Quan Niệm Đất Nước Của Nguyễn Khoa Điềm - Toploigiai

Mục lục nội dung Câu hỏi: Em hãy nêu quan niệm Đất nước của Nguyễn Khoa ĐiềmTrả lời:

Câu hỏi: Em hãy nêu quan niệm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Trả lời:

1. Phân tích sự vận động trong quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm để thấy được những điểm mới trong tư tưởng và hình thức biểu hiện về quan niệm đất nước được thể hiện qua bài thơ Đất Nước.

      Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã bắt nhịp trái tim của không biết bao nhiêu nghệ sĩ để đi vào thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc. Hồn thiêng đất nước, tinh thần dân tộc hào hùng được bắt nguồn từ “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”… tiếp nối bền vững qua mỗi thời kì. Tiếp nối truyền thống ấy, Nguyễn Khoa Điềm cũng viết nên bài thơ “Đất nước”. Đến với bài thơ “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần.

Quan niệm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

      Trường ca “Mặt đường khát vọng” được sáng tác trong thời kì tác giả sống và làm việc tại chiến khu Trị – Thiên từ 1971 và được xuất bản năm 1974 với nội dung nói về sự thức tỉnh của tầng lớp thanh niên đô thị vùng tạm chiếm trước bước ngoặt lịch sử của dân tộc, trong cuộc đối đầu giữa chính nghĩa và phi nghĩa để giành độc lập hòa bình cho Tổ quốc, cho dân tộc, về sứ mệnh của lớp người trẻ tuổi đối với đất nước. Đoạn trích “Đất Nước” thuộc phần đầu chương V của trường ca này, với cảm hứng chủ đạo “Đất Nước của Nhân dân”, là đoạn tiêu biểu của “Mặt đường khát vọng”.

      Trong đoạn thơ trữ tình – chính luận này, Nguyễn Khoa Điềm trình bày những cảm xúc và suy tưởng về đất nước dưới dạng một lời trò chuyện tâm tình, mạch cảm hứng và liên tưởng có vẻ tự do, phóng túng như một thứ tuỳ bút thơ. Nhưng thực ra, vẫn có một hệ thống lập luận khá chặt chẽ, tập trung thể hiện đất nước trên các bình diện chủ yếu sau đây: trong chiều dài thời gian lịch sử (quá khứ – hiện tại – tương lai); trong chiều rộng không gian – địa lí; trong bề dày của văn hoá – phong tục, lối sống, tâm hồn và tính cách dân tộc. Ba phương diện này được thể hiện trong sự gắn bó, thống nhất. Nhưng ở bất cứ phương diện nào thì tư tưởng cốt lõi cũng là quan niệm “Đất Nước của Nhân dân”. Tư tưởng này cũng chính là “hệ quy chiếu” mọi xúc cảm, suy tưởng và nhờ đó mà tác giả đã có những phát hiện mới mẻ, đặc sắc. Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần làm sâu sắc thêm cho ý niệm về đất nước của thơ ca thời kì chống đế quốc Mĩ.

Đất Nước không mở đầu một cách trang trọng mà hết sức bình dị, gần gũi:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

      Bằng những lời thơ bình dị mà tinh tế, khái niệm “Đất nước” đã được nêu lên thật cụ thể. Người đọc như được dẫn dắt trở về với quá khứ, với những điều thân quen đầy nhung nhớ “ngày xửa ngày xưa”, một khoảng không gian dài đằng đẵng hiện lên, thật xa vời nhưng cũng gần gũi đến lạ thường. Không xác định được một mốc dấu cụ thể, chính xác. Đó là Đất Nước của một nền văn học dân gian đặc sắc với những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết. Chính những câu chuyện cổ và những bài hát ru thuở ta còn nằm nôi là nguồn sữa ngọt lành chăm bẵm cho ta cái chân thiện mĩ và lớn lên ta biết yêu đất nước con người. Về ý nghĩa của truyện cổ với đời sống tinh thần con người, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã xúc động mà viết nên:

Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần

(Truyện cổ nước mình)

      Câu thơ thứ hai, nhà thơ diễn tả Đất Nước có trong “miếng trầu bây giờ bà ăn”. Gợi nhắc phong tục ăn trầu của người Việt. Câu thơ gợi nhớ về câu truyện cổ tích “Sự tích trầu cau” được xem là xưa nhất trong những câu truyện cổ. Tục ăn trầu cũng từ câu truyện này mà nên. Như vậy là thẩm thấu vào trong miếng trầu dung dị ấy là 4000 năm phong tục, 4000 năm dân ta gìn giữ phong tục ăn trầu. Miếng trầu là biểu tượng của tình yêu, vật chứng cho lứa đôi cũng là biểu tượng tâm linh của người Việt. Từ phong tục ăn trầu, tục nhuộm răng đen cũng ra đời:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

(Hoàng Cầm)

      Tiếp theo, đất nước được hiện lên qua hình ảnh những lũy tre xanh bên làng quanh năm mưa nắng nhọc nhằn. Đất nước đã lớn lên và vượt qua bao khó khăn từ khi người dân mình biết trồng tre đánh giặc, bảo vệ xóm làng, bảo vệ từng tấc đất thân yêu của quê hương. Nhà thơ diễn tả sự trưởng thành của Đất Nước. Đó là sự trưởng thành từ truyền thống đánh giặc giữ nước qua hình tượng Thánh Gióng và cây tre: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Câu thơ gợi nhắc cho ta nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng, chàng trai Phù Đổng Thiên Vương nhổ tre làng Ngà đánh giặc, gợi lên vẻ đẹp khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất.

