QCVN 06:2010/BXD Và Công Tác PCCC Các Công Trình Xây Dựng Tại ...

Các công trình xây dựng nói chung, trước khi được đầu tư xây dựng hoặc cải tạo, thường được phân loại, phân cấp với các cấp độ bền vững khác nhau để xác định niên hạn sử dụng. Trong đó, có việc đồng thời xác định cấp và bậc chịu lửa thông qua hệ kết cấu và vật liệu xây dựng nhằm đưa ra các giải pháp cho việc thiết kế hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho công trình.

Trong suốt vòng đời của một công trình hoặc tổ hợp công trình, việc kiểm tra, duy tu bảo dưỡng, bảo trì là công tác thường xuyên hoặc định kỳ, chủ yếu cho các bộ phận như kết cấu, hệ thống ME (Kỹ thuật cơ, điện, nước, điều hòa, mạng thông tin…) thường được quan tâm và chú ý nhiều để đảm bảo chức năng hoạt động của tòa nhà (hay công trình). Trong khi đó, hệ thống và trang thiết bị thuộc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) chỉ được “đánh thức” khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Thời gian qua, việc xảy ra cháy ở nhiều nơi, ở mọi thời điểm, ở các công trình có chức năng sử dụng khác nhau, đặc biệt là các khu nhà ở chung cư cao tầng nơi tập trung đông dân cư, hoặc các nhà máy, xưởng sản xuất, chợ, trung tâm thương mại, đến cả nhà ở riêng lẻ của cư dân tại đô thị và nông thôn, gây nhiều tổn thất về người và tài sản, dấy lên tâm lý hoang mang cùng những tranh luận trái chiều trong cộng đồng xã hội. Không những thế, việc xác định nguyên nhân, trách nhiệm là hết sức khó khăn từ các cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) thông qua các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Quy chuẩn, Tiêu chuẩn (QC, TC), đến các tổ chức doanh nghiệp như Tư vấn thiết kế, Thi công xây dựng, các Chủ đầu tư xây dựng, các Ban quản lý tòa nhà (QLTN)…

Để đi tìm nguyên nhân và các vấn đề có liên quan – Bài viết sẽ làm rõ bản chất vấn đề, đồng thời đưa ra một số khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa tối thiểu nhất.

Những hạn chế và khiếm khuyết của QCVN 06: 2010/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn cháy cho Nhà và Công trình

Buồng thang chống nhiễm khói N2
Buồng thang chống nhiễm khói N1
Buồng thang chống nhiễm khói N3

Kể từ khi có QCVN 06: 2010/BXD (ra đời trên cơ sở của Luật PCCC số 27/2001/QH) và cho tới nay, chúng ta đã có Luật PCCC số 40/2013/QH13. Đây là một công cụ kiểm soát dưới Luật nói chung về PCCC cho tất cả các hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng tại Việt Nam. Sau gần 10 năm thực hiện, xuất hiện nhiều tranh luận, ý kiến trái chiều ngay cả đối với các cơ quan QLNN, đặc biệt là các cơ quan, tổ chức trong việc thiết kế, cấp phép xây dựng, thi công xây dựng và cấp phép cho vận hành sử dụng về hệ thống PCCC… Nhưng, cho tới nay, chúng ta vẫn chưa biên soạn, bổ sung hoặc chỉnh sửa QC này. Những hạn chế và khiếm khuyết có thể thấy ngay ở những điểm chính sau:

– Quá trình xây dựng QC 06: 2010/BXD, đã tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, đặc biệt là cơ quan PCCC với đại diện là các Cục PCCC thuộc công an của các Tỉnh và Thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, trong đó lại thiếu nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Quy hoạch và Kiến trúc, dẫn tới việc QC 06 nặng về yếu tố kỹ thuật, mà bỏ qua, hoặc không tính đầy đủ những giải pháp về công năng, dây chuyền sử dụng trong công trình kiến trúc và quy hoạch hạ tầng. Bởi lẽ, một công trình hay tổ hợp công trình, phần công năng và chức năng sử dụng phải được thỏa mãn trước tiên, các hệ thống ME và PCCC sẽ được kết nối, sắp đặt một cách cơ hữu… để thỏa mãn các yêu cầu đó. Hệ thống PCCC là hệ thống kỹ thuật bắt buộc nhưng không có ý nghĩa quyết định đến chức năng, công năng hoạt động và sử dụng, chúng đứng sau để thỏa mãn cho các hoạt động cũng như sự an toàn của tòa nhà và con người. Ở đây, QC 06 đang có xu hướng áp đặt, buộc người thiết kế phải chạy theo, hạn chế rất nhiều ý tưởng sáng tác.

