QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM
Có thể bạn quan tâm
Dạy thêm học, thêm được đánh giá là hoạt động có giá trị bổ sung thêm kiến thức cho học sinh, giúp học sinh nâng cao lực học sau một thời gian rèn luyện và cũng là cơ hội để giáo viên nắm bắt rõ hơn về năng lực của học sinh, kịp thời điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học phù hợp với đối tượng.
Dạy thêm, học thêm với những ý nghĩa tích cực được nghi nhận, đồng thời xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực đang diễn ra làm bức xúc trong xã hội hiện nay, cần có những giải pháp phù hợp hơn. Thực tiễn đã xảy ra tình trạng giáo viên ép buộc người học phải đi học thêm mặc dù các em không có nhu cầu; để học sinh phải học thêm, giáo viên đã cắt xén chương trình chính khóa, không dạy hết trách nhiệm trong giờ học chính khóa và học sinh không đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra nếu không tham gia học thêm.
Vậy làm thế nào để quản lý tốt dạy thêm, học thêm trên địa bàn? Để hạn chế và tiến đến chấm dứt những tiêu cực của vấn đề này, cần có giải pháp đồng bộ của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học) tổ chức.
Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm không do các cơ sở giáo dục nói trên tổ chức.
Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
I. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường:
a) Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết;
b) Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh;
c) Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường;
d) Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh;
đ) Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm; Danh sách người học thêm; Thời khóa biểu, sổ ghi đầu bài dạy thêm; Giáo án dạy thêm; Đơn xin học thêm; Hồ sơ tài chính theo quy định hiện hành;
e) Kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động dạy thêm, học thêm; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
2. Quản lý, tổ chức việc dạy và học, đảm bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm:
a) Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học;
b). Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá;
c). Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm;
d). Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh;
đ). Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
3. Bảo đảm các điều kiện quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm và quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm; Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
4. Chỉ đạo thu và quản lý tiền học thêmdạy thêm, học thêm trong nhà trường:
a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;
c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
II. Một số lưu ý trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Trong khi chờ Bộ GD&ĐT và các cấp có thẩm quyền hướng dẫn về dạy thêm, học thêm, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm (DTHT); Quyết định số 455/2012/QĐ-UBND Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.
2. Nhà trường cần làm tốt hơn việc phân loại từng khối, giỏi, khá, trung bình, yếu để dạy theo trình độ của học sinh, không nên gom chung để dạy làm cho học sinh giỏi nhàm chán, học sinh yếu không theo kịp; giáo viên chủ nhiệm lớp cần nắm chắc năng lực, học lực của từng học sinh để có thông tin đến phụ huynh những trường hợp cần thiết phải học thêm (tập trung bồi dưỡng phụ đạo học sinh yếu kém ngay từ đầu năm học nhất là học sinh đầu cấp, cuối cấp; tránh tình trạng học thêm tràn lan, chạy theo phong trào). Tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, giới thiệu các địa chỉ học trực tuyến, các phần mềm hỗ trợ có thể truy cập tham khảo kiến thức đối với học sinh có điều kiện.
3. Việc dạy thêm nên khẳng định theo các nguyên tắc cơ bản
a) Giáo viên được quyền dạy thêm;
b) Giáo viên không được o ép học trò phải học thêm khi không có nhu cầu, không phân biệt đối xử giữa học sinh có học thêm và không học thêm;
c) Thời gian dạy thêm học thêm không quá 1/3 tổng thời gian môn học, chỉ dạy nâng cao những kiến thức ngoài thời gian chính khoá, không phải dạy trước chương trình;
d) Giáo viên dạy thêm cần hệ thống công thức, kiến thức đã dạy, giải những bài tập nâng cao, nêu những kinh nghiệm, những kỹ năng của môn học.
4. Với trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục, cần xem xét đến chất lượng của đội ngũ giáo viên ở các cấp học, bởi vì việc dạy thêm học thêm cũng có nguyên nhân xuất phát từ chất lượng giáo viên không đồng đều, làm cho học sinh và phụ huynh thiếu tin tưởng và buộc phải học thêm, chứ không đơn thuần là khuyến khích bổ trợ kiến thức với những học sinh yếu, kém, trung bình, bồi dưỡng học sinh giỏi.
