Quả Dâu Tằm điều Trị Tóc Bạc Sớm, Thiếu Máu Và Chóng Mặt, Hoa Mắt

Lúc tôi còn nhỏ, bên hiên nhà có trồng một hàng dâu tằm ăn, lá rậm rạp xanh mướt. Thỉnh thoảng, ông ngoại tôi hái đọt non nấu canh ăn.

“Vì tằm em phải thái dâu

Vì chồng em phải qua cầu đắng cay“.

Thật ra, nhà tôi trồng dâu không phải để nuôi tằm mà để cho hội thuốc nam dùng làm thuốc. Sau này, khi nghe mọi người bảo nhau quả dâu tằm ngon lắm, bổ mắt lắm, tôi mới chợt nhớ lại: cây dâu tằm nhà mình ngày ấy làm gì có quả, nói đúng hơn là rất hiếm thấy quả, hơn nữa, quả nó nhỏ tí và cũng chả thấy ai ăn.

Sau này, tôi mới biết loại dâu tằm chuyên ăn quả là loại khác, lá nó thưa nhưng quả thì nhiều vô số kể, và đây mới là cây dâu tằm mà người ta hay nói đến, với cành, lá, vỏ rễ, quả, tầm gửi và tổ bọ ngựa trên cây… đều được dùng làm thuốc.

Quả dâu tằm – ngon, bổ, đẹp da

Điểm cộng đầu tiên của quả dâu tằm chính là vị ngọt lạnh mà bạn có thể cảm nhận ngay khi ăn. Vì cái chất “ngọt lạnh” này hơi lạ lạ nên nhiều người ăn không quen sẽ thấy “ớn ớn”, thậm chí có người còn bảo quả nó xù xì “như con sâu”.

Quả dâu tằm
Quả dâu tằm

Thật ra, nếu bạn để ý kỹ thì sẽ thấy quả dâu tằm dài dài, ngoằn ngoằn ấy bao gồm rất nhiều quả nhỏ kết hợp lại, chúng mọng nước, căng bóng và chẳng đáng sợ gì! (ngoại trừ việc một số quả hay bị rệp bám vào).

Tuy nhiên, công dụng của nó thì lại không thể phủ nhận. Bạn biết đấy, quả dâu tằm có tác dụng dưỡng huyết, bổ gan thận mà theo quan niệm của người phương Đông thì “tóc là phần dư của máu”, gan “khai khiếu ra mắt” còn thận thì “khai khiếu ra tai”. Cho nên, ăn dâu tằm có thể giúp dưỡng tóc, bổ mắt, thính tai và tăng cường sức khỏe (1).

Mặt khác, quả dâu tằm có tính mát lại giúp dưỡng máu nên với những người bị mụn do máu nóng thì ăn dâu tằm cũng giúp giảm nóng và cải thiện làn da.

Dâu tằm - thức uống bổ mát
Dâu tằm – thức uống bổ mát

Lưu ý khi dùng:

  • Chọn quả: Ta dùng quả chín đen để ăn và làm thuốc.
  • Trong quá trình dùng: Khi dùng quả dâu tằm làm thuốc, bạn không nên để quả tiếp xúc với kim loại, nhất là sắt (có thể dùng nồi thủy tinh để nấu, dùng chén sứ, ly thủy tinh để đựng, đũa gỗ để khuấy…).
  • Đối tượng cần tránh: Những người bị tiểu đường, cảm lạnh, phong hàn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và phế hư không nên dùng dâu tằm.
  • Đối tượng cần hạn chế: Đây là loại quả trẻ con rất thích ăn nhưng theo kinh nghiệm dân gian thì trẻ nhỏ không nên ăn nhiều (vì sẽ dễ bị lạnh bụng) (2).

Các bài thuốc từ quả dâu tằm

Có rất nhiều bài thuốc cổ truyền từ quả dâu tằm, từ dùng riêng đến kết hợp các vị thuốc khác, chẳng hạn như:

1. Điều trị thiếu máu, suy nhược thần kinh và viêm gan mạn tính

Với các trường hợp trên, mỗi ngày bạn chỉ cần dùng 10 – 15 g quả dâu tằm, kiên trì ăn trong nhiều ngày là sẽ thấy hiệu quả.

Riêng với bệnh thiếu máu thì bạn còn có thể dùng theo cách sau: lấy 60 g quả dâu tằm tươi, đem hầm cho chín nhừ cùng với 30 g long nhãn (nhãn nhục) và ăn trong ngày (mỗi ngày ăn hai lần) (1) (2).

