Quá Trình Lãnh Tụ Nguyễn Ái Quốc Chuẩn Bị Về Nước Và Bắt đầu Trực ...

Ngày 26/1/1941, khoá học kết thúc, từ học viên cho đến giảng viên đều vui mừng phấn khởi. Mọi người thấy mình trưởng thành, thấy rõ được con đường của mình đi và những việc cụ thể của mình phải làm. Sau đó, mọi người chia tay nhau toả đi khắp nơi làm nhiệm vụ theo phân công của tổ chức, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Tĩnh Tây, các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba… theo Nguyễn Ái Quốc từ Nậm Quang về nước.

Ngày 22/9/1940, phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn chính thức xâm lược nước ta. Để tránh nguy cơ cuộc chiến trực diện với phát xít Nhật, ngày 27/9/1940 Hiệp định Pháp - Nhật được ký kết tại Hà Nội, với nội dung: Pháp vẫn được tiếp tục cai trị Đông Dương với điều kiện phải chấp nhận mọi yêu sách như: Nhật được đưa một phái đoàn quân sự vào Việt Nam, quân đội Nhật được vào miền Bắc Việt Nam và có quyền kiểm soát các sân bay, căn cứ hải quân tại đây…

Từ khi đó, nhân dân ta rơi vào thảm cảnh một cổ hai tròng, bị khủng bố, đàn áp, bóc lột nặng nề. Phong trào cách mạng khởi nghĩa liên tiếp được nổ ra trên cả 3 miền từ Bắc chí Nam, trong vòng 4 tháng, từ 9/1940 đến 1/1941 đã có 3 cuộc khởi nghĩa: Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và Đô Lương.

Trước tình hình quốc tế và sự sôi sục của phong trào cách mạng trong nước, từ ngày 6-8/11/1939 Trung ương Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã họp tại Bà Điểm (Gia Định). Tiếp đến, từ ngày 6-9/11/1940 ở Đình Bảng (Bắc Ninh), đồng chí Trường Chinh chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng vạch ra một số vấn đề cấp bách về chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng.

Đầu năm 1940, tại Côn Minh (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã gặp đồng chí Phùng Chí Kiên, người mà Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ủy nhiệm sang đón Người. Tháng 4/1940, Người đề nghị đồng chí Phùng Chí Kiên cùng đi thăm một số cơ sở dọc đường xe lửa Côn Minh - Hồ Khẩu. Cái khó nhất lúc bấy giờ là không có giấy tờ. Người bảo làm giấy chứng nhận của Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện Hội cử hai đồng chí đi kiểm tra công tác của Hội. Cơ sở của ta lúc bấy giờ ở trên các ga chính như: Nghi Lương, Khai Viễn, Xì Xuyên, Hồ Khẩu. Nguyễn Ái Quốc đóng vai một công nhân Việt Nam đi kiếm việc làm, dừng lại ở Xì Xuyên. Ga này có hàng nghìn công nhân làm ở đề pô (nhà để đầu máy ở các ga lớn). Đồng chí Hoàng Quang Bình mở một hiệu cắt tóc ở gần ga. Người và đồng chí Kiên đến ở nhà đồng chí Bình. Người thường ít nói và hay làm, hòa mình rất nhanh với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Sáng dậy, Người tập thể dục, tập leo núi rồi xuống suối tắm, xong Người tìm chổi quét nhà, rồi bế cháu giúp đồng chí Bình như một người nhà, rất tự nhiên, bình dị. Hàng xóm hỏi, Người trả lời là ở trong nước sang đây tìm việc làm và biết làm nhiều nghề, từ khuân vác cho đến nghề thầy cúng. Thời kỳ này, Nhật ném bom xuống đường xe lửa Côn Minh - Hồ Khẩu. Người dân ở ga Xì Xuyên chết rất nhiều. Nhân dân tổ chức làm chay và họ mời Người và đồng chí Kiên đến cúng giúp họ.

Ngày làm việc, tối Người tranh thủ mở lớp. Lớp độ vài ba hay dăm bảy người, học trong ba, bốn tối. Đi đến đâu, Người mở lớp đến đó, những hạt giống cách mạng được Người gieo trồng, vun xới, chăm sóc ngày càng phát triển, càng lớn mạnh, càng trở thành hạt nhân của Đảng.

Sau một thời gian đi thăm các cơ sở, xem xét tình hình quần chúng và đảng viên, về Côn Minh, Người triệu tập họp Bộ Hải ngoại để nghe báo cáo tình hình quần chúng và đảng viên dọc đường xe lửa. Người nhận định: Việt Kiều trên đường xe lửa bản chất là tốt, nhưng ảnh hưởng cách mạng chưa sâu. Đảng viên còn ít, nhiều chỗ chưa gây được phong trào. Cuộc vận động đình công chỉ phản đối Pháp không chở vũ khí cho Trung Quốc, chưa lên án đế quốc Pháp bóc lột, đàn áp nhân dân Việt Nam.Người đề nghị phải rải truyền đơn lên án Pháp bóc lột, đàn áp nhân dân Việt Nam và vạch mặt đế quốc Pháp cấu kết với phát xít Nhật.