      Hay cả những hình ảnh thật đơn giản, nhưng lại có một tình cảm dào dạt chan chứa, là hình ảnh mẹ bới tóc sau đầu, cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn. Rồi cả những hình ảnh mộc mạc tưởng như vô tri, vô giác nhưng lại mang một linh hồn của sự sống “cái cột”, “cái kèo”, hạt gạo tinh trắng tượng trưng cho hình ảnh đẹp đẽ của đất nước trải qua biết bao thăng trầm, chông gai.

      Đó là những vẻ đẹp mang thuần phong mỹ tục của con người Việt. Nguyễn Khoa Điềm đã gắn dòng suy tưởng đến con người ngàn đời cư trú, lao động, chiến đấu trên mảnh đất Việt để giữ gìn tôn tạo mảnh đất thân yêu. Ở đó đạo lí ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Ý thơ được toát lên từ những câu ca dao đẹp:

“Tay bưng đĩa muối chén gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”

      Câu thơ “Cái kèo cái cột thành tên”, gợi nhắc cho người đọc nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt. Đó là tục làm nhà sử dụng kèo cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Đó cũng là ngôi nhà tổ ấm cho mọi gia đình đoàn tụ bên nhau; siêng năng tích góp mỡ màu dồn thành sự sống. Từ đó, tục đặt tên con “cái Kèo, cái Cột” cũng ra đời.

      Đâu chỉ có những vẻ đẹp trên, dân tộc ta còn có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng”. Để làm ra hạt gạo ta ăn hằng ngày, người nông dân phải trải qua bao nắng sương vất vả gieo cấy, xay giã, giần sàng. Thấm vào trong hạt gạo bé nhỏ ấy là mồ hôi vị mặn nhọc nhằn của giai cấp nông dân. Bởi vậy, ăn hạt gạo dẻo thơm ta phải nhớ công ơn người đã làm ra nó:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

Câu thơ cuối cùng khép lại một câu khẳng định với niềm tự hào:

“Đất Nước có từ ngày đó”

      “Ngày đó” là ngày nào ta không rõ nhưng chắc chắn “ngày đó” là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa mà có văn hóa nghĩa là có đất nước. Thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào việc vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi tóc, truyền thống đánh giặc, truyền thống nông nghiệp. Nhà thơ sáng tạo thành ngữ dân gian, ca dao tục ngữ, thành ngữ… Điệp ngữ Đất Nước được nhắc lại nhiều lần. Nhà thơ luôn viết hoa hai từ Đất Nước tạo nên sự thành kính, thiêng liêng… Tất cả làm nên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng đúng giọng thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lí. Qua đoạn thơ, nhà thơ đã mang đến cho người đọc vẻ đẹp của một Đất Nước giàu văn hóa cổ truyền. Đất Nước của truyền thống, phong tục tươi đẹp mang đậm dấu ấn của tư tưởng Đất Nước của nhân dân.

      Tiếp đó là cảm nhận về đất nước trong sự thống nhất của các phương diện địa lí và lịch sử, không gian và thời gian. Ý niệm về đất nước được gợi ra từ việc chia tách hai yếu tố hợp thành là đất và nước với những liên tưởng gợi ra từ đó.

      Chúng ta biết là ở nhiều ngôn ngữ, từ đất nước thường được cấu thành từ những từ gốc là nơi sinh; quê hương, quê cha. Ở đây, lối “chiết tự” này có thể gợi ra cho thấy một cách quan niệm mang những đặc điểm riêng của dân tộc về khái niệm đất nước, mà tư duy thơ có thể tách ra, nhấn mạnh.

Đất là nơi anh đến trường 

Nước là nơi em tắm 

Đất Nước là nơi ta hò hẹn… 

      Đất Nước được tách ra thành hai thành tố nó gắn với kỉ niệm đáng yêu, đáng nhớ, thân thuộc của một đời người. Tách thành tố ĐẤT – để chỉ  con đường hằng ngày anh tới trường, là ngôi trường cung cấp hành trang tri thức cho mỗi chúng ta tự tin để làm chủ cuộc sống. Tách thành tố NƯỚC – là dòng sông nơi em tắm mát, dòng sông chở nặng phù sa làm tốt xanh những cánh đồng, bãi mía, nương dâu. Cách diễn giải ấy giúp ta hình dung cụ thể: Đất Nước là nơi ta lớn lên, học tập và sinh hoạt. Khi tách ra thì Đất Nước gắn với kỷ niệm riêng tư của mỗi người còn khi gộp lại Đất Nước lại sống trong cái ta chung. “Khi ta hò hẹn”, Đất Nước hòa nhập vào một, trở thành không gian hẹn hò, nâng bước và minh chứng cho tình yêu của hai đứa. Nơi trai gái hẹn hò gợi nên những không gian làng quê thanh bình yên ả: mái đình, hàng cau, lũy tre làng, chiếc cầu tre nho nhỏ… tất cả đều đẹp đều hài hòa và nồng đượm làm sao. Và khi hai đứa yêu nhau thì Đất Nước như cũng sống trong nỗi nhớ thầm của hai đứa “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Câu thơ đậm đà chất dân ca ca dao, đặc trưng của văn hóa Việt xưa xa, gợi nhắc cho ta bài ca dao nổi tiếng:

“Khăn thương nhớ ai  

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai

Khăn thương nhớ ai

Khăn lau nước mắt”.

