Qua Năm Non, Bảy Núi - Báo Nhân Dân

Tên gọi Thất Sơn lần đầu được biên chép trong "Ðại Nam nhất thống chí" của sử quán triều Nguyễn, gồm: núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Ốc Nhẫm (núi Dài), Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa. Còn Hồ Biểu Chánh trong "Thất Sơn huyền bí" và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu trong "Thất Sơn mầu nhiệm" cũng đã xác lập Thất Sơn gồm những núi nào. Ðến năm 1984, Trần Thanh Phương xuất bản "Những trang sử về An Giang" đã kể tên bảy ngọn núi và được ghi nhận trong Ðịa chí An Giang đến ngày nay, gồm: Anh Vũ Sơn (núi Két), Ngũ Hồ Sơn (núi dài Năm Giếng), Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Ngọa Long Sơn (núi Dài lớn), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Thủy Ðài Sơn (núi Nước)... "Gia Ðịnh thành thông chí" của Trịnh Hoài Ðức ghi chép: "Miệt Thất Sơn hoang vu, cây cối um tùm, khe sâu cỏ rậm, rất nhiều hươu, nai, hổ, báo. Ở đây hang núi ngậm mây, suối cong nhả ngọc". Bấy nhiêu đó đủ hình dung Thất Sơn hiểm trở nhường nào.

Giờ đường vào Thất Sơn, xe đi lại dễ dàng, nhà cửa đông đúc, khách du lịch đến đông vui, nhưng chuyện chinh phục và khám phá Thất Sơn hùng vĩ thì chẳng dễ dàng gì. Tôi làm cuộc hành trình xuyên qua vùng Bảy Núi, quyết đặt chân đến tận Năm Non. Từ trung tâm thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, phóng xe máy vài chục cây số đến xã Cô Tô đã thấy ngọn núi Cô Tô với chiều cao 614 m nằm vắt ngang cánh đồng lúa ruộng trên. Ðây là ngọn núi cao đứng hàng thứ hai trong dãy Thất Sơn và từng là núi đẹp nhất, còn có tên gọi Phụng Hoàng Sơn.

Từ xã Cô Tô đến thị trấn Ba Chúc đã thấy núi Dài như con rồng nằm ngủ. Ðây là ngọn núi còn hoang sơ nhất dãy Thất Sơn, chưa có nhà ở, đường lên núi gập ghềnh. Núi Dài trải từ huyện Tri Tôn sang tận huyện Tịnh Biên, như một người khổng lồ dang đôi tay ôm cả vạt rừng xanh vào lòng vậy.

Cách đó không xa là núi Tượng, trông giống chú voi. Còn Thủy Ðài Sơn cao chừng vài chục mét nhìn như cái gò đá nổi lên giữa cánh đồng và là ngọn núi thấp nhất vùng Bảy Núi. Kỳ lạ là, núi Nước chỉ thâm thấp dưới chân nhưng không năm nào mùa nước nổi đồng bằng có thể ngập được ngọn núi này.

Tôi tiếp tục đi theo tỉnh lộ 948 từ huyện Tri Tôn đến huyện Tịnh Biên, nơi có ba ngọn núi còn lại trong dãy Thất Sơn là: Núi Cấm, núi Két và núi dài Năm Giếng. Dễ dàng nhận ra vì hòn đá nằm vắt vẻo bên sườn núi có hình dáng như một chú chim két khổng lồ. Còn Ngũ Hồ Sơn tuy là một ngọn núi nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ: Trên đỉnh núi có đến năm giếng nước mát ngọt quanh năm, dù trời khô hạn, nước vẫn đủ đầy, giúp người dân sinh sống nơi đây có nguồn nước tưới rẫy và sử dụng trong sinh hoạt. Nhiều người dân trên núi còn khẳng định, các giếng nước này còn có "nước lớn, nước ròng theo thủy triều", khiến tôi hết sức ngạc nhiên.

Hùng vĩ nhất là Thiên Cấm Sơn hay còn gọi là núi Cấm, cao 716 m so mực nước biển. Ngày xưa, núi Cấm là nơi xuất tích của nhiều truyền thuyết và tôn giáo, là nơi cư ngụ của những anh hùng, chí sĩ yêu nước, các đạo sĩ ẩn tu, chờ ngày làm nên nghĩa lớn. Ngày nay, núi Cấm là "thiên đường" của du lịch tâm linh kết hợp hành hương nổi tiếng của tỉnh An Giang. Ðường lên núi Cấm giờ có nhiều lựa chọn: Ði nhanh thì chọn cáp treo, chỉ mất hơn 10 phút đã lên tới đỉnh. Ðiểm nhấn là quần thể kiến trúc đặc sắc trên "nóc nhà miền Tây" này với ba điểm đến chung quanh hồ nhân tạo Thanh Long, gồm: Thiền viện chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc ngồi cao 36 m đạt kỷ lục châu Á và chùa Vạn Linh với ngọn tháp cao "chọc trời". Tôi chọn đường đi bộ, vượt hàng nghìn bậc thang len giữa những cánh rừng già vừa tận hưởng không khí trong lành vừa nghe tiếng suối reo, chim hót, vừa dễ dàng khám phá các hang động và đi tìm kiếm... "năm non".

Theo hướng chùa Phật Nhỏ, tôi lạc vào cánh rừng quýt hồng trĩu quả. Lão nông Trần Thanh Tùng, 74 tuổi là chủ nhân vườn quýt cũng là người dân cố cựu ở núi này. Ông cười khà khà, "giải mã" ý nghĩa của "năm non": Năm non ở đây là năm vồ đá, nơi có chóp cao nhất của mỗi khu vực trên ngọn núi Cấm. Cao nhất là vồ Bồ Hong, chính là đỉnh núi Cấm. Vì khi xưa nơi này có nhiều côn trùng (gọi là bồ hong) sinh sống nên có tên này. Vồ Ðầu là đỉnh cao đầu tiên của núi Cấm tính từ phía bắc, cao 584 m.

Vồ Bà cao 579 m, có điện thờ Bà Chúa Xứ. Vồ Ông Bướm (hay Ông Voi) cao 480 m, tương truyền xưa kia có hai người là ông Bướm và ông Voi đến cư trú, nên có tên như thế. Còn vồ Thiên Tuế cao 541 m, trước kia là rừng cây thiên tuế. Tại mỗi vồ đều có điện thờ nên khách hành hương thường tìm đến cúng viếng, cầu xin may mắn, bình an.

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG, THANH DŨNG

Từ khóa » Núi An Giang