Tuy đi lại nhiều ở Côn Minh, nhất là hàng ngày phải trải qua trụ sở của Quốc dân Đảng Trung Quốc để vào cơ quan bí mật làm việc, nhưng nhờ cách giữ gìn bí mật cẩn thận: Khi thì đóng giả là một ông cần vụ già đi phục dịch cho một viên quan, khi thì ăn mặc như một nông dân ở Côn Minh nên bọn địch không tài nào phát hiện ra Người.

Tháng 6/1940, sự kiện Pháp đầu hàng Đức, lại càng thôi thúc Người sớm trở về Tổ quốc. ở Vân Nam, bọn Tưởng làm náo động. Nửa đêm chúng cho xe ô tô chạy khắp đường phố, loan báo tin buồn: Pari đã vào tay quân Đức. Chúng ra lệnh các nhà thờ, chùa chiền kéo chuông inh ỏi.

Giữa lúc tình hình nhộn nhạo như vậy, tại Ban Hải ngoại ở Côn Minh, Nguyễn ái Quốc triệu tập cuộc họp quan trọng để nhận định tình hình thế giới, cách mạng trong nước và bàn việc chuẩn bị về nước. Sau cuộc họp, Người lên đường đi gặp đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh. Một thời gian sau Người cùng một số cán bộ chuyển về Quảng Tây vì hướng đi về nước bằng đường Côn Minh - Lào Cai lúc này bị thực dân Pháp kiểm soát rất gắt gao. Tại Liễu Châu (Quảng Tây), Người triệu tập cuộc gặp mặt cán bộ để bàn về việc làm thế nào hợp pháp hoá với Tưởng và tìm cách về nước càng sớm càng tốt, Người nhận định:

- Cần lợi dụng tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh hội do Hồ Học Lãm từng làm sĩ quan trong Bộ Tham mưu của Tưởng Giới Thạch sáng lập ở Nam Kinh, để hoạt động hợp pháp và mời Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì Hội nhằm hoạt động được nhiều thuận lợi.

- Báo cáo với Tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh Đệ tứ chiến khu và Tướng Lý Tế Thâm - Chủ nhiệm hành dinh khu Tây Nam của Tưởng là sau khi hoạt động ở Trung Quốc được một thời gian Hội sẽ phải về nước hoạt động và sẽ cử một số cán bộ tham gia Việt Nam Độc lập Đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ, lúc đó do Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm và Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng) làm Phó Chủ nhiệm.

Qua giới thiệu của Hồ Học Lãm, Nguyễn Ái Quốc cử một đoàn cán bộ đi gặp Tướng Lý Tế Thâm đưa một bản lý lịch tóm tắt của Việt Minh (tên gọi tắt của Việt Nam Độc lập Đồng minh hội) viết bằng chữ Hán và giới thiệu rằng ở Trung Quốc, Việt Minh đã có Hải ngoại biện sự xứ. Tướng Lý Tế Thâm đón tiếp đoàn khá thân mật, sau khi xem bản tóm tắt lý lịch của Hội, Tướng Lý hứa sẽ giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong phạm vi có thể và yêu cầu ta giúp kế hoạch Hoa quân nhập Việt.Như vậy, danh nghĩa Việt Minh được thừa nhận một cách mặc nhiên và Việt Minh Hải ngoại biện sự xứ cũng tự nhiên trở thành tổ chức hợp pháp ở Trung Quốc.

Sau khi được Tướng Lý Tế Thâm giới thiệu với Trương Phát Khuê, tháng 11/1940 các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác theo chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây tổ chức ngay Việt Nam Độc lập Đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ để liên lạc với quốc tế, duy trì quan hệ với Quốc dân Đảng Trung Hoa.