      Chiếc khăn bé nhỏ, giản dị cũng thật đáng yêu và dễ thương làm sao, nó cũng là vật chứng cho tình yêu đôi lứa “Gói một chùm hoa/ Trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng/ Sang nhà hàng xóm” (Phan Thị Thanh Nhàn).

      Tiếp tục tách hai thành tố Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại lí giải sâu sắc hơn nữa về Đất Nước: Vẻ đẹp quê hương đất nước được tái hiện trong những lời ca dao toát lên lòng tự hào về non sông gấm vóc, về Cha Rồng Mẹ Tiên, gắn với lòng biết ơn tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức từng người Việt:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

      Tác giả cảm nhận Đất Nước trên bình diện không gian địa lý. Đất Nước được cảm nhận là “không gian mênh mông”. Có thể hiểu đó là núi sông, bờ cõi, là Bắc – Trung – Nam một dải. Là đất nước rừng vàng biển bạc. Trong ấy, bao thế hệ nối tiếp nhau quản lí đất nước từ dãy Trường Sơn hùng vĩ – “Nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” cho đến biển bờ Thái Bình Dương vỗ sóng mênh mang – nơi “Con cá ngư ông móng nước biển khơi”. Đó là nơi dân mình đoàn tụ, phát triển giống nòi và làm ăn sinh sống làm nên non sông gấm vóc Việt Nam.

      Tác giả cảm nhận Đất Nước không chỉ gắn liền với biên cương, lãnh thổ, địa lý mà Đất Nước còn gắn với lịch sử: đất nước được cảm nhận bằng chiều sâu “thời gian đằng đẵng”. Nguyễn Khoa Điềm với một tình cảm tự hào, ông gợi lại huyền sử lung linh về dòng dõi con Rồng cháu Tiên của dân Lạc Việt. Đó là truyền thuyết:

“Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

      Câu chuyện cổ “Sự tích trăm trứng” đã ra đời từ lâu đời nhằm lý giải nguồn gốc của người Việt. Từ câu chuyện ấy dân ta muôn đời ta tự hào mình là con rồng cháu tiên, con cháu Vua Hùng. Cho nên đất nước luôn tiềm tàng mối quan hệ giữa các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai: “Những ai đã khuất/ Những ai bây giờ”. Những ai đã khuất là những người trong quá khứ – những con người sống giản dị chết bình tâm, những con người đã có công dựng nước và phát triển đất nước. Những ai bây giờ là những người trong hiện tại, đang sống và chiến đấu. Tất cả đều ý thức sâu sắc về sứ mệnh “Yêu nhau và sinh con đẻ cái” bảo tồn nòi giống con dân Việt để góp vào một nhiệm vụ to lớn và thiêng liêng “Gánh vác phần người đi trước để lại”. Tất cả đều ý thức về tổ tiên và nguồn gốc tổ tiên, không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Câu thơ vận dụng sáng tạo câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”. Cho nên tự trong bản thân nó đã bao hàm lời nhắc nhở về nguồn gốc, dòng giống Tổ tiên. Hai chữ “cúi đầu” thể hiện niềm thành kính thiêng liêng mà rất đỗi tự hào về nguồn gốc cha ông. Cúi đầu để hướng về lịch sử về những Tổ Hùng Vương đã góp công dựng nên nước nhà Âu Lạc mà nay là nước Việt Nam hùng cường sánh vai bốn bể năm châu. Người Việt mình dù đi khắp thế giới nhưng trong tâm linh của họ luôn có một ngôi nhà chung để quay về. Đó chính là Quê cha đất Tổ Vua Hùng.

      Mạch thơ dẫn đến những suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi con người với đất nước, đây là cái đích, đồng thời cũng là điểm hội tụ những cảm nhận về đất nước trong phần một của đoạn thơ:

Trong anh và em hôm nay 

Đều có một phần Đất Nước 

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm […]

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình 

Phải biết gắn bó và san sẻ 

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở 

Làm nên Đất Nước muôn đời…

      Lời nhắc nhủ thế hệ trẻ vể trách nhiệm với đất nước, không mang giọng “giáo huấn”, mà như một lời tâm sự, tự nhủ chân thành từ đáy lòng mình.

      Tư tưởng cơ bản trong phần 2 của đoạn trích Đất Nước là quan niệm “Đất Nước của Nhân dân”. Thực ra, tư tưởng này đã thấm nhuần ở ngay phần đầu, nhưng được khơi sâu, phát triển thêm nhiều bình diện và làm nổi bật lên trong phần 2 của đoạn trích.

