Quả Mơ, Hoa Mơ Vẻ đẹp Và Công Dụng, Cách Dùng Làm Thuốc

Ở miền Nam, rất nhiều người không phân biệt được quả đào với quả mơ vì hình dáng của chúng khá giống nhau. Tuy nhiên, quả mơ thì chua và thường gắn liền với rượu mơ, ô mai mơ và những mùa hoa – mơ nở trắng rừng.

Từ lâu, hoa mơ đã đi vào thơ ca và được xem là một trong “ba người bạn của giá lạnh” (tùng, trúc, mai) bởi loài cây này nở hoa vào cuối Đông, lúc thời tiết giá lạnh nhất và thậm chí là có tuyết rơi. Hàng năm, mỗi độ Tết về, giới thưởng hoa lại truyền nhau câu thơ bất hủ của thiền sư Mãn Giác về hoa mơ – biểu tượng của sự phục sinh giữa những lụi tàn và khí phách kiên cường trong nghịch cảnh:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai“

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một cành mai)

Hình ảnh hoa mơ

Thật vậy, chính vẻ đẹp tao nhã, thanh khiết của những cánh hoa mơ (mà người xưa gọi là hoa mai) đã giúp cho loài cây này trở thành biểu tượng của người quân tử mà ngày nay, nó còn đi vào những vần thơ bình dị, đời thường:

“Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang“

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Cây mơ với những cây cùng tên

Cây mơ còn được gọi là mơ ta, mơ mai, mơ Đông Á, mơ Nhật Bản, mai…, phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Cây có tên khoa học là Prunus mume, thuộc họ Hoa hồng: Rosaceae (1).

Tên tiếng anh của cây mơ là Japanese apricot (nghĩa là mơ Nhật Bản). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cây mơ ta khác với một loại dây leo cũng có tên là mơ (hay còn gọi là dây mơ, tức mơ leo, mơ tam thể: Paederia lanuginosa) (2).

Ngoài ra, trong văn chương nghệ thuật và y học, người ta thường gọi mơ là mai (tên Hán tự là “mai”), gọi hoa mơ là hoa mai. Vì vậy, cần phân biệt cây mơ (cây mai) mọc ở miền Bắc với cây mai (tức mai vàng) mọc ở miền Nam, thường nở rộ vào dịp Tết (Ochna integerrima) (3).

Hoa mo
Hoa mai miền Bắc (hoa mơ)
Hoa mai mien Nam
Hoa mai miền Nam (hoa mai vàng)

Ngoài ra, hình dáng và quả của cây mơ ta cũng rất giống với mơ hạnh, tức mơ Châu Âu, mơ Tây, hạnh tử (Prunus armeniaca) (5). Vì vậy, cần phân biệt hai loại này, nhất là trong làm thuốc.

Công dụng làm thuốc của quả mơ ta

Hoa mơ có loại màu trắng, có loại màu đỏ và ở nước ta thì loại hoa trắng là phổ biến. Theo y học cổ truyền, hoa mơ trắng có vị chua chát, không có độc và có các tác dụng như:

  • Giúp sáng mắt.
  • Kích thích vị giác và tiêu hóa.
  • Giúp giảm khát vào mùa hè.
  • Điều trị bệnh gan và bệnh đường ruột.
  • Điều trị hoa mắt, chóng mặt.
  • Điều trị đau đầu.
  • Điều trị bệnh đậu mùa.
  • Tán ứ và điều trị tức ngực.
  • Điều trị ho đàm.

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy 5 – 10 g hoa, sắc lấy nước uống (4).

Với quả mơ (còn gọi là mai tử), dân gian thường làm thành ô mai. Bạn biết đấy, ô mai với ý nghĩa ban đầu của nó là dùng làm thuốc, về sau mới trở thành món ăn vặt ưa thích của lứa tuổi “ô mai”.

Ô mai, tức bạch mai chế có các tác dụng như:

  • Làm tan đàm.
  • Giải độc, giải khát, giải phiền nhiệt (4).
  • Điều trị ho lâu ngày không dứt.
  • Điều trị tiêu chảy.
  • Điều trị tiểu tiện và đại tiện ra máu.
  • Điều trị đau bụng (do giun đũa).
  • Điều trị ghẻ lở (nướng cho kỹ rồi nghiền thành bột và rắc lên) (6).

Cách dùng: lấy ô mai sắc lấy nước uống (hoặc ngậm và nuốt nước dần), mỗi ngày từ 4 – 6 quả hoặc từ 5 – 20 g.

Cũng cần lưu ý rằng, quả mai được dùng làm ô mai, có tác dụng điều trị bệnh nhưng không phải loại ô mai nào cũng được làm từ loại quả này. Trên thị trường, ô mai có thể được làm từ nhiều loại trái cây khác nhau như sấu, chanh, mận, trám, táo, me…

Bên cạnh đó, người ta còn dùng cành mơ để làm thuốc điều trị sảy thai, liều dùng từ 15 – 25 g, sắc lấy nước uống trong ngày. Ngoài ra, lá mơ còn được dùng điều trị tay chân nứt nẻ, tiêu chảy, tả lị và kinh nguyệt không dứt bằng cách sắc uống từ 10 – 20 g lá mỗi ngày (lưu ý sắc đặc) (6).

Tham khảo: La hán quả, món ngon hay vị thuốc mát điều trị ho hữu hiệu? 

Công dụng và cách ngâm rượu quả mơ

Quả mơ có nhiều cách bào chế khác nhau, trong đó có cách ngâm rượu. Rượu này thơm ngon, dễ uống, có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tăng cường sức khỏe, giải nhiệt, giảm ho và kích thích tiêu hóa.

Cách ngâm như sau: Lấy 1 kg quả mơ (quả còn xanh), tách bỏ cuống rồi dùng vải lau sạch nước, đợi đến khi ráo hẳn thì cho vào keo và đổ 750 g đường phèn vào, sau đó đổ thêm rượu nếp vào sao cho ngập đều và đậy kín. Sau khoảng một đến ba tháng, các bạn có thể bắt đầu dùng rượu này, tuy nhiên, rượu mơ tốt nhất là từ 6 tháng trở đi và sẽ thơm ngon hơn từ sau 8 tháng.

Cách dùng: Mỗi ngày các bạn có thể uống 1 ly nhỏ vào bữa ăn (có thể cho thêm nước đá).

Một số lưu ý

  • Quả mơ có vị chua, nếu ăn lâu ngày và ăn quá nhiều sẽ hại tỳ vị, làm sâu răng và gây ra các tác dụng phụ (6).
  • Những người bị chứng khó ngủ, mất ngủ, dạ dày lở loét (hoặc dạ dày tiết nhiều axit) không nên dùng quả mơ (6).
  • Người bị bệnh gan không nên dùng rượu mơ.
Tham khảo: Cây, hoa và quả chanh từ mái tóc mượt đến cơ thể khỏe mạnh

Nguồn tham khảo

  1. (cây), https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_(c%C3%A2y), ngày truy cập: 02/12/2019.
  2. Mơ tam thể, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_tam_th%E1%BB%83, ngày truy cập: 02/12/2019.
  3. Mai vàng, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_v%C3%A0ng, ngày truy cập: 02/12/2019.
  4. Tìm hiểu cành Mai trong bài kệ của Mãn Giác Thiền sư, https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5ED652, ngày truy cập: 02/12/2019.
  5. Mơ châu Âu, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%A1_ch%C3%A2u_%C3%82u, ngày truy cập: 02/12/2019.
  6. Vương Ngọc Điển, Trái cây chữa bệnh, NXB Phụ nữ.

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Hoa Mơ