QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CHĂM Ở THÀNH ...
Có thể bạn quan tâm
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CHĂM Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Gru Hajan
Tộc người Chăm là một dân tộc có nguồn gốc gắn liền với cư dân Champa cổ. Trong suốt thời gian tồn tại của mình, từ thế kỷ II sau công nguyên đến thế kỷ XV, tộc người Chăm đã được các thư tịch cổ Trung Quốc (Tân Đường Thư, Thuỷ kinh chú…) và các bộ sử của Việt Nam (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí…) ghi chép lại với danh nghĩa như là một trong những cư dân Champa cổ xưa.
Đến giữa thế kỷ XIX, vào năm 1852, người Chăm và nền văn hoá của họ bắt đầu trở thành đối tượng nghiên cứu thực sự của các nhà khoa học trong nước và ngoài nước. Đặc biệt các nhà khoa học người Pháp, trước hết là Trường Viễn Đông Bác Cổ, công bố một số bài viết về văn tự và các phương ngữ Chăm có thể được xem như là công trình đầu tiên nghiên cứu về tộc người Chăm. Sau đó, vào năm 1881, E. Aymonier công bố công trình đầu tiên về lịch sử Champa qua các văn bản cổ. Sang đầu thế kỷ XX, năm 1901, L. Finot xuất bản danh mục các kiến trúc Champa và nghiên cứu về các tôn giáo của nước Champa cổ. Năm 1906, A. Cabaton và E. Aymonier hoàn thành và cho xuất bản cuốn từ điển Pháp – Chăm, một công trình cơ bản về ngôn ngữ Chăm. Trong khoảng thời gian giữa những năm 1910 – 1913 G. Maspero cho ra đời cuốn sách Vương quốc Champa. Năm 1971, G. Moussay in cuốn Từ điển Chăm – Việt – Pháp. Sau năm 1975, các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam bắt đầu có những đóng góp thực sự vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá dân tộc Chăm.
Ngày nay, người Chăm là một trong 54 dân tộc anh em đang sinh sống tại Việt Nam, có dân số khoảng chừng 132.873 người. Tiếng nói của họ gần gũi với các dân tộc Raglai, Churu, Giarai, E-đê thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polynesian. Do quá trình biến động của lịch sử, cộng đồng người Chăm ngày nay chỉ còn thu hẹp ở vùng Nam Trung bộ Việt Nam, tập tung chủ yếu ở khu vực thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Một số ít tập trung ở khu vực thuộc tỉnh Bình Định, Phú Yên và một bộ phận còn lại sống rãi rác ở các nơi như Châu Đốc, Tây Ninh, Long Khánh, Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh.
Chính sự xáo trộn của các giai đoạn lịch sử và địa bàn cư trú lại bị phân bố cách biệt nhau về điều kiện địa lý và môi trường xã hội nên đặc điểm lịch sử và văn hóa của tòan bộ cộng đồng dân tộc Chăm ngày nay không được đồng nhất mà mang tính đặc thù cho từng khu vực địa phương khác nhau, trong đó cộng đồng người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh là trường hợp điển hình.
Cộng đồng người Chăm là một trong những dân tộc có mặt khá sớm ở đô thị Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình phát triển tộc người của mình, dân tộc Chăm cũng trải qua nhiều biến động lịch sử và cũng đã từng hình thành những đô thị và cảng thị nổi tiếng trong quá khứ.
Trong điều kiện phân bố dân cư xa cách với cộng đồng gốc, đồng thời lại chịu tác động, ảnh hưởng nhiều luồng văn hóa khác, cộng đồng người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành nên một bản sắc riêng mang đậm tính chất địa phương góp phần làm đa dạng và phong phú những đặc trưng văn hóa và con người thành phố Hồ Chí Minh. Đặc trưng văn hóa này được thể hiện rõ nét nhất thông qua hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội và sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng.
