Progesterone: Hormone Sinh Dục Quan Trọng Và điều Cần Biết

Nội dung bài viết

  • Progesterone là gì?
  • Chức năng của progesterone trong cơ thể như thế nào?
  • Progesterone được kiểm soát như thế nào?
  • Tại sao chúng ta phải kiểm tra nồng độ progesterone?
  • Nồng độ progesterone bình thường là bao nhiêu?
  • Yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm progesterone
  • Thay đổi nồng độ progesterone ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
  • Một số ứng dụng của Progesterone trên lâm sàng

Hormone là những sứ giả hóa học tác động đến một loạt chức năng trong cơ thể. Nó liên quan từ chu kì giấc ngủ đến sự tiêu hóa thức ăn. Progesterone là một trong hai hormone sinh dục nữ, hormone còn lại là estrogen. Chức năng chính của nó là điều hòa kinh nguyệt và hỗ trợ quá trình thụ thai trong cơ thể phụ nữ. Để tìm hiểu vai trò progesterone cụ thể, chúng ta hãy tham khảo bài dưới đây của bác sĩ Vũ Thành Đô.

Progesterone là gì?

Progesterone là một hormone steroid nội sinh có trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai và phát triển phôi thai của người và các loài khác. Nó cũng là một chất chuyển hóa trung gian chủ yếu trong quá trình sản xuất steroid nội sinh khác, bao gồm các hormone giới tính và các steroid tự nhiên. Ngoài ra, progesterone còn đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của não như một neurosteroid.

Chức năng của progesterone trong cơ thể như thế nào?

Progesterone có chức năng chủ yếu là điều chỉnh tình trạng của lớp nội mạc tử cung. Hormone này được sản xuất bởi buồng trứng, nhau thai và tuyến thượng thận.

Tại buồng trứng, thì hoàng thể là nơi sản xuất chính hormone progesterone. Nó chuẩn bị thành tử cung, để trứng được thụ tinh có thể cấy ghép và phát triển bên trong nội mạc. Đồng thời, nó cũng ức chế các cơn co thắt cơ của tử cung để trứng bám vào dễ dàng hơn. Tác dụng ức chế co cơ này cũng góp phần ngăn ngừa chuyển dạ sinh non.

Khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung sẽ tạo thành nhau thai. Nhau thai sau đó sản xuất progesterone trong thời kỳ mang thai. Nếu trứng không được thụ tinh, progesterone sẽ được buồng trứng tiết ra cho đến vài ngày trước khi có kinh. Khi mức progesterone giảm tới ngưỡng, thành tử cung không còn được củng cố và phát triển nữa. Điều này khiến nội mạc bắt đầu bị phá vỡ và kinh nguyệt xảy ra.

Progesterone được biết là có ảnh hưởng đến các cơ quan khác của phụ nữ

Trong buồng trứng, progesterone và estrogen tham gia trong quá trình rụng trứng. Ngoài ra nếu trứng được thụ tinh, các hormone này sẽ ngăn cản sự rụng trứng cho đến khi thai kỳ kết thúc. Đồng thời progesterone ảnh hưởng đến biểu mô âm đạo và làm chất nhầy cổ tử cung trở nên đặc quánh khiến tinh trùng không thể xâm nhập. Hành động kép này thường ngăn cản sự rụng trứng và thụ tinh của nhiều trứng cùng một lúc.

Ở thời kỳ mang thai, progesterone cũng kích thích sự phát triển của các tuyến vú. Sự sụt giảm nồng độ progesterone có thể là một bước tạo điều kiện cho quá trình chuyển dạ bắt đầu. Ngoài ra nó còn ức chế tiết sữa trong thai kỳ. Sự sụt giảm nồng độ progesterone sau khi sinh là một trong những yếu tố kích thích sản xuất sữa. Các bào thai chuyển hóa progesterone nhau thai trong việc sản xuất thượng thận steroid.

Progesterone cũng được sản xuất trong tuyến thượng thận của nam giới. Chức năng của nó có liên quan đến sự phát triển của tinh trùng.

Sự thay đổi Hormone trong chu kì kinh nguyệt
Sự thay đổi Hormone trong chu kì kinh nguyệt

Progesterone được kiểm soát như thế nào?