– QC 06 được xây dựng theo cấu trúc của một Tiêu chuẩn (TC), việc tra cứu hết sức phức tạp, nặng về các phần định lượng kỹ thuật với biểu bảng, số liệu và đơn vị đo (nó thường được mô tả trong TC). Trong khi đó, với vai trò là QC thì QC 06 lại chưa đạt vì QC cần hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhận biết, dễ thực hiện… với những yêu cầu tinh giản, tối giản! “Phải” chứ không phải là những tình huống: “Nếu”, “Nhưng”, “Có thể”, “Tuy nhiên”…Ở đây cần nói rõ thêm, một nội dung hoặc tình huống cụ thể được nêu trong QC, thì có thể có nhiều giải pháp thực hiện thông qua các TC khác nhau chứ không phải chỉ có một giải pháp duy nhất.

– Đã là QC thì bắt buộc phải thực hiện, nhưng tại mục 1.1.7, QC 06 có ghi “cho phép giảm bớt một số yêu cầu của QC…”. Như vậy, sẽ tạo ra tiền lệ với cơ chế xin cho để lách luật. Hơn thế, QC này do Bộ Xây dựng ban hành, tuy nhiên mọi sự thay đổi trong quá trình điều chỉnh, thay đổi lại do Cơ quan Cục PCCC quyết định? Và chúng chẳng khác nào như việc lạm dụng, hội chứng điều chỉnh quy hoạch như đã xảy ra trong thời gian qua.

– Hiện nay, phần lớn các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình cao tầng được thiết kế với việc bố trí các thang bộ thoát hiểm với buồng thang và phòng đệm theo kiểu loại N1, N2, N3 như trong QC đã hướng dẫn (Điều 3.4.12). Trong thực tế, các loại thang N1 sẽ thích hợp hơn với những công trình xây mới ở các khu đô thị mới, các khu có diện tích rộng, khoảng lùi công trình lớn: khó khả thi ở các công trình xây dựng với diện tích hạn hẹp và hiếm quý trong các khu nội đô lịch sử. Do vậy, nếu có thể, không nên cứng nhắc cho loại thang N1 với điều kiện phải có thông thoáng tự nhiên qua buồng đệm thông qua hành lang hoặc lô gia, mà có thể xử lý quạt tăng áp, quạt hút cho cả buồng thang và phòng đệm như loại thang N2, N3. Đây là một thực tế xảy ra ở rất nhiều công trình xây dựng trong nội đô và cũng là khúc mắc lớn nhất trong việc xin điều chỉnh của các Chủ đầu tư, Cơ quan tư vấn thiết kế… Bởi hệ thống thang thoát hiểm, về bản chất, vẫn rất cần ở các vị trí lõi trung tâm để đảm bảo khoảng cách thoát hiểm, thoát nạn khi có cháy nổ.

– Với loại thang (loại 3), cầu thang bên ngoài nhà dạng hở để thoát nạn cũng nên làm rõ, loại thang này sẽ hở ở độ cao bao nhiêu? Hoặc tầng thứ bao nhiêu? Vì nếu ở quá cao, mà lại sử dụng thoát nạn thì sẽ rất nguy hiểm vì cảm giác độ cao của con người, môi trường không khí loãng, hơn thế bất lợi khi có gió to, mưa bão…

– Tại Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới nóng và độ ẩm cao, một “đặc sản” kiến trúc phổ biến cho những công trình cao từ 6 tầng trở xuống với cấu trúc hành lang bên, được bố trí xen kẹp, liên hoàn và linh hoạt theo kiểu tập trung hoặc phân tán với các loại thang bộ để hở. Nếu chiếu theo QC 06, trong quá trình xây mới hoặc cải tạo, có nhất thiết phải bịt lại các vị trí thang hở này để trở thành buồng thang không nhiễm khói theo kiểu N1, N2, N3 hay không? Liệu có nên coi đó là giải pháp hữu hiệu thoát nạn khi có cháy, trong khi việc đi lại, thoát nạn có xu hướng cản trở giao thông hơn, thoát chậm hơn?…

Cháy ở Keangnam

– Năm 2010 mới có QC 06, nhưng việc xây dựng nhiều công trình cao tầng đã được thực hiện khoảng từ năm 1995, nhiều công trình như nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thu nhập thấp chưa có điều kiện tuân thủ QC này với việc thiếu thốn cơ bản hệ thống để PCCC và thoát nạn. Vấn đề đó cũng không thấy QC 06 đề cập việc phải cải tạo, bổ sung như thế nào?