Ngày nay, bên cạnh cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer, cộng đồng người Chăm cũng đã trở thành bộ phận cư dân chính mang nhiều nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu được trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu một cách sâu sắc hơn nữa về nguồn gốc, lịch sử hình thành và các yếu tố cấu thành cộng đồng người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các cộng đồng dân cư dân tộc cư trú ở vùng đất Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay nói chung là điều cần thiết. Có như thế, chúng ta mới có những cứ liệu khoa học chính xác và phong phú để giúp cho việc hoạch định các chủ trương, thiết lập các chương trình hành động để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố văn minh hiện đại, xứng đáng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của đất nước.
- Quá trình hình thành cộng đồng người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh
Căn cứ trên các tư liệu ghi chép trên các bia đá cùng với các sử liệu từ văn bản cổ Chăm, lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, cũng như những bản tường trình của các thương nhân từ các nước Châu Âu và Ả Rập đã giúp cho chúng ta khẳng định một cách chắc chắn rằng, người Chăm đã định cư ở bán đảo Đông Dương này tương đối khá sớm. Và một điều chắc chắn hơn nữa là chính tổ tiên của họ đã xây dựng một quốc gia cổ đại rất sớm hình thành (từ đầu công nguyên) trên mãnh đất Việt Nam chúng ta ngày nay. Do chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ, thể chế quốc gia của họ đã sớm có một cơ cấu tổ chức chính trị khá chặt chẽ nhưng lại dùng ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á làm ngôn ngữ chính thức trong hệ thống hành chánh của mình. Trong suốt chặng đường dài của thời kỳ đầu lịch sử từ đầu công nguyên đến thế kỷ X, cư dân Chăm cư trú tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung Việt Nam. Tại nơi này, họ đã tạo một nền văn minh và văn hoá đặc sắc và độc đáo cho đến nay vẫn còn lưu lại các vết tích trãi dài trên mãnh đất miền Trung ngày nay.
1.1. Thời kỳ chế độ phong kiến (lúc Champa đương thời và Triều Nguyễn)
Do biến cố lịch sử năm 1692, Po Cheng Chan buộc phải từ bỏ vương triều và dẫn theo 5.000 gia đình tín đồ đạo Bani chuyển cư sang Campuchia tị nạn. Đây là đợt tị nạn thứ 6 (sau năm 986, 1285, 1318, 1471 và 1652) của người Chăm ra hải ngoại và là đợt tị nạn thứ 2 sang Campuchia. Đặc biệt năm 1471, trong đợt tấn công của quân Đại Việt vào thành Vijaya, vương quốc Champa không còn là một quốc gia thống nhất mà bị chia thành ba tiểu quốc: Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan. Từ đó, phần lớn cư dân Champa đã phiêu bạt khắp nơi.
Năm 1692, xảy ra cuộc xung đột Champa với Chúa Nguyễn ở Đàng trong; kết quả Chúa Nguyễn lấy đất Phan Rang, Phan Rí, lập nên huyện Yên Phúc và Hòa Đa. Sau sự kiện này, cả hoàng tộc và dân chúng Champa đã chuyển cư sang Campuchia. Đến năm 1699, người Chăm theo Nguyễn Hữu Cảnh về cư trú ở vùng Tây Ninh.
Năm 1833, người Chăm theo Lê Văn Khôi nổi dậy chống Minh Mạng ở vùng Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết. Vua Minh Mạng ra lệnh đàn áp những người theo Lê Văn Khôi, trong đó có người Chăm. Người Chăm lại phải bỏ quê hương di cư sang Thái Lan, Mã Lai, Inđônêxia, A rập…. Trong quá trình sinh sống xa cộng đồng gốc, họ đã chịu ảnh hưởng tôn giáo Islam khá sâu đậm, vì thế các phong tục tập quán đều phải tuân thủ theo các điều luật trong giáo lý Islam, cho nên hiện nay cộng đồng người Chăm ở đây trở nên xa lạ với nền văn hóa dân tộc gốc ở khu vực miền Trung đang còn lưu giữ. Đến giữa thế kỷ XIX, được lệnh chiêu an của vua Thiệu Trị (1940) phần lớn họ hồi hương về định cư ở Châu Đốc.
Dưới thời Gia Long (1802-1820), qui chế tự trị của người Chăm chi được duy trì ở dưới chừng mực nhất định. Nhiều phong trào chống đối nhà Nguyễn thường xuyên xảy ra nhưng đều bị thất bại.
