Quá Trình Liền Vết Thương Diễn Ra Như Thế Nào?

Khi bị vết thương, cơ thể sẽ kích hoạt một loạt các tiến trình khác nhau nhằm mục đích sửa chữa các thương tổn. Quá trình liền thương có vai trò vô cùng quan trọng. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của các cơ quan và thẩm mỹ sẹo sau này. Vậy quá trình liền vết thương trong cơ thể diễn ra như thế nào?

1. Định nghĩa vết thương

Vết thương được định nghĩa là sự gián đoạn của mô ở một khoảng lớn hay nhỏ. Sự gián đoạn này ảnh hưởng trực tiếp đến da, niêm mạc hay các cơ quan ở sâu hơn.

2. Quá trình liền vết thương

Giai đoạn cầm máu
Giai đoạn cầm máu

Có tất cả 4 giai đoạn của quá trình liền vết thương. Trong đó, giai đoạn tiên quyết là máu phải ngừng chảy. Cơ thể bạn sẽ cố gắng làm điều đó bằng cách thu hẹp các thành mạch máu. Trong một vài phút, các tế bào tiểu cầu sẽ được huy động đến khu vực vết thương.

Các protein trong máu bạn sẽ hoạt động như một chất keo để dính những đám tiểu cầu lại với nhau và với thành mạch máu vỡ. Chúng sẽ hình thành nên cục máu đông, bít vào những lỗ hổng nơi máu đang chảy ra ngoài, để ngưng nó lại.

Giai đoạn viêm
Giai đoạn viêm

Giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu.

Sau khi ngừng máu chảy, tiểu cầu sẽ tiết ra các chất hóa học kích thích phản ứng viêm. Biểu hiện bên ngoài sẽ thấy khu vực xung quanh vết thương bị sưng, nóng, đỏ, đau.

Các tế bào bạch cầu được gọi đến hiện trường. Chúng ở đây để làm sạch vết thương, giết chết vi khuẩn để giữ cho cơ thể khỏi bị nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, bạch cầu cũng tạo hóa chất gọi là yếu tố sinh trưởng trưởng giúp chữa lành khu vực bị thương.

Giai đoạn tăng sinh
Giai đoạn tăng sinh

Giai đoạn này thường kéo dài từ 1 – 3 tuần.

Quá trình chữa lành vết thương đã vào guồng. Các tế bào máu sẽ bắt đầu bồi đắp lớp da mới. Chúng mang oxy và dưỡng chất cần thiết để chữa lành và hình thành mạch máu mới.

Các tín hiệu hóa học sẽ chỉ đạo các tế bào tạo ra collagen, một protein hoạt đông như giàn giáo giúp các tế bào xây dựng lại khu vực bị hư hại. Ở giai đoạn này, bạn có thể sẽ nhìn thấy một vế sẹo mờ màu đỏ. Nhưng nó sẽ biến mất dần theo thời gian.

Giai đoạn tái tạo
Giai đoạn tái tạo

Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình lành thương, giúp khôi phục toàn vẹn chức năng của các mô. Quá trình này có thể kéo dài đến 1 hoặc 2 năm.

Trong khoảng 40 – 60 ngày kể từ ngày lành vết thương, Collagen được tái xây dựng một cách mạnh mẽ nhất.

Theo dõi lâm sàng từ ngày 25 đến ngày 50, thể tích của sẹo sẽ lớn ra. Sẹo hơi chắc, dày, bề mặt sẹo cao hơn mặt da. Sẹo dính vào tổ chức lân cận, ít di động. Sau khoảng 50 ngày sẹo sẽ chuyển sang trạng thái co dần.

Thời gian sau, có sự tái tạo lại mô xơ với sự xuất hiện của tổ chức mỡ trong sẹo. Sẹo sẽ không còn co lại nữa. Lớp đệm mỡ được hình thành, tính đàn hồi được phục hồi. Sẹo trở thành mềm mại và di động được.

Sẹo từ 3 tháng trở đi, có xu hướng phục hồi xúc giác. Trong năm đầu có thể phục hồi 95% cảm giác đau. Cuối năm thứ 2 phục hồi cảm giác nhiệt.

3. Những lưu ý trong quá trình liền vết thương

Quá trình liền vết thương có thể để lại sẹo. Trong suốt quá trình liền thương, bệnh nhân không nên tự tiện sử dụng bất cứ loại thuốc nào bôi vào vết thương mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt là các liệu thuốc dân gian sẽ rất dễ gây biến chứng và nhiễm trùng nguy hiểm. Khi có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ, đau ở vùng vết thương sau 3 ngày, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Hiện nay có rất nhiều thuốc đặc trị làm mờ sẹo hiệu quả nếu sử dụng đúng cách. Dành thời gian nghỉ ngơi, bổ xung dinh dưỡng và tuân thủ chữa trị theo đúng liệu trình từ bác sĩ sẽ là biện pháp tốt nhất để giúp cho quá trình liền thương được diễn ra nhanh chóng.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến, xin hãy liên hệ với Bác sĩ Luân. Số điện thoại/Zalo 0395621593 hoặc Fanpage Bác sĩ Luân – Bệnh viện Yên Lạc để được hỗ trợ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Bài viết liên quan:

  1. Cách rửa và chăm sóc vết thương khâu tại nhà
  2. Cách thay băng vết thương đã khâu tại nhà như thế nào?
  3. Các dấu hiệu bình thường và bất thường của vết thương đã khâu?
  4. Cách điều trị sẹo sau phẫu thuật
  5. Cách rửa vết thương hở tại nhà
  6. Cách rửa vết thương bị bỏng tại nhà
  7. Vết thương hở nên kiêng ăn gì?
  8. Cách rửa vết thương bằng oxy già
  9. Vết mổ sau sinh bao lâu thì lành? Cách chăm sóc vết mổ sau sinh tại nhà
  10. Ăn gì cho vết thương mau lành?

Từ khóa » Các Giai đoạn Chữa Lành Vết Thương