Quà Quê

Sài gòn, mấy ngày này, chỉ có nắng và nóng.

Hôm rồi, vợ ra Bắc ít ngày, chỉ ghé về Hưng Yên được một lát, thắp hương cho bố mẹ chồng, xong, lại vội về Hải Phòng với mẹ đẻ. Đã lâu lắm, hai mẹ con mới được ôm nhau ngủ, được ba đêm như thế.

Buổi đi, bà ngoại và các bác cứ hì hụi đóng thùng cho bao nhiêu là những chuối, đu đủ, mướp, mùng tơi, rau đay, cua đồng, cáy biển, lại cả bó hương nhu, nhành bồ kết, vỏ bưởi khô để nấu nước gội đầu nữa... Tất cả, đầy ắp hai thùng các tông to, không còn chỗ đâu để mà nhét nữa, bà vẫn vặt thêm mấy trái ớt non, dúi vào túi con. Tình quê sao mộc mạc mà chan chứa.

Nhờ cái máy bay, nó lướt lượn chốc nhoáng đã đến Sài Gòn. Người về, tay xách nách mang, dáng hình có đượm thêm đôi chút thôn dã, mà mấy mọn quà quê cứ tươi nguyên.

Trưa nay, để chiều bố, cô con gái lớn nhanh nhảu, hí hoáy lọc ít cua, lựa mớ rau, gọt quả mướp, nấu món canh mà tôi ưa thích. Cái nhớn nhà tôi, nó vụng lắm, nhưng nhờ thương bố mà nó nấu món này, ăn rất ưng.

Cả nhà tôi, cứ bữa nào có món canh này, thì dường như ai cũng hồ hởi, háo hức, chỉ hau háu trông cho mau đến giờ được ăn. Bữa nay cũng vậy, vợ chồng con cái vừa sà xuống mâm, bát canh xanh ngát còn đang nóng giật tay, thế mà, mặc kệ, không ai chờ ai, chẳng ai để ý đến ai, người nào người nấy cứ tự nhiên, tha hồ, thỏa sức mà bung mở hết cỡ mọi giác quan ra để mà hít hà, xì xụp, cảm thấu.

Chỉ đến khi, vơi lưng bát cơm đầu rồi, cái gái út mới ngẩng đầu lên, liến láu:

- Ngon quá là ngon, bố ơi, hay mình xin bà ngoại ít hạt mướp hương này về trồng ngoài sân đi bố.

- Ừ, trồng mướp cho leo lên bờ rào, vừa đẹp vừa có cái ăn. Đứa chị tiếp lời em, rồi liên thanh: Mình trồng cả mùng tơi, rau đay nữa bố ạ, rồi nhà mình sẽ được ăn rau sạch, không còn lo rau bẩn, mất an toàn mua ngoài chợ nữa.

Nghe hai chiến sĩ con đang sôi nổi, hào hứng, như mọi khi, tôi lại mở giọng tư lệnh kiêm chính ủy:

- Ừ, ý tưởng của các con hay đấy, nhưng bố thấy sân nhà mình hẹp thế, lại cũng nhiều cây rồi, giờ trồng thêm rau nữa thì chật quá, trông rối đội hình lắm. Vả lại, rau mà thiếu đất, thiếu ánh nắng thì làm sao mà ngon được. Các con đừng lo lắng quá, cứ yên tâm đi, bao đời nay ăn rau do người nông dân làm ra, nông dân như bà ngoại mình đây, vốn thật thà chất phác, thế mà mình không tin thì còn biết tin vào ai.

Thấy hai đứa vẫn cứ hục đầu xuống mải miết ăn, biết mình xa xôi không hợp cảnh, tôi liền chuyển "kênh":

- À, mà bố thấy nhà ta nhiều phòng ngủ, hay mình ngăn lấy một phòng mà thả đôi lợn, lấy thịt sạch ăn.

- Oh yeah! Ủng hộ bố! Lợn là số 1! Lợn là vô địch! Bọn chúng vừa đồng thanh la lớn vừa vung cả hai tay lên trời.

- Mình chỉ cần dọn giường tủ ra là được một cái chuồng đẹp cho ủn rồi. Cái út vừa nói vừa chỉ tay lên phòng của bố.

- Không được, phải để giường lại cho lợn ngủ nó mới sạch chứ. Chị cả nghiêm nghị góp ý.

- Ừ há, em sẽ mua tặng ủn một cái khăn, hàng ngày, ba bố con mình sẽ thay nhau tắm cho nó…

Mới nghe cái út nói tới đây, mẹ nó đã gõ bát cạch cạch, rồi vừa bệu môi vừa đưa mắt sang nhìn chồng, xuôi giọng:

- Dzẹp…,không có rau sạch lợn sạch gì sất, mai ông nhớ tắm đi nha, nhắc hoài.

Mụ nhà tôi lành tính, đáng yêu lắm. Chỉ ghét nỗi, thi thoảng, vô tình thôi, mụ í nói thật thà, mà ngẫm ra, cứ thâm thâm là. Hai "con vịt" đang quang quác thế mà giờ chụm cánh, rụt cổ, im như trứng. Thằng tôi, sau một hồi ngồi đực ra, như sực tỉnh, bệnh sĩ nổi cơn, quyết gỡ thẹn, giành lại danh dự, củng cố nhân phẩm, dõng dạc cất tiếng:

- Anh biết rồi, nhưng mà còn xem thời tiết thế nào hẵng, với lại, phải cho anh ngủ chung anh mới tắm.

Lũ "vịt giời" cứ giấu mặt đi, cười khùng khục.

Vừa ăn vừa nói cười rôm rả, chốc lát đã cạn mâm. Ba mẹ con đã buông đũa, ngồi kềnh ra, vừa phe phẩy quạt vừa thấm mồ hôi. Phần tôi, vì thói ăn lắm, nên chửa xong, còn đang nghiền ngấu nốt miếng cuối cùng, miếng cà pháo giòn tan, vỡ dần, tan đi…

Đọng lại, chỉ còn duy nhất một thứ gì như ngọt dịu, thanh mát cứ mơn man, vương vấn, lan tỏa...

Ngân Quỳnh

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt là chuyên mục mới trên báo Nông nghiệp Việt Nam, được đặt theo tên một cuốn sách của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngữ học và là một trí thức tinh hoa của đất nước.

Tên chuyên mục cũng nói hộ sự kỳ vọng kiến tạo và chấn hưng những giá trị đang bị xô lệch bởi cơn bão thời đại vốn lẫn nhiều gió độc. Ở đây, các nhà nghiên cứu và người Việt nói chung quan tâm đến văn hóa dân tộc sẽ góp tiếng nói sâu sắc, chính trực trong một khát vọng chung nhằm góp phần xây dựng những nền tảng quan yếu cho một xã hội tốt đẹp trong hiện tại và cho tương lai.

Rất mong nhận được sự ủng hộ, chia sẻ và cộng tác của những bậc thức giả cùng bạn đọc yêu mến!

Bài viết cho chuyên mục xin được gửi về Báo Nông nghiệp Việt Nam, 14 Ngô Quyền, Hà Nội. Email: baonnvnts@gmail.com.

Hoặc liên hệ người phụ trách chuyên mục: Ông Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn; Điện thoại: 0913.378.918; Email: toduchuy75@gmail.com.

NNVN

 

Từ khóa » Góp Hụi Là Gì