Quan Âm Bồ Tát Trong Lịch Sử Nghìn Năm - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
- Chùa Một Cột: Qua thăng trầm thời gian
- Sinh nở, một tự sự đa dạng về nữ giới khi trật tự cũ bị phá bỏ
Theo kinh điển, thì Bồ Tát có 33 hiện tướng khác nhau, những hiện tướng cơ bản mà người Việt biết đến gồm có Dương Liễu Quan Âm, Quan Âm Tọa Sơn, Long Đầu Quan Âm,...
Ngoài ra, có những biến thể Việt Nam khác như: Quan Âm Tống Tử, Nam Hải Quan Âm hay Quan Âm Diệu Thiện. Ban đầu, khi ở Ấn Độ, Quan Âm là nam tướng, sau này dần được diễn hóa thành nữ tướng, đó là một quá trình bản địa hóa cho phù hợp với tín ngưỡng thờ mẫu và hệ thống nữ thần trong văn hóa Đông Á và Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Quan Âm liên quan đến Đại Bi chú và Đại Bi tâm đà la ni, Phật đỉnh kinh được khắc trên các kinh tràng vào thời Đinh - Tiền Lê.
Năm 979, Đinh Liễn đã cho dựng hơn 100 bảo tràng nhằm để cầu siêu cho Thái tử Hạng Lang - người em ruột cùng cha khác mẹ đã bị Đinh Liễn giết để tranh giành quyền lực. Năm 1005, kinh tràng cầu siêu cho Lê Đại Hành cũng được dựng lên, hiện nay bảo tràng này được đặt trong chùa Nhất Trụ tại Ninh Bình.
Vào thời Lý, sau khi hệ thống Đại tạng kinh được thỉnh về Đại Việt qua nhiều lần ngoại giao với nhà Tống (vào các năm 970, 1005, 1009, 1023, 1027, 1034), hình tượng Quan Âm từ các kinh tạng hoàng gia lưu truyền ra dân gian bằng các bản sao chép của các thiền sư tại các tổ đình.
Đặc biệt, thời Lý Trần, hình tượng Quan Âm lưu hành rộng rãi thông qua kinh Pháp hoa. Phẩm Phổ môn của kinh này được coi là cội nguồn cho tín ngưỡng Quan Âm. Kinh Pháp hoa được sử dụng cho hoạt động “trì kinh”, thậm chí ứng dụng cho khoa cử Phật giáo, được dùng làm mô hình để xây dựng chùa tháp (như Sùng Thiện Diên Linh).
Đặc biệt thiền sư Ma Ha - học trò của Đỗ Pháp Thuận, từ năm 990-1014, chuyên trì tụng kinh Đại Bi tâm chú, được Quan Âm Bồ Tát lấy cành dương rưới cam lộ (“Thiền uyển tập anh”, tr.50a). Thiền sư Đạo Hạnh (?- 1117) chuyên tụng chú Đại Bi tâm đà la ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến.
Các sử liệu trên cho thấy, Dương Liễu Quan Âm - một trong những hiện tướng của Quan Âm Diệu Thiện đã xuất hiện ở Đại Việt vào thế kỷ 11-12. Cứ liệu rõ rệt nhất là văn bia chùa Diên Phúc (khắc năm 1157) ghi chép việc thân mẫu đại thần Đỗ Anh Vũ cho thờ Đại Bi Quan Âm.
Bia mô tả: “Lập chùa Phật ở chính giữa, xây hành lang ở mé ngoài. Dựng tượng Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát nghiêm trang, hai bên có tượng Văn Thù, Phổ Hiền, mé trái là Bà Tẩu Tiên Nhân, mé phải là Công Đức Thiên Nữ.
Ở dưới tòa sen có Tứ Đại Thiên Vương làm hộ vệ; hai bên mé hiên đặt tám vị Thần tướng nhà Phật”. Văn bia này là sử liệu sớm nhất cho biết Quan Âm được thờ như là tôn chủ cao nhất của một tự viện. Dấu hiệu tính nữ cũng tương đối rõ, khi người dựng chùa thờ Quan Âm là phụ nữ.
Trước đó ta cũng biết đến bà Thái hậu Ỷ Lan cho dựng hàng chục chùa tháp như chùa Bà Tấm (Gia Lâm), và được sử gia ngợi ca là Quan âm nữ. Mối quan hệ giữa tín ngưỡng Quan Âm và các bà sẽ tạo thành truyền thống về sau.
Makara đội tòa sen Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, chùa Đào Xuyên - ảnh Trần Trọng Dương. |
Sang đến triều Trần, nhà Trần cập nhật thỉnh kinh mới từ nhà Nguyên vào năm 1296, và cho cất ở phủ Thiên Trường. Hình tượng Quan Âm được nhắc đến sớm nhất là trong sách “Khóa hư lục” của Vua Trần Thái Tông (1218-1277): “Diệu Thiện không vời Phò mã, quả nhiên thành Phật”.