Trong 2 năm 1854 và 1858, nhiều người Chăm Islam, sống sót sau những đợt tàn sát của quân Khmer đã chạy qua Châu Đốc tị nạn, được Trương Minh Giảng cho định cư cùng với những người Chăm đã có mặt từ trước ở vùng biên giới dọc theo Sông Hậu gần Châu Đốc và Tây Ninh. Tất cả những người Chăm ở đây sống bằng nghề trồng rau quả, lúa nước và thương mại.
Từ đó, dần dần, người Chăm ở miền Tây thành lập được 7 làng (Châu Giang, Katambong, Phum Soài, Lama, KaKôl, Ka Côki và Sàbâu), với dân số khoảng 5.000 người dưới sự cai quản của người Việt tại Châu Giang.
1.2. Thời kỳ Thực dân
Dưới thời Pháp thuộc (1884-1954), dưới ách cai trị của chế độ thực dân người Chăm cũng giống như người Việt, đều không được hưởng một quy chế đặc biệt nào.
Về dân số, năm 1963 trên toàn quốc có 51.975 người Chăm, trong đó 33.600 người cư trú tại Ninh Thuận và Bình Thuận, 3.000 tại Bình Định, 915 tại Bình Tuy, và còn lại chỉ có 1.760 tại Tây Ninh và 12.700 tại Châu Đốc. Năm 1970, toàn miền Nam có khoảng 75.000 người, 2/3 sống tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Năm 1989, dân số Chăm tăng lên 99.000 người. Đa số sống bằng nghề nông và tiểu thủ công nghiệp.
Vào thời gian đầu, cộng đồng người Chăm ở An Giang chuyển cư vào thành phố Hồ Chí Minh không nhiều. Trong thời này họ sống chủ yếu bằng nghề buôn bán. Họ thường dùng thuyền chở các loại nông sản như ngô, thuốc lào, đậu và các loại ngũ cốc khác cùng với các mặt hàng tơ lụa do chính họ dệt lấy chở đi bán. Đặc biệt, từ năm 1940 trở đi, họ đã dùng thuyền chở lúa gạo lên Sài Gòn – Chợ Lớn buôn bán. Những chuyến thương thuyền của họ chủ yếu thường neo bến ở dọc hai bờ sông Bến Nghé, Kinh Đôi, Kinh Tẻ, rạch Ong Lớn, rạch Thị Nghè. Thế nhưng, sau năm 1945, do chiến tranh, thiên tai và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, làm cho công việc buôn bán của họ gặp nhiều khó khăn nên buộc họ phải rời quê hương đi tìm nơi khác lập nghiệp, từ đó tạo làn sóng di cư của cộng đồng người Chăm vào Sài Gòn ngày càng nhiều hơn. Nhất là năm 1948, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Việt Nam thực sự bùng nổ. Với chiến thuật “cào bừa”, đánh ngang, đánh dọc và các chính sách khủng bố, uy hiếp của thực dân Pháp nên nhân dân ở vùng nông thôn đã rời bỏ xóm làng lên các đô thị để lánh nạn. Theo chân người Việt, một bộ phận người Chăm cũng lên thành phố lánh nạn và kiếm sống. Ban đầu họ chỉ sống tạm bợ trong những ngôi nhà chật hẹp bùn lầy. Họ tụ tập mỗi nơi vài gia đình cất nhà sàn dọc theo các con kênh rạch nơi mà trước kia họ thường chèo thuyền lên thành phố buôn bán và gần chợ.
1.3. Thời kỳ thống nhất đất nước (Từ 1975 đến nay)
Từ những năm sau giải phóng 1975, có hơn 22.000 người Chăm tị nạn khắp nơi trên thế giới, trong số này hơn 4/5 là người Chăm tại Kampuchia (khoảng 2.000 người di tản ngay khi Phnom Penh thất thủ) và được phân bố như sau: ở Pháp có hơn 1.000 người (hơn 30 người Chăm từ Việt Nam), Đan Mạch: 250, Canada: 400, Uc: 400, Hoa Kỳ khoảng 2.000 và đông nhất là tại Malaysia: hơn 10.000 người.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra dân số ngày 01/04/1999, dân tộc Chăm tại Việt Nam có số dân 132.873 người, phân bố rải rác từ bắc xuống nam gồm người Chăm ở Bình Định – Phú Yên 20.687 người, ở Ninh Thuận – Bình Thuận 86.493 người, ở Nam bộ khoảng 23.295 (trong đó An Giang là 12.435 người, Tây Ninh: 2.663 người, Đồng Nai: 2.307 người, Bình Dương: 332 người và Bình Phước: 366 người). Số còn lại cư trú rải rác ở các tỉnh trên toàn quốc là 2.408 người.
