Quan Hệ Giữa Giảm Phát, Lạm Phát Và Thiểu Phát - Tạp Chí Cộng Sản
Có thể bạn quan tâm
Từ điển Anh - Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 1993 định nghĩa "giảm lạm phát là giảm bớt khối lượng tiền lưu hành (trong nền kinh tế) để hạ giá cả hoặc giữ cho giá cả ổn định". Cuốn "Kinh tế học vĩ mô" của NXB Giáo dục 1997 do PTS. Vũ Đình Bách chủ biên đã xác định "lạm phát xảy ra khi mức giá chung thay đổi. Khi mức giá tăng lên được gọi là lạm phát. Khi mức giá giảm xuống được gọi là giảm phát. Vậy lạm phát là sự tăng lên liên tục của mức giá trung bình theo thời gian" (tr.176).
Trong thực tế, lạm phát (inflation) và giảm phát (deflation) là hai quá trình đối nghịch nhau liên tiếp như là những xu hướng; đồng thời, giảm phát (deflation) được hiểu là việc giảm liên tục mức giá chung của hàng hoá và dịch vụ. Giảm phát khác với giảm giá chỉ ở một khu vực kinh tế. Việc giảm giá tư liệu tiêu dùng sẽ không trở thành giảm phát nếu giá cả dịch vụ lại tăng bù vào.
Đặc biệt, cần phân biệt giảm phát với thiểu phát bởi cách hiểu và dùng các thuật ngữ này vẫn chưa phải đã thống nhất giữa các nhà kinh tế trong nước cũng như quốc tế.
Hiện có 2 quan niệm khá điển hình cho sự ngộ nhận và đánh đồng giữa thiểu phát với giảm phát, xuất phát từ sự xoá nhoà ranh giới giữa thuyết " Lạm phát lưu thông tiền tệ" với "lạm phát giá cả". Thứ nhất, “Lạm phát là hiện tượng tiền quá ứ thừa trong lưu thông so với lượng hàng quá ít ỏi. Còn giảm phát là lượng tiền quá thiếu trong lưu thông đi đến ách tắc lưu thông, hàng hoá không tiêu thụ được". Thứ hai, “lạm phát (inflation) tức giá cả tăng và thiểu phát tức giá cả hạ. Cả hai hiện tượng lạm phát và thiểu phát đều là sự vi phạm quy luật lưu thông tiền tệ”.
Thuyết "lạm phát giá cả" xét lạm phát là quá trình tăng giá cả nói chung, còn giảm phát, ngược lại, là quá trình giảm giá cả nói chung. Trong cách hiểu của thuyết này không có chỗ đứng cho khái niệm thiểu phát.
Còn thuyết "lạm phát lưu thông tiền tệ" (hay cũng còn gọi là thuyết "lạm phát số lượng tiền tệ") thì xét lạm phát là hiện tượng giá cả tăng do đưa quá nhiều tiền vào lưu thông. Ngược lại, việc đưa tiền vào lưu thông ít hơn mức cần thiết, khiến sản xuất, lưu thông xã hội bị "nghẹt" vì thiếu tiền là hiện tượng thiểu phát, hay còn gọi là lạm phát âm. Đồng thời, trong cách hiểu nội suy của thuyết "lạm phát số lượng tiền tệ" thì giảm phát chính là quá trình kéo lạm phát xuống mức thấp với "ngưỡng" là "lạm phát zêrô" - tức thời điểm tại đó xác lập sự cân đối cung - cầu tiền tệ, lượng tiền phát hành ra phù hợp mức yêu cầu cần thiết của nhu cầu lưu thông hàng hoá - dịch vụ xã hội. Nếu vượt quá ngưỡng này, giảm phát sẽ cùng biến mất với lạm phát để chuyển hoá thành thiểu phát. Như vậy, nội dung khái niệm giảm phát theo thuyết "lạm phát lưu thông tiền tệ" có khác với cách hiểu giảm phát theo thuyết "lạm phát giá cả" ở chỗ, theo thuyết "lạm phát lưu thông tiền tệ", giảm phát có nội dung hẹp hơn giảm phát hiểu theo thuyết "lạm phát giá cả" vì nó không bao hàm trong đó cả quá trình thiểu phát.