      Trở lại với bình diện không gian – địa lí, nhà thơ góp một cách phát hiện mới và độc đáo về những thắng cảnh thiên nhiên của đất nước (đoạn từ “Những người vợ nhớ chồng” đến “Những cuộc đời đã hoá núi sông ta”). Những cảnh quan kì thú của non sông gấm vóc (đá Vọng Phu, núi Con Cóc, Con Gà ở Vịnh Hạ Long, hòn Trống Mái, núi Bút non Nghiên, ...) không chỉ là tặng vật của tạo hoá, thiên nhiên, mà đã gắn liền với cuộc sống con người; nó chỉ trở thành thắng cảnh qua sự cảm nhận của tâm hồn dân tộc, nên đã gắn liền với lịch sử dân tộc. (Trong kho tàng văn học dân gian, có rất nhiều truyộn cổ tích và câu ca dao gắn liền với những thắng cảnh thiên nhiên). Nếu không có những người vợ mòn mỏi trông đợi chồng qua những cuộc chiến tranh và li tán thì cũng không thể có sự tích về những đá Vọng Phu ở nhiều nơi trên đất nước ta; nếu không có truyền thuyết Hùng Vương dựng nước thì cũng không thể có cách cảm nhận độc đáo về vẻ hùng vĩ của vùng đồi núi Phong Châu (“Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương”). Điều đặc sắc là ở đây, cái nhìn của nhà thơ thấm sâu ý thức về Nhân dân, về những con người bình thường đã góp phần mình làm nên đất nước (người vợ nhớ chồng, cặp vợ chồng yêu nhau, người học trò nghèo). Và cũng không chỉ ở những thắng cảnh mà ở khắp mọi nơi đều có sự góp phần tạo dựng của những người dân bình thường:

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha.

Và tác giả dẫn tới một khái quát sâu sắc :

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…

      Khi nói về bốn nghìn năm lịch sử của đất nước, nhà thơ không điểm lại các triều đại, các anh hùng nổi tiếng mà trước hết nhắc đến vô vàn những lớp người vô danh bình dị:

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.

      Những con người vô danh và bình dị đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau mọi giá trị văn hoá, văn minh tinh thần và vật chất của dân tộc: từ hạt lúa, ngọn nứa đến tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc, cho đến cả tên làng,… Họ cũng là những người khi:

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm 

Có nội thù thì vùng lên đánh bại.

      Mạch suy tưởng của tác giả dẫn đến tư tưởng trung tâm của đoạn thơ, cũng là hội tụ mọi xúc cảm của nhà thơ: “Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”. Và một cách tự nhiên, nhà thơ lại trở về với cội nguồn phong phú, đẹp đẽ là văn hoá dân gian. Câu thơ với hai vế song song, đồng đẳng: “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”, là một cách định nghĩa về đất nước, thật giản dị mà độc đáo. Bởi vẻ đẹp tâm hồn, truyền thống tinh thần của nhân dân, hơn ở đâu hết, có thể tìm thấy ở văn hoá dân gian, mà tiêu biểu là ở trong ca dao, dân ca, truyện cổ tích, thần thoại,… Tác giả chọn ba câu trong kho tàng phong phú của ca dao Việt Nam để nói về những phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, tâm hồn dân tộc Việt Nam: thật say đắm thiết tha trong tình yêu “Yêu em từ thuở trong nôi”; quý trọng tình nghĩa “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”; nhưng cũng thật quyết liệt với kẻ thù “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy – Đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Còn vẻ đẹp thơ mộng của núi sông đất nước thì như được kết đọng trong những câu dân ca, nhất là dân ca trên sông nước, hay cũng có thể nói chính tâm hồn giàu chất thơ của dân tộc ta đã hoà nhập, soi bóng cùng vẻ đẹp của núi sông rất nên thơ:

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu 

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát 

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác 

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.

      Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” thực ra đã hình thành từ trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc ta. Nhưng chỉ đến thời kì hiện đại, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ, tư tưởng ấy mới được nhận thức sâu sắc hơn do quan niệm duy vật về lịch sử, do vai trò to lớn, những hi sinh và đóng góp vô tận của nhân dân trong hai cuộc chiến tranh lâu dài và cực kì ác liệt. Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám, nhất là trong thời kì chống đế quốc Mỹ bởi mang tính dân chủ sâu sắc, đã được sáng tạo dưới ánh sáng của tư tưởng nhân dân và cảm hứng về đất nước.

      Cũng trong chiều hướng tư tưởng chung của thời đại mình, các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước đã có những phát hiện làm sâu sắc thêm tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”, thông qua sự trải nghiệm của chính mình, cùng chia sẻ những gian lao, hi sinh của nhân dân, và được sự chở che, đùm bọc của nhân dân. Các bài thơ của Nguyễn Duy (Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm), của Phạm Tiến Duật (Lửa đèn), những trường ca của Thanh Thảo (Những người đi tới biển), Hữu Thỉnh (Đường tới thành phố),… đều tập trung thể hiện hình ảnh nhân dân.

      Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm góp thêm một thành công trong dòng thơ về đất nước của thơ ca chống Mĩ cứu nước, làm sâu sắc thêm tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” của thời đại ấy.