Mức độ gia tăng dân số của người Chăm từ 1989 đến 1999 là 3,425% (tăng 33.902 người so với mức dân số 98.971 người từ kết quả điều tra dân số ngày 01/04/1989).
Tính đến năm 1964, tổng số người Chăm ở Sài Gòn tăng lên đáng kể khoảng 1.000 người. Nhất là sau giải phóng năm 1975, số người Chăm càng tăng lên một cách rõ rệt, khoảng 4.607 người. Nhưng vào năm 1979, người Chăm lại giảm một cách đột ngột chỉ còn khoảng 3.636 người. Cho đến gần 10 năm sau, dân số cộng đồng Chăm mới có chiều hướng tăng trở lại. Năm 1989, tổng dân số cộng đồng Chăm tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 3.636 người.
Từ 1990 – đến nay, dân số người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng, nhưng không nhiều. Năm 1991 có khoảng 4.504 người và năm 1997 có khoảng 5.192 người. Đến nay, cộng đồng người Chăm cư trú ở thành phố Hồ Chí Minh có số dân lên đến 5.288 người (vào tháng 2/2002).
- Quá trình hình thành các điểm dân cư của người Chăm ở TP. HCM
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước với diện tích là 2.090 km2, dân số 5.449.217 người. Người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một bộ phận của nhóm cộng đồng từ Châu Đốc An Giang. Họ đều là những tín đồ Islam. Sau năm 1945, do quá trình chiến tranh, xung đột tôn giáo và thiên tai nên buộc họ phải rời bỏ quê hương đi nơi khác sinh cơ lập nghiệp. Từ Châu Đốc, người Chăm đã đi khắp nơi ở Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé … và nhiều nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo truyền thống, cộng đồng Chăm Islam thường cư trú tập trung thành từng nhóm gia đình và có quan hệ gần gũi với nhau như cùng quê, hay có quan hệ họ hàng thân thích với nhau. Mặc dù trải qua những cuộc di cư đến vùng đất mới như Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng họ vẫn tiếp tục sống tập trung thành nhóm ở những địa bàn vốn là những vùng đất thấp, bùn lầy, gần kênh rạch, các bến sông. Việc quần tụ thành những cụm dân cư rất thuận lợi cho việc sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng và giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt. Còn việc ở ven kinh rạch một mặt giúp cho công việc buôn bán được thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện cho việc đi lại trong thành phố và đi về quê cũ An Giang. Cụ thể như: xóm người Chăm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Phường 13, quận 3), xóm người Chăm gần cầu Công Lý (Phường 15 và 17 quận Phú Nhuận), xóm người Chăm trên rạch Bến Nghé xóm người Chăm cư trú tại khu Nam Long (phường 7, quận 6), vùng đất thấp gần rạch ông Lớn có xóm Chăm Tế Bần (phường 1, quận 8), xóm Chăm cầu Rạch Ong (phường 2, quận 8)…. Ngoài ra, họ còn cư trú gần các chợ. Như khu người Chăm đường Hùynh Văn Bánh nằm sát bên chợ Phú Nhuận, Khu người Chăm Cầu Kho gần chợ Nancy (quận 1). Khu người Chăm Trương Minh Giảng (nay là chợ Nguyễn Văn Trỗi, Quận 3), khu người Chăm Thị Nghè gần chợ Thị Nghè.
Do sức hút của trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nên họ đã đến đây lập nghiệp kiếm sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng vì trình độ học vấn và tay nghề thấp, vốn liếng lại hạn chế nên những nhóm người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh có khuynh hướng sống tập trung vào những khu dân cư lao động nghèo.
