Quan Liêu Là Gì? Những Giải Pháp Khắc Phục Bệnh ... - Luật Dương Gia

Mục lục bài viết

  • 1 1. Quan liêu là gì?
  • 2 2. Bệnh quan liêu và giải pháp khắc phục bệnh quan liêu:
  • 3 3. Điểm tiêu cực, tích cực của quan liêu:
  • 4 4. Ý nghĩa thực sự của từ Quan liêu:

1. Quan liêu là gì?

Khái niệm “quan liêu” đã không còn xa lạ với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Trước kia khái niệm này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích như sau:

Quan liêu là “bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của đoàn thể”.

Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không đi sâu đi sát công việc, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung.

Quan liêu là xa rời quần chúng, không rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của người cán bộ mắc bệnh quan liêu là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách.

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ mắc bệnh quan liêu còn có biểu hiện như: “Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”. Khi triển khai thực hiện công việc của bản thân, giao nhiệm vụ cho cấp dưới mà không biết kiểm tra thì sẽ không có điều kiện giải thích, hướng dẫn, đôn đốc cấp dưới, không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hay xử lý vi phạm, điều này dẫn đến công việc không có hiệu quả, gây thiệt hại về tài sản, tiền bạc, công sức của Nhà nước, của nhân dân.

Như vậy, bệnh quan liêu chính là dùng cho những đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức có thái độ hay hành vi mệnh lệnh, thay vì giải thích, tuyên truyền. Trong công việc, không bám sát thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ. Đặc biệt có những người này làm việc thiếu hiệu quả, đưa ra các chính sách sai lầm. Bệnh quan liêu có hậu quả rất nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới cả bộ máy lẫn nhân dân.

Quan liêu tiếng Anh là Bureaucracy

2. Bệnh quan liêu và giải pháp khắc phục bệnh quan liêu:

Thứ nhất, bệnh quan liêu được thể hiện qua những yếu tố sau đây:

Một, xét về bản chất

Quan liêu là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền. Sự tha hóa này biểu hiện chủ yếu ở bên ngoài là hiện tượng giấy tờ, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian và ở bên trong là tâm lý hám danh, chạy theo chủ nghĩa thành tích, chạy theo địa vị, chức quyền và lợi dụng địa vị chức quyền, lợi dụng sơ hở của cơ chế quản lý để mưu cầu lợi ích cá nhân dẫn tới lạm quyền và lộng quyền.

Bệnh quan liêu với các đặc trưng chủ yếu là “sự thống trị của bàn giấy”, xa quần chúng, xa thực tế, xa cuộc sống, chỉ chú ý đến hình thức, không chú ý đến bản chất của sự vật, lấy phương pháp mệnh lệnh hành chính thay cho phương pháp làm việc khoa học. Nói chung, cách làm việc như vậy thường không quan tâm đến hiệu quả của công việc.

Yếu tố thường xuyên ảnh hưởng đến tổ chức, bộ máy, đến năng lực của cán bộ là bệnh quan liêu. Chính căn bệnh này đã làm tê liệt bộ máy, vô hiệu hóa bộ máy, làm xói mòn đạo đức của một số cán bộ, đảng viên, làm rạn nứt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, làm cho nhân dân hiểu sai lệch về sự lãnh đạo của Đảng, bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa – một nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Suy cho cùng, bệnh quan liêu khi đã xâm nhập vào đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ là nguyên nhân gây nên mọi sự trì trệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay.

Một trong những nguyên nhân của bệnh quan liêu là mất dân chủ, không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại trong một số cán bộ, công chức…

Quan liêu là từ ngữ chỉ những người, những cơ quan lãnh đạo từ trên xuống dưới, xa rời thực tế, việc gì cũng không sâu, chỉ đại khái. Đối với công việc thì trọng hình thức, chỉ biết khai hội, xem báo cáo trên giấy, không kiểm tra đến nơi đến chốn.

Hai, biểu hiện của quan liêu

+ Chỉ đạo xa rời thực tế

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra nghiên cứu đến nơi, đến chốn công việc phải làm, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách chung chung”.

+ Hình thức, chỉ biết khai hội, chỉ thị, xem báo cáo trên giấy

Chính vì xa rời thực tế nên những người mắc bệnh quan liêu chỉ biết đóng cửa viết báo cáo, xem báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra thực tế.

+ Hô hào khẩu hiệu, làm việc qua loa, lời nói không đi đôi với việc làm

Theo như Bác Hồ, ông quan liêu “khi  gặp dan chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần thiết, thì không nói đến”.

+ Xa rời quần chúng, mệnh lệnh cứng nhắc

Người viết: “Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu, đi sát”, “các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở.

+ Chủ quan, tự mãn

Bác chỉ ra những cán bộ mắc bệnh quan liêu luôn tự mãn, chủ quan, tưởng rằng mình hiểu hết, biết hết, nên không nghe dân, không hỏi dân, đóng cửa làm việc, vì thế mọi việc không đem lại ích lợi gì.