Nguyên ủy câu này được lấy từ sách “Kim cương khoa nghi” của Tông Kính soạn vào năm 1242. Lê Mạnh Thát cho rằng, đây là một cứ liệu quan trọng cho thấy sự tích Nam Hải Quan Âm Diệu Thiện đã được lưu hành trong đời sống văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Như ta biết, Diệu Thiện là một biến thể Đông Á của Quan Âm, là một hình tượng đã được nữ hóa dưới quan niệm báo hiếu của cả Phật giáo và Nho giáo. Bà con gái của Vua Trang Vương, đã chống lại lệnh vua cha, không chịu lấy chồng, và tin theo Phật pháp.
Khi gia đình bị nạn, bà đã cắt thịt của mình, hy sinh đôi tay đôi mắt để chữa bệnh cho cha mẹ. Hình tượng Diệu Thiện được xây dựng như là một biểu tượng của người con gái ngoan đạo, biết xả thân để hoàn thành việc báo hiếu cho cha mẹ.
Chứng tích vật chất có thể thấy được là hàng loạt các chùa Đại Bi thờ Quan Âm được dựng vào thời Trần. Năm 1289, chùa Đại Bi Diên Minh xây dựng, văn bia ghi chép chùa thờ Đại Bi Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn (bia 5309).
Năm 1313, Tam tổ Huyền Quang (1254-1334) đã dựng chùa Đại Bi trên quê hương Vạn Tải, với ý nghĩa được giải thích là đặt theo truyện Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát chứng đắc cho cha mẹ quy y nhà Phật. Hành động này là thực hiện theo ghi chép của phẩm Dược vương trong kinh Pháp hoa, kể về hai vị vương tử con Vua Diệu Trang Nghiêm Vương, sau khi đắc đạo đã thành hai vị Dược vương.
Việc dựng chùa này đã xác nhận “sự nhất thể hóa giữa truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện và hiện tướng Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát” (Nguyễn Tô Lan, 2021, “Phật bà Bể Nam”, Nxb ĐHSP, tr.36). Năm 1321, Hoài Ninh Hầu đã đúc một pho Thiên Thủ Đại Bi (Quan Âm nghìn tay). (Bia Thanh Mai 1367).
Năm 1328, chùa Diên Phúc có thờ Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, tượng pháp “ngồi ngay ngắn trên đài sen, ngàn mắt chiếu rọi tam thiên; dương liễu bình vàng ngàn tay dẫn dắt chúng sinh nơi trần sái”.
Năm 1338, công chúa Thánh Chân cúng dường hồng chung cho chùa Bối Khê Đại Bi, hiện vật khảo cổ tại chùa có đồ án rồng Lý cho phép nghĩ rằng chùa này có thể có từ trước đó.
Sang thời Lê Sơ, các cơ sở tự viện cũ vẫn tiếp tục truyền thống Phật giáo từ thời Lý Trần. Nguyên lý xây chùa dựng tháp là truyền tiếp trên những thánh tích cũ, và trùng tu quy mô, nhưng cơ bản vẫn giữ đối tượng thờ phụng.
Năm 1449, văn bia 2103-4 có ghi việc các hưng công hội chủ cho xây Phổ Đà sơn tại chùa Bối Khê. Ta biết Phổ Đà sơn là hòn đảo nằm giữa biển Nam, là nơi trú xứ của Bồ Tát Quan Âm. Điêu khắc tượng Phật thời Lê Sơ hiện hầu như không còn, ngoài pho tượng Quan Âm Nam Hải tại chùa Hưng Phúc, thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, Bắc Ninh.
Minh văn trên lưng và bệ tượng cho biết tượng được tạc vào niên hiệu Đại Hòa 7 (1449) đời Vua Lê Nhân Tông. Tượng cao 51cm, trên tu di tòa cao 37cm. Kích thước nhỏ nhắn này tương đối phù hợp với các loại tượng quan hầu lăng mộ thời này. Tượng ngồi theo thế kiết già, hai tay đặt trên đầu gối, một tay cầm một chén nước, một tay cầm nhành dương liễu nhưng đã bị gãy.
Khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, ngón chân và ngón tay vuốt dài. Thời Hồng Đức, Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao có thờ Phật trong Hoàng cung, hay bố thí cho người dưới, được ca ngợi nhân từ như Phật sống (bia 1919). Văn bia không nói rõ tiếu tượng thờ. Nếu như theo truyền thống của các bà, thì đó là thờ Quan Thế Âm.
Thời Mạc là giai đoạn có dấu vết rõ rệt của tín ngưỡng Quan Âm qua tư liệu bia ký, và đặc biệt là tượng pháp. Năm 1552, tượng Quan Âm Diệu Thiện được thờ cùng với Thánh phụ, Thánh mẫu, Diệu Âm, Diệu Nhan, Kim Đồng, Ngọc Nữ tại chùa Phúc Giao (Thái Bình).