      Đất Nước là đoạn thơ trữ tình – chính luận, cũng như toàn bộ trường ca Mặt đường khát vọng. Đoạn thơ kết hợp được cảm xúc và suy nghĩ, chính luận và trữ tình. Tuy có lúc còn dàn trải, trùng lặp, thiếu cô đọng hoặc chính luận có khi còn lấn át cảm xúc, nhưng những nét đặc sắc thành công của đoạn thơ này là rất rõ, không chỉ ở nội dung tư tưởng mà còn cả ở những sáng tạo trong nghệ thuật thơ, trong việc sử dụng thi liệu, sáng tạo hình ảnh. Tác giả đã sử dụng rộng rãi và sáng tạo các chất liệu của văn hoá dân gian – từ ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích đến phong tục và sinh hoạt hằng ngày. Điều đó tạo cho đoạn trích Đất Nước một không gian nghệ thuật riêng, mở ra một thế giới nghệ thuật hết sức quen thuộc, gần gũi mà mĩ lệ, bay bổng của văn hoá dân gian, kết tinh tâm hồn, trí tuệ nhân dân. Việc vận dụng văn hoá dân gian ở đây không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, mà là sự thấm sâu quan niệm “Đất Nước của Nhân dân” vào trong tư duy nghệ thuật và cảm hứng sáng tạo của nhà thơ.

      Đất nước được xem là một đề tài, cảm hứng chủ đạo của thơ ca thời kì kháng chiến chống Mĩ. Nguyễn Khoa Điềm đã nhận thức sâu sắc vai trò và sự đóng góp to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh trường kì và vô cùng ác liệt này. Chính vì thế mà tư tưởng đất nước của nhân dân từ trong văn học truyền thống đã được nhà thơ phát triển đến đỉnh cao, mang tính dân chủ sâu sắc. Cảm ơn nhà thơ, với những chất liệu quen thuộc được nhìn theo một cách mới lạ, từ đó để lại tình yêu và bài học sâu sắc cho nhân dân, cho tuổi trẻ muôn đời.

2. Điểm mới trong tư tưởng và hình thức biểu hiện về quan niệm đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

      Đất nước chính là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, của tâm hồn người nghệ sĩ. Từ xa xưa, ta bắt gặp hình ảnh đất nước trong những cánh cò trắng trên cánh đồng làng vào những chiều quê yên ả. Rồi ta bắt gặp đất nước “lưng đeo gươm  tay mềm mại bút hoa”, trong thơ Chế Lan Viên, một đất nước “rũ bùn đứng dậy sáng loà", đất nước của những mùa thu xưa và nay trong thơ Nguyễn Đinh Thi. Và khi đọc Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm ta lại gặp hình ảnh “đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại” ở toàn bộ chương Đất nước của bản trường ca này.

      Hình ảnh “đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại” được tác giả thể hiện bằng hình thức thơ trữ tình, chính luận. Đậm đà cảm xúc mà cũng giàu chất triết lý sâu xa, vừa đem đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về đất nước vừa giúp mỗi người yêu hơn , thương hơn đất nước mình.

      Theo Nguyễn Khoa Điềm, đất nước không là của riêng ai mà là của toàn nhân dân. Hàng triệu người vô danh từ thế hệ này sang thế hệ khác đã đổ mồ hôi và xương máu để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Có biết bao người con gái, con trai,             

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi 

Họ đã sống và chết.                                  

Giản dị và bình tâm,                                  

Không ai nhớ mặt đặt tên,                         

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.                   

      Trong suốt bốn nghìn năm dựng nước, nhân dân ta đã chiến đấu, lao động tạo nên bộ mặt lãnh thổ, nền văn hoá dân tộc, những mối quan hệ gia đình, làng xóm, tổ tiên, quan hệ với thiên nhiên, lịch sử...

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi,                                  

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

 Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy,                    

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta.                                      

      Đất Nước không phải là những gì xa xôi trừu tượng mà thật cụ thể, gắn bó thân thiết với tình cảm và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta:

Đất là nơi anh đến trường,                                          

Nước là nơi em tắm,                                                   

Đất Nước là nơi ta hò hẹn,                                            

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

      Và hiện hữu ngay trong bản thân mỗi người chúng ta:        

Trong anh và em hôm nay.                      

Đều có một phần Đất Nước,                      

Khi hai đứa cầm tay,                                

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm.

      Quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm có điểm khác với quan niệm phong kiến ngày xưa - đất nước là của nhà vua.

Nam quốc Sơn hà nam đế cư.     

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

(Lí Thường Kiệt)                        

      Quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm cũng có điểm khác với quan niệm của nhà yêu nước ở đầu thế kỉ XX - đất nước là của những bậc anh hùng làm nên lịch sử:

Nợ thuở trước đánh Tàu mấy lớp,    

Cõi trời Nam cơ nghiệp mở mang   .

Sông Đằng lớp sóng Trần Vương,    

Núi Lam rẽ khói mở đường nhà Lê. 

Quang Trung để từ khi độc lập,       

Khí anh hăng đầy lấp giang Sơn.     

(Phan Bội Châu)                            

      Về hình thức biểu hiện đất nước, bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng có mới mẻ, sáng tạo. Thơ ca cổ điển thường dùng tiếng cuộc kêu tượng trưng cho lòng nhớ thương nước nhà:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

(Bà Huyện Thanh Quan)

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.

