Quản Lý Thuế Bán Hàng Online: Những Thách Thức Và Các Biện ...

Thời gian gần đây ở Việt Nam đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh online (việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, quảng cáo,…) thông qua các phương tiện như sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo,… Điều này gây không ít khó khăn cho các cơ quan thuế trong việc quản lý và thu thuế.

Những khó khăn và thách thức khi quản lý thuế bán hàng online

Thực tế hiện nay những cá nhân bán hàng online có doanh thu lớn xuất hiện ngày càng nhiều với các hình thức bán hàng trên Facebook như: Post bài, livetream, bán hàng thông qua các nhóm mở hay nhóm kín… Đây là thách thức với cơ quan thuế trong việc quản lý hình thức kinh doanh này. Theo Tổng cục Thuế, giao dịch thương mại điện tử có đặc điểm ảo, khó kiểm chứng thông tin nhận dạng, dễ dàng xóa bỏ, thay đổi nên khó khăn trong việc nắm bắt các giao dịch, do giao dịch chỉ bằng các tài liệu điện tử, diễn ra dễ dàng và trong thời gian ngắn ngay cả với nước ngoài. Do vậy, việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn như: Khó xác định chính xác người nộp thuế, doanh thu phát sinh,… (việc quản lý theo chức năng cũng có nhược điểm là thiếu đầu mối phát hiện đối tượng nộp thuế mới); khó nắm bắt quy mô hoạt động kinh doanh cũng như toàn bộ quá trình giao dịch… Đặc biệt, cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội không hiện diện tại địa điểm cố định, lại có trình độ công nghệ thông tin nhất định, cơ quan thuế khó xác định được doanh thu kinh doanh thực tế nếu chỉ căn cứ các thông tin giao dịch trên mạng xã hội.

Thực trạng việc quản lý thuế bán hàng online

Hiện tại cả hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đã triển khai việc thu thuế đối với những doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức bán hàng online. Theo đó các tổ chức, cá nhân có hoạt động mua bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… sẽ phải tiến hành kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình đối với cơ quan thuế. Dù cơ quan thuế đã gửi thư mời, nhắn tin cho các chủ tài khoản kinh doanh, bán hàng trên mạng xã hội nhưng số lượng chủ tài khoản đến kê khai thuế lại rất ít so với con số hơn 26.000 tài khoản đã được hai cục thuế Hà Nội và TP.HCM “tóm” được. Các chuyên gia cho rằng cơ quan thuế nên tập trung quản lý thu thuế những “ông lớn” doanh thu cao hoặc lợi dụng kinh doanh, bán hàng trên các trang mạng xã hội để trốn thuế, không nên để cả bộ máy cơ quan thuế phí sức thu thuế các cá nhân, hộ kinh doanh “cò con”. Hiện tại, các cơ quan thuế có nhiệm vụ thu thập thông tin, tập hợp lại để báo cáo với Cục Thuế. Nếu các tài khoản đã được mời đến làm thủ tục thuế mà không đến thì chi cục thuế vẫn mời tiếp, mời 2-3 lần mà chủ tài khoản này không đến thì chi cục thuế sẽ báo cáo với cục thuế có cách xử lý. Các biện pháp quản lý thuế bán hàng onlineNguyên nhân được đưa ra là do nhiều chủ tài khoản chưa được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ nên... ngại gặp cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ tích cực tuyên truyền người kinh doanh trên Facebook đến để được hướng dẫn đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, đăng ký thuế; kê khai các mặt hàng kinh doanh, doanh thu bán hàng, phương thức thanh toán… để họ yên tâm chứ không phải đến sẽ bị thu thuế.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM, cho biết thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động cá nhân, hộ đăng ký kinh doanh kê khai nộp thuế.

Các biện pháp quản lý thuế bán hàng online

Theo Bộ Tài chính cần có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh này nhằm thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử cũng như phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế.

Tại Dự thảo Luật Quản lý thuế đang lấy ý kiến hoàn thiện, Bộ Tài chính đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh online. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này. Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại; Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an,… phối hợp với các tổ chức tín dụng, các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động kinh doanh online. Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán tiền cung ứng dịch vụ theo phương thức thanh toán trực tuyến linh hoạt, như ví điện tử, thẻ visa, qua dịch vụ trung gian và thanh toán qua ngân hàng… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách chế độ thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế, kết hợp với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Thuế về doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh online nói riêng tạo điều kiện cho các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với việc đóng thuế, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế.

Trên đây là thực trạng và những khó khăn, thách thức đối với cơ quan thuế khi tiến hành quản lý việc kinh doanh online của cá nhân và doanh nghiệp cũng như các biện pháp để thu thuế kinh doanh qua mạng hiệu quả.

Từ khóa » Giải Pháp Thu Thuế Bán Hàng Online