Quá Trình Hình Thành Và Tan Rã Của Hệ Thống XHCN Thế Giới - Các Nước

Sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai là sự hình thành và phát triển của hệ thống XHCN thế giới.

Các nước từng và đang theo con đường Chủ nghĩa xã hội

Trước chiến tranh, Liên Xô là nước duy nhất trên thế giới tiến theo con đường Chủ nghĩa xã hội (CNXH). Nước XHCN này chiếm 17% lãnh thổ trên Trái Đất gần 9% số dân và 7% sản lượng công nghiệp của thế giới lúc bấy giờ.

Trong và sau chiến tranh, do có những điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi, hàng loạt nước ở châu Âu và châu Á đã tách ra khỏi hệ thống TBCN. Tại Đông Âu ngay lừ những năm 1944-1945, trước những thất bại quân sự của các nước phát xít và được sự giúp đỡ của Hồng quân Liên Xô nhân dân các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari đã đứng lên lật đổ chế độ tư sản – địa chủ, và nhân dân Bungari, Rumani, Anbani đã tiêu diệt chế độ quân chủ chuyên chế trong nước, lập chính quyền Dân chủ nhân dân. Tới những năm 1948 – 1949, công cuộc xây dựng CNXH bắt đầu được tiến hành ở những nước này. Tháng 10 năm 1949, nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời và sau đó tham gia vào hệ thống các nước XHCN.

Tại châu Á, nhân dân Mông Cổ từ năm 1924 bắt đầu thực hiện cuộc Cách mạng Dân tộc – Dân chủ sau đó phát triển đất nước theo con đường XHCN vào đầu những năm 1940.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công trên khắp đất nước ta. Nhưng sau đó không lâu thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954) và rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Sau khi giải phóng miền Nam (tháng 4 năm 1975) và thực hiện thống nhất nước nhà (năm 1976) cả nước Việt Nam tiến lên CNXH.

Tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô cùng với nhân dân Triều Tiên tiến hành giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của Nhật. Theo sự thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ, Liên Xô đã tạm thời chiếm đóng nước này từ vĩ tuyến 38 trở lên, còn quân đội Mỹ từ vĩ tuyến đó trở xuống phía nam. Hai nước cũng nhất trí rằng, Triều Tiên sau chiến tranh sẽ trở thành một nước độc lập dân chủ và thống nhất. Nhưng đến tháng 5 năm 1948, ở miền Nam Triều Tiên đã ra đời một nhà nước Cộng hòa Triều Tiên. Tháng 9 năm đó, tại miền Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập. Trong thời gian 1950-1953, Mỹ và các nước chư hầu phát động cuộc chiến tranh xâm lược Bắc Triều Tiên nhưng bị thất bại. Nhân dân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hiện nay vẫn tiếp tục công cuộc xây dựng CNXH và sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Tại Trung Quốc, không lâu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt Chính phủ Tưởng Giới Thạch tăng cường những hoạt động chống Đảng Cộng sản và tìm cách tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng. Nội chiến bùng nổ đội quân do Tường Giới Thạch lãnh đạo đã bị thất bại phải chạy ra đảo Đài Loan. Tháng 10 năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Trung Quốc xây dựng và phát triển đất nước theo đường lối XHCN.

Tại khu vực Mỹ La Tinh, sau cuộc Cách mạng ngày 01/01/1959 nước Cuba đã chọn con đường phát triển là CNXH.

Hệ thống XHCN thế giới là sự liên minh về xã hội, chính trị và kinh tế giữa các nước cùng tiến theo con đường XHCN. Sự hợp tác giữa các nước này ngày càng được tăng cường thông qua Hội đồng Tương trợ kinh tế, Hiệp ước Phòng thủ Vacxava…

Đầu thập niên 60, hệ thống XHCN thế giới bao gồm 14 quốc gia ở châu Âu, châu Á và Mỹ La Tinh chiếm khoảng 1/4 diện tích đất nổi của Trái Đất (hơn 35 triệu km2), với 1.2 tỷ dân (chiếm 35% dân số thế giới), về sức mạnh kinh tế hệ thống này chiếm khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới lúc bấy giờ. Hệ thống XHCN nói chung và Liên xô nói riêng còn có ảnh hưởng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề thế giới.

Tuy nhiên, từ giữa thập niên 60, sự rạn nứt của hệ thống XHCN thế giới đã bộc lộ bởi những bất đồng về tư tưởng, quan điểm giữa một số nước thành viên XHCN. Các thế lực thù địch của CNXH ở phương Tây không ngừng thực hiện chính sách diễn biến hòa bình, nhất là với các nước XHCN châu Âu. Rồi cũng chính ở những nước này, tình hình chính trị, kinh tế – xã hội ngày càng khó khăn, phức tạp và không còn kiểm soát nổi giai đoạn cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Chỉ trong một thời gian ngắn, các phần tử tự xưng là dân chủ ở các nước Đông Âu đã lật đổ CNXH và tạo dựng tại đó các nhà nước tư sản. Từ năm 1991, Liên Xô cũng tan rã và phân thành 15 quốc gia độc lập. Một thời gian sau đó 15 nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ ( trừ 3 nước Extonia, Latvia và Litva) cùng nhau thực hiện một sự hợp tác nhất định về kinh tế chính trị trong khuôn khổ “Cộng đồng các quốc gia độc lập” (SNG).

Nam Tư từ một nhà nước Liên bang (gồm 6 nước cộng hòa) cũng tan rã thành 5 quốc gia riêng biệt : Liên bang Nam Tư (mới), Macedonia, Slovenia, Croatia, Bosnia và Herzegovina.

Trong khi đó, nước Đức từ chỗ bị chia cắt thành 2 quốc gia riêng biệt (CHLB Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức) đã tái thống nhất.

Các sự kiện vừa nêu trên rõ ràng đã làm thay đổi khá nhiều bản đồ chính trị châu Âu.

Các nước XHCN ở châu Á (trừ Mông cổ) vẫn giữ vững đường lối phát triển theo con đường XHCN, nhưng đã thực hiện nhiều chính sách cải cách và đổi mới.

Ở Tây bán cầu, mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế do chính sách cấm vận của Mỹ, nước Cộng hòa Cuba vẫn tỏ ra bất khuất, kiên cường và tiếp tục theo đuổi mục tiêu mà mình đã chọn.

Từ khóa » Sự Tan Rã Của Hệ Thống Xã Hội Chủ Nghĩa được đánh Dấu Bởi