(Nguyễn Khuyến)             

      Chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây vào những năm 20 của thế kỉ này, Tản Đà đã dùng hình ảnh bức dư đồ để tượng trưng cho đất nước:

Nọ bức dư đồ thư đứng cui,       

Sông sông, núi núi khéo bia cười

      Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Xuân Diệu viết Ngọn quốc kì ca ngợi  đất nước:

Việt Nam! Việt Nam! Cờ đồ sao vàng!   

Những ngực nén hít thở "Ngày độc lập"!

       Riêng Nguyễn Khoa Điềm sử dụng những hình ảnh trong ca dao, tục ngữ truyền thuyết muôn màu, muôn vẻ, trải dài trong không gian, xuyên suốt cả thời gian, lắng đọng trong tâm tưởng ta qua những liên tưởng kì thú để tượng trưng cho đất nước. Trước hết, đất nước đã có từ lâu đời, qua Sự tích trầu cau, truyền thuyết Thánh Gióng.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn,                

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

      Qua những mĩ tục thể hiện lối sông giàu tình nặng nghĩa:

Tóc mẹ thì bới sau đầu,                                

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.

      Qua đời sống lao động thật vất vả để lo cái ở, để lo cái ăn:

Cái kèo, cái cột thành tên,                                      

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay. giã, giần, sàng.

      Đất nước được coi là phần hay nhất của trường ca Mặt đường khát vọng . Nó tạo nên những tinh cảm tha thiết sâu lắng, những ngân rung trong lòng người đọc. Bài thơ còn tạo nên một tượng đài về Tổ quốc Việt Nam bằng thơ, tượng đài ấy vĩnh hằng qua thời gian, năm tháng và trong lòng mỗi người dân Việt Nam yêu đất nước mình.

3. Nét mới trong cảm nhận về Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

      Thơ ca giai đoạn 1945 - 1975 có nhiều sáng tác đặc sắc về đề tài đất nước, ví dụ: Nguyễn Đình Thi (Đất nước), Xuân Diệu (Mũi Cà Mau), Chế Lan Viên (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?), Trần Vàng Sao (Bài thơ của một người yêu nước mình)...

      Các sáng tác kể trên đều có sức sống lâu bền qua nhiều thế hệ những người yêu thơ bởi những đóng góp riêng độc đáo. Đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng có một đóng góp riêng đặc sắc. Đó là ở cái nhìn mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử - địa lí - văn hoá...

      Khác với nhiều tác giả đi trước và một số cây bút cùng thế hệ, thường tự tạo ra một khoảng cách để chiêm ngưỡng hình ảnh của Tổ quốc, với thái độ trân trọng đặc biệt, nên hay dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ, mang tính biểu tượng để thể hiện cảm nhận của mình về đất nước, phần mở đầu đoạn thơ trích được Nguyễn Khoa Điềm diễn đạt tự nhiên và bình dị:

Khi ta lớn lên đất nước đã có rồiĐất nước ở trong cái "ngày xửa ngày xưa" mẹ thường hay kể.Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ănĐất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.

      Đất nước thực ra rất thân thuộc, gần gũi. Có thể cảm nhận được về đất nước qua những gì hết sức đơn sơ: câu chuyện cổ tích mẹ kể, miếng trầu của bà, ngôi nhà mình ở, hạt gạo ta ăn...

      Giọng thơ suy tư thường vẫn hay đặt ra các câu hỏi và tự trả lời. Đoạn thơ mở đầu cũng có thể được coi là những câu trả lời cho câu hỏi: Đất nước có từ bao giờ? Và lịch sử lâu đời của đất nước ta được cắt nghĩa không bằng sự nối tiếp của các triều đại hay các sự kiện lịch sử mà bằng những câu thơ gợi nhớ đến các truyền thuyết xa xưa: truyện Trầu cau, truyền thuyết Thánh Gióng, nền văn minh sông Hồng cùng những phong tục, tập quán riêng biệt có từ lâu đời...đó chính là đất nước được cảm nhận ở chiều sâu của văn hoá và lịch sử.

      Tiếp theo, trong mạch thơ chính luận - trữ tình, là câu trả lời cho câu hỏi: đất nước là gì? là sự cảm nhận về đất nước trong sự thống nhất, hài hoà các phương diện địa lí và lịch sử, không gian và thời gian. Xuất thân từ một thế hệ trí thức trẻ mà những tri thức văn hoá được trang bị còn tươi rói, tác giả chia tách ý niệm đất nước thành hai yếu tố đất và nước để cảm nhận và suy tư sâu hơn không dừng lại ở bình diện khái niệm mà ở một bình diện khác sâu hơn, thể hiện một cái nhìn về hình tượng đất nước thiêng liêng bằng quan niệm mới của tuổi trẻ nên vừa mang tính cá thể vừa hết sức táo bạo: Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm / Đất Nước là nơi hai ta hò hẹn / Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...

