Quản Lý Chất Lượng Và An Toàn Thực Phẩm ở Singapore

Một gian hàng hải sản ở Singapore (Ảnh: @marketfresh.sg)

Sự bùng nổ các bệnh liên quan đến thực phẩm đang tăng lên trên toàn thế giới. Hàng năm có khoảng 1,5 tỷ ca bệnh liên quan đến thực phẩm được thông báo với 3 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cho biết bệnh từ thực phẩm bao gồm rất nhiều triệu chứng khác nhau. Việc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm chính là chìa khóa cho việc bán sản phẩm. Việc các sản phẩm được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế giúp các công ty sản xuất thực phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo ở nhiều nước trên thế giới để tiếp cận các thị trường thực phẩm rộng lớn này và đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường có yêu cầu cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Singapore …

Singapore là một trong những nước có tỷ lệ mắc các bệnh do thực phẩm thấp nhất. Một điều đáng ngạc  nhiên là Singapore nhập khẩu tới 90% lương thực thực phẩm từ hơn 170 nước. Lý do là Singapore tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Trong thập kỷ qua, Singapore sản xuất các sản phẩm có giá trị cao và đổi mới. Điều này đã dẫn đến những thay đổi trong nỗ lực tiêu chuẩn hóa theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất… Với một ngành công nghiệp thực phẩm được quản lý tốt, đáng tin cậy và chất lượng cao, Singapore đã xây dựng được niềm tin đối vối sản phẩm thực phẩm và dinh dưỡng của họ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về việc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm được thực hiện như thế nào ở Singapore để đạt được kết quả như trên.

Việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm… được chính phủ Singapore quản lý chặt chẽ và phải tuân theo Luật Kinh doanh Thực phẩm (Sales of Food Act) năm 2002 được sửa đổi thay thế một số điều vào 7/12/2017, Quy định về thực phẩm (Food Regulations), Quy định về môi trường, sức khỏe cộng đồng (An toàn thực phẩm) (Environmental Public Health Food Hygiene Regulations) … Luật kinh doanh thực phẩm có hiệu lực để đảm bảo thực phẩm được bày bán tại Singapore là an toàn, phù hợp với người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đạo luật cũng đảm bảo việc cung cấp thông tin liên quan đến thực phẩm giúp cho người tiêu dùng đưa ra sự lựa chọn sáng suốt và ngăn chặn hành vi sai lệch liên quan đến bán thực phẩm. Các quy định về thực phẩm của Singapore có các chương quy định rất chặt chẽ về nhiều nội dung trong quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, như quy định về dán nhãn thực phẩm, các chất phụ gia thực phẩm cho phép sử dụng, các thành phần ngẫu nhiên xuất hiện trong thực phẩm, việc sử dụng các khoáng chất, dầu được hydro hóa một phần, quy định về hộp đựng thực phẩm, thực phẩm chiếu xạ …

Cơ quan thực phẩm Singapore (Singapore Food Agency/SFA) trực thuộc Bộ Bền vững và Môi trường (Ministry of Sustainability and the Environment/ MSE) là nơi cấp phép cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm (các nhà máy bánh và bánh kẹo bột mì, nhà máy chế biến sữa, các nhà sản xuất mì và mì ống …) hoặc đóng gói với mục đích phân phối cho các nhà bán buôn và bán lẻ. Cơ quan này cũng quản lý các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm, chẳng hạn như nhà hàng, quán cà phê, quán ăn nhẹ, siêu thị, toa xe thực phẩm di động và nhà cung cấp thực phẩm, lò mổ, kho lạnh bảo quản các sản phẩm thịt/cá. Với tư cách là cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm ở Singapore, SFA đã thiết lập một hệ thống an toàn thực phẩm tích hợp một cách hiệu quả để đảm bảo rằng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Một nhà máy thực phẩm ở Tampines, Singapore (Ảnh: Helen Tay/Guru)