5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nhà giáo, người thầy giáo vừa phải có tâm, có tầm, phải nhiệt huyết đem hết năng lực và trí tuệ để truyền lại cho học trò ngay trên lớp học,… Vì hiện nay, qua phản ánh của dư luận thì vẫn còn một số ít giáo viên suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, bởi vì khi cho học sinh học ở nhà giáo viên thì dạy nhiệt tình hơn, kỹ hơn, trong lớp được quan tâm ưu ái hơn những học sinh không học thêm. Đây chẳng khác nào buộc học sinh phải học thêm và các bậc phụ huynh đều biết nhưng đành phải chấp nhận.
6. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm.
III. Một số hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý của Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Không nắm rõ các trường hợp không được dạy thêm hoặc tổ chức dạy thêm
a) Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
b) Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
c) Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập : (i) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; (ii) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
2. Chưa chỉ đạo nộp tiền thu học thêm vào tài khoản tiền gửi của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước; Chưa ghi hóa đơn thu tiền học thêm theo quy định; chậm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế; chưa thể hiện việc thực hiện các khoản thu chi trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
3. Còn nhiều hạn chế trong công tác xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm, xây dựng dữ liệu, học liệu; chưa phân loại học sinh theo trình độ năng lực; chưa thực hiện dạy học phân hóa đối tượng; khi phân công giáo viên dạy thêm, đôi khi còn nể nang, bình quân mà không dựa vào chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên đứng lớp.
4. Chưa thực hiện đầy đủ việc công khai các khoản thu chi theo quy định.
5. Buông lỏng quản lý kiểm tra; không kiểm soát được số lượng, chất lượng giáo viên dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; đặc biệt hiện tượng dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa gây bức xúc dư luận xã hội.
6. Vẫn thu tiền phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi.
IV. Quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
- Tại khoản 3 Điều Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “ 3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh ”.
- Tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “ 3. Điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trái với quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016” .
- Tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9//2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “ 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được ban hành các quy định về đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình. Những quy định về đăng ký doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành trái với quy định tại Khoản này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực ”.
- Ngày 26/8/2019 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT trên cơ sở căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư ngày 22/11/2016.
Từ các căn cứ pháp lý trên, Điều 11. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm bị bãi bỏ.
- Lưu ý: Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
V. Đối với Sở giáo dục và Đào tạo
1. Về cơ chế, chính sách
Sở GD&ĐT tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh “Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức thu học phí, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh”[1].
Tham mưu về quy định tỷ lệ sử dụng tiền dạy thêm học thêm môn văn hóa, dạy tiếng Anh tự chọn (lớp 1, lớp 2), tiền quản lý học sinh bán trú buổi trưa; dạy tiếng Anh của giáo viên người nước ngoài; dạy tiếng Anh tự chọn(lớp 1, lớp 2); dạy, học kỹ năng sống: Dạy thêm học thêm các môn văn hóa; dạy tiếng Anh tự chọn (lớp 1, lớp 2).
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong dạy thêm, học thêm
Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT ngày 20/12/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra và phòng chống tham nhũng; Công văn số 449/TTr-VP ngày 01/11/2019 của Thanh tra tỉnh về tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật qua công tác thanh tra.
Thanh tra việc chấp hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực: Dạy thêm, học thêm; các khoản thu chi đầu năm học; an toàn trường học; thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và người học; thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài.
3. Đổi mới phương pháp dạy học; công tác kiểm tra, đánh giá; công tác quản lý giáo dục; phát huy vai trò của người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục; quan tâm đến người học, dạy học phân hóa đối tượng; thay đổi các hình thức dạy học
a) Đổi mới cách tiếp cận các thành tố của quá trình dạy học:
- Mục tiêu dạy học: Chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học;
- Chương trình dạy học: Chuyển từ tập trung, bao cấp sang phân cấp: Chương trình khung của Bộ, chương trình địa phương, chương trình nhà trường;
- Nội dung dạy học: chuyển từ nội dung kiến thức hàn lâm sang tinh giản, chọn lọc, tích hợp, đáp ứng yêu cầu ứng dụng vào thực tiễn và hội nhập quốc tế;
- Phương pháp dạy học: Chuyển từ chủ yếu truyền thụ một chiều, học sinh tiếp thu thụ động (hoạt động dạy của giáo viên là trung tâm) sang tổ chức hoạt động học cho học sinh, học sinh tự lực, chủ động trong học tập (hoạt động học của học sinh là trung tâm, giáo viên là người hỗ trợ, hướng dẫn);
b) Đổi mới hình thức dạy học: Các giờ học chuyển từ chủ yếu diễn ra trên lớp học truyền thống sang việc đa dạng hóa các hình thức dạy học, kết hợp cả trong và ngoài lớp học, ngoài nhà trường: dạy học tại di sản, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…Từ chủ yếu dạy học toàn lớp sang kết hợp giữa dạy học nhóm nhỏ, cá nhân với toàn lớp học;
c) Đổi mới kiểm tra đánh giá: Từ chủ yếu kiểm tra việc ghi nhớ kiến thức sang đánh giá năng lực; từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập sang kết hợp đánh giá kết quả học tập với đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ của học sinh;
d) Đổi mới các điều kiện dạy học: Chuyển từ việc chủ yếu khai thác các điều kiện giáo dục trong phạm vi nhà trường sang việc tạo điều kiện cho học sinh được học tập qua các nguồn học liệu đa dạng, phong phú trong xã hội, nhất là qua Internet; ... phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và chuẩn bị tâm thế cho học tập suốt đời
đ) Đổi mới công tác quản lý trong nhà trường: chuyển từ thực hiện kiểu quản lí áp đặt mệnh lệnh từ trên xuống sang đổi mới quản lý theo định hướng dân chủ hóa, phân cấp quản lí, giao quyền tự chủ để phát huy tính chủ động, sáng tạo phù hợp thực tế của các nhà trường, của giáo viên.