Sự hình thành của hoàng thể được kích hoạt bởi sự gia tăng sản xuất hormone LH ở tuyến yên trước. Điều này thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi nồng độ LH đạt đỉnh, nó kích thích sự phóng thích noãn từ buồng trứng. Phần còn lại của nang noãn sẽ hình thành nang hoàng thể. Sau đó, hoàng thể tiết ra progesterone, chất này giúp cơ thể chuẩn bị cho quá trình mang thai. Nếu trứng không được thụ tinh và không hình thành phôi thai, hoàng thể sẽ bị phá vỡ và việc sản xuất progesterone giảm. Vì niêm mạc tử cung không còn được progesterone duy trì từ hoàng thể, nó sẽ vỡ ra và chảy máu kinh nguyệt, đánh dấu sự bắt đầu của một chu kỳ kinh nguyệt mới.

Tuy nhiên, nếu trứng rụng được thụ tinh và tạo ra phôi, các tế bào bao quanh phôi sớm này (được định sẵn để hình thành nhau thai) sẽ tiết ra hormone hCG. Hormone này có cấu trúc hóa học rất giống với hormone LH. Điều này có nghĩa là nó có thể kích hoạt các thụ thể giống như hormone LH. Vậy có nghĩa là thể vàng không bị phá vỡ và thay vào đó tiếp tục sản xuất progesterone cho đến khi nhau thai được thành lập.

Trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng
Trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng

Tại sao chúng ta phải kiểm tra nồng độ progesterone?

Có một số lý do mà nhân viên y tế có thể muốn kiểm tra mức độ progesterone trong cơ thể. Một số lý do phổ biến, bao gồm:

  • Giúp tìm ra nguyên nhân vô sinh.
  • Theo dõi sự thành công của thuốc điều trị vô sinh hoặc hiệu quả điều trị bằng progesterone.
  • Giúp xác định xem có rụng trứng hay không.
  • Đánh giá nguy cơ sảy thai ở những người mang thai có nguy cơ cao.
  • Theo dõi chức năng của buồng trứng và nhau thai trong thai kỳ.
  • Giúp chẩn đoán các vấn đề với tuyến thượng thận và một số loại ung thư
  • Thu hẹp các nguyên nhân gây chảy máu tử cung bất thường

Nồng độ progesterone bình thường là bao nhiêu?

Nồng độ progesterone được đo thông qua xét nghiệm máu. Điều quan trọng cần nhớ là nồng độ hormone này dao động trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy mức độ có thể thay đổi trong suốt cả tháng.

Các giá trị bình thường được liệt kê ở đây được gọi là phạm vi tham chiếu. Các phạm vi này khác nhau giữa các phòng xét nghiệm. Vì vậy, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả dựa trên sức khỏe và các yếu tố khác. Điều này có nghĩa là một số kết quả nằm ngoài phạm phi được liệt kê ở đây có thể vẫn bình thường.

Mức progesterone bình thường trong chu kỳ kinh nguyệt:

  • Ngày 1 – 14: Ít hơn 1 nanogram trên mililit (ng / mL) hoặc 0,5 – 2.3 nanomole mỗi lít (nmol / L).
  • Ngày 15 – 28: 2 – 25 ng / mL hoặc 6,4 – 79,5nmol / L.

Mức progesterone bình thường trong mang thai:

  • Tam cá nguyệt thứ nhất: 10 – 44 ng / mL hoặc 32.6 – 140nmol / L.
  • Trong tam cá nguyệt thứ hai: 19,5 – 82,5 ng / mL hoặc 62 – 262nmol / L.
  • Tam cá nguyệt thứ 3: 65 – 290 ng / mL hoặc 206,7 – 728nmol / L.

Mức progesterone bình thường ở nam

  • Bình thường: Ít hơn 1 ng / mL hoặc dưới 3,2nmol / L.

Mức progesterone sau mãn kinh

  • Bình thường: Nhỏ hơn 1,0 ng / mL hoặc dưới 2nmol / L.

Các nguyên nhân nào làm thay đổi nồng độ progesterone?

Nồng độ progesterone cao có thể được gây ra bởi:

  • Thai kỳ.
  • Ung thư buồng trứng hoặc tuyến thượng thận.
  • Thai trứng.
  • Sự sản xuất quá mức của hormone bởi tuyến thượng thận.

Nồng độ progesterone thấp có thể được gây ra bởi:

  • Vấn đề rụng trứng.
  • Có thể sẩy thai.

Yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm progesterone

Những lý do ảnh hưởng quá trình xét nghiệm hoặc làm kết quả không có ý nghĩa, bao gồm:

  • Việc sử dụng hormone, bao gồm cả những loại có chứa estrogen hoặc progesterone (như thuốc tránh thai).
  • Việc sử dụng các loại thuốc, chẳng hạn như ampicillin và clomiphene.
  • Có một xét nghiệm như CT scan tuyến giáp hoặc xương đã sử dụng chất phóng trong vòng 1 tuần trước khi xét nghiệm progesterone.