Tất cả các công ty Singapore muốn nhập khẩu, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm thực phẩm được yêu cầu phải xin giấy phép có liên quan hoặc đăng ký với SFA. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng lưu ý là chính phủ Singapore có quy định rất chặt chẽ đối với từng loại mặt hàng nhập khẩu. Việc nhập khẩu các sản phẩm sữa và sản phẩm sữa, động vật tươi sống, thịt, cá được đánh giá là “rủi ro cao” và được kiểm soát chặt chẽ như yêu cầu cấp phép đối với nông trại nước ngoài, qua các quy trình kiểm tra, kiểm định. Việc nhập khẩu thịt, sản phẩm thịt, trứng tươi, sữa, động vật có vỏ như trai sò, hàu, vẹm, cua, tôm chỉ được phép từ các nguồn được phê duyệt bởi SFA. Mỗi lô hàng nhập khẩu  thịt phải kèm theo Giấy chứng nhận sức khỏe thú y. Hiện tại, Singapore đưa ra những hàng rào kỹ thuật hết sức khó khăn cho sản phẩm sữa của Việt Nam – một quốc gia vẫn nằm trong danh sách bị ảnh hưởng của bệnh lở mồm long móng (FMD) theo Tổ chức Thú y thế giới. Cá, sản phẩm cá, trái cây và rau quả tươi, thực phẩm chế biến, gạo được nhập khẩu từ bất cứ quốc gia nào nhưng phải có giấy phép của SFA. Trái cây tươi và rau quả nhập khẩu không được chứa bất kỳ loại thuốc trừ sâu bị cấm, và mức độ dư lượng thuốc trừ sâu hoặc dư lượng hóa chất độc hại không vượt quá mức quy định tại Luật Kinh doanh Thực phẩm hoặc khuyến nghị của FAO/WHO. Sản phẩm thực phẩm chế biến được sản xuất tại một cơ sở dưới sự giám sát thích hợp của cơ quan thực phẩm có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc có áp dụng một chương trình đảm bảo chất lượng được SFA chấp nhận, kèm theo những giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Tất cả các cơ sở thực phẩm đều được kiểm tra thường xuyên. Thực phẩm sản xuất tại các cơ sở này cũng phải được phân tích trong phòng thí nghiệm để kiểm tra tuân thủ Quy định về thực phẩm. Tất cả các cơ sở thực phẩm được đánh giá và phân loại theo cấp độ: A, B, C và D theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc kiểm tra được thực hiện ở các nội dung sau: Điều kiện chung của cơ sở, vận hành kho chứa, các bước chuẩn bị thực phẩm, thiết bị chế biến thực phẩm được sử dụng, tình trạng dịch hại, xe giao hàng, thực hành xử lý thực phẩm, vệ sinh cá nhân của người công nhân, ghi nhãn chi tiết thực phẩm đóng gói sẵn, chương trình kiểm soát chất lượng nội bộ, đào tạo nhân viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, tài liệu và hồ sơ lưu trữ, …

Ô nhiễm thực phẩm có thể xuất hiện ở bất cứ khâu nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ quá trình sản xuất đến tiêu dùng. Đó có thể là kết quả của một số dạng ô nhiễm môi trường bao gồm ô nhiễm nước, đất hoặc không khí, cũng như việc bảo quản và chế biến thực phẩm không an toàn. Do đó, việc áp dụng một hệ thống quản chất lượng và an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buộc.

Singapore đã áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) như khung phân tích và quản lý rủi ro an toàn thực phẩm đối với công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp bán lẻ tại Singapore. Tất cả các đơn vị sản xuất và dịch vụ thực phẩm cần phải áp dụng hệ thống này. HACCP là hệ thống giúp nhận diện, đánh giá, và kiểm soát các mối nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm thông qua việc phân tích và kiểm soát các mối nguy sinh học, hóa học, vật  lý và các tác nhân dị ứng từ nguyên liệu thô, quá trình mua và xử lý nguyên liệu, đến quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ thành phẩm. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chương trình tiên quyết như Thực hành sản xuất tốt (Good Manufacturing Practice/GMP), chương trình vệ sinh và khử trùng, kiểm soát dịch bệnh đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo thực hiện thành công hệ thống HACCP.