Như vậy, cả hai quan niệm: hoặc coi hiện tượng tiền thiếu là giảm phát (chứ không phải là thiểu phát), hoặc coi toàn bộ sự giảm giá là thiểu phát (chứ không phải là giảm phát + thiểu phát), đều là cực đoan và ngộ nhận vì có sự "vượt rào" trong sử dụng và cách hiểu nội dung thuật ngữ khái niệm mang tính ước lệ cao là giảm phát và thiểu phát.Hơn nữa, với cách hiểu theo thuyết "lạm phát lưu thông tiền tệ" trên đây thì rõ ràng giảm phát và lạm phát là cùng biểu thị quá trình vận động của lạm phát trên mức zêrô, song với sự ngược chiều nhau với tư cách là hai xu hướng. Điều này cũng có nghĩa là, trong khái niệm và trên thực tế, giảm phát vẫn bao hàm tình trạng có lạm phát, vì lạm phát zêrô chỉ là xu hướng tiệm cận của quá trình giảm phát. Khi lạm phát trở về zêrô (điều cực kỳ hi hữu và không bền vững trên thực tế) thì quá trình giảm phát kết thúc. Lạm phát lùi vượt quá zêrô-lạm phát âm- sẽ biến thành thiểu phát. Theo nghĩa đó, chỉ có lạm phát và thiểu phát mới là sự vi phạm lưu thông tiền tệ, còn giảm phát thì không.
Giữa thiểu phát và giảm phát ít nhiều có cùng một số hình thức biểu hiện bên ngoài, khó phân biệt vì cùng là xu hướng sụt giảm giá cả chung. Chính cái biểu hiện chung bên ngoài ít nhiều giống nhau này là nguyên nhân gây ra "ảo giác" thiểu phát khi thực chất nền kinh tế đất nước vẫn chỉ ở quá trình giảm phát. Việc phân biệt thời khắc và điểm mốc mà tại đó xác định quá trình giảm phát chuyển hoá thành thiểu phát rất có ý nghĩa trong điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là đối với điều chỉnh chính sách tiền tệ tài chính của chính phủ để vừa đủ liều lượng, vừa giữ được tính mềm dẻo cần thiết cho mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế liên tục, bền vững. Tuy nhiên, độ chính xác đến đâu, còn tuỳ thuộc vào các nguyên nhân và loại hình lạm phát, cũng như kỹ thuật tính toán phân tích và công nghệ xử lý, đối phó với lạm phát của nước đó trong điều kiện lịch sử cụ thể.
Về đặc điểm thời gian, trong nền kinh tế thị trường hiện đại, thiểu phát rất hiếm khi xảy ra, hoặc nếu có thì cũng không kéo dài do: tình trạng thâm hụt ngân sách liên miên của hầu hết các chính phủ trước nhu cầu chi tiêu chính phủ ngày càng tăng; chế độ tiền giấy không còn bản vị kim loại; mối quan hệ ngày càng gắn bó với bên ngoài của mô hình kinh tế thị trường mở... Ngược lại, lạm phát là trạng thái gần như kinh niên của nền kinh tế, do đó giảm phát cũng trở thành hiện tượng khá thường xuyên. Nói cách khác, giảm phát là một giai đoạn đặc biệt trong chu kỳ vận động của lạm phát.
Sự phân biệt này là có ý nghĩa thực tế rất lớn, vì lẽ sự đánh đồng và ngộ nhận giảm phát với thiểu phát khiến tạo ra tình trạng lưỡng lự, thiếu kiên quyết kiềm chế lạm phát, mặc dầu lạm phát vẫn còn tồn tại ở mức cao trên thực tế với tất cả những tác hại mà nó gây ra như đã nêu ở phần trên. Có thể nói, giảm phát xuất hiện như một xu hướng tiềm tàng luôn đi cùng với lạm phát và là kết quả tổng hợp của những giải pháp kiềm chế lạm phát đã được triển khai trên thực tế.