Ngoài ra cần chú ý rằng, progesterone sẽ cao hơn nhiều lần khi mang đa thai (chẳng hạn như sinh đôi hoặc sinh ba) so với chỉ có một thai. Nồng độ nội tiết tố này rất khác nhau trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, điều quan trọng là biết ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng.

Thay đổi nồng độ progesterone ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Khi nồng độ của progesterone cao hơn bình thường

Nồng độ progesterone cao thường không gây ra bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến sức khỏe. Hormone này đạt ngưỡng cao tự nhiên khi mang thai, có thể gấp 10 lần so với không mang thai.

Mức độ cao của progesterone có liên quan đến tình trạng tăng sản thượng thận bẩm sinh. Tuy nhiên, mức độ cao là hệ quả của chứ không phải là nguyên nhân của tình trạng này.

Trên thực tế, progesterone dùng làm thuốc tránh thai, vì nó có thể ức chế cơ thể không rụng trứng.

Một nghiên cứu năm 2003 cho thấy progesterone đóng vai trò bảo vệ chống lại ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, mức progesterone cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.

Khi nồng độ của progesterone thấp hơn bình thường

Mức progesterone thấp có thể ảnh hưởng đến cả kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Progesterone giúp thúc đẩy một môi trường tốt cho trứng thụ tinh. Khi nồng độ thấp, trứng đã thụ tinh sẽ khó phát triển và lớn lên.

Lượng progesterone thấp cũng có thể góp phần vào một số tình trạng, bao gồm:

  • Kinh nguyệt không đều hoặc là chảy máu nhiều trong chu kì kinh.
  • Sẩy thai và chuyển dạ sớm. Những bà mẹ có nguy cơ sinh non có thể được cung cấp một dạng progesterone tổng hợp để trì hoãn việc bắt đầu chuyển dạ.
  • Thiếu progesterone trong máu có thể có nghĩa là buồng trứng đã không thể phóng thích trứng vào thời điểm rụng trứng. Như vậy, tình trạng này có thể xảy ra ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Theo dõi chu kì kinh nguyệt có thể giúp bạn theo dõi được sức khoẻ sinh sản của mình, biết được thời gian rụng trứng và nhận biết được những thay đổi quan trọng – như trễ kinh hay một chu kì bất thường. 

Một số ứng dụng của Progesterone trên lâm sàng

Hai ứng dụng phổ biến của Progesterone là tránh thai và giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Thuốc ngừa thai có thể có thành phần Progesterone đơn độc hoặc phối hợp với Estrogen.

Viên thuốc tránh thai chứa progestin (viết tắt là POP – progestin only pill) còn được biết đến như là minipill. Cơ chế tránh thai của progestin là do:

  • Có tác dụng diệt tinh trùng.
  • Ức chế rụng trứng.
  • Làm teo nội mạc tử cung.
  • Làm cho niêm dịch cổ tử cung quánh dính để tinh trùng không đi qua được.
Thuốc tránh thai chứa Progesteron
Thuốc tránh thai chứa Progesteron

Progesterone được sử dụng trong điều trị vô kinh tiên phát hoặc thứ phát khi có Estrogen. Ngoài ra còn được dùng để điều trị xuất huyết tử cung bất thường do mất cân bằng hormon không do bệnh lý thực thể như u xơ hoặc ung thư tử cung.

Progesterone cũng được sử dụng ổn định thai kì trong thời kì đầu ở những trường hợp sẩy thai liên tiếp có băng chứng do suy hoàng thể và trong một số trường hợp chọn lọc điều trị vô sinh thành công thụ thai trong ống nghiệm hoặc đưa giao tử vào vòi trứng nhằm giúp khả năng làm tổ của hợp tử.

Gel bôi trơn âm đạo được chỉ định để bổ sung hoặc thay thế phụ nữ thiếu hụt Progesterone.

Progesterone là một loại hormone rất quan trọng đối với kinh nguyệt, mang thai và sản xuất tinh trùng. Nó được sản xuất ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm hoàng thể, nhau thai và tuyến thượng thận. Nồng độ progesterone dao động trong suốt chu kỳ và đạt mức cao khi mang thai. Tuy nhiên, nếu nồng độ quá thấp, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả vô sinh.

Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh cực kỳ quan trọng đối với hoạt động trong não của bạn. Không chỉ đơn giản là hormone hạnh phúc, nếu không có dopamine, bạn sẽ mất hầu hết các hành động của con người và cá nhân.

Từ khóa » Nồng độ Progesterone Bình Thường