Quản Lý Chi Tiêu Công - Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia

quan-ly-chi-tieu

Tác giả: PGS, TS. Lê Chi Mai

Số trang: 320tr

Giá tiền: 77.000đ

Chi tiêu công là các khoản chi tiêu của các cấp chính quyền, các đơn vị quản lý hành chính, các đơn vị sự nghiệp được sự kiểm soát và tài trợ bởi Chính phủ. Chi tiêu công phản ánh giá trị các loại hàng hóa mà Chính phủ mua vào để qua đó cung cấp các loại hàng hóa công cho xã hội nhằm thực hiện các chức năng của Nhà nước.

Hiện nay ở Việt Nam, sự phát triển của xã hội trong giai đoạn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã cho thấy, chi tiêu công hoàn toàn không mất đi mà trái lại nó tạo ra sự tái phân phối giữa các khu vực trong nền kinh tế. Chính phủ đóng vai trò là trung tâm của quá trình tái phân phối thu nhập. Thông qua các khoản chi tiêu công, Chính phủ “bơm ra” lại cho xã hội những khoản thu nhập đã lấy đi của xã hội từ các khoản nộp thuế bằng việc cung cấp những hàng hóa công cần thiết mà khu vực không có khả năng cung cấp hoặc cung cấp không hiệu quả. Với cơ chế này, Chính phủ thực hiện tái phân phối của xã hội công bằng hơn, khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng ổn định.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu trong lĩnh vực chi tiêu công, đặc biệt là chuyên ngành quản lý tài chính công, cũng như để các cán bộ, công chức nắm vững những nội dung cơ bản về lĩnh vực này phục vụ cho công tác quản lý, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Quản lý chi tiêu công (Sách chuyên khảo). Do PGS, TS. Lê Chi Mai, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn.

Nội dung cuốn sách gồm ba phần:

Phần I: Chính phủ và chi tiêu công. Vai trò và chức năng kinh tế của Chính phủ tạo cơ sở khách quan cho sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế. Chi tiêu công là một trong những công cụ chủ yếu của Chính phủ nhằm can thiệp vào nền kinh tế để thực hiện những mục tiêu của mình đó là: phân bổ nguồn lực, phân phối lại thu nhập và ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, để bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ phải quản lý chặt chẽ chi tiêu công, bảo đảm mục tiêu và hiệu quả của chi tiêu công.

Phần II: Các nội dung quản lý chi tiêu công. Quản lý chi tiêu công bao gồm các nội dung: Lập ngân sách; Chấp hành ngân sách và Sử dụng các công cụ để theo dõi, giám sát và kiểm tra chi tiêu công.

Phần III: Cải cách quản lý chi tiêu công. Phân tích xu hướng cải cách quản lý chi tiêu công trên thế giới, thực trạng cải cách chi tiêu công ở Việt Nam và những thách thức đặt ra trong lĩnh vực chi tiêu công, tác giả đã đưa ra phương hướng cải cách chi tiêu công ở nước ta theo phương thức: Lập ngân sách theo kết quả điều tra và Lập ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn.

Với những nội dung trên, cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và bạn đọc quan tâm.

Từ khóa » Chi Tiêu Công