Thiểu phát là có hại vì làm cho lưu thông hàng hoá khó khăn, ứ đọng vì thiếu phương tiện lưu thông, gây tình trạng trì trệ, ách tắc, ảnh hưởng xấu đến mở rộng sản xuất và tiêu dùng. Thiểu phát làm tiêu dùng thu hẹp lại do làm tăng tâm lý “quý tiền”, sản xuất kinh doanh đình trệ do vốn kinh doanh chuyển mạnh sang cho vay để hưởng lãi “đúp” bao gồm lãi suất tiền gửi và lãi do thiểu phát, tiền lên giá; thiểu phát còn làm tăng thất nghiệp, lỗ vốn và phá sản các doanh nghiệp (kể cả các ngân hàng). Thiểu phát chỉ có lợi cho người hưởng lương từ ngân sách, nhưng ngân sách nhà nước cũng sẽ bế tắc, sụt giảm do sản xuất kinh doanh sụt giảm.
Còn lạm phát (nhất là với mức độ cao) có tác hại nhiều hơn có lợi, thậm chí tàn phá huỷ hoại nền kinh tế - xã hội. Đến lượt mình, giảm phát chỉ là có hại khi nó kéo và kiềm chế giá cả chung về mức thấp quá mức cần thiết để kích thích đầu tư - tiêu dùng và khai thác các tiềm năng phát triển có thể của một nước, nhất là trong thời kỳ đầu công nghiệp hoá, cần tăng trưởng nhanh.
Thực tiễn cho thấy, tốc độ của lạm phát và giảm phát có quan hệ qua lại khá chặt chẽ: tốc độ lạm phát tăng càng cao, thì tốc độ giảm phát cũng càng lớn. Việc giảm lạm phát từ 500% xuống còn 20% sẽ dễ và nhanh hơn giảm lạm phát từ 20% xuống 1-2%... Điều này một phần được giải thích bởi sự tồn tại khách quan tỷ lệ lạm phát “hợp lý và chấp nhận được” của nền kinh tế. Khi lạm phát vượt quá nhanh và quá cao so với mức “ngưỡng” an toàn thì sức tàn phá càng lớn, khiến vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, buộc chính phủ phải nhanh chóng có những giải pháp cần thiết kéo lùi thật nhanh lạm phát trở về trạng thái thích hợp nếu không muốn có sự đổ vỡ lớn trong đời sống kinh tế-chính trị đất nước. Hơn nữa, khi xảy ra lạm phát phi mã hoặc siêu lạm phát, thì nguyên nhân gây ra hiện tượng này dễ xác định hơn, tập trung hơn, do đó giải pháp đề ra để khắc phục cũng trở nên "đơn giản" và chính xác hơn. Cùng với quá trình giảm phát, các nhân tố gây ra lạm phát bị kiềm chế và triệt tiêu dần.
2. Tác động của giảm phát và giải pháp đối phó
Cũng như lạm phát, bản thân giảm phát có cả tác động tích cực, lẫn tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với những nguyên nhân gây ra chúng.Một mặt, nếu giảm phát hình thành như là kết quả tự nhiên của những nỗ lực chống lạm phát cao trước đó, thì đương nhiên, lợi ích của giảm phát lúc này chính là các lợi ích của việc kiềm chế thành công lạm phát cao đem lại. Hoặc, nếu giảm phát gia tăng do giảm chi phí sản xuất nhờ thúc đẩy tiến bộ công nghệ hoặc tự do hoá mậu dịch, thì sẽ rất có lợi, bởi khi đó giá hạ sẽ làm tăng thu nhập thực tế, làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất phát triển. Ngày nay, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin làm giảm chi phí chung cả trong sản xuất lẫn dịch vụ xã hội. Bằng cách giảm bớt rào cản truy cập và phổ biến thông tin, mạng Internet cũng góp phần hạ giá một loạt mặt hàng. Sự xuất hiện của đồng ơ-rô có thể làm tăng sức cạnh tranh của các nước khu vực (theo ngân hàng ING Baring, đồng ơ-rô có khả năng làm giảm lạm phát khoảng 0,25% ở khu vực EMU trong vòng 5 năm tới). Áp lực giảm giá ở châu Âu và Nhật bản cũng tăng lên do giảm bớt luật lệ trong ngành điện và điện thoại. Tất cả các nguồn giảm phát này đều tác dụng tốt đối với nền kinh tế.