– Nhà ở riêng lẻ (Tại điều 1.1.9) để ở hoặc chuyển đổi mục đích sang kinh doanh với việc bố trí lắp đặt các biển quảng cáo lớn ở mặt tiền, hoặc hệ thống nan chớp chắn nắng và bảo vệ, sẽ là hiểm họa khôn lường khi có cháy nổ, chặn hết các đường có thể tiếp cận để thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ… do chỉ có một mặt tiền duy nhất. Những quy định này cũng chưa thấy được đề cập trong QC 06.

– QC 06 cũng chưa thấy xây dựng đi trước, đón trước những vấn đề mà lĩnh vực xây dựng của Việt Nam sẽ đòi hỏi trong tương lai gần – Đó là sẽ xuất hiện nhiều nhà siêu cao tầng hoặc các công trình như bệnh viện, hỗn hợp chức năng…với nhu cầu, yêu cầu phải có bãi đáp cho máy bay trực thăng trên mái (H – Helicopter) để phục vụ các tiện ích, dịch vụ, cứu hộ đặc biệt…Khi đó, các vấn đề có liên quan đến thiết kế kiến trúc, hệ thống ME và PCCC sẽ có những yêu cầu đòi hỏi phức tạp và cao hơn rất nhiều.

Thực trạng công tác thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng và vận hành đưa vào sử dụng hệ thống PCCC cho các công trình xây dựng

Kể từ khi có Luật PCCC (2001) ra đời và đặc biệt là khi có QC 06, hàng loạt các đơn vị, tổ chức tư vấn thiết kế về PCCC mọc lên như nấm, trở thành một lĩnh vực tư vấn “hot” trên thị trường bởi phải kết nối với các công tác thẩm định, cấp phép về PCCC như kiểu cấp phép xây dựng, tương đối có tính độc quyền; thậm chí các dự án đầu tư xây dựng ở giai đoạn thiết kế ý tưởng cũng phải tranh thủ xin ý kiến của tư vấn thiết kế PCCC, cơ quan thẩm định và cấp phép nếu muốn ý tưởng đó trở thành hiện thực để thực hiện các bước tiếp theo.

Cháy ở cửa hàng trên phố Trần Thái Tông

Tuy nhiên, một phần do nội dung của QC 06 quá chi tiết theo kiểu TC, lại chưa rõ ở nhiều điều khoản nên đã xảy ra những sự hiểu và vận dụng khác nhau giữa các nhà thiết kế, từ KTS đến kỹ sư công nghệ và kỹ sư thiết kế PCCC. Bên cạnh đó, nhiều kỹ sư thiết kế PCCC còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, ỷ lại thế độc quyền, nên hết sức máy móc, phiến diện, thiếu sự hợp tác với các KTS dẫn đến nhiều công trình xây dựng quá bị áp đặt về hệ thống PCCC, gây nhiều bức xúc trong hoạt động tư vấn xây dựng. Các đơn vị, tổ chức về PCCC nói chung cần phải tập hợp những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, nhu cầu từ thực tế … để có hướng kiến nghị bổ sung, sửa đổi QC 06. Các vấn đề đó thường được thể hiện ở các công việc cụ thể sau:

– Việc chống cháy lan được đề cập trong QC 06 với nhiều nội dung và giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, giữa các công trình đã được ngăn cách bằng hàng rào khuôn viên, thì việc chống cháy lan không thể cứng nhắc, giải thích và đưa ra giải pháp bằng việc hạn chế độ lớn của hệ thống cửa sổ, cửa đi của công trình.