      Trong mắt của người trẻ tuổi, đất nước này là cái cõi đầy thơ mộng với bao kỉ niệm dịu ngọt của tình yêu. Đất nước, cái không gian tuyệt diệu của tình yêu không chỉ của thế hệ hiện tại mà còn là của bao thế hệ đã đi qua hướng mãi suy tư của ta tới cội nguồn, tới: Những ai đã khuất. Những ai bây giờ. Yêu nhau và sinh con đẻ cái. Gánh vác phần người đi trước để lại. Dặn dò con cháu chuyện mai sau... Cái không gian của tình yêu ấy, theo dòng suy cảm của tác giả mà mở rộng các chiều kích, rồi hướng tới một cái nhìn toàn vẹn và nhiều chiều về đất nước trong chiều dài của lịch sử và chiều rộng của địa lí, chiều sâu của văn hoá và phong tục...Từ đó, mạch thơ hướng vào những suy ngẫm về trách nhiệm của thế hệ mình, một thế hệ tự ý thức về bổn phận của chính mình với đất nước:

Em ơi, Đất nước là máu xương của mìnhPhải biết gắn bó và san sẻPhải biết hoá thân cho dáng hình xứ sởLàm nên Đất Nước muôn đời...

      Đây là những lời tâm sự nhiều hơn là kêu gọi, giáo huấn. Vì thế, sức truyền cảm của ý thơ vẫn rất mạnh.

      Ở phần sau của đoạn trích, tác giả nhấn mạnh quan niệm Đất nước của nhân dân. Thực ra, đây cũng là tư tưởng cốt lõi của cả đoạn trích, nhưng ở phần sau thì được triển khai trên hai hướng vừa khơi sâu vừa phát hiện nhiều ý nghĩa mới. Những phát hiện thú vị và độc đáo của tác giả về đất nước trên các phương diện: địa lí, văn hoá, phong tục...muôn vàn những vẻ đẹp, theo tác giả, đều là kết tinh của bao công sức và khát vọng của nhân dân, của những người bình thường, vô danh. Đây là lí do vì sao khi nói về bốn nghìn năm lịch sử của đất nước, nhà thơ không điểm tên các triều đại cùng bao nhân vật anh hùng trong sử sách mà nhấn mạnh đến lớp lớp những người vô danh:

Có biết bao người con gái con traiTrong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổiHọ đã sống và chếtGiản dị và bình tâmKhông ai nhớ mặt đặt tênNhưng họ đã làm ra Đất Nước...

      Tóm lại, đoạn thơ là cảm nhận mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử - địa lí - văn hoá...

      Với một cái nhìn giàu suy tư, tư tưởng đất nước của nhân dân, do nhân dân làm ra được tô đậm là cảm hứng chủ đạo. Tất cả được biểu đạt bằng một giọng thơ trữ tình - chính luận sâu lắng, thiết tha. Nghệ thuật sử dụng nhuần nhị và sáng tạo các chất liệu văn hoá và văn học dân gian đem vào câu thơ hiện đại tăng thêm sức hấp dẫn của đoạn thơ.

4. Phân tích làm rõ tư tưởng Đất nước của Nhân dân trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

      Đất nước là một chủ đề được quan tâm hàng đầu đối với lịch sử văn học nước ta. Mỗi thời đại có một cách hiểu, cách quan niệm riêng về đất nước. Thời trung đại người ta thường quan niệm đất nước gắn liền với công lao của các triều đại, do các triều đại kế tiếp nhau gây dựng lên. Còn ở thời hiện đại, khi người ta nhìn thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, người ta mới thấy rằng đất nước là của nhân dân. Điều này tất nhiên càng được các nhà văn Việt Nam ý thức sâu sắc hơn ai hết khi dân tộc ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại chống Mỹ cứu nước. Tư tưởng xuyên suốt chương thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chính là tư tưởng đất nước của nhân dân.

      Thành công đầu tiên khi thể hiện tư tưởng đất nước của nhân dân là Nguyễn Khoa Điềm đã lựa chọn cho mình chất liệu văn hóa rất phù hợp đó là chất liệu văn hóa dân gian. Vẫn biết rằng chất liệu thuộc hình thức nghệ thuật của một bài thơ mà nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ còn trái tim là nghệ sĩ. Tuy nhiên việc thể hiện tiếng nói của trái tim là rất quan trọng. Văn hóa dân gian trong bài thơ là những câu tục ngữ ca dao, những làn điệu dân ca, những câu hò sông nước, những câu chuyện cổ tích, những phong tục tập quán mà Nguyễn Khoa Điềm đã gói gọn trong câu thơ: “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”.

      Nguyễn Khoa Điềm đi tìm đất nước ở cái ngày xửa ngày xưa trong câu chuyện cổ tích. Vì vậy nhà thơ mở đầu khúc ca đất nước bằng những câu thơ:

“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể

...

Đất nước có từ ngày đó”

      Trở về với cái “ngày xửa ngày xưa” ấy, nhà thơ đã phát hiện ra hai nguyên tố gốc, nguyên tố cơ bản làm ra đất nước đó là “đất” và “nước”. Trong quá trình hình thành thực thể đất nước cũng như phát triển đất nước “đất” và “nước” là hai tế bào đầu tiên. Nguyễn Khoa Điềm biến hóa, nhân đôi, sinh sôi nảy nở để trở thành cơ thể đất nước hoàn chỉnh. Tất cả những điều đó làm toát lên vẻ đẹp của nền văn minh lúa nước lâu đời. Cái hay của Nguyễn Khoa Điềm ở đây là ông không bê y nguyên câu tục ngữ ca dao nào thành thơ của mình mà dường như văn hóa dân gian thấm sâu vào tâm hồn ông ngay từ tấm bé qua câu hát điệu ru của bà của mẹ để bây giờ khi viết về đất nước, ông đã chưng cất nó, chắt lọc nó, xử lí nó qua lăng kính tâm hồn của mình. Thế là mỗi câu thơ dưới ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm phảng phất theo làn điệu dân ca, phỏng theo những điệu hát ca dao, phỏng theo câu truyện cổ tích.