Mặt khác, giảm phát sẽ nguy hiểm nếu nó phản ánh mức cầu giảm đột ngột, dư thừa năng lực sản xuất ở mức cao và phổ biến, cũng như thu hẹp mức cung tiền như đã từng xảy ra vào những năm đầu thập kỷ 30, thế kỷ XX (trong 4 năm kể từ 1929 - 1933, giá hàng tiêu dùng ở Mỹ giảm 25% và GDP thực tế giảm 30%). Ngược với lạm phát, giảm phát khiến làm tăng tâm lý thích giữ tiền, hạn chế hoặc trì hoãn tiêu dùng với hy vọng "giá hàng ngày mai sẽ thấp hơn giá hàng hôm nay". Điều đó làm giảm cầu, giảm sức tiêu dùng thị trường, buộc các công ty phải tiếp tục giảm giá hàng, giảm sản lượng sản xuất, giảm tiền lương và giảm khả năng bố trí công ăn việc làm đưa đến thất nghiệp. Giảm phát còn làm tăng gánh nặng nợ nần, do lãi suất danh nghĩa không thể âm, nên lãi suất thực tế có thể lên rất cao. Nguy cơ suy thoái hay thu hẹp nền kinh tế, phá sản và khủng hoảng ngân hàng cũng vì vậy gia tăng. Xét toàn cảnh nền kinh tế, giảm phát tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn: hạ giá - tăng dịch vụ nợ - giảm tiêu dùng và tăng dư thừa công suất - tăng thất nghiệp và giảm thu nhập - giảm tiêu dùng - giảm cầu và tiếp tục hạ giá....
Các nhà kinh tế học đã đưa ra khái niệm "khoảng cách sản lượng" để đo lường tác hại của giảm phát: khoảng cách sản lượng là mức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng của một nước. Chẳng hạn, áp khái niệm này vào thực tiễn nước Nhật, người ta dự báo chênh lệch sản lượng của Nhật sẽ chiếm tới 7% GDP, tức Nhật Bản đang gần kề vòng xoáy giảm phát luẩn quẩn. Các nước EU có khoảng cách sản lượng thấp hơn, nhưng đang ở mức 2% GDP và sẽ gia tăng trong năm 1999 vì tỷ lệ tăng trưởng giảm xuống.
Để chống lại quá trình giảm phát với tất cả những tác hại tiêu cực của nó, thường áp dụng những giải pháp "ngược chiều" với chống lạm phát. Nổi bật là việc giảm lãi suất, mở rộng thâm hụt ngân sách, nới lỏng tín dụng và tăng lương... nhằm “kích cầu” nền kinh tế. Đây là những phương pháp tiêu biểu mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng khá phổ biến trong thời gian gần đây, nhất là ở Mỹ, Tây Âu, Nhật. Một giải pháp khác được nhấn mạnh nhằm giải toả tình trạng đầu tư dư thừa công suất trong nền kinh tế là tiến hành các cải cách cơ cấu cần thiết, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện danh mục hàng hoá, dịch vụ sản xuất và chuyển các năng lực sản xuất dư thừa sang các lĩnh vực mới, còn nhiều tiềm năng phát triển, hoặc tạo ra nhu cầu mới cho xã hội. Hơn nữa, về nguyên tắc thị trường, người ta không thể thụ động “tự sát về kinh tế” khi cứ “vô tư” sản xuất mãi những sản phẩm không thể bán được hay bán với giá hạ liên tục để chịu thua lỗ.
Điều cần lưu ý rằng, việc “ném tiền” vào lưu thông sẽ không phải bao giờ và bằng cách nào cũng tự động làm tăng tổng cầu trong đời sống kinh tế – xã hội của một nước - điều mà thực tiễn đã chứng tỏ rất rõ ràng ở Nhật bản trong thời kỳ cuối năm 1998 và cũng đã được Keynes chỉ ra từ lâu bởi "tính ham thích tiền mặt cao" phổ biến trong dân chúng... Phá giá đồng tiền cũng không giải quyết được năng lực dư thừa, mà chỉ có thể đẩy sang nơi khác. Nhưng trong lúc đó, mức cầu chung trên thế giới sẽ giảm vì các nước đang phát triển sẽ tăng lãi suất để chặn dòng vốn chảy ra. Còn xét toàn cục diện nền kinh tế (nhất là các nền kinh tế đang phát triển), nếu tổng cầu giảm và dư thừa công suất chiếm mức cao ở thị trường trong nước, thì tốt nhất là mở rộng cửa và tăng xâm nhập vào những thị trường bên ngoài. Đồng thời những đợt “phát hành – lạm phát” trong chính sách nới lỏng tài chính – tín dụng – tiền tệ.... sẽ “quất” cho “con ngựa lạm phát” lồng lên. “Bóng ma” giảm phát khi đó sẽ tan nhanh như bong bóng xà phòng dưới ánh nắng mặt trời. (Bản thân Paul R. Krugman cũng chính thức khuyên chính phủ Nhật Bản nên mạnh dạn và lặng lẽ dùng giải pháp này để có thể thoát khỏi sự trì trệ về sức tiêu dùng trong nước thời gian gần đây). Thành thử, chống giảm phát không quá khó, nhưng phức tạp, bởi nguy cơ to lớn của sự “đổi chiều” giảm phát thành lạm phát.
