là dạng u lành tính

Các khối polyp này thường có màu hồng, mềm, dễ chảy máu khi va chạm mạnh. Hầu hết polyp nội mạc tử cung là lành tính và không gây nguy hiểm cho người bệnh song vẫn có tỉ lệ nhỏ phát triển thành ác tính và chuyển thành ung thư.

Nguyên nhân chính xác gây hình thành polyp nội mạc tử cung vẫn chưa được xác định, song dưới đây là một số yếu tố có liên quan mật thiết:

1.1. Do nồng độ hormone estrogen tăng cao

Mặc dù hormone estrogen là nội tiết tố quan trọng với phụ nữ nhưng nếu lượng hormone này trong cơ thể tăng lên một cách nhanh chóng thì đây là yếu tố hàng đầu dẫn đến hình thành polyp nội mạc tử cung. Đặc biệt là phụ nữ mang thai, hormone estrogen tăng nhanh trong thời gian ngắn cùng với nguy cơ mắc bệnh phụ khoa cao là nguyên nhân dẫn đến hình thành polyp nội mạc tử cung.

Polyp nội mạc tử cung hình thành có thể do hormone estrogen tăng cao

Polyp nội mạc tử cung hình thành có thể do hormone estrogen tăng cao

1.2. Do viêm nhiễm phụ khoa mạn tính

Viêm nhiễm phụ khoa rất phổ biến và thường tái nhiễm ở phụ nữ, nhất là những phụ nữ đã có gia đình. Nhất là khi viêm nhiễm kéo dài, niêm mạc tử cung cũng bị ảnh hưởng, không đạt đến độ dày nhất định trong chu kỳ, đẩy nhanh quá trình tăng sinh tế bào niêm mạc tử cung. Đây là điều kiện thuận lợi cho polyp nội mạc tử cung hình thành và phát triển.

Do vậy, chị em nếu mắc phải viêm nhiễm phụ khoa nên đi khám để điều trị dứt điểm, tránh dẫn đến polyp nội mạc tử cung cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác.

1.3. Do lạc nội mạc tử cung

Bình thường, đến chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, lớp niêm mạc tử cung đã được làm dày lên sẽ bong tróc và thoát ra ngoài. Tuy nhiên, có trường hợp niêm mạc tử cung không được đưa ra ngoài mà nằm lại trong tử cung và dần hình thành khối polyp, hay còn gọi là bệnh lạc nội mạc tử cung.

1.4. Do hậu quả của nạo phá thai không an toàn

Tình trạng sót nhau thai sau khi nạo thai là nguyên nhân dẫn đến hình thành polyp nội mạc tử cung sau thời gian ngắn. Bên cạnh đó, dị tật sót lại sau phẫu thuật ở tử cung hoặc vòng tránh thai cũng có thể bám vào niêm mạc tử cung gây hình thành polyp.

Polyp nội mạc tử cung có thể là hậu quả của nạo phá thai không an toàn

Polyp nội mạc tử cung có thể là hậu quả của nạo phá thai không an toàn

1.5. Do tác dụng phụ của thuốc

Các loại thuốc điều trị như thuốc huyết áp, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư,… khi sử dụng trong thời gian dài cũng liên quan đến sự hình thành polyp nội mạc tử cung.

1.6. Do tắc mạch máu

Tắc mạch máu xảy ra ở ống cổ tử cung sẽ khiến máu dồn ứ lại, tạo điều kiện thuận lợi cho u mềm nội mạc tử cung phát triển hay còn gọi là polyp.

1.7. Do nguyên nhân khác

Bao gồm: thói quen sinh hoạt không điều độ, đời sống tình dục không lành mạnh, chế độ dinh dưỡng không hợp lý,…

2. Polyp nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Polyp nội mạc tử cung là những khối u lành tính nhưng theo thời gian, chúng có thể tăng kích thước và số lượng gây ra biến chứng cho sức khỏe như:

2.1. Là nguyên nhân dẫn đến vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới

Các polyp nội mạc tử cung có kích thước lớn hoặc số lượng nhiều sẽ cản trở sự di chuyển của tinh trùng cũng như khả năng làm tổ của trứng đã thụ tinh. Đây là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân bị vô sinh, hiếm muộn và cần điều trị polyp nội mạc tử cung để có thể mang thai.

Polyp nội mạc tử cung có thể gây vô sinh hiếm muộn

Polyp nội mạc tử cung có thể gây vô sinh hiếm muộn

2.2. Gây thiếu máu mạn tính

Polyp nội mạc tử cung có thể dẫn đến chảy máu tử cung nặng và gây thiếu máu mạn tính, người bệnh thể hiện ở chứng cường kinh, rong kinh kéo dài.

2.3. Tăng tiết dịch âm đạo

Trong âm đạo của người phụ nữ, dịch âm đạo có vai trò làm cân bằng môi trường, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây hại. Người mắc polyp nội mạc tử cung thường bị tăng tiết dịch âm đạo bất thường, từ đó dẫn đến các bệnh viêm nhiễm âm đạo, âm hộ, viêm cổ tử cung,…

2.4. Ảnh hưởng đến thai nhi

Khi mang thai, thai nhi phát triển trong không gian kín của tử cung, sự phát triển của polyp nội mạc tử cung tăng lên dưới ảnh hưởng của các hormone sinh dục nữ có thể chèn ép vào thai nhi. Sự chèn ép này có thể dẫn đến sinh non, sảy thai, tăng nguy cơ rau tiền đạo.

2.5. Nguy cơ tiến triển thành ung thư

Mặc dù bản chất của polyp nội mạc tử cung là lành tính nhưng theo thời gian, u có thể trở nên viêm nhiễm, hoại tử. Viêm nhiễm lâu ngày có thể gây biến đổi tế bào và trở thành ung thư hóa.

3. Điều trị polyp nội mạc tử cung như thế nào?

Nếu polyp nội mạc tử cung có kích thước nhỏ (nhỏ hơn 10 mm), không có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh chỉ cần điều trị bảo tồn. Cùng với đó, cần thường xuyên thăm khám để kiểm tra sự phát triển của polyp.

 Polyp nội mạc tử cung nhỏ có thể điều trị bảo tồn và theo dõi

Polyp nội mạc tử cung nhỏ có thể điều trị bảo tồn và theo dõi

Điều trị ngoại khoa được chỉ định trong hầu hết trường hợp polyp nội mạc tử cung cần điều trị như: có triệu chứng bệnh, kích thước polyp lớn, khối u thò ra ngoài cổ tử cung gây hiếm muộn, vô sinh,… Hai phương pháp phẫu thuật chủ yếu hiện nay gồm nội soi cắt polyp buồng tử cung, cắt bỏ tử cung hoàn toàn với các trường hợp không còn nhu cầu sinh nở,…

Như vậy, polyp nội mạc tử cung là các u lành tính nhưng vẫn cần theo dõi, điều trị kịp thời nếu u có xu hướng phát triển nhanh hoặc ung thư hóa. Nếu cần tư vấn chi tiết hơn, liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khóa » đa Polyp Nội Mạc Tử Cung