Hiện nay, cộng đồng người Chăm đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh được phân bố như sau:
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Hòa Hưng (Cách Mạng Tháng Tám), phường 10, Quận 3.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Trương Minh Giảng, phường 13, Quận 3.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Ụ Tàu, phường 1, Quận 4.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Nguyễn Trãi, phường 11, Quận 5.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Xóm Chỉ, phường 13, Quận 5.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Nam Long, phường 7, Quận 6.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Cầu Rạch Ông, phường 2, Quận 8.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Tế Bần, phường 1, 2 và 5, Quận 8.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Bình Đông, phường 19, Quận 8.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Cầu Công Lý, phường 15, Quận Phú Nhuận.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở Huỳnh Văn Bánh, phường 17, quận Phú Nhuận.
– Khu vực cộng đồng người Chăm ở nhà máy sửa chữa Tân Phước, quận Thủ Đức.
Riêng khu vực Nancy, Quận 1 tức phường Cầu Kho ngày nay là một trong những địa bàn cư trú đầu tiên của người Chăm Islam ở thành phố Hồ Chí Minh.
Những thời gian đầu đến sinh sống làm ăn ở thành phố Hồ Chí Minh thường là nam giới. Sau khi đã tìm được việc làm và chỗ ở ổn định, họ chuyển cả gia đình lên thành phố sinh sống. Vì vậy, việc di dân của người Chăm lên thành phố ngày càng đông hơn.
Tùy theo mỗi khu vực mà việc định cư của cộng đồng người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh có những đặc điểm khác nhau.
Ở phường 11, quận 8, dân tộc Chăm trên địa bàn phường 11 có 101 hộ với 732 nhân khẩu, trong đó thường trú 84 hộ với 613 nhân khẩu (296 nam, 317 nữ), tạm trú có 17 hộ với 119 nhân khẩu (53 nam, 67 nữ). Trong số hộ tạm trú này có 3 hộ từ quận 4 chuyển đến, 14 hộ còn lại từ An Giang chuyển về, chiếm tỷ lệ 3,48% trên tổng số dân toàn phường. Số người trong độ tuổi lao động là 374. Số người chưa có việc làm là 77. Đại bộ phận đồng bào Chăm (77/101 hộ) cư ngụ tập trung trong 3 tổ dân phố 31,32 và tổ 33 thuộc khu phố 2, số hộ còn lại (24/101 hộ) cư ngụ rải rác các khu phố 1-3-4 và khu phố 5.
Quận 6 gồm 14 phường, trong đó phường 7 là nơi có số lượng người Chăm sống tập trung đông hơn cả. So với những nơi khác trong thành phố, người Chăm di cư lên Quận 6 có những sắc thái riêng biệt. Quá trình di cư của họ chia thành 3 giai đoạn:
– Giai đoạn 1 (Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến trước năm Mậu Thân 1968): Sau năm 1946, do ảnh hưởng của chiến tranh, những người Chăm sinh sống tại vùng biên giới Campuchia và Châu Đốc phải di cư lên thành phố lánh nạn. Họ sống tập trung thành nhóm, sống tạm bợ ở khu Nancy (Quận 1), khu Tế Bần (Quận 8), khu Chí Hòa (Quận 10). Theo thống kê vào năm 1996, tổng số người Chăm ở Sài Gòn – Chợ Lớn là 1.000 người. Người Chăm di cư lên quận 6 trong giai đoạn này theo từng đợt nên dân số lúc này đang trong giai đoạn tăng dần cùng với quá trình nhập cư của người Chăm lên đây.
– Giai đoạn 2 (1968 – 1975):, Sau trận lụt lớn ở miền Tây vào năm 1966, người Chăm ở An Giang buộc phải chuyển cư lên Sài Gòn để sinh sống. Mỗi khu vực tập trung cư trú có khoảng 20 đến 30 hộ, hầu hết đều có mối quan hệ huyết tộc và quan hệ láng giềng với nhau.
– Giai đoạn 3 (1975- 1989): Giai đoạn này dân số người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh có biến động khá lớn. Theo thống kê ngày 5/2/1976 của chi cục thống kê Thành phố, người Chăm thành phố lúc bấy giờ là 6.607 người, phân bố rất nhiều ở quận 8, quận Phú Nhuận, quận 1 và quận 3.
