Quần đảo Hoàng Sa TP Đà Nẳng

Quần đảo Hoàng Sa từ lâu đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có đầy đủ căn cứ khoa học một cách vững chắc cả về lịch sử và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam từ lâu đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và liên tục thực hiện chủ quyền thực sự của mình đối với quần đảo này.

Quần đảo Hoàng Sa là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Quần đảo nằm cách miền Trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Philippines; cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý.

Về khoảng cách đến đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần Việt Nam hơn. Cụ thể, khoảng cách từ đảo Tri Tôn (15°47'B 111°12'Đ) tới đảo Lý Sơn (15°22'B 109°07'Đ) là 123 hải lý. Nếu lấy toạ độ của cù lao Ré (tên cũ của Lý Sơn) là 15°23,1'B 109°09,0'Đ từ bản tuyên cáo đường cơ sở của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 12 tháng 11 năm 1982) thì khoảng cách đến bờ Lý Sơn thu ngắn lại dưới 121 hải lí. Ngoài ra, khoảng cách từ đảo Tri Tôn này đến mũi Ba Làng An (15°14'B 108°56'Đ) thuộc đất liền Việt Nam là 135 hải lí. Trong khi đó, khoảng cách từ đảo Hoàng Sa đến Lăng Thuỷ giác thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc là 140 hải lí. Khoảng cách từ Hoàng Sa tới đất liền lục địa Trung Quốc tối thiểu là 235 hải lí. Nếu Trung Quốc dùng rạn đá ngầm (đá Bắc) làm chuẩn để đo đến bờ đảo Hải Nam tại Lăng Thuỷ giác thì khoảng cách là 112 hải lí, nhưng do đá ngầm không có giá trị như đảo trong việc chuẩn định ranh giới nên lí lẽ này không thuyết phục.

Từ xưa quần đảo này đã mang tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triều lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Giáo sư Sơn Hồng Đức cho số lượng là 120 đảo; sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước đây cho biết có 130 đảo.

Hình thái địa hình các đảo trong quần đảo Hoàng Sa tương đối đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới. Đa số các đảo nổi có độ cao dưới 10m. Phần lớn các đảo có diện tích nhỏ hẹp dưới 1km2.

Đảo thường có cấu tạo 3 phần khác nhau đó là phần đảo nổi, hành lang bãi triều (thềm san hô) bao quanh đảo và sườn bờ ngầm dốc đứng.

Về khí tượng: Thời gian nắng ở quần đảo Hoàng Sa dao động trong khoảng 2.400-2.600 giờ/năm, trong đó mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10) có thời gian chiếu sáng khoảng 1300 giờ, lớn hơn so với mùa Đông (từ tháng 11 đến tháng 4

Nhiệt độ không khí ở vùng biển Hoàng Sa có giá trị thấp nhất 22o-24oC trong tháng 1, tăng dần đạt cực đại 28.5o-29oC trong tháng 6, 7 và giảm từ từ tới 25oC vào tháng 12. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng nhiệt độ cao nhất và thấp nhất là 5.5oC-6oC.

Lượng mưa trung bình nằm ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 1.200-1.600mm, thấp hơn nhiều so với mưa ở vùng đảo Trường Sa và các vùng khác trên đất liền. Mưa chủ yếu tập trung vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10)

Độ ẩm tương đối trung bình ở Hoàng Sa 80-85% và hầu như không bị biến động nhiều theo mùa.

Quần đảo Hoàng Sa có các nguồn lợi thiên nhiên gồm: cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Ngoài nghề cá, các hoạt động kinh tế khác bị kiềm chế do tranh chấp chủ quyền. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt,

Lịch sử quần đảo Hoàng Sa: Các chính quyền Việt Nam từ thế kỷ 17-18 đã tổ chức khai thác quần đảo. Đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn Việt Nam đã chính thức xác lập chủ quyền trên quần đảo. Tới đầu thế kỷ 20, Liên bang Đông Dương thuộc Pháp tiếp tục chủ quyền đối với quần đảo từ nhà Nguyễn, nhưng bắt đầu có sự tranh chấp chủ quyền với các chính quyền Trung Quốc. Trước năm 1974, Việt Nam Cộng hòa tiếp nối thực hiện chủ quyền và kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa còn Trung Quốc kiểm soát phần còn lại (từ năm 1956). Từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa 1974 đến nay, Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đồng thời tuyên bố đây là lãnh thổ của họ.

- Cùng với bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam..

- Ngày 9 tháng 12 năm 1982: Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng..

- Ngày 23 tháng 6 năm 1994; Quốc hội Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 có nghị quyết nêu rõ: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa …”

- Ngày 4 tháng 11 năm 2002: Tại Phnom Penh (Campuchia), Việt Nam cùng các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển và duy trì ổn định ở khu vực.