Số lượng các tượng thời Mạc có niên đại thế kỷ XVI hiện còn gồm Quan Âm Nam Hải chùa Đào Xuyên (Gia Lâm), Nga My (Hoàng Mai), Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội); chùa Thượng Trưng (Phú Thọ), chùa Hội Hạ (Tam Dương, Vĩnh Phúc); Quan Âm Chuẩn Đề chùa Động Ngọ (1582, Thanh Hà, Hải Dương); tượng Quan Âm Tọa Sơn chùa Đại Trà (Kiến Thụy, Hải Phòng); Quan Âm Cứu Độ ở chùa Phổ Minh (Nam Định).
Những pho tượng hiện còn chứng tỏ sự phổ biến của Quan Âm đi liền với các hưng công hội chủ là các hoàng hậu, phi tần, công chúa thời Mạc. Tín ngưỡng Quan Âm nở rộ hơn do giao thương duyên hải bùng nổ, chắc chắn có ảnh hưởng cộng gộp từ chức năng cứu vớt chúng sinh trên khổ hải theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Từ thế kỷ XVII về sau, hàng loạt các tác phẩm Quan Âm Diệu Thiện được giải Nôm bằng thể thơ lục bát. Các văn bản chữ Hán và Nôm được khắc in phát hành để phổ biến đến nhiều đối tượng.
Quá trình tiếp nhận, lưu truyền, tái bản, phiên dịch, chuyển thể về Quan Âm cho thấy một đời sống tinh thần và thực hành tín ngưỡng sôi động, trong đó nổi lên là các thiện nữ - những người cảm thấy bóng dáng thân phận của mình trong đó.
Không thể kể hết các tượng pháp Quan Âm giai đoạn này hiện còn. Trong số đó có nhiều kiệt tác nghệ thuật. Phật Bà Quan Âm chùa Hương Tích (năm 1793) được tạo tác thanh mĩ, khuôn mặt trái xoan. Mã Đầu Quan Âm chùa Vĩnh Phúc (Hoài Đức) ngồi trên đỉnh núi, gương mặt tươi tắn, hiền hậu, tay ôm ngựa trắng, ngựa nép sát người, đầu ngựa tựa vào vai Quan Âm.
Ngoài ra, còn phải kể đến Quan Âm Chuẩn Đề chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Thập Nhất Diện Quan Âm chùa Linh Thông (Cầu Giấy). Đặc biệt Quan Âm Thiên Thủ thiên nhãn (tạc năm 1656) chùa Bút Tháp cao 3,7m, có 1.000 tay, với hào quang rộng 2,1m được coi là một kiệt tác của nghệ thuật tượng Phật Việt Nam.
Đặc biệt, Quan Âm Thị Kính/ Tống tử chùa Mía (Sơn Tây) cổ kiêu, khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ. Quan Âm Tống Tử là hình ảnh gần gũi, thiết tha nhất, bà hiện lên như là một người mẹ bế con, đưa con đến cõi bờ hạnh phúc.
Bài viết này đã lược điểm qua hơn 1.000 năm lịch sử của hình tượng Quan Âm ở Việt Nam. Có thể nói đó là một lịch sử lâu dài của tín ngưỡng, tượng pháp và văn hóa.Từ những mảnh vụn văn khắc thời Đinh - Lê - Lý - Trần, đến hệ thống tượng pháp từ thời Lê Sơ về sau, ta thấy rằng tín ngưỡng Quan Âm là một kiểu kinh biến thông qua thực hành văn hóa.
Từ kinh điển đến tượng pháp là một quá trình hiện thực hóa tư tưởng bằng điêu khắc, kiến trúc và nghi lễ. Nét hằng xuyên của tín ngưỡng Quan Âm đó là tính nữ.
Nếu ở Nam Á và ở Trung Quốc giai đoạn sớm, Quan Âm nam tính có ria, thì tượng Quan Âm ở Việt Nam và Đông Á, dù với hiện tướng nào, cũng được tạc hình một người phụ nữ hiền hậu, từ bi, có khả năng cứu khổ cứu nạn, xoa dịu các nỗi đau của đời sống con người.
Từ khóa » Bồ Tát Sinh Năm Bao Nhiêu
-
Quan Thế Âm Bồ Tát Là Ai? Tiểu Sử Cuộc đời Của Ngài
-
Quan Âm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quán Thế Âm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Quan Thế Âm Bồ Tát Là Ai? Lịch Sử Cuộc đời Của Ngài
-
Quán Thế Âm Bồ Tát Là Ai? - .vn
-
Sự Tích Quan Thế Âm Bồ Tát - .vn
-
Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát – Lịch Sử Ra đời Và ý Nghĩa
-
Người đóng "Quan Âm Bồ Tát" - Tây Du Ký: Sống Khép Kín, độc Thân ...
-
Quán Thế Âm Bồ Tát Là Nam Hay Nữ? Có Bao Nhiêu Mẹ Quan Âm?
-
Quan Thế Âm Bồ Tát Là Ai? - Kho Nội Thất đẹp
-
Những điều ít Ai Biết Về Phật Quan Thế Âm Bồ Tát - Lôi Phong
-
Bồ-tát Quán Thế Âm - Giác Ngộ Online
-
Phật Phổ Hiền Bồ Tát Hợp Tuổi Nào Trong 12 Con Giáp?