SFA cũng hỗ trợ xây dựng kế hoạch HACCP cho các cơ sở sản xuất và cung  cấp dịch vụ thực phẩm ở địa phương được lựa chọn. Đồng thời thực hiện việc kiểm tra thực hiện HACCP với các cơ sở được lựa chọn và đề xuất các hành động khắc phục đối với các điểm kiểm soát trọng điểm đã được xác định.

Việc áp dụng hệ thống HACCP đáp ứng yêu cầu của Cơ quan thực phẩm Singapore trong đảm bảo an toàn sản phẩm, ngăn chặn sự cố thực phẩm lớn, khắc phục những hạn chế của kiểm soát chất lượng truyền thống, ví dụ như lấy mẫu ngẫu nhiên, tạo niềm tin với khách hàng, truyền thông, hệ thống pháp luật.

Trang trại trồng rau Sky Green – một trang trại thẳng đứng với 9 triệu giá trồng ở Singapore

(Ảnh: @consciouscookieee)

Bên cạnh đó, Singapore cũng áp dụng quy tắc Thực hành nông nghiệp tốt trong canh tác rau  (Good Agriculture Practice for vegetable farming/GAP-VF) để đảm bảo an toàn cho sản phẩm cây trồng và áp dụng Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt trong chăn nuôi cá (Good Aquaculture Practice for fish farming/GAP-FF) để đảm bảo chất thủy sản đầu vào… Đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất.

Chính phủ Singapore cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo, trang bị các kỹ năng cho người lao động… Các nhà tuyển dụng, hiệp hội ngành công nghiệp, các cơ sở giáo dục, công đoàn và chính phủ Singapore đã xây dựng khung kỹ năng cho lực lượng lao động Singapore. Khung kỹ năng cung cấp thông tin quan trọng về nghề nghiệp, vai trò công việc, cũng như các kỹ năng mới nổi hiện có và cần thiết  cho các ngành nghề/công việc. Nó cũng cung cấp một danh sách các chương trình đào tạo các kỹ năng để giúp lực lượng lao động nâng cao trình độ làm chủ các kỹ năng mới đồng thời bất cứ ai quan tâm cũng có thể đăng ký tham gia. Có rất nhiều khóa học hữu ích: như khóa học về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người bán lẻ thực phẩm… Lệ phí sẽ được hỗ trợ một phần nếu như người học đang làm việc trong các ngành công nghiệp tại Singapore.

Có thể thấy, việc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm được thực hiện một cách có hiệu quả tại Singapore. Với việc kiểm soát một cách chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý thực phẩm đã tạo ra những thay đổi trong các nỗ lực tiêu chuẩn hóa theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và hỗ trợ các nhu cầu xã hội và đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường. Sự đổi mới, phát triển sản phẩm mới và áp dụng công nghệ mới cũng rất được quan tâm. Việc đào tạo các kỹ năng cho người làm việc trong ngành thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng được chú trọng đầu tư. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung, là sự hợp tác của ngành công nghiệp, các nhà quản lý và người tiêu dùng Singapore. Việt Nam chúng ta cũng có thể học hỏi các kinh nghiệm trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm của Singapore. Các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam có thể tiếp cận cách quản lý, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP trong quá trình sản xuất, trong chuỗi cung ứng để đáp ứng tốt các yêu cầu của nước nhập khẩu và thị trường quốc tế.

                                                                                                                                          Khuất Thị Thủy 

Viện Công nghiệp thực phẩm

—————–

Tài liệu tham khảo: 

https://sso.agc.gov.sg/Act/SFA1973#pr11-

https://sso.agc.gov.sg/Act/SFA1973#pr11-https://sso.agc.gov.sg/SL/SFA1973-RG1

https://www.enterprisesg.gov.sg/media-centre/news/2019/march/why-standards-matter-in-the-food-industry

https://www.sfa.gov.sg/food-information/food-safety-education/singapores-food-safety-standards

https://nongnghiep.vn/chien-luoc-an-ninh-luong-thuc-cua-singapore-d260618.html

How Businesses Can Import Food into Singapore

https://vntradesg.org/cap-nhat-quy-dinh-nhap-khau-va-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-cua-singapore/

Từ khóa » đạm Cá Vi Sinh Singapore