Nhưng đến năm 1979, người Chăm ở thành phố giảm xuống 2.991 người, nhưng đến 1989 có chiều hướng tăng lên là 3.636 người. Nguyên nhân của sự thay đổi đột ngột này là do đất nước vừa mới thống nhất và đang tiến hành khôi phục kinh tế – xã hội. Đặc biệt trong thời gian này, Nhà nước có chương trình phát động phong trào hồi hương và xây dựng kinh tế mới. Để hưởng ứng phong trào này, người Chăm thành phố đã có những đợt hồi hương về định cư tại quê nhà vào các năm 1977, 1978 và 1980.
Từ năm 1990 đến nay, khi đất nước đã bước vào giai đoạn ổn định, phát triển kinh tế, chính trị và xã hội, người Chăm ở Châu Đốc cũng như người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu ổn định cuộc sống nên không xảy ra những cuộc chuyển cư lớn như trước đây.
Theo ông Tuan Dusô, phó cả chùa Quận 8, người Chăm đến đây vào thập niên 60 của thế kỷ XX, lúc đầu chỉ có 3-4 hộ, nhưng sau một thời gian định cư và ổn định cuộc sống, họ luôn luôn tìm cách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người thân và đồng tộc có cơ hội đến sinh sống chung, gần gũi với nhau.
Sau giải phóng 1975, do chưa quen và chưa thích nghi chế độ chính trị mới, họ quay về quê cũ. Vài năm sau, họ mới quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh và sinh sống đến ngày nay. Hiện nay, tại phường 1, người Chăm có 101 hộ với 732 nhân khẩu, nam 349 người nữ 384 người, (tạm trú 17 hộ và 119 nhân khẩu) chiếm tỷ lệ 3,4% tổng dân số của phường và toàn quận có 200 hộ với 1384 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 50,5% cộng đồng Chăm trong thành phố.
Tại phường Cầu Kho, Quận 1, người Chăm đầu tiên đến vào năm 1945. Lúc này chỉ có khoảng 2-3 hộ. Đến năm 1949, dân số người Chăm tăng lên 20 hộ. Khi người Chăm đến cư trú ở khu vực này thì đã có mặt người Việt và người Hoa. Lúc đó, ở địa bàn này là rìa đường lộ, đầm lầy. Hầu hết nhà của họ là nhà sàn, vách gỗ, mái lá. Thời gian đầu mới định cư họ thường gặp nhiều khó khăn, công việc làm không ổn định. Cho nên, những người đến trước thường giúp đỡ về ăn uống và nơi ở tạm trong thời gian đang kiếm việc làm. Cho đến năm 1960, số người Chăm đến đây cư trú vẫn còn thưa thớt, hầu hết họ đến đây chủ yếu vì lý do hôn nhân.
Riêng người Chăm ở phường 17, quận Bình Thạnh tập trung cư trú chủ yếu ở khu phố 4, tổ dân phố 66, chung cư 86/1 Phan Văn Hân. Theo số liệu thống kê của UBND phường 17 vào ngày 31 tháng 3 năm 2002, cộng đồng người Chăm chiếm khoảng 234 người, gồm 33 hộ, trong đó có 144 nam và 120 nữ sống tập trung chủ yếu tại chung cư 86/1 đường Phan Văn Hân.
Còn người Chăm ở phường 17, quận Phú Nhuận chiếm khoảng 485 nhân khẩu, gồm 115 hộ (trong đó nữ chiếm 45,77%). Trong đó có 80 hộ thường trú, còn lại là những hộ thuộc diện tạm trú. Dân số toàn phường hiện nay khoảng 2294 hộ với 11581 nhân khẩu. Tổng số hộ người Chăm là 115 hộ với 485 nhân khẩu (trong đó nữ chiếm 45,77%), trong đó, có 80 hộ là thường trú, còn lại là tạm trú.