e) Giao quyền tự chủ cho tổ chuyên môn xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục: Hiệu trưởng giao cho tổ chuyên môn và giáo viên chủ động cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học trong chương trình giáo dục hiện hành thành những chủ đề dạy học, có thể chuyển một số nội dung dạy học thành các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thực hiện ngoài lớp học phù hợp với các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực; căn cứ vào chuẩn đầu ra được quy định trong khung chương trình quốc gia, giao quyền chủ động cho giáo viên và tổ chuyên môn trong việc lựa chọn tài liệu dạy học, tự xây dựng nội dung dạy học và cam kết đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình đạt được mục tiêu giáo dục.
V. Lời kết
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo để hình thành được năng lực, phẩm chất của người học, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Do đó phải đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản lý ở các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội cũng như bản thân của người học. Đặc biệt coi trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, cách đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ qua học tập; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; công tác quản lý giáo dục; phát huy vai trò của người đứng đầu trong các cơ sở giáo.
Thường xuyên, rà soát, cập nhật thông tin phản ánh của dư luận, phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu cực, sai phạm trong giáo dục và đào tạo; kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các nội dung theo chỉ đạo của cấp trên và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định.Triển khai và chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn công khai đường dây nóng và tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về giáo dục qua đường dây nóng, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên, hiệu quả.
Thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu qủa nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
[1]Tại điểm b, mục 6, Điều 99, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội có hiệu lực từ 01/7/2020 quy định “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Từ khóa » Giải Pháp Quản Lý Dạy Thêm Học Thêm
-
4 Giải Pháp Thầy Bùi Nam Kiến Nghị Bộ Ra Thông Tư Mới Quản Lý Dạy ...
-
Quản Lý Nhà Nước Với Dạy Thêm-học Thêm Như Thế Nào, Chuyên Gia ...
-
Dạy Thêm Học Thêm: Cấm Hay Tìm Giải Pháp để Quản Lý Hiệu Quả - VOV
-
Bình Đại: Tăng Cương Quản Lý, Giải Pháp Việc Dạy Thêm, Học Thêm
-
Quản Lý Hoạt động Dạy Thêm, Học Thêm - Báo Nhân Dân
-
Luẩn Quẩn Quản Lý Dạy Thêm, Học Thêm - Báo Thanh Niên
-
Cần Giải Pháp Căn Cơ Cho Tình Trạng Dạy Thêm, Học Thêm
-
Thực Trạng Và Các Giải Pháp Quản Lý Việc Dạy Thêm, Học ... - 123doc
-
Quản Lý Dạy Thêm Học Thêm Cần Giải Pháp đồng Bộ
-
Quản Lý Việc Dạy Thêm, Học Thêm: Cần Giải Pháp Từ Gốc
-
Kiến Nghị Có Giải Pháp Quyết Liệt Chấm Dứt Tình Trạng Học Thêm, Dạy ...
-
Luẩn Quẩn Quản Lý Dạy Thêm, Học Thêm | .vn
-
Nhiều Giải Pháp Chấn Chỉnh Việc Dạy Thêm, Học Thêm Tràn Lan
-
Nhiều Biện Pháp Quản Lý Dạy Thêm, Học Thêm - Hànộimới