- Ngày 21 tháng 06 năm 2012: Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 bỏ phiếu thông qua Luật Biển, gồm 7 chương, 55 điều. Ngay ở Điều 1 luật đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tranh chấp chủ quyền: Hoàng Sa nằm giữa một khu vực có tiềm năng cao về hải sản nhưng không có dân bản địa sinh sống. Vào năm 1932, chính quyền Pháp ở Đông Dương chiếm giữ quần đảo này và Việt Nam tiếp tục nắm giữ chủ quyền cho đến năm 1974 (trừ hai đảo Phú Lâm và Linh Côn do Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1956). Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa từ năm 1974 sau khi dùng hải quân, lính thủy đánh bộ và không quân tấn công căn cứ quân sự của Việt Nam Cộng Hoà ở nhóm đảo phía tây trong Hải chiến Hoàng Sa 1974. Đài Loan và Việt Namcũng đa ng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

Tháng 1 năm 1982, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách trắng Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: lãnh thổ Việt Nam, trong đó nêu nhiều lý lẽ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngoài ra cũng có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu độc lập khác cho thấy Hoàng Sa là của Việt Nam.

Gần đây nhất đã phát hiện chứng cứ rất rõ ràng khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, chứng cứ đó chính là sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến việc canh giữ quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gìn giữ suốt 174 năm qua, nay trao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh. Đây là sắc chỉ của vuaMinh Mạng (triều Nguyễn), phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm Ất Mùi, 1835).

Vào tháng 7/2012, báo chí Việt Nam đưa ra bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo ở Biển Đông đó là tấm bản đồ của Nhà Thanh xuất bản năm 1904 trong đó điểm cực nam của Trung Hoa chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam mà không hề có Tây Sa hay Nam Sa mà Trung Quốc đang cố gắng chiếm giữ.

Tuy nhiên bên phía Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền bằng cách đưa ra các thông tin về một quần đảo ngoài khơi biển Nam Hải theo nhiều tài liệu xuất hiện từ rất sớm như Nguyên sử hay Trịnh Hòa hàng hải đồ , nhưng vẫn không có bằng chứng về việc xác nhận chủ quyền của họ trên quần đảo này vào thời điểm này. Trong bản đồ thời Trịnh Hòa phía Trung Quốc đưa ra nhằm chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc, họ cho rằng địa danh Vạn Lý Thạch Đường là quần đảo Hoàng Sa, điều này đã được nhiều tài liệu của Việt Nam phản bác lại, trong bản đồ này không hề tồn tại cái tên Tây Sa Quần Đảo.Vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa dẫn tới việc nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố cực lực phản đối. Ngày 16 tháng 7 năm 2014 toàn bộ tàu của Trung Quốc cùng với giàn khoan đã di chuyển về phía đảo Hải Nam.

Tổ chức hành chính: Việt Nam tổ chức quần đảo thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

Huyện đảo Hoàng Sa, được thành lập từ tháng 1 năm 1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, cồn Bông Bay, cồn Quan Sát,cồn cát Tây, đá Chim Yến. Huyện đảo Hoàng Sa có diện tích: 305 km², chiếm 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng.

Ngày 21 tháng 4 năm 2009, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2009-2014 đối với ông Đặng Công Ngữ. Bộ máy cán bộ chuyên trách của chính quyền huyện đảo Hoàng Sa sẽ được thiết lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Vai trò của Hoàng Sa: Hiện nay, Biển Đông có vai trò quan trọng về phương diện kinh tế và quân sự đối với Trung Quốc, các nước Bắc Á và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.

Biển Đông còn là thủy đạo nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Mọi di chuyển bằng hàng hải giữa các quốc gia thuộc Vòng đai Thái Bình Dương với vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Tây Á, Địa Trung Hải và xuống châu Úc đều thường xuyên đi qua vùng biển này. Hoàng Sa là một quần đảo nằm trên thủy lộ đó. Những tranh chấp căng thẳng đã và đang xảy ra tại Hoàng Sa cho thấy việc kiểm soát Hoàng Sa vô cùng quan trọng trong việc nắm quyền kiểm soát thuỷ đạo quan trọng của Đông Nam Á và của thế giới. Điều này ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trên thế giới chứ không chỉ liên quan đến lợi ích riêng của các nước tham gia tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài ra, Biển Đông còn là nguồn cung cấp hải sản, dầu thô, và khí đốt rất đáng kể.Việc kiểm soát Hoàng Sa là lợi thế đối với việc giành quyền kiểm soát biển Đông và các nguồn tài nguyên tại đây.

Nguyễn Văn Tuấn

(Tổng hợp và giới thiệu)

Các bài viết khác: + Lịch kiểm tra học kỳ I, năm học 2016 - 2017 + Điểm thi học sinh giỏi thành phố của trường THCS Nguyễn Huệ + Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa + Tổ Toán – Lý với hoạt động tập huấn dạy học bằng bảng tương tác thông minh + Phát biểu cảm nghĩ của học sinh lớp 9 trong lễ bế giảng và ra trường + Một số giải pháp nâng cao sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn của tổ toán lý + Phát động cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning năn học 2017-2018 + Giới thiệu về trường THCS Nguyễn Huệ + Dạy học trải nghiệm tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, năm học 2020 - 2021 + Sự chuẩn bị chu đáo cho một kí thi

Từ khóa » Hoàng Sa Còn Không