Nhìn chung, có thể nói, thế giới còn ít kinh nghiệm đối phó với giảm phát. Điều này có cơ sở thực tế là suốt hơn 60 năm qua trên thế giới chỉ có lạm phát, và hiện nay mới chỉ có số ít nước bị giảm phát thật sự và trong thời điểm ngắn. Mỹ và châu Âu vẫn đang được lợi do hàng nhập khẩu rẻ hơn. Còn hầu hết các nước đều có mức giá ổn định, đây là điều tốt, thành tựu chung của toàn nhân loại trong thế kỷ XX này. Trong tương lai, quả thực đối với tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển thì lạm phát – chứ không phải giảm phát theo nghĩa tiêu cực nói trên - vẫn luôn là thách đố và mối quan tâm hàng đầu trong quá trình nỗ lực tạo lập cơ sở phát triển nhanh và bền vững của mình.
Tóm lại, giữa lạm phát và giảm phát cả về lý thuyết lẫn trên thực tế đều luôn luôn tồn tại mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Chúng có thể bao hàm lẫn nhau về chu kỳ vận động, chế định nhau về nguyên nhân, tương tác nhau về cơ chế tác động, chi phối nhau về hậu quả và gắn bó nhau về các đối sách tương ứng... Các khía cạnh quan hệ giữa lạm phát và giảm phát còn thể hiện khá rõ rệt và phong phú khi phân tích tính hai mặt của những giải pháp thị trường đối phó với lạm phát, nhất là trong nền kinh tế chuyển đổi.
Việc nhận dạng các triệu chứng và bản chất lạm phát, giảm phát, thiểu phát hoàn toàn không đơn giản nhưng không thể không nhận diện đầy đủ, chính xác, bởi nó liên quan trực tiếp đến việc đưa ra các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, hiệu quả của các giải pháp được đề xuất, cũng như để phòng tránh các tác động mặt trái và bột phát của các biện pháp đó trong thực tiễn…/.
Từ khóa » Hiện Tượng Giảm Lạm Phát Xảy Ra Khi Nào
-
Giảm Phát Là Gì? Giảm Phát Có Lợi Hay Hại? Hạn Chế Ra Sao?
-
Giảm Phát – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lạm Phát Là Gì? Hiện Tượng Lạm Phát Xảy Ra ... - Công Ty Luật Minh Gia
-
Hiện Tượng Lạm Phát Xảy Ra Khi Nào? - Luật Hoàng Phi
-
Giảm Phát Là Gì? Nguyên Nhân, Hậu Quả & Giải Pháp đối Phó Với Lạm ...
-
Lạm Phát Và Giảm Phát Là Gì? Nguyên Nhân Cũng Như Hậu Quả
-
Lạm Phát Là Gì ? Nguyên Nhân Và Giải Pháp Kiểm Soát Lạm Phát
-
Hiện Tượng Lạm Phát Xảy Ra Khi Nào ?
-
Giảm Phát Là Gì? Nguyên Nhân Và ảnh Hưởng Của Giảm Phát Ra Sao?
-
Giảm Phát Là Gì? Nguyên Nhân, ảnh Hưởng Và Hậu Quả?
-
Lạm Phát Là Gì? Hiện Tượng Lạm Phát Xảy Ra Khi Nào?
-
[PDF] Trắc Nghiệm Chương 8 Võ Mạnh Lân (vomanhlan3005@)
-
Lạm Phát Có ảnh Hướng Như Thế Nào đến Một Nhà đầu Tư? - Emime
-
[PDF] Lạm Phát Việt Nam, Nguyên Nhân Căn Bản Và Giải Pháp