Cũng trong thời gian này, tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây - Trung Quốc) nằm sát biên giới nước ta, cùng với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn ái Quốc đã mở lớp huấn luyện chính trị, trực tiếp biên soạn giáo án và giảng dạy. Bốn mươi ba học viên ở phân tán trong các nhà dân thuộc hai bản Nậm Quang và Ngàn Tẩy. Chương trình học gồm 3 vấn đề lớn: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức các đoàn thể cứu quốc; cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Về chương trình huấn luyện, Người phân ra từng mục như: tuyên truyền, tổ chức, vận động quần chúng… rồi chia cho mỗi người một đề mục. Mỗi người làm xong đề cương của mình, tập hợp lại đưa lên. Người xem rất kỹ, chú trọng từng nội dung chính trị của toàn bài giảng cho đến từng chữ, từng lời. Sau khi góp ý, phê bình, mọi người mang về sửa rồi lại mang lên để Người thông qua. Người thường khuyên phải chú trọng đến công tác thực tế, có vậy công tác cách mạng mới thu được kết quả. Người thường hay đặt những câu hỏi cụ thể, ví dụ: Huấn luyện xong rồi về địa phương làm gì? Làm như thế nào? Nếu quần chúng chưa nghe ra thì giải quyết cách sao? v.v.. Nếu đồng chí nào chưa hiểu rõ thì Người giảng lại đến khi nào đồng chí ấy hiểu và trình bày lại rõ ràng, trôi chảy thì mới thôi. Ngày 26/1/1941, khoá học kết thúc, từ học viên cho đến giảng viên đều vui mừng phấn khởi. Mọi người thấy mình trưởng thành, thấy rõ được con đường của mình đi và những việc cụ thể của mình phải làm. Sau đó, mọi người chia tay nhau toả đi khắp nơi làm nhiệm vụ theo phân công của tổ chức, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Tĩnh Tây, các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba… theo Nguyễn Ái Quốc từ Nậm Quang về nước.

Việc chuẩn bị về nước của Người được tiến hành một cách khẩn trương, mau lẹ, nhưng thận trọng và chu đáo. Khoảng đầu năm 1941, Người cùng một số cán bộ chuyển về làng Tân Khư, cách Tĩnh Tây 50km để gần biên giới Việt - Trung và tiện đường về nước hơn. Tại đây, Người đã gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng báo cáo tình hình. Đồng chí Hoàng Văn Thụ hoạt động nhiều ở vùng Cao Bằng, đề nghị với Người nên về hướng Cao Bằng. Đây là nơi có khu dân du kích ở Sóc Giang, Lục Khu và dọc biên giới Việt – Trung. Trình độ giác ngộ của nhân dân dọc biên giới tương đối cao, cán bộ lãnh đạo ở đây cứng. Vì thế, theo đề nghị của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Người quyết định khi về nước sẽ lấy Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng của Trung ương đầu não Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn ái Quốc đã chính thức trở về nước qua cột mốc 108 thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Cùng về nước với Người còn các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba… và đặt cơ sở cách mạng tại khu vực Pắc Bó (Hà Quảng-Cao Bằng). Lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách, khi đặt chân trở lại mảnh đất quê hương, tuy xúc động mạnh nhưng Người tự kiềm chế tình cảm để giữ được vẻ bề ngoài bình tĩnh. Người nhìn, ngắm vạn vật với một vẻ say sưa. Những khi ấy, đôi mắt Người long lanh, rực sáng.

Pắc Bó là một làng nhỏ có mấy chục gia đình dân tộc Nùng sống bằng nghề làm ruộng, phát nương. Nguyễn Ái Quốc về ở tạm tại gia đình cụ Dương Vân Đình, rồi chuyển về ở nhà ông Máy Lỳ, người dân tộc Nùng, một cơ sở cách mạng của ta ở gần hang Cốc Bó, vì đoàn đông người nên Người nói với ông Máy Lỳ lên ở trên núi cho tiện. Ngày mùng 4 Tết Tân Tỵ, ông Máy Lỳ đưa Người đi xem một hang núi kín đáo, tuy nhỏ nhưng đủ chỗ cho cả Đoàn, hang được thông sang một con đường kín đáo dẫn sang bên kia biên giới, người dân địa phương gọi đó là hang Cốc Bó (có nghĩa là đầu nguồn). Ngày mùng 5 Tết, Người cùng anh em chuyển tới hang. Sau khi xem địa thế xung quanh, Người đặt tên cho dòng suối nước xanh như ngọc là suối Lê nin, ngọn núi sừng sững phía sau bên trái là núi Các Mác, Người lấy bí danh là Thu Sơn (có nghĩa là ông già ở trong hang núi). Người dân địa phương không biết tên Người nên thường gọi là Ông Ké.

Gần một tháng sau, ông Máy Lỳ trong một lần đi liên lạc bị địch nghi ngờ kiểm tra, sau đó ông đã tìm cách trốn được nhưng phải bỏ lại thẻ thuế thân, căn cứ địa chỉ trên thẻ, bọn lính đến truy lùng ở xóm Bó Bẩm, được báo động kịp thời, anh em nhanh chóng xoá dấu vết rồi đưa Người tạm lánh vào rừng, tuy chưa bị lộ nhưng để đảm bảo an toàn, Người cùng anh em lên ở tạm tại Lũng Lạn (cách hang Cốc Bó vài trăm thước). Cuối cùng Người và anh em cũng tìm được chỗ ở tốt, đó là Khuổi Nậm cũng thuộc Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách hang Cốc Bó khoảng 1 km, các đồng chí phục vụ đã dựng cho Người một chiếc lán, người dân địa phương giúp cho một số ván kê sàn để ngủ.