– Ngoài việc thoát nạn do cháy bằng các cầu thang (chạy xuống dưới mặt đất), còn một hướng thoát nạn khi chạy lên trên mái qua tum thang, được dẫn ra các khoảng sân trên mái hoặc các hệ thống sênô mái để chờ lực lượng cứu hộ. Thế nhưng chiều rộng của các sênô quy định phải lớn hơn hoặc bằng 1,2m là rất vô lý, bởi không phải hình thức kiến trúc công trình nào cũng có hệ sênô trong hoặc ngoài như vậy. Hơn thế, với những công trình cao tầng, nếu để thoát hoặc tập kết người ở những vị trí đó, thành tường sênô phải cao (cũng chưa có quy định) vì người dân có thể chết vì tai nạn rơi từ trên cao xuống mặt đất trước khi được cứu nạn.

– Một số công trình về giáo dục đào tạo như Trường tiểu học (quy định TC chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 3 tầng), Trường THCS (quy định TC chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng 4 tầng) nhưng lại thay đổi cho phép lên 5-6 tầng với cách giải thích đưa toàn bộ chức năng sử dụng, làm việc của giáo viên lên các tầng trên, còn học sinh ở các tầng dưới. Việc cho phép này dẫn tới đảo lộn toàn bộ dây chuyền hoạt động trong môi trường sư phạm giáo dục. Mặt khác nếu xảy ra cháy, thầy trò đều là con người, đều có nguy cơ rủi to tai nạn như nhau, chứ không thể cảm tính nói rằng ưu tiên cho trẻ em ở phía dưới để thoát nạn nhanh hơn…

– Với bể nước ngầm dành cho chữa cháy, cũng không nên cứng nhắc tuyệt đối là bể độc lập, chúng có thể được tích hợp cùng với bể dùng cho sinh hoạt, sản xuất…Bởi khi cháy, mọi nguồn nước phải được ưu tiên cho dập tắt đám cháy, ở những vị trí thuận lợi nhất có thể, thậm chí nên phân tán hợp lý trên trục giao thông chữa cháy.

Một số khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa về công tác PCCC

Cháy tại chung cư Carina Plaza

– Trước hết cần nói rõ, việc một số công trình, tòa nhà, đặc biệt là chung cư được xây dựng đã lâu, nhưng không thiết lập Ban QLTN hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, được cấp chứng chỉ theo Thông tư 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì rất khó khăn chẳng những trong việc PCCC mà còn là toàn bộ kiểm soát hoạt động của tòa nhà cũng như duy tu, bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên và định kỳ. Vì vậy với loại hình này, nhất thiết phải thành lập Ban Quản trị vận hành chung cư.

– Ban QLTN có thể quản lý các tòa nhà ở dạng đơn hoặc đa chức năng, do vậy việc PCCC đòi hỏi phải hết sức nghiêm ngặt và bài bản. Đặc biệt, với các tòa nhà có cả chức năng ở, dịch vụ thương mại, văn phòng làm việc… Cần tách biệt rõ ràng các bộ phận, hạng mục theo từng chức năng trong quy trình hoạt động đồng thời và riêng lẻ. Việc xảy ra cháy có thể ở chức năng này, nhưng tuyệt đối tránh để cháy lan sang chức năng khác. Lưu ý nhất là không được tự ý thay đổi từ kết cấu, chức năng sử dụng từ ban đầu hoặc đã có theo thiết kế đã được duyệt.

– Hiện tại chúng ta đang thiếu toàn bộ các TC về các công trình cao tầng ở cả đơn và đa chức năng. Không dễ để đi đến thống nhất có để xe ô tô và xe máy ở tầng hầm hay không trong tương lai. Như vậy, việc để xe ở tầng hầm vẫn xảy ra, hãy thử tính mỗi tầng hầm có sức chứa khoảng 1.000 xe máy, 200 ô tô thì khối lượng nhiên liệu xăng đã là trên 10.000 lít, tương đương một bể chứa xăng để ngầm, một “quả bom” nổ chậm có tính cộng hưởng và dây chuyền quá khủng khiếp. Nhất là chúng sẽ được tập kết tương đối, cùng ở thời điểm cuối ngày với nhiệt độ ở tầng hầm trong những ngày hè khoảng 400C, nguy cơ cháy nổ là rất cao – Do đó, việc lập ra phương án phòng và chữa cháy phải hết sức cụ thể, nghiêm ngặt.