+ Ích kỷ, quan cách

Theo Hồ Chí Minh, các ông quan liêu khi được phân công phụ trách ở vùng nào thì như một vua con, ở đấy tha hồ hách dịch, hạnh họe. Cái đầu óc ông tướng, bà tướng ấy làm cho cấp dưới, đoàn thể xa cấp dưới, đoàn thể xa Nhân dân.

Thứ hai, bộ máy quan liêu

Bộ máy quan liêu là một thuật ngữ dùng để chỉ 1) cơ quan của các quan chức chính phủ không được bầu cử và 2) một nhóm người xây dựng chính sách hành chính. Về mặt lịch sử, một bộ máy quan liêu là một cơ quan quản lý của chính phủ do các bộ phận có cán bộ không liên quan đến bầu cử quản lý. Ngày nay, bộ máy quan liêu là hệ thống hành chính quản lý một tổ chức lớn bất kỳ. Hành chính công ở nhiều quốc gia là một ví dụ của một bộ máy quan liêu.[3]

3. Điểm tiêu cực, tích cực của quan liêu:

Khi xem xét mọi cách khách quan, toàn diện thì mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới vật chất này đều có những mặt tích cực, tiêu cực. Quan liêu cũng không ngoại lệ, cụ thể:

Một, điểm tích cực của quan liêu

– Có thể vận hành, quản lý một tổ chức lớn dựa vào những quy định quy tắc: rất nhiều cơ quan ban ngành ngang nhau có thể dựa vào những quy định quy tắc đó để hoạt động theo một cùng một cách.

– Có đầy đủ cơ sở giám sát và có phân cấp quản lý, sẽ giúp khách hàng, người dân có thể kháng cáo đến cấp cao hơn.

Hai, điểm tiêu cực của quan liêu

– Hoạt động không có sự hiệu quả gây lãng phí lớn

– Thông tin giữa các văn phòng và các cấp có thể bị lệch lạc hoạt động không đúng đắn

– Cùng một việc có thể phải thực hiện lặp lại giữa các cấp hoặc ngang cấp

– Trong quá trình truyền thông tin, các văn phòng, cấp bậc dễ rơi vào tình trạng lệch lạc, thiếu đúng đắn. Các thủ tục, giấy tờ cũng là rào cản, mất thời gian và gây phiền phức.

– Quan liêu cũng thường chậm thay đổi khi có gì mới hoặc là chậm thực hiện thay đổi

4. Ý nghĩa thực sự của từ Quan liêu:

Trong từ “Quan liêu”, chữ liêu cũng mang nghĩa là quan lại. Từ này đã được sử dụng từ thời kỳ phong kiến ở Việt Nam và Trung Quốc với ý nghĩa là những người cùng làm quan, có vai vế bằng nhau. Cùng với đó là khái niệm “Bộ máy quan liêu” để chỉ chế độ tuyển dụng quan chức dựa trên cơ sở thi cử và thành tích.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội châu Âu có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là ở Pháp và Đức. Sự biến chuyển mạnh mẽ trong xã hội đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều học thuyết về xã hội. Max Weber – nhà kinh tế chính trị học vã xã hội học nổi tiếng người Đức đã đề ra một loạt khái niệm then chốt cho xã hội học tổ chức, trong đó có khái niệm “Bộ máy quan liêu” (Bureaucracy). Từ bureaucracy được hình thành từ 2 thành tố: “bureau” nghĩa là bàn giấy làm việc hoặc cơ quan của chính phủ; và “cracy” nghĩa là chính thể, chế độ (như democracy – chính thể dân chủ).

Như vậy Bureaucracy nếu chỉ dịch đơn giản thì có nghĩa là chế độ cơ quan bàn giấy. Khi dịch sang tiếng Việt với tên gọi “chế độ quan liêu”, từ này theo tinh thần của Max Weber đó là cơ cấu hành chính bổ nhiệm, là hệ thống chức vụ và nhiệm vụ được xác định rõ ràng, phân công phân nhiệm chính xác, hệ thống quyền hành có tôn ti trật tự, thúc đẩy sự phân công lao động và chuyên môn hóa. Theo đó, từ “quan liêu” ở đây là một tính từ trung tính chứ không hề mang nghĩa xấu như trong ngôn ngữ hàng ngày hiện nay mà chúng ta vẫn thường hiểu.

Hiểu được quan liêu là gì cũng như những biểu hiện của căn bệnh này là hết sức quan trọng. Đây là bí quyết để chúng ta ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, hãy ý thức cao và rèn luyện để xây dựng nhân cách trong sạch, nói không với quan liêu từ hôm nay nhé.

Từ khóa » Ví Dụ Về Tổ Chức Quan Liêu