Ngay từ ngày đầu tiên về nước, Người đã bắt tay ngay vào công việc. Người nghiên cứu những tài liệu, nghị quyết của các Đảng Cộng sản anh em, đặc biệt là Đảng Cộng sản Liên Xô, nghiên cứu những tài liệu và nghị quyết của Đảng ta, từ đó Người rút ra những kết luận, nhận xét, kết hợp với thực tiễn đấu tranh của ta để đi đến những nhận định mới về đường lối, chủ trương cho cách mạng Việt Nam. Thời kỳ này, Người viết rất nhiều bài cho báo Việt Nam độc lập. Người làm thơ, vè. Đó là những hình thức văn học rất dễ thuộc, dễ nhớ, để có thể truyền đạt dễ dàng những chủ trương, đường lối cách mạng trong quần chúng. Người viết cuốn Lịch sử Việt Nam bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm của nhân dân ta từ đời Hồng Bàng cho đến năm 1941.

Người làm việc có kế hoạch và cần mẫn. Tuy công việc bề bộn, ngổn ngang, nhưng giờ nào việc ấy, rất có trật tự. Người còn tranh thủ thì giờ đi kiếm củi, hái rau, vun trồng khoai sắn… Tối, Người thường quây quần với anh em trong hang đá, đốt lửa sưởi ấm. Sáng dậy, mỗi người đi làm một việc, Người thường mang máy chữ xuống chân núi, bên kia dòng suối, dưới bóng cây để làm việc. ở đây, có mấy tảng đá được anh em chồng lên nhau, thành mặt bàn phẳng giống chiếc bàn đá. Tại bàn đá này, Người đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu cho mọi người học tập.

Khi về Pắc Bó, có điều kiện hơn ở ngoài nước, nhiều lớp huấn luyện chính trị và quân sự được Người liên tiếp mở ra thu hút rất nhiều cán bộ của ta. Mỗi lớp như thế thường được mở trong tuần hay mười hôm. Người đào tạo, huấn luyện anh em rồi trả họ về cơ sở, rèn luyện họ trong thực tiễn cách mạng. Đồng thời, Người lập ra những hội cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Người giải thích: “Chúng ta muốn có đội võ trang mạnh, trước hết phải có một đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững”. Người tiến hành từng bước chuẩn bị cho việc xây dựng các đoàn thể cứu quốc Việt Minh, mở các lớp huấn luyện ngắn ngày đào tạo cán bộ.

Ba tháng sau, Người lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám. Hội nghị khai mạc vào buổi sáng ngày 10/5/1941 tại một căn lán trên dòng Khuổi Nậm. Lán làm rất đơn sơ, trên che lá đùng đình, dưới lót một ít tấm ván để Người và các đồng chí ngồi họp. Người chủ tọa Hội nghị, Người nói mở đầu vài câu rồi Hội nghị đi vào nhận định tình hình thế giới, tình hình trong nước và đề ra những chủ trương, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc mà mấy hội nghị trước đã đề ra. Hội nghị Trung ương VIII Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, hoàn chỉnh và chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, có tính cấp bách, sống còn, đề ra đường lối chiến lược trong thời kỳ mới, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tại Hội nghị, Nguyễn ái Quốc đã đưa ra những nhận định quan trọng về vấn đề dân tộc và quốc tế đang đặt ra đối với cách mạng Việt Nam: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng”.

Đây là một Hội nghị có tầm quan trọng lịch sử quyết định chính sách mới của Đảng, đặt nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết của toàn dân, đề ra chủ trương thành lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), xây dựng các căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa đánh đuổi Pháp - Nhật.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, phong trào cách mạng Cao Bằng như diều gặp gió, lên rất nhanh ở các địa phương, nhiều cơ sở cách mạng nảy nở, hình thành và ngày càng trở nên vững chắc. Tại Khuổi Nậm, Người đã viết thư kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu nước là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm… Hỡi các chiến sĩ cách mạng! Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung…”. Cũng chính tại đây,báo Việt Nam độc lập đã ra đời với mục đích: Cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do”.

Như vậy, sau 30 năm bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 Người đã trở về Tổ quốc, lập căn cứ địa cách mạng, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu quốc, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân bằng cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đặng Quang Huy

Từ khóa » Thời Gian Phát Xít Nhật Vào Xâm Lược Việt Nam