– Việc đun nấu của các hộ gia đình sẽ có xu thế chuyển dần từ gas sang dùng điện. Do không ít các tòa nhà không có hệ thống nhà cấp gas trung tâm. Tuy nhiên chưa phải là tất cả. Kể cả dùng gas hay điện, luôn tiềm ẩn những hiểm họa về cháy nổ do cả lỗi kỹ thuật lẫn ý thức của cư dân. Do đó, cần sử dụng hệ thống camera kết hợp hệ thống báo cháy, báo mùi tại các khu vực công cộng như sảnh cầu thang, hành lang, trong từng căn hộ… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời.

– Cháy và cháy nổ có thể xảy ra bất cứ ở đâu, ở thời điểm nào, kể cả ở trong hay ngoài công trình và nguyên nhân hết sức đa dạng không lường trước. Để có thể tiến tới chủ động trong công tác phòng và chống cháy nổ – Các Ban QLTN cần phối hợp với cư dân và chính quyền địa phương sở tại coi công tác PCCC là công tác thường xuyên như chống lụt, bão, dịch bệnh… với phương châm nhiều “tại chỗ”: Thiết bị tại chỗ, lực lượng tại chỗ, đơn vị chữa cháy cơ sở tại chỗ … Không nên ỷ lại việc tiếp viện từ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thuộc công an cấp Tỉnh, Thành phố – Các công việc này cần có định kỳ diễn tập, thử nghiệm… nhằm kết hợp việc kiểm tra tình trạng và chất lượng hoạt động của các thiết bị PCCC cũng như các khả năng phối hợp, tác nghiệp giữa các lực lượng và cư dân.

Diễn tập công tác PCCC

– Với người dân, việc chuyển tiếp dần sang lối sống đô thị và công nghiệp, không dễ dàng để hòa nhập và thích ứng ngay, lại thiếu nhiều kỹ năng tối thiểu chưa được qua đào tạo bài bản như các nước tiên tiến về bảo vệ bản thân, người thân và cộng đồng xã hội thì cái cần nhất, cơ bản nhất, trước hết thuộc về ý thức trong môi trường xã hội và tự nhiên. Cũng nên cần trang bị cho gia đình và bản thân mình một số vật dụng cần thiết để phòng chống cháy nổ như mặt nạ phòng độc và khói, dây thoát hiểm, bình chữa cháy mini…

Thay cho lời kết

Suy cho cùng, thiết kế kiến trúc công trình được phối hợp với thiết kế PCCC là một loại hình thiết kế thụ động, giống như các loại hình thiết kế thụ động khác mà chúng ta đã và đang thực hiện để hướng tới, đạt được tới các tiêu chí như kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng… Nhưng ở đây cần nói rõ thiết kế thụ động này mang yếu tố “phòng” là chính, mang lại sự an lành cho người dân và xã hội một cách chủ động và khoa học nhất. Còn yếu tố “chữa” thuộc về trách nhiệm của lực lượng cảnh sát PCCC. Hệ thống này là tổng hòa giữa công nghệ, kỹ thuật, vận hành, sự hiểu biết và ý thức của con người như một cơ thể sống, có lúc khỏe, yếu, tật bệnh…Vấn đề ở chỗ, khi có sự cố, phải được chủ động ứng phó hiệu quả nhất có thể.

Như thế, các chủ thể có liên quan, từ cơ quan QLNN, đến các tổ chức, cá nhân như đã phân tích ở trên, cần xác định rõ trách nhiệm của mình để xây dựng được chuỗi hoàn chỉnh từ công cụ quản lý theo Luật đến tổ chức thực hiện, vận hành khai thác sử dụng. Làm sao để cho người dân, cộng đồng xã hội luôn được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, an lành, kỷ cương. Đừng để ý thức vô trách nhiệm và sự thiếu hiểu biết của chính mình để chúng ta phải trả giá quá đắt cho những vụ cháy nổ như đã xảy ra vừa qua.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng/ Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2018)

–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo: – Nghị định 79/2014 – Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC. – Nghị định 83/2017/NĐ-CP- Quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. – Nguyễn Tất Thắng – Giáo trình và Tài liệu giảng dạy Đại học và sau Đại học về hệ thống QC-TCXD Việt Nam. – QCVN 06: 2010/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn cháy cho Nhà và Công trình.

Từ khóa » Tiêu Chuẩn 06/2010 Hướng Dẫn Thiết Kế Pccc