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm”

Dùng thuyết âm dương, nhà thơ đã nhập đất vào với nước để tìm ra khái niệm đầu tiên:

Đất nước là nơi ta hò hẹn

...

Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ

      Với cách cắt nghĩa, khám phá để lí giải, tác giả khẳng định làm ra đất nước này đó chính là sự hò hẹn của đôi ta. Đôi ta ở đây chính là anh và em, là sự hóa thân của nhân dân. Nói cách khác nhân dân là người làm ra đất nước.

      Văn hóa dân gian là sản phẩm tinh thần của nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm đã mượn sản phẩm tinh thần của nhân dân để viết về tư tưởng đất nước của nhân dân, như vậy bài thơ Đất Nước từ nội dung đến hình thức nghệ thuật đều thấm đẫm tư tưởng đất nước của nhân dân. Và cứ như thế, không mạnh mẽ gân guốc, tác giả thủ thỉ thì thầm với người đọc để khẳng định rằng đất nước này trong bốn nghìn năm qua không ai khác ngoài nhân dân bằng những câu thơ:

“Khi hai đứa cầm tay

...

Đất nước vẹn tròn to lớn”.

      Đất nước này có phát triển, có vẹn tròn to lớn nhờ có chúng ta cầm tay mọi người, nhờ có tinh thần đoàn kết của nhân dân. Tinh thần đoàn kết ấy tạo ra sức mạnh cho đất nước, giúp đất nước phát triển to lớn.

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

...

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.

      Vẫn biết rằng một đất nước là sự cộng gộp của biết bao ngọn núi, con sông, ruộng đồng, gò bãi… Ở đâu cũng có tên đất, tên làng, tên núi, tên sông… Một mảnh đất chừng nào thiếu đi tên gọi, chừng ấy nó thiếu đi sự thiêng liêng của con người. Nhưng đặt tên gọi không tùy tiện bởi đằng sau tên gọi là một huyền thoại, đằng sau huyền thoại là một cuộc đời. Chính cuộc đời ấy, con người ấy ngã xuống bảo vệ đất nước này, làm nên đất đai của xứ sở.

      Hòn Vọng Phu ngàn năm còn đó như minh chứng cho lòng thủy chung, son sắt ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam bởi hai chữ Vọng Phu là chờ chồng. Đất nước ta đã phải trải qua ba mươi lăm năm của hai cuộc chiến tranh trường kì gian khổ, biết bao nhiêu người con trai ra trận, người con gái trở về nuôi cái cùng con. Đây chính là tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nội dung cũng là hình ảnh người học trò nghèo đã “góp cho Đất nước mình núi Bút non Nghiên”. Họ còn là người yêu quê hương, thổi hồn mình vào con cóc, con gà “cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh”. Đó là những người ta nhớ mặt đặt tên: “ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm” nhưng thử hỏi đất nước này có biết bao nhiêu con người ngã xuống vì ngày mai độc lập, ngã xuống để bảo vệ đất nước mà ta không nhớ mặt đặt tên:

“Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”

      Như đã nói là người chiến sĩ làm thơ, gót chân của Nguyễn Khoa Điềm đã in hằn trên mọi nẻo của Tổ quốc thân yêu. Đi đến đâu, nhìn vào lĩnh vực nào, khía cạnh nào, phương diện nào ông cũng đều chia sẻ tất cả là do nhân dân làm ra.

      Từ một tiền đề vững chắc, tác giả đã triển khai đất nước ở chiều dài thời gian lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước:

“Em ơi em

...

Người con gái trở về nuôi cái cùng con”

      Trong suốt bốn nghìn năm ấy, người Việt Nam cứ truyền ngọn lửa yêu nước từ lớp người này qua lớp người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lớp lớp người Việt Nam ra đánh trận để viết lên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trang sử ấy được viết lên bằng máu, bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng cuộc đời của biết bao con người. Nhận định về vấn đề này, Engels đã nói: “không có máu và nước mắt của nhân dân, dân tộc ấy không thể có lịch sử”.

      Đặt bài thơ Đất nước trong bối cảnh ngày hôm nay, khi nền văn học Việt Nam đang hội nhập với nền văn học thế giới. Mỗi người Việt Nam yêu nước cần phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Và thế là Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa khẳng định những thành công vốn có của bài thơ này, xứng đáng trở thành hành trang tinh thần của mỗi chúng ta.

      Vẫn biết rằng trường ca là một thể thơ dài, khó thuộc, khó nhớ và người viết trường ca dễ bị sa vào lối liệt kê, kể lể. Trích đoạn “Đất Nước” nói riêng, trường ca “Mặt đường khát vọng" nói chung tuy không tránh khỏi tùy vết này nhưng với tất cả những gì Nguyễn Khoa Điềm đã mang lại cho bài thơ Đất Nước với tư tưởng đất nước của nhân dân, “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm xứng đáng là những vần thơ của năm tháng không thể nào quên.

Từ khóa » đất Nước Của Nhà Thơ Nguyễn Khoa điềm