Như vậy, đồng bào dân tộc Chăm sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh phần lớn đều có nguồn gốc ở Châu Đốc tỉnh An Giang nên cơ cấu tổ chức xã hội của họ, xét về mặt cơ bản hầu như không khác nhiều với cơ cấu tổ chức xã hội của người Chăm ở Châu Đốc. Chỉ có một điểm hơi khác là môi trường và điều kiện sinh họat đô thị không cho phép họ sống tập trung ở Palei (làng) tại An Giang. Họ chỉ tập trung thành cụm dân cư gọi là Jamaat (khu vực) sống xen kẻ với người Việt và các dân tộc thiểu số khác như người Hoa, người Khmer… Mỗi một Jamaat có một vị đứng đầu gọi là Hakim, bên cạnh Hakim có một hoặc hai Naép (phó) và các Ahli (xóm trưởng). Họ đều là những tín đồ Hồi giáo, cư trú tại những khu dân cư nghèo. Tuy nhiên, tính cấu kết cộng đồng của người Chăm rất lớn, vì họ đều là những người có chung một quê hương và cùng chung một tôn giáo nên tính cấu kết dễ được hình thành trong vùng đô thị.
- Kết luận
Trong thời gian đầu khi đến thành phố sinh sống, dân số của cộng đồng Chăm chưa cao, chỉ có một số hộ gia đình sống cạnh kênh rạch nên cuộc sống lúc đầu vô cùng khó khăn, nhất là về điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, cộng đồng người Chăm Islam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức quyên góp tiền bạc để tạo kinh phí xây dựng ngôi Thánh đường làm nơi cầu nguyện và sinh hoạt tôn giáo tại nơi cư trú mới. Năm 1950, ngôi Thánh đường đầu tiên của cộng đồng người Chăm được xây dựng tại phường Cầu Kho, trên đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay. Đây cũng là ngôi thánh đường đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, đã có 9 thánh đường và 5 tiểu thánh đường như vậy, làm cho thành phố này có số thánh đường và tiểu thánh đường Hồi giáo nhiều nhất so với các tỉnh và thành phố khác ở nước ta. Kiến trúc của các thánh đường đã góp phần làm cho khung cảnh kiến trúc thành phố càng thêm đa dạng.
Đặc điểm nổi bật của người Chăm là không sống riêng rẽ, mà sống tập trung phân bố xung quanh khu vực thánh đường. Thánh đường được xem là trung tâm sinh hoạt văn hoá – xã hội của người Chăm ở Việt Nam tạo nên tính cố kết cộng đồng.
Bên cạnh người Chăm có nguồn gốc từ Châu Đốc (An Giang) còn có người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận vào thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào đưa ra số liệu chính xác.
Thế hệ người Chăm đầu tiên tại Sài Gòn (trước năm 1975) chủ yếu là công nhân viên chức chế độ cũ, khoảng trên dưới 10 gia đình. Bên cạnh đó, còn có sinh viên học tập ở các trường Cao đẳng và Đại học lưu trú tại Sài Gòn. Một số ít lập gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thống nhất đất nước (1975), một số di tản ra nước ngoài, một số trở về quê cũ, chỉ độ 5-6 gia đình ở lại.
Thế hệ người Chăm thứ 2 (từ năm 1975 – 1985) đa số là những người thuộc công nhân viên chức của chế độ mới, chủ yếu là lớp sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học được lưu lại trường phụ giảng hay làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp nhà nước hoặc tư nhân. Lực lượng này càng ngày càng gia tăng và phân bố rải rác khắp thành phố Hồ Chí Minh.
Thế hệ người Chăm thứ 3 (từ năm 1985 – 2000) đa dạng về nghề nghiệp và thuộc nhiều thành phần khác nhau, có thể kể đến lực lượng công nhân viên chức mới, các sinh viên đang học hay đã tốt nghiệp Đại học ở lại lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và một số ít gia đình phiêu lưu vào Nam để tìm cơ hội làm ăn. Ngoài ra, còn có một bộ phận khá lớn người Chăm Ninh Thuận vào miền Tây bán thuốc nam dân tộc tạm trú tại “khu phố Chàm” đường Hùng Vương. Họ lưu trú ngắn hạn hay dài hạn tùy thuộc vào công việc buôn bán của họ.