Quả dâu tằm
Quả dâu tằm
Long nhãn
Long nhãn

2. Điều trị choáng váng đầu óc và hoa mắt

Những người làm việc lao tâm lao lực, hay thức khuya thường sẽ gặp chứng này: suy nhược thần kinh, hoa mắt và chóng mặt. Với trường hợp này, chúng ta có thể dùng quả dâu tằm, táo tàu và câu kỷ tử, mỗi loại 15 g, hãm với nước nóng và uống như trà (với táo thì bạn xắt khoanh cho nước trà ngọt hơn).

Trong bài thuốc này, táo tàu giúp bổ phổi, bảo vệ gan, kỷ tử thì bổ thận, dâu tằm bổ cả gan thận…, vì vậy, kết hợp ba thành phần này lại sẽ mang lại hiệu quả đáng kể (2).

3. Điều trị khí huyết hư tổn khiến cho tóc bạc sớm

Với trường hợp này thì dùng cao mật ong dâu tằm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Cách làm cao này như sau:

  • Chuẩn bị: nước ép quả dâu tằm chín và mật ong tự nhiên (lượng vừa đủ tùy theo số lần muốn dùng).
  • Thực hiện: lấy nước ép dâu cho vào nồi thủy tinh hoặc nồi đất, nấu bằng lửa nhỏ cho đến khi sánh lại thì đổ mật ong vào (nêm thấy vừa đủ ngọt), khuấy đều, sau đó chưng tiếp cho thành dạng cao thì tắt bếp và để dùng dần (đựng trong bình thủy tinh và đậy kín).
  • Liều dùng: mỗi lần rót một lượng bằng 2 muỗng canh (lưu ý không dùng muỗng sắt để đựng), hòa với nước ấm rồi uống (ngày uống hai lần vào buổi sáng và tối) (2).

4. Điều trị chứng đổ mồ hôi trộm

Bài thuốc rất đơn giản: bạn chỉ cần lấy 10 g quả tươi, cắt cho giập nát rồi nấu cùng 10 g ngũ vị tử, chắt lấy nước uống (mỗi ngày uống 2 lần) (2).

5. Điều trị táo bón do nóng trong người

Có nhiều cách dùng quả dâu tằm điều trị táo bón, chẳng hạn như:

  • Cách 1: hái quả dâu chín ép lấy nước uống hoặc ăn quả dâu chín, mỗi ngày ăn 15 g, ăn liên tục vài ngày thì sẽ thấy nhuận tràng, bớt táo bón.
  • Cách 2: hái 50 g quả dâu chín, đem nấu cùng 15 g mè đen (cán cho hơi nát), 15 g nhục thung dung và 10 g chỉ thực, sau đó chắt lấy nước uống (mỗi ngày uống 1 thang như thế, kiên trì vài lần sẽ thấy hiệu quả; riêng chỉ thực và nhục thung dung thì bạn có thể mua trong các hiệu thuốc Đông y, mè đen thì được bán phổ biến ở các chợ) (2).

6. Điều trị bế kinh

Nhắc đến bế kinh thì hồng hoa là vị thuốc có tác dụng đáng kể. Tuy nhiên, tác dụng hoạt huyết của hồng hoa khá mạnh nên dễ làm hao tổn sức khỏe. Vì vậy, dân gian ta kết hợp thêm dâu tằm để dưỡng huyết.

Cách dùng như sau: lấy 15 g quả dâu (cán cho hơi nát), 3 g hồng hoa và 12 g kê huyết đằng, cùng cho vào bình thủy tinh và đổ nước sôi vào, hãm lấy nước uống (2).

Thông tin thêm về quả dâu tằm

Tên của cây dâu tằm trong tiếng Hán gọi là “tang” (桑, Morus alba), đồng âm với đám tang, tang tóc, vì vậy, nhiều người kiêng kị và không dám trồng. Tuy nhiên, truyền thống trồng dâu nuôi tằm đã có từ lâu đời và ở Trung Quốc, người ta còn có truyền thống trồng cây dâu trước và sau nhà, xem nó là biểu tượng của “cố thổ, gia hương” (3).

Tham khảo: Cây dâu tằm và hiệu quả điều trị của từng bộ phân

Nguồn tham khảo

  1. Võ Văn Chi, Từ điển Cây thuốc Việt Nam, tập 1, bộ mới, NXB Y học, trang 710.
  2. Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, NXB Đồng Nai, trang 44.
  3. , https://baike.baidu.com/item/%E6%A1%91/742990, ngày truy cập: 16/ 03/ 2021.

Từ khóa » Dâu Tằm Làm đen Tóc