Thế hệ người Chăm thứ 4 là một dòng người khá lớn đang đổ xô vào thành phố tìm cơ hội khả dĩ cho cuộc sống còn quá khó khăn của mình nơi quê cha đất tổ.
Tóm lại, cộng đồng người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh phần lớn từ Châu Đốc – An Giang đến và một phần nhỏ ở miền Trung vào. Đa số người Chăm ở thành phố Hồ Chí Minh là tín đồ Islam nên cộng đồng rất đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Trong quá trình cộng cư cùng với cộng đồng người Việt, người Hoa và trong suốt quá trình lịch sử phát triển của thành phố, cộng đồng tộc người Chăm đã góp phần làm giàu thêm sắc thái văn hóa chung của thành phố.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Đại Nam Nhất Thống Chí (DNNTC)
– Quyển 10-11 (Tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa), Saigon, 1964.
– Quyển 12 (Tỉnh Ninh Thuận, Phụ Đạo Phanrang), Saigon, 1965.
* Đại Nam Thực Lực Chính Biên (DNTLCB), Hanoi: quyển I (1962), quyển VI (1963), quyển XVI (1966).
* Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (DNTLTB), Quyển 1, Hanoi, 1962.
* Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện: Nhà Tây Sơn (DNCBLT), Huế (Viện Đại Học Huế), 1970.
* Hoàng Lê Thống Nhất Chí (HLTNC), dịch và chú thích bởi Phan Thanh Thuy, Paris (Public.de I’EDEO), 1985.
* Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (LTHCLC), Quyển 1: Dư Địa Chí, Saigon, 1972.
* Minh Mệnh Chính Yếu (MMCY), Quyển 6, Saigon,1974.
* Phủ Biên Tạp Lục (PBTL), Quyển 1, Saigon, 1972.
* Aymonier, E., “Légendes historiques des Chames”. Excursions et Reconnaissances, XIV – No 32 (1890), pp. 145-206.
* Lafont, P-B., “Pour une réhabilitation des chroniques notées en cam moderne”, BEFEO LXVII (1980), pp. 105-111.
* Mak Phoeun, “La communauté cam au Cambodge du Xve au XIXe sìecle”. Actes du séminaire sur le Campà organisé à L’Université de Copenhaque, Paris (Travaux du CHCPI), 1988, pp. 83-94.
* Nguyen The Anh, “Le Nam Tien dans les textes vietnamiens”, Histoire des frontìeres de la Péninsule Indochinoise. I.- Les frontìeres du Vietnam, Paris (L’Harmattan), 1989, pp. 121-127.
* Po Dharma, “Les frontìeres du Campà (Dernier état des recherches)”. Histoire de frontìeres de la Péninsule Indochinoise. I.- Les frontìeres du Vietnam, Paris (L’Harmattan), 1989, pp, 125-132.
Chia sẻ:
Có liên quan
Từ khóa » Tìm Hiểu Cộng đồng Người Chăm Tại Việt Nam
-
Tìm Hiểu Cộng đồng Người Chăm Tại Việt Nam
-
Người Chăm – Wikipedia Tiếng Việt
-
NGƯỜI CHĂM - Ủy Ban Dân Tộc
-
Tìm Hiểu Văn Hóa Người Chăm Tại VN - Ngô Tộc
-
Người Chăm Và Văn Hóa Chăm ở Việt Nam - BBC News Tiếng Việt
-
Cộng đồng Chăm Bà-ni Bé Nhỏ đứng Trước 'nguy Cơ Mất Tôn Giáo'?
-
Bảo Tồn Và Phát Huy Văn Hóa đồng Bào Dân Tộc Chăm - VietnamPlus
-
Tìm Hiểu Nguồn Gốc Người Chăm An Giang - Báo Cần Thơ Online
-
[PDF] VĂN HÓA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI CHĂM Ở NAM BỘ
-
Các Nhóm Dân Tộc Chăm ở Việt Nam
-
Vài Nét Về Dân Tộc Chăm - .vn
-
[PDF] ĐỜI SỐNG, LỄ HỘI, PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI CHĂM
-
[PDF] NGƯỜI CHĂM Ở VÙNG NAM BỘ TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ...